Những người láng giềng tốt là điều đáng quý
Những người láng giềng tốt là điều đáng quý
“Một người xóm-giềng gần còn hơn anh em xa”.—Châm-ngôn 27:10.
MỘT học giả trong thế kỷ thứ nhất CN hỏi Chúa Giê-su: “Ai là người lân-cận tôi?” Trong câu trả lời, Chúa Giê-su không nói ai là người lân cận của ông nhưng điều gì khiến một người trở thành người lân cận thật sự. Rất có thể bạn quen thuộc với minh họa này của Chúa Giê-su được nhiều người biết đến dưới tên là dụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người, ghi trong sách Phúc Âm theo Lu-ca. Chúa Giê-su kể truyện này như sau:
“Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt-lột hết, đánh cho mình-mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế-lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn-sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn-sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi Lu-ca 10:29-36.
tưởng ai là lân-cận với kẻ bị cướp?”—Xem chừng học giả ấy hiểu ra điểm chính vấn đề. Không do dự gì, ông nhận ra đúng ai là người lân cận của người bị thương: “Ấy là người đã lấy lòng thương-xót đãi người”. Kế đó Chúa Giê-su bảo ông ấy: “Hãy đi, làm theo như vậy”. (Lu-ca 10:37) Thật là một minh họa hữu hiệu cho thấy thế nào là người lân cận thật sự! Dụ ngôn của Chúa Giê-su còn có thể khiến chúng ta tự vấn: ‘Tôi là người lân cận như thế nào? Tôi có để cho gốc gác chủng tộc hoặc quốc gia quyết định ai là những người lân cận của tôi không? Những nhân tố như thế có hạn chế bổn phận giúp đỡ bất cứ người đồng loại nào lâm nguy không? Tôi có nỗ lực làm người lân cận tốt không?’
Bắt đầu từ đâu?
Nếu cảm thấy cần trau dồi về vấn đề này, chúng ta phải bắt đầu từ việc xem xét lại thái độ tâm lý của mình. Chúng ta nên tập trung vào việc làm sao để là người lân cận tốt. Điều này cũng có thể góp phần làm chúng ta có được những người lân cận tốt. Cách đây gần hai ngàn năm, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh nguyên tắc đối nhân xử thế quan trọng này trong Bài Giảng trên Núi của ngài mà nhiều người biết đến. Ngài nói: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Tôn trọng phẩm giá người khác và tử tế với họ là điều khuyến khích họ đối xử với bạn tương tự như vậy.
Trong bài báo “Yêu thương người lân cận” đăng trên tạp chí The Nation Since 1865, nữ ký giả Lise Funderburg nêu một số việc đơn giản có thể thực hiện được nhằm cổ động tình láng giềng. Bà viết: “Tôi muốn... những dịp tiếp xúc tạo từ vô số việc làm nhỏ nhặt mà hàng xóm dành cho nhau như: nhặt nhật báo, trông nom trẻ, ra tiệm mua đồ giùm. Tôi muốn có sự gần gũi này trong một thế giới ngày càng xa lạ, nơi mà mối liên lạc cộng đồng yếu đi vì sự sợ hãi và tội ác”. Rồi bà viết thêm: “Việc gì cũng phải có bắt đầu. Và bạn có thể bắt đầu ở ngay nhà kế bên”.
Tạp chí Canadian Geographic cũng nêu một điểm hữu ích có thể giúp những người lân cận vun trồng thái độ lành mạnh đối với nhau. Nhà văn Marni Jackson nhận xét: “Như gia đình, hàng xóm là những người bạn không luôn chọn lựa. Trong quan hệ đối xử ta cần phải tế nhị, lễ phép và độ lượng”.
Láng giềng tốt sẵn lòng cho
Đành rằng nhiều người chúng ta có thể ngượng nghịu khi đến làm quen người láng giềng. Dường như tránh tiếp xúc và tự cô lập thì dễ hơn. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Do đó, một người lân cận tốt cố gắng nỗ lực làm quen với những người ở chung quanh mình. Dù không nhất thiết phải vun trồng tình bạn khắng khít, nhưng người đó không quản thỉnh thoảng trao đổi vài lời, có lẽ bắt đầu bằng một nụ cười hoặc một điệu bộ thân thiện nào đó.
Như đã nêu trên, chính “vô số việc làm nhỏ nhặt” mà những người láng giềng làm cho nhau mới là điều thật sự đáng kể trong việc thiết lập và duy trì tình láng giềng. Vậy ta nên tìm những cách nho nhỏ để biểu lộ sự tử tế với người láng giềng vì điều này thường đẩy mạnh tinh thần hợp tác và kính trọng lẫn nhau. Hơn nữa, khi làm thế, chúng ta tuân theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy”.—Châm-ngôn 3:27; Gia-cơ 2:14-17.
Láng giềng tốt nhận với lòng cảm kích
Thật là lý tưởng nếu chúng ta có thể khẳng định rằng mọi người nhận đều cảm kích sự giúp đỡ và quà tặng. Buồn thay, không phải luôn luôn được như thế. Sự giúp đỡ và lòng thảo biếu quà nhiều khi không được quý trọng khiến người chân tình tặng quà nghĩ: ‘Đây là lần cuối, sẽ không có lần khác!’ Có khi
mọi nỗ lực chào hỏi thân thiện và vẫy tay chỉ được những người láng giềng đáp lại bằng một cái gật đầu gượng ép.Thế nhưng, trong nhiều trường hợp người nhận quà hay được chào thật ra không vong ơn, dù có vẻ là như thế. Có thể vì gốc gác văn hóa nên người đó ngập ngừng hoặc ngượng nghịu, hành động một cách không tự nhiên, và có vẻ thiếu thân thiện. Mặt khác, trong thế giới bội bạc ngày nay, một số người có thể nghĩ sự thân thiện của bạn là điều lạ thường, và nghi ngờ động lực của bạn. Có lẽ họ cần được trấn an. Do đó cần có thời gian và kiên nhẫn mới lập được quan hệ thân thiện với người khác. Tuy nhiên, những người láng giềng học được cách thức sẵn lòng cho và nhận với lòng cảm kích sẽ góp phần xây dựng quan hệ láng giềng hòa nhã và hạnh phúc.
Khi gặp nghịch cảnh
Một người láng giềng tốt đặc biệt quý khi xảy ra tai họa. Trong nghịch cảnh, tinh thần láng giềng chân chính bộc lộ. Có nhiều câu chuyện về những hành động vị tha của những người láng giềng trong những lúc như thế. Dường như cơn thảm họa chung khiến những người láng giềng tự nguyện hợp tác và xả thân vì người khác. Ngay cả những người có quan điểm đối lập thường sẽ hợp tác.
Thí dụ, tờ The New York Times tường thuật rằng khi một trận động đất tàn khốc xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999, những kẻ thù truyền kiếp đã tỏ tinh thần láng giềng đoàn kết. Ký giả người Hy Lạp Anna Stergiou viết trên một nhật báo ở Athens: “Qua nhiều năm chúng tôi đã được dạy là phải ghét người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sự đau khổ tột bực của họ không làm chúng tôi vui. Chúng tôi cảm động, và khóc, làm như mối thù lâu đời tan biến khi chúng tôi nhìn thấy trẻ con chết”. Khi các cuộc cứu nạn được chính thức đình chỉ, đội cứu hộ Hy Lạp vẫn không chịu ngưng tìm kiếm những người sống sót.
Quả là một nghĩa cử cao thượng và anh hùng giữa những người láng giềng khi tham gia vào công việc cứu hộ sau khi tai họa xảy ra. Nếu vậy, việc cảnh báo một láng giềng trước khi nghịch cảnh xảy đến nhằm cứu mạng cho họ chắc chắn phải được xem là một nghĩa cử càng quý hơn nữa. Buồn thay, lịch sử cho thấy rằng người ta thường không hoan nghênh những người báo trước các tai họa sắp đến, bởi vào thời điểm cảnh báo, tai họa chưa xuất hiện. Những người báo trước tai họa thường không được ai tin. Bất kỳ những ai cố gắng giúp những người không ý thức được tình thế bấp bênh, cần có nhiều kiên trì và hy sinh.
Nghĩa cử cao thượng nhất của tình láng giềng
Ngày nay, một biến cố nghiêm trọng hơn cả thiên tai sắp bủa xuống nhân loại. Đó là hành động được báo trước của Đức Chúa Trời Toàn Năng nhằm loại bỏ khỏi trái đất tội ác, sự hung dữ và những vấn đề liên hệ. (Khải-huyền 16:16; 21:3, 4) Biến cố trọng đại này không phải là khả năng xa vời nhưng là điều chắc chắn! Nhân Chứng Giê-hô-va rất mong muốn được chia sẻ với càng nhiều người càng tốt sự hiểu biết cần thiết để sống sót qua biến cố sắp gây chấn động thế giới này. Đó là lý do tại sao họ kiên trì tham gia vào hoạt động rao giảng nổi tiếng trên khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 24:14) Họ làm như thế một cách sẵn lòng, vì tình yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận.
Do đó, chớ để cho thành kiến hoặc sự bực tức ngăn cản bạn nghe Nhân Chứng Giê-hô-va khi họ đến nhà bạn hoặc ở nơi khác. Họ cố gắng làm những người lân cận tốt. Vậy hãy chấp nhận học hỏi Kinh Thánh với họ. Hãy học biết Lời Đức Chúa Trời đã cam kết thế nào với chúng ta rằng triển vọng được chung sống vui vẻ với những người láng giềng gần đến rồi. Lúc ấy, sẽ không còn sự kỳ thị chủng tộc, phân biệt tôn giáo hoặc giai cấp xã hội làm mất đi mối quan hệ thân ái mà phần đông chúng ta thật sự ao ước.
[Các hình nơi trang 6, 7]
Chúng ta nên thực hiện những hành động tử tế trong khu xóm mình
[Nguồn tư liệu]
Địa cầu: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.