Một thế giới có quan điểm sai lệch về lòng trung thành
Một thế giới có quan điểm sai lệch về lòng trung thành
MỘT tối Thứ Sáu ấm áp ở Tel Aviv, một thanh niên trà trộn vào một nhóm thanh thiếu niên đang đứng chờ bên ngoài một vũ trường. Một lát sau, có tiếng nổ khủng khiếp phát ra giữa đám đông.
Thêm một người đánh bom cảm tử nữa đã quyên sinh và thê thảm tước đi sinh mạng của 19 thanh thiếu niên khác. “Thây người văng khắp nơi, tất cả đều là thanh thiếu niên còn rất trẻ. Đó là cảnh tượng kinh hoàng nhất tôi từng thấy”, một nhân viên y tế kể lại cho phóng viên.
Phóng viên Thurstan Brewin của tờ The Lancet viết: “Những đức tính mà mọi người đều ngưỡng mộ, như sự trung thành..., có thể khiến chiến tranh dễ bùng phát hơn và khó chấm dứt hơn”. Đúng vậy, từ những cuộc Thập Tự Chinh của khối đạo xưng theo Đấng Christ cho đến những cuộc thảm sát của Đức Quốc Xã, lịch sử nhân loại đẫm máu bởi những cuộc giết chóc nhân danh lòng trung thành.
Nạn nhân gia tăng do sự thiếu trung thành
Hiển nhiên, sự trung thành cuồng tín là một tai họa, nhưng sự thiếu trung thành cũng hủy hoại xã hội. Theo Từ điển tiếng Việt 2000 của Viện Ngôn Ngữ Học, trung thành có nghĩa “trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, những điều đã cam kết đối với ai hay cái gì”. Mặc dù đa số người ta đều nói rằng họ ngưỡng mộ lòng trung thành thể ấy, nhưng xã hội đang đối diện sự thiếu trung thành trầm trọng trong phạm vi cơ bản nhất—gia đình. Tỉ lệ ly dị tăng vọt, và đang ngày một xấu hơn do sự chú trọng quá nhiều đến thành đạt cá nhân, hay do có quá nhiều căng thẳng và áp lực trong đời sống hàng ngày, và hậu quả của sự không chung thủy lan tràn. Cũng như trong cuộc đánh bom ở Tel Aviv, nạn nhân vô tội thường là thanh thiếu niên.
Một báo cáo viết: “Việc học hành của con cái thường bị ảnh hưởng từ trong các gia đình bất ổn vì ly dị, ly thân hay chỉ có cha hoặc mẹ”. Con trai trong các gia đình chỉ có mẹ dường như đặc biệt có nguy cơ không được học hành đến nơi đến chốn, tự tử, và phạm pháp. Mỗi năm, có đến một triệu trẻ em ở Hoa Kỳ phải chứng kiến cảnh cha mẹ ly dị, và bất cứ năm nào cũng có phân nửa số trẻ em sinh ra trong các gia đình có cả cha lẫn mẹ trở thành nạn nhân của nạn ly dị khi chưa đầy 18 tuổi. Các con số thống kê cho thấy nhiều thanh thiếu niên ở những nơi khác trên thế giới cũng gặp phải cảnh trạng đau lòng tương tự.
Sự trung thành—Một tiêu chuẩn quá cao quý chăng?
Sự sụp đổ hiện nay của những khái niệm trung thành truyền thống khiến những lời của Vua Đa-vít dường như thích hợp hơn bao giờ hết: “Đức Giê-hô-va ôi! xin cứu chúng tôi, vì người nhân-đức không còn nữa, và kẻ thành-tín đã mất khỏi giữa con loài người”. (Thi-thiên 12:1) Tại sao sự thiếu trung thành lại lan tràn đến thế? Roger Rosenblatt bình luận như sau trong tạp chí Time: “Tuy sự trung thành là một tiêu chuẩn cao quý, nhưng trong bản chất con người lại có quá nhiều sự sợ hãi, sự thiếu tự tin, chủ nghĩa cơ hội và tham vọng, nên không thể đòi hỏi loài người yếu đuối giữ theo tiêu chuẩn đó được”. Kinh Thánh mô tả thẳng thắn như sau về thời kỳ chúng ta sống: “Người ta đều tư-kỷ,... không tinh-kính [“bất nghĩa”, Nguyễn Thế Thuấn], vô-tình”.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.
Vì sự trung thành, hay thiếu trung thành, có tác động mạnh mẽ như thế trên suy nghĩ và hành động của con người, nên có lẽ chúng ta tự hỏi: ‘Ai xứng đáng để chúng ta trung thành?’ Hãy xem bài tiếp theo nói gì về điều này.
[Nguồn tư liệu nơi trang 3]
Hình trên: © AFP/CORBIS