Bạn còn nhớ không?
Bạn còn nhớ không?
Bạn có thích đọc những số Tháp Canh ra gần đây không? Hãy thử xem bạn có thể trả lời những câu hỏi sau đây không:
• Tính đồng cảm là gì, và tại sao tín đồ Đấng Christ nên vun trồng tính này?
Tính đồng cảm là khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, chẳng hạn như cảm nhận từ đáy lòng mình về nỗi đau của người khác. Tín đồ Đấng Christ được khuyên nên ‘thông cảm, yêu nhau và có lòng thương xót’. (1 Phi-e-rơ 3:8, An Sơn Vị) Đức Giê-hô-va nêu một gương mẫu cho chúng ta noi theo trong việc bày tỏ tính đồng cảm. (Thi-thiên 103:14; Xa-cha-ri 2:8) Chúng ta có thể nhạy cảm hơn trong vấn đề này bằng cách lắng nghe, quan sát và tưởng tượng.—15/4, trang 24-26.
• Để đạt được hạnh phúc thật, tại sao phải chữa lành về thiêng liêng trước khi giải quyết những tật nguyền về thể chất?
Nhiều người mạnh khỏe về thể chất nhưng không hạnh phúc, vì bị áp lực của quá nhiều vấn đề. Ngược lại, nhiều tín đồ Đấng Christ ngày nay mắc phải những tật nguyền về thể chất nhưng rất hạnh phúc phụng sự Đức Giê-hô-va. Những ai được chữa lành về thiêng liêng sẽ có cơ hội được thấy mọi tật nguyền biến mất trong thế giới mới.—1/5, trang 6, 7.
• Tại sao Hê-bơ-rơ 12:16 liệt Ê-sau vào hàng những người gian dâm?
Lời tường thuật của Kinh Thánh cho thấy Ê-sau biểu lộ một tinh thần đặt nặng vào việc hưởng thụ trước mắt và khinh thường những điều thánh. Nếu một người ngày nay để cho loại tinh thần như thế phát triển, điều đó có thể dẫn đến tội nặng, như tội tà dâm.—1/5, trang 10, 11.
• Tertullian là ai, và ông nổi tiếng về gì?
Ông là một nhà văn và là nhà thần học sống vào thế kỷ thứ hai và thứ ba CN. Ông nổi tiếng nhờ một số tác phẩm bênh vực đạo Đấng Christ trên danh nghĩa. Khi làm thế, ông du nhập những ý tưởng và khái niệm triết học mà sau này đặt nền tảng cho những giáo lý bị bóp méo, như Tam Vị Nhất Thể.—15/5, trang 29-31.
• Tại sao bệnh tật, hạnh kiểm và sự chết nơi loài người không phải hoàn toàn do gien?
Những nhà khoa học kết luận rằng gien di truyền là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật, và một số tin rằng hạnh kiểm cũng do các gien quyết định. Thế nhưng, Kinh Thánh cung cấp sự thông hiểu về nguồn gốc loài người, kể cả về cách tội lỗi và sự bất toàn đã thâm nhập vào thế gian loài người. Dù các gien có thể đóng một vai trò trong việc hình thành nhân cách của chúng ta, nhưng sự bất toàn và môi trường cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ.—1/6, trang 9-11.
• Làm sao một mảnh giấy chỉ thảo phát hiện ở Oxyrhynchus, Ai Cập, cho thấy rõ hơn về việc sử dụng danh Đức Chúa Trời?
Mảnh giấy chỉ thảo này ghi lại một đoạn của Gióp 42:11, 12 trong bản dịch Septuagint tiếng Hy Lạp chứa đựng danh Đức Chúa Trời được thể hiện bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ. Đây là bằng chứng nữa cho thấy danh Đức Chúa Trời bằng tiếng Hê-bơ-rơ xuất hiện trong bản dịch Septuagint, thường được những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp trích dẫn.—1/6, trang 30.
• Những màn giao đấu hung bạo và chết người của Đế Quốc La Mã được so sánh thế nào với những bộ môn thể thao được nhiều người xem ngày nay?
Một cuộc triển lãm gần đây ở đại hý trường Colosseum ở Rô-ma, Ý, nêu những nét tương đồng với thời nay bằng cách trình chiếu một đoạn băng video các cảnh đấu bò, quyền anh chuyên nghiệp, các cuộc đua xe ô-tô, mô-tô và những trận bạo loạn của khán giả. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu khắc ghi vào lòng sự kiện Đức Giê-hô-va không ưa thích sự hung bạo cùng những kẻ hung bạo, và tín đồ Đấng Christ thời nay cũng không thích. (Thi-thiên 11:5)—15/6, trang 29.
• Khi cố gắng trở thành những người dạy dỗ hữu hiệu, chúng ta có thể học được gì qua gương mẫu của E-xơ-ra?
E-xơ-ra 7:10 nêu bật bốn điều mà E-xơ-ra đã làm mà chúng ta có thể noi theo. Câu này nói: “E-xơ-ra đã [1] định chí [2] tra-xét luật-pháp của Đức Giê-hô-va, [3] giữ làm theo, và [4] dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật-pháp và giới-mạng”.—1/7, trang 20.
• Một nữ tín đồ Đấng Christ nên trùm đầu lại trong hai lĩnh vực hoạt động nào?
Một là trong khung cảnh gia đình. Việc chị trùm đầu phản ánh sự kiện chị thừa nhận chồng chị là người có trách nhiệm dẫn đầu trong gia đình về việc cầu nguyện và dạy dỗ Kinh Thánh. Lĩnh vực kia là trong các hoạt động của hội thánh, vì chị thừa nhận những anh đã làm báp têm được Kinh Thánh cho phép dạy dỗ và điều khiển. (1 Cô-rinh-tô 11:3-10)—15/7, trang 26, 27.
• Tại sao tín đồ Đấng Christ thừa nhận thuật yoga không chỉ là một phương pháp thể dục mà lại là điều nguy hiểm?
Mục đích của việc rèn luyện yoga là để đưa một người đến hòa nhập với một thần linh siêu nhiên. Trái với luật pháp của Đức Chúa Trời, yoga bao hàm việc dừng hoạt động tự nhiên của lý trí. (Rô-ma 12:1, 2) Yoga có thể đưa một người vào vòng nguy hiểm của ma thuật hay thuật huyền bí. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10, 11)—1/8, trang 20-22.