Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khả năng suy luận có thể che chở bạn như thế nào?

Khả năng suy luận có thể che chở bạn như thế nào?

Khả năng suy luận có thể che chở bạn như thế nào?

NHỮNG ngọn sóng cao ngất là một cảnh tượng ngoạn mục, nhưng cũng là mối nguy hiểm cho thủy thủ. Những dòng nước trào dâng đó có thể cướp đi mạng sống của họ.

Cũng vậy, những áp lực mà tôi tớ của Đức Chúa Trời đối diện ngày càng tăng có thể đe dọa đè bẹp họ. Bạn có lẽ đã để ý thấy rằng những chuỗi thử thách và cám dỗ liên tiếp đè nặng lên tín đồ Đấng Christ. Chắc hẳn bạn muốn vô hiệu hóa những thử thách đó, cương quyết tránh chìm đắm về thiêng liêng. (1 Ti-mô-thê 1:19) Khả năng suy luận đóng vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ bạn. Khả năng suy luận là gì, và làm sao có được khả năng này?

Từ Hê-bơ-rơ mezim·mahʹ được dịch là “khả năng suy luận”, có nghĩa gốc là “lên kế hoạch hoặc dự tính”. (Châm-ngôn 1:4, NW) Do đó, một số bản Kinh Thánh dịch từ mezim·mahʹ là “thận trọng” hay “phòng xa”. Các học giả Kinh Thánh Jamieson, Fausset và Brown diễn đạt từ mezim·mahʹ là “ý thức dè dặt nhờ đó làm lành, lánh dữ”. Điều này hàm ý cân nhắc những kết quả lâu dài cũng như tức thời cho những hành động của chúng ta. Với khả năng suy luận, chúng ta sẽ cân nhắc những sự lựa chọn khác nhau trước khi hành động, đặc biệt khi phải đối điện với những quyết định quan trọng.

Khi một người có khả năng suy luận quyết định cho tương lai hay hoàn cảnh hiện tại của mình, trước tiên người đó phân tích những nguy cơ và cạm bẫy có thể xảy ra. Một khi đã xác định được những mối nguy hiểm đó, người đó quyết tâm tránh, xem xét ảnh hưởng của môi trường xung quanh và của bạn bè. Vì thế người đó có thể hoạch định một đường hướng mang lại kết quả tốt, có lẽ mang lại ngay cả ân phước của Đức Chúa Trời. Hãy xem xét vài gương thực tiễn minh họa quá trình này.

Tránh cạm bẫy tình dục vô luân

Khi gió đưa những con sóng lớn vào mũi thuyền, hiện tượng này được mô tả là sóng mũi tàu. Thuyền có nguy cơ bị lật trừ phi các thủy thủ lèo lái sao cho mũi thuyền rẽ sóng.

Sống trong một thế giới đam mê tình dục, chúng ta cũng đối diện với tình trạng tương tự. Hàng ngày, những làn sóng mang những ý tưởng và hình ảnh dâm dục đập vào mắt chúng ta. Chúng ta không thể bỏ qua tác động của chúng đối với ước muốn tình dục bình thường của chúng ta. Chúng ta phải dùng khả năng suy luận và cương quyết đối phó với sự cám dỗ thay vì buông trôi vào những tình huống nguy hiểm.

Chẳng hạn, các nam tín đồ Đấng Christ thường làm việc bên cạnh những người thiếu tôn trọng phụ nữ, xem họ là những đối tượng chỉ nhằm thỏa mãn tình dục. Bạn đồng nghiệp có thể cho thêm vào những mẩu chuyện đùa cợt dâm dật và nói bóng nói gió đến chuyện tình dục trong các cuộc đối thoại của họ. Môi trường này cuối cùng có thể gieo những ý tưởng vô luân trong tâm trí một tín đồ Đấng Christ.

Một nữ tín đồ Đấng Christ cũng có thể phải đi làm ngoài đời và gặp khó khăn ở sở. Chị có thể cùng làm việc bên cạnh những đàn ông và phụ nữ không cùng tiêu chuẩn đạo đức. Có lẽ một trong những nam đồng nghiệp chú ý đến chị. Lúc đầu, có lẽ anh ta đối xử ân cần với chị, ngay cả tôn trọng chị vì quan điểm tín ngưỡng của chị. Khi làm việc gần nhau và được người kia tiếp tục chú ý đến, có thể chị muốn giao du thân mật hơn.

Là tín đồ Đấng Christ, khả năng suy luận có thể giúp chúng ta trong những hoàn cảnh ấy như thế nào? Trước tiên, nó có thể giúp chúng ta cảnh giác đề phòng những mối nguy hiểm thiêng liêng, và thứ hai, nó có thể thúc đẩy chúng ta hoạch định lập trường thích hợp. (Châm-ngôn 3:21-23) Trong những trường hợp như thế, có thể phải nói rõ cho bạn đồng nghiệp rằng chúng ta có những tiêu chuẩn khác hẳn vì đức tin dựa trên Kinh Thánh. (1 Cô-rinh-tô 6:18) Lời nói và hành động của chúng ta có thể củng cố thêm thông điệp đó. Hơn nữa, có lẽ cần phải hạn chế sự giao thiệp với một số bạn đồng nghiệp.

Tuy nhiên, những tình huống đưa đến tội vô luân không chỉ xảy ra ở nơi làm việc. Chúng cũng có thể nảy sinh nếu một cặp vợ chồng để cho vấn đề khó khăn làm suy yếu sự hợp nhất của họ. Một giám thị lưu động nhận xét: “Hôn nhân không đổ vỡ một sớm một chiều. Có thể tình cảm vợ chồng từ từ nguội lạnh, hiếm khi trò chuyện hoặc dành thời gian cho nhau. Họ có lẽ đeo đuổi vật chất để lấp đi nỗi trống trải trong hôn nhân. Và vì ít khi khen nhau nên họ có thể bị quyến rũ bởi những người khác không phải là người hôn phối của mình”.

Là một người từng trải, anh giám thị này nói tiếp: “Hai người hôn phối nên đều đặn ngồi lại và xét xem có bất cứ vấn đề nào đang phá hoại mối quan hệ của họ hay không. Họ nên sắp xếp cách để có thể học hỏi, cầu nguyện và đi rao giảng chung với nhau. Họ sẽ được lợi ích đáng kể bằng cách nói chuyện với nhau ‘khi họ ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc họ nằm, hay là khi chỗi dậy’, giống như cha mẹ và con cái làm vậy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7-9.

Đối phó với hành vi không phù hợp với đạo Đấng Christ

Ngoài việc giúp chúng ta đương đầu thành công với những cám dỗ đạo đức, khả năng suy luận cũng có thể giúp chúng ta đối phó với những vấn đề liên quan đến anh em tín đồ Đấng Christ. Khi thổi sóng vào đuôi thuyền, ngọn gió tạo nên sóng đuổi. Sóng có thể nhấc bổng đuôi thuyền lên và đẩy nó sang một bên. Điều này hướng mạn thuyền về phía sóng và thuyền có thể lâm nguy.

Chúng ta cũng có thể dễ gặp nguy hiểm đến từ một hướng bất ngờ. Chúng ta “chen vai thích cánh” phụng sự Đức Giê-hô-va cùng anh chị em tín đồ Đấng Christ trung thành. (Sô-phô-ni 3:9, Nguyễn Thế Thuấn) Nếu một người trong vòng họ có hành vi không phù hợp với tư cách tín đồ Đấng Christ, điều đó dường như hủy hoại lòng tin của chúng ta nơi người ấy và có thể gây cho chúng ta nhiều phiền muộn. Làm thế nào khả năng suy luận có thể giúp chúng ta tránh mất thăng bằng và không đau lòng quá mức?

Hãy nhớ rằng “không có người nào chẳng phạm tội”. (1 Các Vua 8:46) Do đó, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thỉnh thoảng bị một tín đồ Đấng Christ gây khó chịu hoặc xúc phạm. Biết điều này thế nào rồi cũng xảy ra, chúng ta có thể chuẩn bị đối phó và suy ngẫm xem nên phản ứng thế nào. Sứ đồ Phao-lô phản ứng thế nào khi một số anh em cùng đạo Đấng Christ nói về ông một cách miệt thị làm ông đau lòng? Thay vì mất thăng bằng thiêng liêng, ông kết luận rằng được sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va quan trọng hơn được lòng loài người. (2 Cô-rinh-tô 10:10-18) Có một thái độ dường ấy giúp chúng ta tránh phản ứng hấp tấp khi bị khiêu khích.

Điều đó có phần giống như việc ngón chân vấp phải vật gì. Khi điều này xảy ra, có lẽ chúng ta không thể suy nghĩ sáng suốt trong một hai phút. Nhưng khi bớt đau, chúng ta lại có thể lý luận và hành động bình thường. Cũng thế, chúng ta không nên phản ứng ngay lập tức trước một lời nói hoặc hành động thiếu tử tế. Thay vì thế, hãy dừng lại và cân nhắc những hậu quả của việc trả đũa một cách thiếu suy nghĩ.

Anh Malcolm, một giáo sĩ phụng sự nhiều năm, giải thích cách anh xử sự khi bị mếch lòng. “Việc đầu tiên tôi làm là duyệt lại một loạt câu hỏi: Tôi tức giận với anh này vì bất đồng cá tính chăng? Điều anh ấy nói có quan trọng không? Ảnh hưởng của bệnh sốt rét có làm tôi dễ bực tức không? Vài giờ nữa tôi sẽ có quan điểm khác không?” Như anh Malcolm nhận thấy, thường thì sự bất hòa không quan trọng và có thể bỏ qua. *

Anh Malcolm nói thêm: “Thỉnh thoảng, bất kể nỗ lực nhằm giải quyết tình thế, thái độ của anh kia vẫn hiềm khích. Tôi cố gắng không để cho điều này làm tôi bực bội. Một khi đã làm hết sức mình, tôi nhìn sự việc dưới cặp mắt khác. Tôi tạm gác lại chuyện này trong trí, thay vì cố chấp phải làm cho ra lẽ. Tôi sẽ không để cho chuyện đó làm tình trạng thiêng liêng tôi suy sụp hoặc ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tôi với Đức Giê-hô-va và các anh em”.

Giống như anh Malcolm, chúng ta không nên để cho hành vi của một người nào đó làm chúng ta bực bội quá mức. Trong mỗi hội thánh đều có nhiều anh chị em trung thành, vui vẻ. Thật là vui thích khi được “đồng tâm” với họ bước đi trong đường lối đạo Đấng Christ. (Phi-líp 1:27) Nhớ sự ủng hộ yêu thương của Cha trên trời cũng sẽ giúp chúng ta giữ cái nhìn khách quan.—Thi-thiên 23:1-3; Châm-ngôn 5:1, 2; 8:12.

Chớ yêu vật của thế gian

Khả năng suy luận cũng có thể giúp chúng ta đối phó với một áp lực tinh tế khác. Khi gió thổi sóng tạt qua mạn thuyền, thì đó là sóng hông. Trong điều kiện bình thường, loại sóng này có thể từ từ đẩy thuyền đi lệch hướng. Tuy nhiên, khi có bão, sóng hông có thể làm thuyền bị lật úp.

Cũng thế, nếu chúng ta chiều theo áp lực và hưởng thụ tất cả những gì thế gian này cung hiến, lối sống duy vật này có thể đẩy chúng ta đi chệch đường hướng thiêng liêng. (2 Ti-mô-thê 4:10) Nếu không kiềm chế, lòng yêu mến thế gian cuối cùng có thể khiến chúng ta rời bỏ hẳn đường lối đạo Đấng Christ. (1 Giăng 2:15) Khả năng suy luận có thể giúp ích chúng ta như thế nào?

Trước hết, khả năng này giúp chúng ta dự kiến nguy hiểm trước mặt. Thế gian dùng mọi mánh khóe tiếp thị để cám dỗ chúng ta. Thế gian không ngừng cổ vũ lối sống mà nó cho là mọi người nên theo đuổi—tức lối sống phô trương của người giàu, người có nhan sắc quyến rũ, và người “thành đạt”. (1 Giăng 2:16) Thế gian hứa hẹn rằng chúng ta sẽ được mọi người, đặc biệt những người đồng trang lứa và láng giềng, ngưỡng mộ và tán thưởng. Khả năng suy luận sẽ giúp triệt tiêu ảnh hưởng tuyên truyền này, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc “chớ tham tiền”, vì Đức Giê-hô-va đã hứa ‘Ngài sẽ chẳng lìa chúng ta đâu’.—Hê-bơ-rơ 13:5.

Thứ hai, khả năng suy luận sẽ ngăn cản không để chúng ta hùa theo những kẻ đã “xây-bỏ lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:18) Rất khó nói nghịch ý những người mà chúng ta yêu mến và tin cậy. (1 Cô-rinh-tô 15:12, 32-34) Dù chỉ bị ảnh hưởng tối thiểu bởi những kẻ đã xây bỏ đường lối đạo Đấng Christ, điều này có thể cản trở sự tiến bộ thiêng liêng của chúng ta và cuối cùng đặt chúng ta vào vòng nguy hiểm. Chúng ta có thể giống như một chiếc tàu trong cuộc hải hành dài. Con tàu chỉ lệch hướng một ly, nó có thể đi xa đích một dặm.—Hê-bơ-rơ 3:12.

Khả năng suy luận có thể giúp xác định tình trạng thiêng liêng của chúng ta và chúng ta đang đi về đâu. Có lẽ chúng ta nhận ra mình cần phải tham gia trọn vẹn hơn vào các hoạt động của đạo Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 6:11, 12) Hãy lưu ý cách một Nhân Chứng trẻ sử dụng khả năng suy luận để theo đuổi mục tiêu thiêng liêng: “Tôi đã có cơ hội theo đuổi sự nghiệp ký giả. Nghề này thật hấp dẫn đối với tôi, nhưng tôi nhớ câu Kinh Thánh bảo rằng ‘thế-gian sẽ qua đi’, trong khi đó ‘ai làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời’. (1 Giăng 2:17) Tôi lý luận rằng cách tôi sử dụng đời sống nên phản ánh niềm tin mình. Cha mẹ tôi đã bỏ đạo Đấng Christ, và tôi không muốn theo vết chân họ. Vậy tôi quyết định sống một đời sống đầy ý nghĩa và gia nhập hàng ngũ tiên phong đều đều, làm người truyền giáo trọn thời gian. Sau bốn năm thỏa nguyện, tôi biết mình đã chọn đúng”.

Thành công trong việc đối phó với bão táp thiêng liêng

Tại sao việc vận dụng khả năng suy luận là điều cấp bách? Thủy thủ cần phải nhạy bén với những dấu hiệu nguy hiểm, đặc biệt khi trời sắp nổi cơn giông bão. Nếu nhiệt độ hạ xuống và gió thổi mạnh hơn, họ đóng bạt che hầm tàu và chuẩn bị đối phó. Cũng thế, chúng ta phải chuẩn bị đối phó các áp lực như vũ bão khi hệ thống gian ác này đi gần đến chỗ chấm dứt. Đạo đức của xã hội đang tiêu tán, và ‘những người hung-ác càng chìm-đắm luôn trong điều dữ’. (2 Ti-mô-thê 3:13) Cũng như những thủy thủ thường xuyên đón nghe tin tức dự báo thời tiết, chúng ta phải vâng theo những lời cảnh báo tiên tri của Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn.—Thi-thiên 19:7-11.

Khi sử dụng khả năng suy luận, chúng ta áp dụng sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. (Giăng 17:3) Chúng ta có thể dự kiến các vấn đề và quyết định cách vượt qua. Qua cách này chúng ta kiên quyết không đi chệch khỏi đường lối đạo Đấng Christ, và chúng ta có thể “dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt” bằng cách đặt ra và theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng.—1 Ti-mô-thê 6:19.

Nếu bảo toàn sự khôn ngoan thực tiễn và khả năng suy luận, chúng ta không “sợ sự kinh-khiếp xảy đến thình-lình”. (Châm-ngôn 3:21, 25, 26) Thay vì thế, chúng ta có thể an tâm nhờ có lời hứa của Đức Chúa Trời: “Sự khôn-ngoan sẽ vào trong lòng con, và linh-hồn con sẽ lấy sự hiểu-biết làm vui-thích. Sự dẽ-dặt [“khả năng suy luận”, NW] sẽ coi-sóc con”.—Châm-ngôn 2:10, 11.

[Chú thích]

^ đ. 19 Tín đồ Đấng Christ nên cố gắng giảng hòa chiếu theo lời khuyên nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24. Nếu có liên can đến tội trọng, họ phải cố gắng để được lại anh em mình, như nêu ra nơi Ma-thi-ơ 18:15-17.—Xem Tháp Canh, ngày 15-10-1999, trang 17-22.

[Hình nơi trang 23]

Thường xuyên trò chuyện với nhau củng cố hôn nhân