Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Kinh Thánh cung cấp sự hướng dẫn nào về việc dạy dỗ con cái cho các người cha hoặc mẹ Nhân Chứng Giê-hô-va có người hôn phối không tin đạo?

Có hai nguyên tắc Kinh Thánh chủ yếu cung cấp sự hướng dẫn việc dạy dỗ con cái cho một Nhân Chứng có người hôn phối không tin đạo. Một là: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Công-vụ 5:29) Còn nguyên tắc kia là: “Chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 5:23) Nguyên tắc sau không những áp dụng cho những người vợ có chồng là Nhân Chứng mà còn áp dụng cho những người có chồng không phải là Nhân Chứng. (1 Phi-e-rơ 3:1) Làm thế nào một người cha hoặc mẹ là Nhân Chứng có thể giữ thăng bằng trong cách áp dụng những nguyên tắc này khi dạy dỗ con cái?

Nếu người chồng là Nhân Chứng Giê-hô-va, anh có trách nhiệm cung cấp về vật chất lẫn thiêng liêng cho gia đình. (1 Ti-mô-thê 5:8) Dù người mẹ không tin đạo có thể dành nhiều thì giờ cho con cái hơn, nhưng người cha là Nhân Chứng phải dạy con cái về mặt thiêng liêng tại nhà và đem chúng đến các buổi họp đạo Đấng Christ; nơi đó các em ấy sẽ được lợi ích từ sự hướng dẫn đạo đức và sự kết hợp lành mạnh.

Còn nếu người vợ không phải là Nhân Chứng, nhất định đem con cái đến nơi thờ phượng hoặc dạy con về niềm tin của mình thì sao? Luật pháp quốc gia có thể cho người vợ quyền đó. Con cái có bị xiêu lòng tham gia các hành động thờ phượng tại những nơi đó hay không, phần lớn có thể tùy thuộc vào phẩm chất của sự dạy dỗ thiêng liêng của người cha. Khi con cái lớn lên, sự giáo dục thiêng liêng đến từ người cha hẳn sẽ giúp chúng theo lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Người cha tin đạo sẽ vui mừng biết bao nếu con mình chọn đứng về phía lẽ thật!

Nếu người mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va, chị phải tôn trọng nguyên tắc về quyền làm đầu trong khi vẫn quan tâm đến lợi ích vĩnh cửu của con cái. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Trong nhiều trường hợp, người chồng không tin đạo sẽ không phản đối việc chị dạy con cái về đạo đức và thiêng liêng, và các buổi họp của dân sự Đức Giê-hô-va giúp cho việc đạt đến mục tiêu đó. Người vợ có thể giúp người chồng không tin đạo thấy được lợi ích của sự giáo dục có tính cách xây dựng mà con mình nhận được qua tổ chức của Đức Giê-hô-va. Chị có thể tế nhị nhấn mạnh giá trị của việc vun trồng những nguyên tắc đạo đức của Kinh Thánh nơi con cái, khi chúng phải đương đầu với cuộc sống trong thế gian đang suy đồi về mặt luân lý.

Tuy nhiên, người chồng không tin có thể nhất định muốn con cái theo đạo của mình, đem con đến nơi thờ phượng và dạy con theo tôn giáo của ông. Hoặc có thể người chồng không tin tôn giáo nào và nhất định không cho con mình học về tôn giáo. Là gia trưởng, ông ấy là người có trách nhiệm chủ yếu về quyết định này. *

Dù tôn trọng quyền làm đầu của chồng, nhưng với tư cách là một tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, người vợ tin đạo sẽ ghi nhớ thái độ của hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng là những người đã nói: “Về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe”. (Công-vụ 4:19, 20) Vì quan tâm đến sự an lạc thiêng liêng của con cái, một người mẹ Nhân Chứng sẽ tìm những cơ hội để cung cấp sự hướng dẫn về đạo đức cho con. Chị có trách nhiệm trước Đức Giê-hô-va về việc dạy người khác những gì chị biết là đúng, và con cái của chị không phải là trường hợp ngoại lệ. (Châm-ngôn 1:8; Ma-thi-ơ 28:19, 20) Người mẹ Nhân Chứng có thể ứng xử tình huống khó khăn này như thế nào?

Hãy lấy thí dụ về niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Người vợ Nhân Chứng có thể không học Kinh Thánh với con được vì những hạn chế do chồng đặt ra. Có phải vì lý do này mà chị không nói cho con biết gì về Đức Giê-hô-va không? Không. Lời nói và hành động của chị sẽ tự nhiên phản ánh niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa. Chắc chắn con chị sẽ có những thắc mắc về đề tài này. Chị phải tự do thực hành quyền tự do tín ngưỡng bằng cách bày tỏ niềm tin của chị nơi Đấng Tạo Hóa, kể cả cho con cái của chị. Dù không thể học Kinh Thánh với con hoặc đem con đi nhóm họp đều đặn, nhưng chị vẫn có thể truyền đạt cho con sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7.

Nói về mối quan hệ giữa người Nhân Chứng và người hôn phối của mình, sứ đồ Phao-lô viết: “Chồng không tin Chúa, nhân vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhân chồng mình tin Chúa được nên thánh; bằng chẳng vậy, con-cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh”. (1 Cô-rinh-tô 7:14) Đức Giê-hô-va xem mối quan hệ hôn nhân là thánh vì cớ người tin đạo, và con cái được xem là thánh dưới mắt Đức Giê-hô-va. Người vợ Nhân Chứng phải cố hết sức giúp con mình hiểu lẽ thật, và để kết cục cho Đức Giê-hô-va lo liệu.

Khi khôn lớn, con cái phải vận dụng sự hiểu biết do cha mẹ cung cấp để quyết định lập trường của mình. Các em ấy có thể quyết định hành động theo lời Chúa Giê-su: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta”. (Ma-thi-ơ 10:37) Các em cũng được lệnh: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa”. (Ê-phê-sô 6:1) Nhiều người trẻ đã quyết định ‘vâng lời Đức Chúa Trời’ thay vì vâng lời cha hay mẹ không phải là Nhân Chứng, dù phải chịu đau khổ nơi tay cha hoặc mẹ. Thật mãn nguyện biết bao cho người cha hoặc mẹ là Nhân Chứng khi thấy con cái quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va dù bị chống đối!

[Chú thích]

^ đ. 7 Theo luật pháp, quyền tự do tín ngưỡng của người vợ bao gồm quyền tham dự những buổi họp đạo Đấng Christ. Trong vài trường hợp, người chồng không muốn bận tâm về con cái ở tuổi vị thành niên vào những lúc người vợ dự buổi họp, cho nên người mẹ yêu thương có bổn phận mang con cái đến các buổi họp.