Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Yoga—Chỉ là thể dục hay còn gì khác?

Yoga—Chỉ là thể dục hay còn gì khác?

Yoga—Chỉ là thể dục hay còn gì khác?

NGÀY NAY, người ta rất quan tâm đến việc có thân hình thon thả, khỏe mạnh. Đó là lý do khiến nhiều người tìm đến các phòng tập thể dục và câu lạc bộ sức khỏe. Cũng vì lý do đó mà hàng ngàn người ở phương Tây đã đến với thuật yoga của phương Đông.

Những người bị căng thẳng, trầm cảm và bất mãn cũng tìm giải pháp và sự khuây khỏa qua thuật yoga. Đặc biệt từ thập niên 1960, thời của các híp-pi, ngày càng có nhiều người phương Tây chú ý đến các tôn giáo và thuật huyền bí của phương Đông. Các ngôi sao điện ảnh và ca sĩ nhạc rock đã biến thiền định, một môn trong yoga, trở thành phổ biến. Vì ngày càng có nhiều người chú ý đến thuật này, chúng ta có lẽ tự hỏi: ‘Phải chăng yoga chỉ là một môn thể dục giúp người tập khỏe mạnh, thanh thản tâm trí, và có thân hình đẹp? Có thể tập yoga mà không dính líu đến tôn giáo không? Thuật yoga có thích hợp với tín đồ Đấng Christ không’?

Nguồn gốc thuật yoga

Từ “yoga” trong tiếng Phạn có nghĩa là “ách”. Từ này cũng có thể mang nghĩa là hòa hợp, ràng buộc với nhau, hay đặt ách lên, làm chủ, điều khiển. Đối với người Ấn Độ Giáo, yoga là kỹ thuật hay sự rèn luyện đưa con người hòa nhập với một lực hay thần linh siêu nhiên mạnh mẽ. Thuật này đã được mô tả là “sự hòa hợp tất cả sức mạnh của thân thể, trí tuệ và tinh thần với Thượng Đế”.

Thuật yoga bắt đầu từ khi nào trong lịch sử? Người ta đã tìm thấy những con dấu với hình người ngồi trong nhiều tư thế yoga khác nhau ở vùng Thung Lũng Ấn Hà, ngày nay là Pakistan. Theo các nhà khảo cổ, nền văn minh Thung Lũng Ấn Hà bắt đầu từ giữa thiên niên kỷ thứ ba và thứ hai TCN, tức cận thời văn minh Mê-sô-bô-ta-mi. Những đồ tạo tác được tìm thấy ở cả hai vùng này đều có hình một người đàn ông, tượng trưng cho một vị thần, đội vương miện bằng sừng thú và có muông thú vây quanh, khiến người ta liên tưởng tới Nim-rốt, “tay thợ săn can-đảm”. (Sáng-thế Ký 10:8, 9) Người Ấn Độ Giáo cho rằng những hình người ngồi trong các tư thế yoga khác nhau đó là hình ảnh của thần Siva, chúa tể loài thú và thần của thuật yoga, thường được tôn thờ qua biểu tượng dương vật. Vì thế, cuốn Hindu World (Thế giới Ấn Độ Giáo) gọi yoga là “hệ thống những thực hành khắc kỷ, có nguồn gốc chủ yếu trước thời người Aryan và mang nhiều dấu tích của những khái niệm và tập quán sơ khai”.

Lúc đầu, các phương pháp rèn luyện yoga được truyền miệng từ đời này qua đời kia. Sau đó chúng được một bậc thầy yoga người Ấn, ông Patañjali, ghi lại chi tiết trong bộ Yoga Sutra. Cho đến nay cuốn sách này vẫn được xem là sách hướng dẫn căn bản thuật yoga. Theo ông Patañjali, yoga là “một nỗ lực có phương pháp nhằm đạt đến sự hoàn thiện bằng cách làm chủ các yếu tố khác nhau trong bản chất con người, cả về mặt thể chất lẫn tâm linh”. Từ khi bắt đầu xuất hiện cho đến nay, yoga luôn là một phần quan trọng trong các tôn giáo phương Đông, đặc biệt là trong Ấn Độ Giáo, đạo Jain và Phật Giáo ngày nay. Một số người tập yoga tin rằng thuật này sẽ giúp họ đạt tới moksha, tức sự giải thoát nhờ hòa nhập với một thần linh bao trùm khắp vũ trụ.

Vậy, một lần nữa chúng ta đặt câu hỏi: ‘Có thể tập yoga như một môn thể dục thuần túy, để có thân thể khỏe mạnh và tâm trí thanh thản mà không dính líu đến tôn giáo không?’ Với nguồn gốc như trên, câu trả lời hẳn phải là không.

Thuật yoga có thể đưa bạn đến đâu?

Mục đích của việc rèn luyện yoga là để đưa một người đến trạng thái được mang cùng “ách” hay hòa nhập với một thần linh siêu nhiên. Nhưng đó là thần linh nào?

Trong cuốn Hindu World, tác giả Benjamin Walker nói về thuật yoga như sau: “Đó có thể là hệ thống những pháp thuật cổ xưa, và về ý nghĩa, yoga vẫn có âm hưởng của thuật huyền bí và phù thủy”. Các triết gia Ấn Độ thừa nhận rằng việc tập yoga có thể khiến một người có khả năng siêu phàm, mặc dù họ vẫn thường nói đó không phải là mục đích tối hậu của thuật này. Thí dụ, trong cuốn Indian Philosophy (Triết học Ấn Độ), cựu tổng thống Ấn Độ, Tiến Sĩ S. Radhakrishnan đã bình luận như sau về người tập yoga: “Việc làm chủ cơ thể bằng các tư thế khiến một người trở nên vô cảm trước sức nóng và sức lạnh cực độ... Người tập có thể thấy và nghe ở khoảng cách xa... Việc truyền tư tưởng từ người này sang người khác mà không cần các cơ chế giao tiếp là rất có thể được... Người tập có thể tàng hình”.

Hình ảnh một người luyện yoga ngủ trên giường đinh, hoặc đi trên than nóng có thể bị một số người xem là trò lừa bịp hay trò đùa. Nhưng đó là những điều thường xảy ra ở Ấn Độ, cũng như việc đứng một chân trong khi ngước mặt ngó thẳng mặt trời trong hàng giờ, và kỹ thuật làm chủ hơi thở cho phép một người có thể được chôn trong cát trong một thời gian dài”. Tháng 6 năm 1995, tờ The Times of India đã tường thuật trường hợp một bé gái ba tuổi rưỡi được đặt nằm trong trạng thái bị thôi miên để cho một chiếc xe hơi nặng hơn 750 kilôgam cán qua bụng em. Trước sự kinh ngạc của đám đông, em bé đã tỉnh dậy mà không hề bị thương tích gì. Bài tường thuật nói thêm: “Đó hoàn toàn là sức mạnh yoga”.

Chắc chắn không một người bình thường nào có thể thực hiện những việc như thế. Vì vậy, tín đồ Đấng Christ phải tự hỏi: Những thành tích đó nói lên điều gì? Phải chăng đó là bởi quyền năng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”, hay bởi một nguồn nào khác? (Thi-thiên 83:18) Kinh Thánh có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này. Khi dân Y-sơ-ra-ên sắp bước vào Đất Hứa, nơi người Ca-na-an đang sinh sống, Đức Giê-hô-va đã bảo con cái Y-sơ-ra-ên qua Môi-se: “Chớ tập bắt chước những sự gớm-ghiếc của các dân-tộc ở tại đó”. “Những sự gớm-ghiếc” nào? Môi-se đã cảnh cáo họ không được dính líu đến “thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù-thủy, thầy pháp”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9, 10) Những điều đó gớm ghiếc trước mắt Đức Chúa Trời vì chúng là công việc của ma quỉ và của xác thịt tội lỗi.—Ga-la-ti 5:19-21.

Không phải là một sự lựa chọn cho tín đồ Đấng Christ

Dù những người cố vấn sức khỏe có nói ngược lại đi chăng nữa, chắc chắn yoga không chỉ đơn thuần là một môn thể dục. Cuốn Hindu Manners, Customs and Ceremonies (Phong cách, tập tục và nghi lễ Ấn Độ) kể lại kinh nghiệm của hai người mới tập yoga, dưới sự hướng dẫn của một thầy đạo. Một người nói: “Bằng một nỗ lực siêu phàm, tôi gắng nín thở thật lâu, và chỉ thở lại khi sắp xỉu... Có một lần, vào đúng giữa trưa thế mà tôi nghĩ mình đã thấy mặt trăng sáng tỏ vần qua vần lại. Một lần khác, tôi thấy mình bị bao bọc trong bóng tối dày đặc ngay giữa trưa. Thầy hướng dẫn tôi... rất hài lòng khi tôi kể những hình ảnh đó... Ông bảo đảm không bao lâu nữa tôi sẽ có những kinh nghiệm còn đáng kinh ngạc hơn từ sự hành xác của mình”. Người thứ hai kể: “Ông bắt tôi phải tập trung nhìn lên trời mỗi ngày, không được chớp mắt hay thay đổi tư thế... Đôi khi tôi có cảm tưởng mình thấy những tia lửa bắn ra trên không, lúc khác dường như tôi lại nhìn thấy những quả cầu lửa và các sao băng khác. Thầy rất vui về thành công của tôi”.

Dường như đối với các thầy đạo, những cảnh tượng lạ thường là kết quả tất yếu của quá trình tiến tới mục tiêu đích thực của việc rèn luyện yoga. Đúng vậy, mục tiêu chính của yoga là đạt đến moksha, có nghĩa là hòa nhập với một thần linh mạnh mẽ vô nhân tính nào đó. Nó được mô tả là “việc (cố ý) dừng hoạt động tự nhiên của lý trí”. Điều đó rõ ràng đi ngược lại với mục tiêu được đề ra cho các tín đồ Đấng Christ. Họ được khuyên: “Dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ [“với khả năng suy luận”, NW] của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.—Rô-ma 12:1, 2.

Lựa chọn cách tập thể dục là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ không để bất cứ điều gì—bất luận là việc rèn luyện thân thể, ăn, uống, chải chuốt, giải trí, hay bất cứ việc gì—làm tổn hại mối quan hệ của họ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Có rất nhiều cách lành mạnh không liên quan đến ma thuật hay thuật huyền bí cho những ai đơn thuần muốn rèn luyện sức khỏe. Nếu tránh xa những thực hành và niềm tin bắt rễ từ tôn giáo giả, chúng ta có hy vọng được hưởng hệ thống mới công bình của Đức Chúa Trời, nơi chúng ta sẽ mãi mãi có sức khỏe thể chất và tinh thần hoàn hảo.—2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:3, 4.

[Các hình nơi trang 22]

Nhiều người thích thú với những hoạt động thể dục không liên quan đến ma thuật