Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví-dụ”

“Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví-dụ”

“Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví-dụ”

“Đức Chúa Jêsus lấy lời ví-dụ mà phán những điều đó cùng đoàn dân, Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví-dụ”.—MA-THI-Ơ 13:34.

1, 2. (a) Tại sao những minh họa hữu hiệu thường khó quên? (b) Chúa Giê-su dùng những dạng minh họa nào, và có những câu hỏi nào được nêu lên về phương pháp của ngài? (Cũng xem cước chú).

BẠN có thể nhớ lại một minh họa đã nghe cách đây nhiều năm, có lẽ trong một bài diễn văn công cộng không? Những minh họa hữu hiệu thường không chóng quên. Một nhà văn từng nói rằng minh họa “biến tai thành mắt và giúp gợi suy nghĩ bằng những hình ảnh sống động trong trí người nghe”. Vì chúng ta thường tiếp thu tốt nhất qua hình ảnh, nên minh họa có thể giúp chúng ta dễ nắm các khái niệm trừu tượng hơn. Nó khiến các ngôn từ trở nên sống động và khắc sâu các bài học vào trí nhớ chúng ta.

2 Không có người thầy nào trên đất này dùng minh họa điêu luyện hơn Chúa Giê-su Christ. Gần 2.000 năm sau thời ngài, người ta vẫn dễ dàng nhắc lại nhiều dụ ngôn ngài đã nói. * Tại sao Chúa Giê-su lại thường dùng phương pháp dạy dỗ đặc biệt này? Và điều gì khiến những minh họa của ngài hay đến thế?

Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa để dạy dỗ

3. (a) Theo Ma-thi-ơ 13:34, 35, một lý do khiến Chúa Giê-su dùng minh họa là gì? (b) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va hẳn phải đánh giá cao phương pháp dạy dỗ này?

3 Kinh Thánh cho biết hai lý do đáng chú ý tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa. Thứ nhất, việc đó làm ứng nghiệm lời tiên tri. Sứ đồ Ma-thi-ơ viết: “Đức Chúa Jêsus lấy lời ví-dụ mà phán những điều đó cùng đoàn dân, Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví-dụ, để được ứng-nghiệm lời đấng tiên-tri rằng: Ta sẽ mở miệng ra mà nói lời ví-dụ”. (Ma-thi-ơ 13:34, 35) “Đấng tiên-tri” mà Ma-thi-ơ nói đến chính là tác giả của Thi-thiên 78:2. Ông đã ghi những lời này dưới sự soi dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giê-su sinh ra. Chẳng phải đáng chú ý sao khi biết rằng Đức Giê-hô-va đã định từ hàng trăm năm trước là Con Ngài sẽ dạy dỗ bằng minh họa? Hẳn Ngài phải đánh giá cao phương pháp dạy dỗ này!

4. Chúa Giê-su đã giải thích lý do ngài dùng minh họa như thế nào?

4 Thứ hai, chính Chúa Giê-su giải thích rằng ngài dùng minh họa nhằm lọc ra những kẻ có lòng chai lì. Sau khi ngài kể cho ‘đoàn dân đông’ nghe dụ ngôn về người gieo giống, các môn đồ hỏi: “Sao thầy dùng thí-dụ mà phán cùng chúng vậy?” Chúa Giê-su đáp: “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu-nhiệm của nước thiên-đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết. Vậy nên ta phán thí-dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết. Vậy, về họ, đã được ứng-nghiệm lời tiên-tri của Ê-sai rằng: Các ngươi sẽ lóng tai nghe, mà chẳng hiểu chi; lấy mắt xem mà chẳng thấy chi. Vì lòng dân nầy đã cứng-cỏi”.—Ma-thi-ơ 13:2, 10, 11, 13-15; Ê-sai 6:9, 10.

5. Làm thế nào các minh họa của Chúa Giê-su sàng lọc những người khiêm nhường với những kẻ có lòng kiêu ngạo?

5 Làm thế nào các minh họa của Chúa Giê-su có thể sàng lọc người ta? Trong một số trường hợp, những người nghe ngài phải đào sâu hơn mới hiểu đầy đủ những gì ngài nói. Những người khiêm nhường được thúc đẩy hỏi thêm. (Ma-thi-ơ 13:36; Mác 4:34) Qua cách đó, minh họa của ngài tiết lộ lẽ thật cho những người có lòng khao khát, nhưng đồng thời lại che khuất lẽ thật với những kẻ có lòng kiêu ngạo. Ngài quả là một người thầy xuất sắc! Chúng ta hãy xem một số yếu tố khiến những minh họa của ngài hữu hiệu đến thế.

Cẩn trọng lựa chọn chi tiết

6-8. (a) Những người nghe Chúa Giê-su dạy vào thế kỷ thứ nhất chưa có điều kiện nào? (b) Những thí dụ nào cho thấy Chúa Giê-su cẩn trọng lựa chọn chi tiết?

6 Bạn có bao giờ tự hỏi những môn đồ vào thế kỷ thứ nhất đã cảm thấy thế nào khi được trực tiếp nghe Chúa Giê-su dạy dỗ không? Mặc dù quả là một đặc ân cho họ khi được nghe tiếng ngài, nhưng họ lại chưa có văn bản lưu trữ lời ngài để khi xem xét có thể nhớ lại những điều ngài nói. Vì thế, họ phải khắc ghi lời ngài vào tâm và trí mình. Với khả năng dùng minh họa khéo léo, Chúa Giê-su đã giúp họ ghi nhớ dễ dàng hơn. Bằng cách nào?

7 Chúa Giê-su cẩn trọng lựa chọn chi tiết. Những chi tiết quan trọng đối với một câu chuyện hoặc cần thiết để nhấn mạnh được ngài cẩn thận trình bày đầy đủ. Đó là lý do ngài nói chính xác bao nhiêu con chiên bị bỏ lại trong khi người chủ đi tìm con bị lạc, số giờ người làm công phải làm trong vườn nho, và số ta-lâng được giao.—Ma-thi-ơ 18:12-14; 20:1-16; 25:14-30.

8 Đồng thời, Chúa Giê-su cũng loại bỏ những chi tiết không cần thiết có thể khiến minh họa trở nên khó hiểu. Chẳng hạn, trong dụ ngôn về người đầy tớ không thương xót, không hề có chi tiết nào giải thích tại sao đầy tớ đó đã mắc nợ lên tới 60.000.000 đơ-ni-ê. Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tha thứ. Do đó, điều quan trọng ở đây không phải là vì sao người đầy tớ rơi vào cảnh nợ nần, mà là ông đã được tha nợ thế nào và lại đối xử ra sao với một người đầy tớ khác chỉ thiếu ông một ít tiền. (Ma-thi-ơ 18:23-35) Tương tự như thế, trong minh họa về đứa con trai phá của, Chúa Giê-su không hề giải thích tại sao người con út này lại đột nhiên đòi chia gia tài và phung phí hết của cải. Nhưng ngài miêu tả chi tiết cảm xúc và phản ứng của người cha khi đứa con hối cải trở về. Những chi tiết đó quan trọng đối với điều ngài muốn nói đến, đó là Đức Giê-hô-va “tha-thứ dồi-dào”.—Ê-sai 55:7; Lu-ca 15:11-32.

9, 10. (a) Khi phác họa các nhân vật trong minh họa của ngài, Chúa Giê-su tập trung vào điều gì? (b) Làm thế nào Chúa Giê-su giúp những người nghe ngài và vô số người khác dễ nhớ lại các minh họa của ngài?

9 Chúa Giê-su cũng sáng suốt trong cách phác họa các nhân vật trong dụ ngôn của ngài. Thay vì miêu tả chi tiết ngoại diện nhân vật, ngài thường tập trung vào hành động hay phản ứng của họ trước những sự kiện ngài kể. Do đó thay vì mô tả dáng dấp của người Sa-ma-ri thương người, Chúa Giê-su kể lại điều có ý nghĩa hơn nhiều—cách người Sa-ma-ri thương xót cứu giúp người Do Thái bị thương bên đường. Ngài chỉ nêu những chi tiết cần thiết để dạy bài học là tình yêu thương người lân cận phải được mở rộng ra cho cả những người khác quốc gia, chủng tộc.—Lu-ca 10:29, 33-37.

10 Cách cẩn thận lựa chọn chi tiết khiến các minh họa của Chúa Giê-su trở nên gãy gọn và súc tích. Nhờ thế, ngài đã giúp những người nghe vào thế kỷ thứ nhất, và vô số độc giả sau này của các sách Phúc Âm được soi dẫn, dễ nhớ lại các minh họa đó cùng các bài học quý giá của chúng.

Mượn chuyện đời sống hàng ngày

11. Hãy nêu thí dụ cho thấy các dụ ngôn của Chúa Giê-su phản ánh những điều ngài hẳn đã quan sát thấy khi lớn lên ở Ga-li-lê.

11 Chúa Giê-su là bậc thầy trong việc dùng những minh họa liên quan đến đời thường. Nhiều dụ ngôn của ngài phản ánh những điều hẳn ngài đã quan sát thấy khi lớn lên ở Ga-li-lê. Hãy ngẫm nghĩ một chút về thời niên thiếu của ngài. Biết bao lần ngài đã thấy mẹ làm bánh mì bằng cách lấy một ít bột đã lên men để dành từ đợt làm bánh trước để làm dậy bột? (Ma-thi-ơ 13:33) Bao nhiêu lần ngài đã nhìn thấy những người đánh cá thả lưới xuống lòng Biển Ga-li-lê trong xanh? (Ma-thi-ơ 13:47) Biết bao lần ngài đã quan sát các đứa trẻ nô đùa ở chợ? (Ma-thi-ơ 11:16) Chúa Giê-su có thể còn chú ý đến nhiều điều thông thường khác mà sau đó đã đi vào các minh họa của ngài—những hột giống được gieo, những bữa tiệc cưới tưng bừng, và những cánh đồng ngũ cốc chín vàng dưới ánh mặt trời.—Ma-thi-ơ 13:3-8; 25:1-12; Mác 4:26-29.

12, 13. Dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng cho thấy Chúa Giê-su quen thuộc với tình hình địa phương như thế nào?

12 Vì thế, không lạ gì khi những hoàn cảnh hoặc tình huống đời thường xuất hiện đây đó trong nhiều minh họa của Chúa Giê-su. Do đó, muốn hiểu rõ hơn tài năng dùng minh họa của ngài, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của lời ngài đối với thính giả người Do Thái. Chúng ta hãy xem hai thí dụ.

13 Thứ nhất, trong dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng, Chúa Giê-su kể về một người đàn ông gieo giống lúa tốt trong ruộng mình nhưng rồi bị “kẻ thù” đột nhập, gieo cỏ lùng vào đó. Tại sao Chúa Giê-su lại chọn chính hành động thù hằn đó? Hãy nhớ rằng ngài kể minh họa đó gần Biển Ga-li-lê, và hiển nhiên người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Còn điều gì tai hại cho nhà nông bằng bị kẻ thù lẻn gieo cỏ lùng độc hại vào ruộng mình? Luật dân sự vào thời đó cho thấy những việc như thế có xảy ra thật. Chẳng phải rõ ràng Chúa Giê-su đã sử dụng một tình huống mà những người nghe ngài đều hiểu sao?—Ma-thi-ơ 13:1, 2, 24-30.

14. Trong dụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người, tại sao việc Chúa Giê-su dùng con đường “từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô” để minh họa ý ngài là điều đáng lưu ý?

14 Thứ hai, hãy nhớ lại dụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người. Chúa Giê-su bắt đầu câu chuyện: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt-lột hết, đánh cho mình-mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết”. (Lu-ca 10:30) Điều đáng lưu ý là Chúa Giê-su dùng con đường “từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô” để minh họa ý ngài. Khi kể dụ ngôn này, ngài đang ở xứ Giu-đê, tức cách thành Giê-ru-sa-lem không xa lắm và vì thế những người nghe ngài có lẽ đều biết con đường được nói đến. Con đường này nổi tiếng nguy hiểm, đặc biệt đối với những người đi một mình vì có nhiều khúc quanh khúc khuỷu, tạo chỗ nấp cho bọn cướp.

15. Tại sao không ai có thể biện hộ cho sự hờ hững của thầy tế lễ và người Lê-vi trong minh họa về người Sa-ma-ri thương người?

15 Có một điều khác đáng chú ý về việc Chúa Giê-su nhắc đến con đường “từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô”. Theo câu chuyện, trước hết một thầy tế lễ, sau đó một người Lê-vi đi qua con đường, nhưng không ai dừng lại để giúp người bị nạn. (Lu-ca 10:31, 32) Các thầy tế lễ phục vụ tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, còn người Lê-vi giúp việc họ. Nhiều thầy tế lễ và người Lê-vi cư trú ở Giê-ri-cô khi không hầu việc tại đền thờ, vì Giê-ri-cô chỉ cách Giê-ru-sa-lem 23 kilômét. Vì thế, hẳn nhiên có lúc họ đi qua con đường đó. Ngoài ra, cũng hãy lưu ý rằng thầy tế lễ và người Lê-vi đang đi “từ thành Giê-ru-sa-lem”, có nghĩa là đang rời khỏi đền thờ. * Do đó, không ai có thể biện hộ cho sự hờ hững của họ bằng cách nói rằng: ‘Họ phải tránh người đàn ông bị thương vì ông ta trông như đã chết, và đụng đến xác chết có thể khiến họ không đủ tư cách phụng sự tại đền thờ mấy ngày sau đó’. (Lê-vi Ký 21:1; Dân-số Ký 19:11, 16) Chẳng phải hiển nhiên minh họa của Chúa Giê-su phản ánh những điều quen thuộc với cử tọa của ngài sao?

Mượn từ sự sáng tạo

16. Tại sao không lạ gì khi Chúa Giê-su biết rõ công trình sáng tạo?

16 Một số minh họa và dụ ngôn của Chúa Giê-su cho thấy ngài biết nhiều về cây cỏ, thú vật và các yếu tố thời tiết. (Ma-thi-ơ 6:26, 28-30; 16:2, 3) Ngài thu thập sự hiểu biết đó từ đâu? Khi lớn lên ở Ga-li-lê, chắc chắn ngài đã có nhiều cơ hội quan sát các công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, Chúa Giê-su chính là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” và được Đức Chúa Trời dùng làm “thợ cái” để tạo ra muôn vật. (Cô-lô-se 1:15, 16; Châm-ngôn 8:30, 31) Chẳng lạ gì khi ngài biết rõ công trình sáng tạo phải không? Hãy xem ngài đã vận dụng sự hiểu biết đó khéo léo ra sao trong việc dạy dỗ.

17, 18. (a) Những lời của Chúa Giê-su nơi Giăng chương 10 cho thấy ngài quen thuộc với tính cách loài chiên như thế nào? (b) Các du khách viếng thăm những vùng đất trong Kinh Thánh đã quan sát thấy gì về sự gắn bó giữa các mục đồng và bầy chiên của họ?

17 Một trong những minh họa xúc động nhất của Chúa Giê-su được ghi nơi Giăng chương 10, ví mối quan hệ mật thiết của ngài với môn đồ như sự gắn bó giữa mục đồng và bầy chiên. Lời Chúa Giê-su cho thấy ngài rất quen thuộc với tính cách của loài chiên nuôi. Ngài nói chúng chịu nghe theo sự dẫn dắt và trung thành đi theo mục đồng. (Giăng 10:2-4) Các du khách viếng thăm những vùng đất trong Kinh Thánh đã mục kích sự gắn bó đặc biệt đó. Vào thế kỷ 19, nhà sinh vật học H. B. Tristram nhận xét: “Có lần tôi quan sát một mục đồng đùa giỡn với bầy chiên của anh ta. Khi anh giả vờ bỏ chạy, các chú chiên đã chạy theo vây lấy anh... Cuối cùng cả bầy tạo thành một vòng tròn, nhảy nhót xung quanh anh”.

18 Tại sao bầy chiên theo người chăn? Chúa Giê-su nói: “Vì chiên quen tiếng người”. (Giăng 10:4) Loài chiên có thật sự biết tiếng của người chăn chúng không? Dựa trên những quan sát cá nhân, ông George A. Smith đã viết trong cuốn sách của ông nhan đề The Historical Geography of the Holy Land (Địa lý lịch sử Vùng Đất Thánh) như sau: “Đôi khi chúng tôi nghỉ trưa bên một trong những giếng nước đó của vùng Giu-đê, và có ba bốn mục đồng đưa chiên đến. Các bầy chiên hòa lẫn vào nhau, và chúng tôi tự hỏi làm thế nào các mục đồng sẽ tìm lại được những con trong bầy của mình. Nhưng sau khi chúng đã uống nước và nô đùa xong, mỗi mục đồng đi về một hướng khác nhau trong thung lũng và cất tiếng kêu riêng của mình; thế là các chú chiên của mỗi người tách khỏi đám chiên đi về phía người chăn của chúng, và các bầy cứ thế đi khỏi cũng trật tự như khi chúng tới”. Chúa Giê-su khó có thể dùng hình ảnh nào tốt hơn để minh họa ý ngài. Nếu chúng ta chấp nhận và vâng theo những dạy dỗ của ngài, cũng như để ngài dẫn dắt, chúng ta cũng được ở dưới sự chăm sóc đầy yêu thương và dịu dàng của “người chăn hiền-lành”.—Giăng 10:11.

Mượn những sự kiện được người nghe biết đến

19. Chúa Giê-su đã sử dụng hiệu quả một thảm kịch xảy ra ở địa phương để bài bác một quan niệm sai lầm như thế nào?

19 Các kinh nghiệm hoặc gương mẫu cũng có thể được dùng làm minh họa để từ đó rút ra bài học. Có lần Chúa Giê-su đã dùng một sự kiện vừa xảy ra để bài bác quan niệm sai lầm cho rằng những người bị tai họa là do ác báo. Ngài nói: “Mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội-lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao?” (Lu-ca 13:4) Chúa Giê-su kịch liệt phản đối lý luận định mệnh. Mười tám linh hồn đó không phải bị chết do đã phạm tội nào đó khiến Đức Chúa Trời phật lòng. Mà đúng hơn thảm kịch của họ là hậu quả của thời thế và sự bất trắc. (Truyền-đạo 9:11, NW) Như vậy, ngài đã dùng một sự kiện được nhiều người biết đến để bài bác một dạy dỗ sai lầm.

20, 21. (a) Tại sao người Pha-ri-si lên án các môn đồ Chúa Giê-su? (b) Chúa Giê-su đã dùng câu chuyện nào trong Kinh Thánh để cho thấy Đức Giê-hô-va không bao giờ có ý định áp dụng luật Sa-bát một cách cứng nhắc? (c) Điều gì sẽ được thảo luận trong bài tiếp theo?

20 Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su cũng dùng những gương mẫu trong Kinh Thánh. Hãy nhớ lại lúc người Pha-ri-si lên án các môn đồ của ngài về việc bứt bông lúa mì ăn trong ngày Sa-bát. Thật ra, các môn đồ ngài không vi phạm Luật Pháp Đức Chúa Trời, mà chỉ vi phạm sự diễn giải khắt khe của người Pha-ri-si về những điều không được phép làm trong ngày Sa-bát. Để cho thấy Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định áp dụng luật Sa-bát một cách cứng nhắc vô lý như thế, Chúa Giê-su nhắc đến một sự kiện được ghi lại nơi 1 Sa-mu-ên 21:3-6. Lúc đói, Đa-vít cùng những người theo ông đã ghé vào đền thờ và ăn bánh trần thiết cũ, được lấy xuống từ bàn thờ sau khi người ta thay bánh mới. Mấy ổ bánh cũ đó thường chỉ dành cho các thầy tế lễ. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, Đa-vít và những người theo ông đã không bị lên án vì ăn bánh đó. Điều đáng nói là chỉ duy nhất chỗ này trong Kinh Thánh tường thuật về việc những người không giữ chức tế lễ được ăn bánh thánh cũ. Chúa Giê-su biết chính xác phải dùng câu chuyện nào, và những người Do Thái nghe ngài chắc chắn quen thuộc với câu chuyện đó.—Ma-thi-ơ 12:1-8.

21 Chúa Giê-su thật là Thầy Dạy Lớn! Chúng ta không khỏi thán phục trước tài năng vô song của ngài trong việc truyền đạt những lẽ thật quan trọng một cách rõ ràng để động đến lòng người nghe. Nhưng làm thế nào noi theo ngài trong cách dạy dỗ của chúng ta? Điều này sẽ được thảo luận trong bài tiếp theo.

[Chú thích]

^ đ. 2 Các minh họa của Chúa Giê-su có nhiều dạng: thí dụ, so sánh, ẩn dụ. Ngài rất nổi tiếng về việc dùng dụ ngôn, được định nghĩa là “một câu truyện ngắn, thường là giả tưởng, nhằm đưa đến một bài học đạo đức hay một chân lý tôn giáo”.

^ đ. 15 Thành Giê-ru-sa-lem ở vị trí cao hơn thành Giê-ri-cô. Do đó, khi một người ‘từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Giê-ri-cô’, như nói đến trong dụ ngộn, người đó phải ‘đi xuống’.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao Chúa Giê-su dùng minh họa để dạy dỗ?

• Thí dụ nào cho thấy Chúa Giê-su dùng những minh họa quen thuộc với cử tọa của ngài vào thế kỷ thứ nhất?

• Chúa Giê-su đã khéo léo dùng sự hiểu biết của ngài về công trình sáng tạo trong các minh họa ra sao?

• Chúa Giê-su dùng những sự kiện mà người nghe đã biết như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su kể về một người đầy tớ không chịu bỏ qua chỉ một món nợ nhỏ và về một người cha đã tha thứ cho đứa con tiêu sạch cả phần gia tài của mình

[Hình nơi trang 16]

Chúa Giê-su muốn nói gì qua dụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người?

[Hình nơi trang 17]

Chiên có thật sự biết tiếng của người chăn chúng không?