Bạn nên trung thành với ai?
Bạn nên trung thành với ai?
“Tổ quốc ta:... Mong sao nó luôn luôn đúng; nhưng dù đúng hay sai, đó vẫn là tổ quốc của chúng ta”.—Stephen Decatur, sĩ quan hải quân Hoa Kỳ, 1779-1820.
TRUNG THÀNH tuyệt đối với tổ quốc được nhiều người xem là nghĩa vụ cao cả nhất. Một số khác có thể sửa lời ông Stephen Decatur lại như sau: ‘Tôn giáo tôi, mong sao nó luôn luôn đúng; nhưng dù đúng hay sai, đó vẫn là tôn giáo của tôi’.
Trên thực tế, đất nước hay tôn giáo mà chúng ta nghĩ mình phải trung thành thường tùy thuộc nơi mình sinh ra, nhưng việc nên trung thành với ai là một quyết định vô cùng hệ trọng, không thể phó cho may rủi. Tuy nhiên, đặt nghi vấn về những nghĩa vụ trung thành mà một người được nuôi dạy phải tuân giữ đòi hỏi phải có sự can đảm và thường tạo nên nhiều thử thách.
Một thử thách đối với sự trung thành
Một phụ nữ sinh trưởng ở Zambia nói: “Tôi được hướng về đạo từ khi còn rất nhỏ. Cầu nguyện mỗi ngày trong phòng thờ của gia đình, giữ các ngày lễ tôn giáo, và đều đặn dự lễ đền thờ là một phần trong sự giáo huấn của gia đình.
Tôn giáo và sự thờ phượng của tôi liên kết rất chặt chẽ với văn hóa, cộng đồng và gia đình”.Nhưng đến tuổi thành niên, cô bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và không bao lâu sau đó cô quyết định đổi đạo. Đó có phải là hành động bất trung không?
Anh Zlatko sinh trưởng ở Bosnia, từng tham chiến một thời gian trong cuộc xung đột tàn phá quê hương anh. Anh cũng bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, và giờ đây đã từ chối cầm vũ khí chống lại đồng loại, bất kể đó là ai. Anh có phải là kẻ phản bội không?
Câu trả lời tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Người phụ nữ được nhắc đến ở trên nói: “Đối với cộng đồng tôi, thay đổi tôn giáo là mang một vết nhơ không thể tha thứ được; nó được xem là hành động bất trung, phản bội lại gia đình và cộng đồng”. Tương tự, các bạn chiến đấu cũ của Zlatko xem bất kỳ ai từ chối chiến đấu cho phía họ là phản bội. Nhưng cả người phụ nữ đó và Zlatko đều cảm thấy được thúc đẩy bởi một sự trung thành cao hơn—trung thành với Đức Chúa Trời. Quan trọng hơn nữa là Đức Chúa Trời có quan điểm nào về những người muốn trung thành với Ngài?
Lòng trung thành thật—Một biểu hiện của tình yêu thương
Vua Đa-vít nói với Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Đối với ai trung tín, Chúa đối xử trung tín lại”. (2 Sa-mu-ên 22:26, NW) Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “trung tín” ở đây có ý nói đến sự nhân từ yêu thương gắn bó với một đối tượng cho đến khi hoàn thành mục đích với đối tượng đó. Như thái độ của người mẹ đối với đứa con đang bú, Đức Giê-hô-va yêu thương gắn bó với những người trung thành với Ngài. Đức Giê-hô-va nói với những tôi tớ trung thành của Ngài trong nước Y-sơ-ra-ên xưa: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”. (Ê-sai 49:15) Những ai sẵn sàng đặt sự trung thành với Đức Chúa Trời lên hàng đầu chắc chắn được Ngài yêu thương chăm sóc.
Lòng trung thành với Đức Giê-hô-va bắt nguồn từ tình yêu thương. Tình yêu thương đó khiến một người yêu những gì Đức Giê-hô-va yêu và ghét những điều ác Ngài ghét. (Thi-thiên 97:10) Vì đức tính nổi bật nhất của Đức Giê-hô-va là yêu thương, nên lòng trung thành với Ngài sẽ giúp một người tránh hành động thiếu yêu thương đối với người khác. (1 Giăng 4:8) Do đó, nếu một người phải thay đổi tín ngưỡng vì trung thành với Đức Chúa Trời, điều đó không có nghĩa là người đó không còn yêu gia đình mình nữa.
Lòng trung thành với Đức Chúa Trời—Một động lực tốt
Người phụ nữ được đề cập ở trên giải thích hành động của mình như sau: “Khi học hỏi Kinh Thánh, tôi nhận ra Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật và phát triển mối quan hệ cá nhân với Ngài. Đức Giê-hô-va không giống với bất kỳ vị thần nào mà tôi từng thờ phượng; Ngài hoàn toàn thăng bằng trong tình yêu thương, sự công bình, khôn ngoan và quyền năng. Vì Đức Giê-hô-va đòi hỏi sự tin kính chuyên độc, nên tôi phải từ bỏ các thần khác.
“Cha mẹ luôn nói rằng họ bất bình và thất vọng về tôi. Điều đó khiến tôi rất khó xử vì sự chấp nhận của cha mẹ rất có ý nghĩa đối với tôi. Nhưng khi có sự hiểu biết nhiều hơn về lẽ thật Kinh Thánh, tôi thấy rõ điều mình phải lựa chọn. Tôi không thể quay lưng lại với Đức Giê-hô-va.
“Chọn trung thành với Đức Giê-hô-va thay vì các truyền thống tôn giáo không có nghĩa là tôi bất trung với gia đình. Qua lời nói và hành động, tôi cố gắng cho họ thấy rằng tôi hiểu cảm nghĩ của họ. Ngược lại, nếu tôi không trung thành với Đức Giê-hô-va, gia đình tôi có thể sẽ không bao giờ được biết về Ngài, đó mới thật sự là bất trung với gia đình”.
Cũng vậy, giữ trung lập về chính trị và từ chối cầm vũ khí chống lại người khác vì trung thành với Đức Chúa Trời không phải là hành động phản bội. Đây là lời giải thích của Zlatko về hành động của mình: “Mặc dù lớn lên là người Ki-tô Giáo theo danh nghĩa, nhưng tôi kết hôn với một người ngoại đạo. Khi chiến tranh bùng nổ, cả hai bên đều đòi hỏi tôi phải trung thành. Tôi bị buộc phải lựa chọn chỉ chiến đấu cho một phía. Tôi ở trong quân ngũ ba năm rưỡi. Cuối cùng, vợ chồng tôi trốn được sang Croatia và gặp Nhân Chứng Giê-hô-va ở đó.
“Qua học hỏi Kinh Thánh, chúng tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va mới là Đấng mình phải trung thành trên hết, và Ngài muốn chúng ta yêu thương người lân cận bất kể tôn giáo, chủng tộc của họ. Bây giờ vợ chồng tôi có thể hợp nhất với nhau trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va; tôi hiểu rằng mình không thể vừa trung thành với Đức Chúa Trời vừa chiến đấu chống lại người lân cận”.
Lòng trung thành được vun đắp từ sự hiểu biết chính xác
Vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, nên lòng trung thành với Ngài đáng được đặt trên mọi sự trung thành khác. (Khải-huyền 4:11) Tuy nhiên, lòng trung thành với Đức Chúa Trời phải được vun đắp từ sự hiểu biết chính xác, nếu không sẽ trở thành cuồng tín và phá hoại. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Phải làm nên mới trong quyền lực thúc đẩy tâm trí anh em, và mặc lấy nhân cách mới, tức là nhân cách đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự... trung tín thật”. (Ê-phê-sô 4:23, 24, NW) Người đàn ông nổi tiếng viết những lời được soi dẫn này đã can đảm đặt nghi vấn về những nghĩa vụ trung thành mà ông được dạy dỗ. Sự suy xét đó đã giúp ông có một sự thay đổi mang lại lợi ích.
Thật vậy, Sau-lơ đã phải đương đầu với sự thử thách lòng trung thành như nhiều người ngày nay. Ông lớn lên với những truyền thống nghiêm nhặt của gia đình, và trở thành người đặc biệt trung thành với đạo tông truyền. Sự trung thành với những lý tưởng tôn giáo của ông đã khiến ông hành động hung bạo chống lại những người không đồng quan điểm. Sau-lơ có tiếng hay xông vào nhà các tín đồ Đấng Christ và bắt họ đem đi trừng phạt, thậm chí giết họ.—Công-vụ 22:3-5; Phi-líp 3:4-6.
Nhưng khi nhận được sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh, ông đã làm điều mà nhiều bạn bè ông không thể tưởng tượng nổi. Ông đổi đạo. Sau-lơ, về sau được biết đến với tên gọi sứ đồ Phao-lô, đã chọn trung thành với Đức Chúa Trời thay vì với truyền thống. Lòng trung thành với Đức Chúa Trời dựa trên sự hiểu biết chính xác đã giúp Sau-lơ nhịn nhục, yêu thương và có tinh thần xây dựng, trái với hành động cuồng tín và giết chóc trước đó của ông.
Tại sao nên trung thành?
Vun đắp lòng trung thành theo tiêu chuẩn Đức Chúa Trời mang lại lợi ích rõ rệt. Chẳng hạn, báo cáo năm 1999 của Viện Nghiên Cứu Đời Sống Gia Đình Úc nói rằng một số yếu tố cơ bản tạo nên hôn nhân hạnh phúc và lâu bền là “sự tin tưởng và lòng chung thủy... [và] ý thức về thiêng liêng”. Cuộc nghiên cứu đó cũng
nhận thấy rằng “hôn nhân đầm ấm và ổn định” khiến người ta, cả nam lẫn nữ, vui vẻ hơn, mạnh khỏe hơn và sống lâu hơn, đồng thời hôn nhân ổn định cũng giúp con trẻ có nhiều cơ may hơn để có một cuộc đời hạnh phúc.Trong thế giới bấp bênh ngày nay, lòng trung thành giống như sợi dây cứu đắm nối một người đang cố bơi vùng vẫy dưới nước với tàu cứu hộ. Nếu không có lòng trung thành, “người bơi” sẽ bị sóng gió vùi giập cuốn đi. Nhưng nếu trung thành không đúng chỗ, thì chẳng khác nào cột sợi dây cứu đắm vào chiếc tàu đang chìm. Giống như Sau-lơ, người đó có thể bị cuốn vào những hành động tai hại. Nhưng lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, dựa trên sự hiểu biết chính xác, là sợi dây cứu đắm giúp chúng ta ổn định và được cứu sống.—Ê-phê-sô 4:13-15.
Đức Giê-hô-va hứa như sau với những ai trung thành với Ngài: “CHÚA yêu thích điều chính trực, chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung”. (Thi-thiên 37:28, Tòa Tổng Giám Mục) Chẳng bao lâu nữa, tất cả những ai trung thành với Đức Giê-hô-va sẽ được vào địa đàng. Ở đó họ sẽ được giải thoát khỏi mọi buồn khổ đau đớn, và sẽ vui thích nơi những mối quan hệ lâu bền không bị chia rẽ bởi tôn giáo và chính trị.—Khải-huyền 7:9, 14; 21:3, 4.
Ngay cả bây giờ hàng triệu người trên khắp địa cầu đã nhận ra rằng chỉ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va mới mang lại hạnh phúc thật sự. Tại sao không để Nhân Chứng Giê-hô-va giúp bạn xem xét lại quan điểm của bạn về lòng trung thành dưới ánh sáng lẽ thật Kinh Thánh? Kinh Thánh bảo chúng ta: “Hãy tự xét để xem mình có đức-tin chăng. Hãy tự thử mình”.—2 Cô-rinh-tô 13:5.
Phải có can đảm mới dám đặt nghi vấn về niềm tin của mình và lý do tại sao mình phải trung thành với niềm tin đó. Nhưng bù lại phần thưởng cũng rất xứng đáng vì nỗ lực ấy giúp chúng ta đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn. Người phụ nữ được trích ở trên đã bày tỏ cảm nghĩ của nhiều người khi nói: “Tôi học được rằng trung thành với Đức Giê-hô-va và các tiêu chuẩn của Ngài giúp chúng ta có cách cư xử đúng mực với những người trong gia đình và trở thành những thành viên tốt hơn trong cộng đồng. Dù thử thách có khó khăn đến mấy, nếu chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ luôn tỏ ra thành tín với chúng ta”.
[Các hình nơi trang 6]
Sự hiểu biết chính xác khiến Sau-lơ không còn trung thành với đối tượng cũ
[Hình nơi trang 7]
Tại sao không xem xét lòng trung thành của bạn dưới ánh sáng lẽ thật Kinh Thánh?
[Nguồn hình ảnh nơi trang 4]
Churchill, bên trái phía trên: U.S. National Archives photo; Joseph Göbbels, rìa phải: Library of Congress