Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta nên xem các thử thách như thế nào?

Chúng ta nên xem các thử thách như thế nào?

Chúng ta nên xem các thử thách như thế nào?

THỬ THÁCH! Ai ai cũng phải gặp. Những điều này có thể xảy đến do sự xung đột về nhân cách, khó khăn kinh tế, sức khỏe kém, sự cám dỗ, áp lực của bạn bè đồng lứa để phạm tội, sự bắt bớ, những thách thức đối với lập trường giữ trung lập của chúng ta hoặc chống lại sự thờ thần tượng, và nhiều điều khác nữa. Dù thử thách xảy ra dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều làm cho người ta lo lắng. Làm sao chúng ta có thể thành công khi đối phó? Có cách nào đem lại lợi ích cho chúng ta không?

Sự ủng hộ tốt nhất

Vua Đa-vít thời xưa đã sống một đời đầy thử thách, tuy nhiên ông đã chết trong sự trung thành. Làm sao ông đã có thể chịu đựng được? Ông cho thấy rõ nguồn sức mạnh của ông khi nói: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì”. Rồi ông nói tiếp: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa ở cùng tôi: Cây trượng và cây gậy của Chúa an-ủi tôi”. (Thi-thiên 23:1, 4) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là nguồn ủng hộ vô biên. Ngài che chở Đa-vít trải qua những thời kỳ rất đen tối, và Ngài sẵn sàng làm giống như vậy cho chúng ta khi cần thiết.

Làm sao chúng ta có được sự ủng hộ của Đức Giê-hô-va? Kinh Thánh chỉ rõ cách khi nói: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao!” (Thi-thiên 34:8) Đó là một lời mời gọi nồng nhiệt, nhưng nó có ý nghĩa gì? Đó là một sự khuyến khích phụng sự Đức Giê-hô-va và sống hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Ngài. Một lối sống như thế có nghĩa là từ bỏ một phần tự do, hy sinh một số điều. Trong một vài trường hợp, thậm chí có thể dẫn chúng ta đến những thử thách—chịu bắt bớ và đau khổ. Tuy nhiên, những ai hết lòng nhận lời mời gọi của Đức Giê-hô-va không bao giờ phải hối tiếc vì hành động như vậy. Đức Giê-hô-va rất tử tế đối với họ. Ngài sẽ dẫn dắt và chăm sóc họ về thiêng liêng. Ngài sẽ nâng đỡ họ vượt qua những thử thách bằng Lời Ngài, thánh linh Ngài, và hội thánh tín đồ Đấng Christ. Cuối cùng Ngài sẽ ban thưởng cho họ sự sống đời đời.—Thi-thiên 23:6; 25:9; Ê-sai 30:21; Rô-ma 15:5.

Những ai quyết định thay đổi đời sống để phụng sự Đức Giê-hô-va và giữ vững quyết định đó sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va làm tròn tất cả những lời Ngài hứa. Đó là kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên theo Giô-suê vào Đất Hứa. Khi băng qua Sông Giô-đanh, họ đã phải chịu đựng những thử thách, đánh trận, và học những bài học cam go. Nhưng thế hệ đó đã chứng tỏ họ trung thành hơn ông cha của họ, những người ra khỏi Ê-díp-tô và chết trong đồng vắng. Do đó, Đức Giê-hô-va đã ủng hộ những người trung thành, và Kinh Thánh tường thuật về tình trạng của họ vào cuối đời Giô-suê: “Đức Giê-hô-va làm cho tứ phía đều được an-nghỉ, y như Ngài đã thề cùng tổ-phụ họ... Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng-nghiệm hết”. (Giô-suê 21:44, 45) Chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được điều đó nếu hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va khi chịu đựng thử thách và trong mọi lúc khác nữa.

Điều gì có thể làm yếu đi niềm tin tưởng của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va? Chúa Giê-su nêu ra một điều khi ngài nói: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ... Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”. (Ma-thi-ơ 6:24) Nếu tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không tìm kiếm sự an toàn ở những nơi mà hầu hết người thế gian tìm, trong những điều thuộc về vật chất. Chúa Giê-su khuyên môn đồ: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa [nhu cầu vật chất]”. (Ma-thi-ơ 6:33) Một tín đồ Đấng Christ giữ quan điểm thăng bằng về vật chất và đặt Nước Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống mình là người lựa chọn đúng. (Truyền-đạo 7:12) Dĩ nhiên, người ấy có thể phải trả giá, và phải hy sinh về vật chất. Tuy nhiên, người tín đồ ấy sẽ gặt nhiều phần thưởng. Và Đức Giê-hô-va sẽ ủng hộ người ấy.—Ê-sai 48:17, 18.

Chúng ta học được gì từ những thử thách

Dĩ nhiên, việc chọn “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao” không che chở một người tránh được những nỗi thăng trầm của cuộc đời; cũng không che chở chúng ta hoàn toàn khỏi những cuộc tấn công của Sa-tan và tay sai của hắn. (Truyền-đạo 9:11) Do đó, sự thành thật và quyết tâm của một tín đồ Đấng Christ có thể bị thử thách. Tại sao Đức Giê-hô-va để những người thờ phượng Ngài chịu thử thách như vậy? Sứ đồ Phi-e-rơ nêu một lý do khi ông viết: “Dầu hiện nay anh em vì sự thử-thách trăm bề buộc phải buồn-bã ít lâu; hầu cho sự thử-thách đức-tin anh em quí hơn vàng hay hư-nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus-Christ hiện ra”. (1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Đúng vậy, thử thách cho phép chúng ta minh chứng phẩm chất đức tin và lòng yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va. Đồng thời thử thách giúp đối đáp trước những sự chế giễu và vu khống của Sa-tan Ma-quỉ.—Châm-ngôn 27:11; Khải-huyền 12:10.

Thử thách cũng giúp chúng ta phát triển những đức tính khác của tín đồ Đấng Christ. Chẳng hạn, hãy xem xét những lời của người viết Thi-thiên: “[Đức Giê-hô-va] cũng đoái đến những người hèn-hạ; còn kẻ kiêu-ngạo, Ngài nhận-biết từ xa”. (Thi-thiên 138:6) Theo bản tính tự nhiên, nhiều người trong chúng ta không khiêm nhường, nhưng những thử thách có thể giúp chúng ta phát triển đức tính cần thiết ấy. Hãy nhớ lại trường hợp trong thời Môi-se khi một số người Y-sơ-ra-ên thấy chán ăn ma-na từ tuần nọ sang tuần kia, hết tháng này qua tháng khác. Hẳn đó là một thử thách đối với họ, cho dù ma-na là thức ăn được ban cho bằng phép lạ. Mục đích của sự thử thách là gì? Môi-se nói với họ: “Trong đồng vắng, [Đức Giê-hô-va] ban cho ngươi ăn ma-na... để hạ ngươi xuống và thử ngươi”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:16.

Cũng vậy, sự khiêm nhường của chúng ta có thể bị thử thách. Như thế nào? Chúng ta phản ứng thế nào trước những sự điều chỉnh trong tổ chức? (Ê-sai 60:17) Chúng ta có hết lòng ủng hộ công việc rao giảng và dạy dỗ không? (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Chúng ta có nhiệt tình chấp nhận những sự giải thích về lẽ thật của Kinh Thánh do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp không? (Ma-thi-ơ 24:45-47; Châm-ngôn 4:18) Chúng ta có chống lại những áp lực phải ăn mặc theo thời trang, phải có những đồ dùng, xe cộ kiểu mới nhất không? Một người khiêm nhường sẽ có thể trả lời ‘có’ trước những câu hỏi như vậy.—1 Phi-e-rơ 1:14-16; 2 Phi-e-rơ 3:11.

Những thử thách giúp chúng ta phát triển thêm một đức tính quan trọng khác—sự nhịn nhục. Môn đồ Gia-cơ nói: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục”. (Gia-cơ 1:2, 3) Thành công trong việc chịu đựng hết thử thách này đến thử thách khác cùng với sự tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, sẽ phát triển sự vững vàng, bền lòng, và trung kiên. Điều này củng cố chúng ta hầu chống lại những cuộc tấn công trong tương lai của Sa-tan, hung thần giận dữ của thế gian này.—1 Phi-e-rơ 5:8-10; 1 Giăng 5:19; Khải-huyền 12:12.

Giữ một quan điểm đúng về những thử thách

Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, đã đương đầu với nhiều thử thách khi còn ở trên đất và đã gặt hái những lợi ích lớn lao nhờ chịu đựng những thử thách đó. Phao-lô viết Chúa Giê-su “cũng đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”. (Hê-bơ-rơ 5:8) Sự trung thành của ngài cho đến chết đã đem lại sự ca ngợi cho danh Đức Giê-hô-va và khiến Chúa Giê-su có thể dâng giá trị mạng sống làm người hoàn toàn của ngài làm giá chuộc nhân loại. Điều đó mở đường cho những ai thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su có triển vọng hưởng sự sống đời đời. (Giăng 3:16) Vì Chúa Giê-su đã trung thành trước thử thách, hiện nay ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Vua đương kim của chúng ta.—Hê-bơ-rơ 7:26-28; 12:2.

Còn chúng ta thì sao? Tương tự như thế, sự trung thành của chúng ta trước những thử thách cũng mang lại ân phước lớn. Kinh Thánh nói về những người có hy vọng được lên trời: “Phước cho người bị cám-dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử-thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều-thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính-mến Ngài”. (Gia-cơ 1:12) Những ai có hy vọng sống trên đất cũng có lời cam kết rằng nếu trung thành nhịn nhục, họ sẽ hưởng sự sống đời đời trong địa đàng. (Khải-huyền 21:3-6) Và quan trọng hơn, sự trung thành nhịn nhục của họ đem lại sự ca ngợi cho danh Đức Giê-hô-va.

Khi noi theo dấu chân Chúa Giê-su, chúng ta có thể tin tưởng rằng mình có thể thành công vượt qua mọi thử thách xảy đến trong hệ thống mọi sự này. (1 Cô-rinh-tô 10:13; 1 Phi-e-rơ 2:21) Như thế nào? Bằng cách tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Đấng cung cấp “sức lực vượt quá mức bình thường” cho những ai nương tựa vào Ngài. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Mong sao niềm tin chắc của chúng ta giống như niềm tin chắc của Gióp, ngay cả khi chịu đựng những thử thách khắc nghiệt ông cũng đã khẳng định với sự tin tưởng: “Khi Ngài đã thử-rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng”.—Gióp 23:10.

[Hình nơi trang 31]

Sự trung thành của Chúa Giê-su trước thử thách đem lại sự ca ngợi cho danh Đức Giê-hô-va. Sự trung thành của chúng ta cũng vậy