Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi gương Thầy Dạy Lớn

Noi gương Thầy Dạy Lớn

Noi gương Thầy Dạy Lớn

“Hãy đi đào tạo người từ các nước thành môn đồ,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”.—MA-THI-Ơ 28:19, 20, NW.

1, 2. (a) Vì sao theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là thầy? (b) Tín đồ thật của Đấng Christ có trách nhiệm đặc biệt nào liên quan đến việc dạy dỗ?

BẠN có phải là một người thầy không? Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là thầy. Mỗi khi bạn chỉ đường cho một người đi lạc, hướng dẫn đồng nghiệp cách thực hiện một công việc, hay chỉ cho một đứa trẻ cách cột dây giày là bạn đang dạy. Giúp đỡ người khác qua những cách đó phần nào mang lại sự thỏa lòng phải không?

2 Tín đồ thật của Đấng Christ có một trách nhiệm đặc biệt liên quan đến việc dạy dỗ. Chúng ta được giao nhiệm vụ “đào tạo người từ các nước thành môn đồ,... dạy họ”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20, NW) Chúng ta cũng có cơ hội dạy dỗ trong hội thánh. Một số người nam hội đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm làm người ‘chăn chiên, thầy dạy’, với mục đích gây dựng hội thánh. (Ê-phê-sô 4:11-13, Nguyễn Thế Thuấn) Trong những sinh hoạt hàng ngày của người tín đồ, những phụ nữ thành thục cũng phải “lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo” những phụ nữ trẻ hơn. (Tít 2:3-5) Tất cả chúng ta đều được khuyến giục nên khích lệ anh em mình, và có thể làm điều đó bằng cách dùng Kinh Thánh xây dựng người khác. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11) Thật là một vinh dự được làm người dạy Lời Đức Chúa Trời và chia sẻ những giá trị thiêng liêng mang lại lợi ích lâu dài!

3. Làm thế nào chúng ta có thể nâng cao hiệu quả của công việc dạy dỗ?

3 Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nâng cao hiệu quả trong công việc dạy dỗ? Chủ yếu là bằng cách noi gương Thầy Dạy Lớn, Chúa Giê-su. Một số người có lẽ tự hỏi: ‘Làm sao tôi có thể noi theo Chúa Giê-su được? Ngài là người hoàn toàn cơ mà’. Quả là chúng ta không thể trở thành những người dạy hoàn hảo, tuy nhiên dù khả năng đến đâu, chúng ta vẫn có thể cố gắng hết sức noi theo cách dạy dỗ của Chúa Giê-su. Hãy cùng thảo luận cách vận dụng bốn phương pháp mà ngài đã dùng—lời lẽ đơn giản, câu hỏi hữu hiệu, lý luận hợp lý và minh họa thích hợp.

Giữ cách dạy đơn giản

4, 5. (a) Tại sao tính đơn giản là một trong những đặc điểm chính của lẽ thật Kinh Thánh? (b) Muốn dạy dỗ một cách đơn giản, tại sao điều quan trọng là phải cẩn thận trong cách sử dụng ngôn từ của chúng ta?

4 Những lẽ thật căn bản trong Lời Đức Chúa Trời không mang tính cầu kỳ phức tạp. Trong một lời cầu nguyện, Chúa Giê-su nói: “Hỡi Cha!... tôi khen-ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay”. (Ma-thi-ơ 11:25) Đức Giê-hô-va đã tiết lộ ý định của Ngài cho những người có lòng khiêm nhường, thành thật. (1 Cô-rinh-tô 1:26-28) Vì thế, tính đơn giản là một trong những đặc điểm chính của lẽ thật Kinh Thánh.

5 Khi hướng dẫn một người học hỏi Kinh Thánh tại nhà hay trở lại viếng thăm những người chú ý, làm thế nào bạn có thể dạy một cách đơn giản? Vâng, chúng ta đã học được gì từ nơi Thầy Dạy Lớn? Để động đến lòng người nghe, mà đa số là “thường dân thiếu học”, Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ bình dị hầu họ có thể hiểu được. (Công vụ 4:13, An Sơn Vị) Vì vậy, muốn dạy dỗ một cách đơn giản, trước hết cần cẩn thận trong cách sử dụng ngôn từ của chúng ta. Chúng ta không cần phải dùng những từ ngữ cao siêu để thuyết phục người khác tin lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời. Những “lời cao-xa” đó có thể khiến người nghe, đặc biệt là những người có trình độ thấp, cảm thấy e sợ. (1 Cô-rinh-tô 2:1, 2) Gương mẫu của Chúa Giê-su cho thấy lời lẽ đơn giản, được chọn lọc cẩn thận vẫn có thể truyền đạt lẽ thật một cách mạnh mẽ.

6. Làm sao chúng ta có thể tránh làm cho người học bị ngộp bởi quá nhiều thông tin?

6 Muốn dạy dỗ một cách đơn giản, chúng ta cũng phải cẩn thận tránh làm cho người học bị ngộp bởi quá nhiều thông tin. Chúa Giê-su rất quan tâm đến những hạn chế của môn đồ. (Giăng 16:12) Cũng vậy, chúng ta phải quan tâm đến người học. Chẳng hạn, khi hướng dẫn học sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, chúng ta không nhất thiết phải giải thích mọi chi tiết. * Cũng không cần phải học vội vã, như thể điều quan trọng nhất là dạy xong một số đoạn nhất định. Thay vì thế, tốt hơn nên để nhu cầu và khả năng của học viên quyết định nhịp độ buổi học. Mục tiêu của chúng ta là giúp người học trở thành môn đồ của Đấng Christ và người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cần giúp họ nắm vững những điều họ học, bất kể phải tốn bao nhiêu thời gian. Như vậy, lẽ thật mới có thể động đến lòng họ và thúc đẩy họ hành động.—Rô-ma 12:2.

7. Những đề nghị nào có thể giúp chúng ta dạy dỗ một cách đơn giản khi giảng trước hội thánh?

7 Khi trình bày bài giảng trước hội thánh, đặc biệt nếu có người mới trong cử tọa, làm thế nào chúng ta có thể tránh cách diễn đạt “chẳng rõ-ràng”? (1 Cô-rinh-tô 14:9) Hãy xem xét ba đề nghị hữu ích sau. Thứ nhất, hãy giải thích bất kỳ từ lạ nào bạn phải dùng. Khi học biết Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có một số từ vựng đặc biệt. Nếu dùng những cụm từ như “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, “chiên khác” và “Ba-by-lôn Lớn”, có thể chúng ta cần giải thích rõ ý nghĩa của chúng bằng những từ ngữ đơn giản. Thứ hai, tránh dài dòng. Quá nhiều lời, nói năng quá cầu kỳ phức tạp có thể làm mất sự chú ý của cử tọa. Muốn rõ ràng phải bỏ bớt những từ và câu không cần thiết. Thứ ba, đừng cố nêu quá nhiều ý tưởng. Qua tra cứu, có thể chúng ta đã tìm được nhiều chi tiết thú vị, nhưng tốt nhất nên sắp xếp tài liệu thành một vài ý chính, chỉ dùng những thông tin giúp chứng minh những điểm chính này, và có thể được khai triển trong thời gian ấn định.

Sử dụng hiệu quả câu hỏi

8, 9. Làm thế nào chúng ta có thể chọn câu hỏi phù hợp với mối bận tâm của chủ nhà? Hãy cho thí dụ.

8 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su là bậc thầy trong việc dùng câu hỏi để gợi cho các môn đồ nói lên cảm tưởng của họ, đồng thời để kích thích và phát triển khả năng suy nghĩ của họ. Bằng câu hỏi, ngài nhẹ nhàng động đến lòng họ. (Ma-thi-ơ 16:13, 15; Giăng 11:26) làm thế nào chúng ta sử dụng hiệu quả câu hỏi giống như Chúa Giê-su?

9 Khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, chúng ta có thể dùng câu hỏi gợi sự chú ý để mở đường trình bày thông điệp Nước Trời. Làm thế nào để chọn câu hỏi phù hợp với những bận tâm của chủ nhà? Hãy quan sát. Khi đến một căn nhà, hãy nhìn xung quanh. Trong sân có đồ chơi, cho thấy nhà có con nít không? Nếu có, chúng ta có thể hỏi: ‘Ông/Bà có bao giờ tự hỏi thế giới sẽ như thế nào khi con cái chúng ta lớn lên không?’ (Thi-thiên 37:10, 11) Cửa trước có nhiều khóa hay hệ thống báo động không? Chúng ta có thể hỏi: ‘Ông/Bà nghĩ có bao giờ chúng ta sẽ cảm thấy an toàn lúc ở nhà và cả khi đi ngoài đường không?’ (Mi-chê 4:3, 4) Có lối đi cho xe lăn không? Chúng ta có thể hỏi: ‘Có bao giờ mọi người sẽ được hưởng sức khỏe hoàn hảo không?’ (Ê-sai 33:24) Có thể tìm thấy nhiều lời đề nghị trong sách Làm sao bắt đầu và tiếp tục thảo luận về Kinh-thánh. *

10. Làm thế nào dùng câu hỏi để “múc” những cảm nghĩ thầm kín trong lòng học viên Kinh Thánh, nhưng chúng ta cần nhớ điều gì?

10 Làm thế nào sử dụng hiệu quả câu hỏi khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh? Chúng ta không thể đọc được lòng người ta như Chúa Giê-su. Tuy nhiên, những câu hỏi tế nhị nhưng sâu sắc có thể giúp chúng ta “múc” những cảm nghĩ thầm kín trong lòng học viên. (Châm-ngôn 20:5) Giả sử chúng ta đang học chương “Tại sao sống một đời sống tin kính mang lại hạnh phúc” trong sách Hiểu biết. Chương này thảo luận quan điểm của Đức Chúa Trời về sự bất lương, tà dâm và một số vấn đề khác. Học viên có thể trả lời chính xác các câu hỏi trong sách, nhưng liệu người ấy có đồng ý với điều mình đang học không? Chúng ta có thể hỏi: ‘Theo ông/bà, quan điểm của Đức Giê-hô-va về những vấn đề này có hợp lý không?’ ‘Làm thế nào ông/bà có thể áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh này vào đời sống?’ Nhưng nên nhớ cần tôn trọng phẩm giá của học viên. Chúng ta không muốn đặt những câu hỏi làm cho họ cảm thấy xấu hổ hoặc bị xúc phạm.—Châm-ngôn 12:18.

11. Các diễn giả nói bài giảng công cộng có thể vận dụng hiệu quả câu hỏi qua cách nào?

11 Các diễn giả nói bài giảng công cộng cũng có thể vận dụng hiệu quả câu hỏi. Câu hỏi tu từ—những câu hỏi mà cử tọa không cần phải trả lời lớn tiếng—có thể gợi cho thính giả suy nghĩ và lý luận. Thỉnh thoảng Chúa Giê-su đã đặt những câu hỏi như thế. (Ma-thi-ơ 11:7-9) Ngoài ra, sau phần nhập đề, diễn giả có thể dùng câu hỏi để nêu những ý chính sẽ được thảo luận trong bài. Anh có thể nói: “Trong buổi thảo luận hôm nay, chúng ta sẽ xem xét lời giải đáp cho những câu hỏi sau...”. Rồi, trong phần kết luận, anh có thể nhắc lại những câu hỏi đó để ôn lại các điểm chính.

12. Hãy cho một thí dụ cho thấy cách các trưởng lão có thể dùng câu hỏi để giúp anh em đồng đức tin tìm thấy sự an ủi trong Lời Đức Chúa Trời.

12 Trong công việc chăn bầy, các trưởng lão tín đồ Đấng Christ có thể dùng câu hỏi để giúp “kẻ ngã lòng” tìm thấy sự an ủi trong Lời Đức Chúa Trời. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Chẳng hạn, để giúp một người bị buồn nản, trưởng lão có thể hướng sự chú ý của người đó đến Thi-thiên 34:18. Câu này nói: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”. Để chắc rằng người đó hiểu câu Kinh Thánh này áp dụng cho chính họ, trưởng lão có thể hỏi: ‘Đức Giê-hô-va ở gần ai? Đôi khi anh/chị có cảm thấy mình có “lòng đau-thương” và “tâm-hồn thống-hối” không? Như Kinh Thánh nói, nếu Đức Giê-hô-va ở gần những người như thế, chẳng phải điều đó có nghĩa là Ngài cũng ở gần anh/chị sao?’ Lời trấn an dịu dàng đó có thể giúp người buồn nản lên tinh thần.—Ê-sai 57:15.

Lý luận hợp lý

13, 14. (a) Chúng ta có thể lý luận thế nào với người nói rằng họ không tin một Đức Chúa Trời họ không thể thấy được? (b) Tại sao chúng ta không nên trông chờ mọi người đều sẽ tin?

13 Trong thánh chức, chúng ta muốn động đến lòng người nghe với lý luận hợp lý, thuyết phục. (Công-vụ 19:8, NW; 28:23, 24, NW) Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta phải học vận dụng những lý luận phức tạp để thuyết phục người khác tin lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời? Hoàn toàn không. Lý luận hợp lý không nhất thiết phải cầu kỳ phức tạp. Những lập luận hợp lý được trình bày cách giản dị thường lại đạt hiệu quả cao nhất. Hãy xem một thí dụ.

14 Chúng ta trả lời thế nào khi một người nói rằng họ không tin một Đức Chúa Trời họ không thể thấy được? Chúng ta có thể lý luận dựa trên quy luật nhân-quả tự nhiên. Khi quan sát thấy một kết quả, chúng ta nhìn nhận phải có một nguyên nhân. Chúng ta có thể nói: ‘Nếu bạn đi đến một vùng xa xôi hẻo lánh và tìm thấy một ngôi nhà đẹp đẽ, chứa đầy lương thực (kết quả), hẳn bạn sẽ sẵn sàng nhìn nhận có người (nguyên nhân) đã xây ngôi nhà đó và dự trữ lương thực trong tủ. Cũng vậy, khi nhìn thấy trật tự hiển nhiên trong thiên nhiên và vô vàn thực phẩm trong “tủ” của trái đất (kết quả), chẳng phải điều hợp lý là phải chấp nhận có một Đấng nào đó (nguyên nhân) đã thực hiện những việc đó sao? ’ Lập luận đơn giản của Kinh Thánh rất chí lý: “Vả, chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 3:4) Tuy nhiên, dù lập luận của chúng ta có hợp lý đến đâu, không phải mọi người đều sẽ tin theo. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng chỉ những người “có lòng hướng thiện” mới trở thành người tin đạo mà thôi.—Công-vụ 13:48, NW; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2.

15. Chúng ta có thể dùng lập luận nào để nêu bật các đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va, và hai thí dụ nào cho thấy cách sử dụng lập luận đó?

15 Khi dạy dỗ, dù là trong thánh chức hay trước hội thánh, chúng ta đều có thể dùng lý luận hợp lý để nêu bật các đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va. Đặc biệt hữu hiệu là lập luận “huống chi” mà Chúa Giê-su đã nhiều lần sử dụng. (Lu-ca 11:13; 12:24) Bằng sự tương phản, lập luận này có thể tạo nên một ấn tượng rất sâu sắc. Để phơi bày sự vô lý của giáo lý hỏa ngục, chúng ta có thể nói: ‘Không có người cha yêu thương nào lại trừng phạt con bằng cách giữ tay nó trên lửa. Huống chi ý tưởng về hỏa ngục hẳn càng ghê tởm biết bao đối với Cha yêu thương của chúng ta trên trời!’ (Giê-rê-mi 7:31) Để cho biết Đức Giê-hô-va chăm sóc tôi tớ Ngài từng cá nhân một, chúng ta có thể nói: ‘Nếu với hàng tỉ ngôi sao trên trời, Đức Giê-hô-va còn biết tên từng vì sao một, huống chi là những người yêu mến Ngài và được chuộc bởi huyết báu của Con Ngài. Ngài hẳn còn quan tâm đến họ nhiều hơn biết bao!’ (Ê-sai 40:26; Công-vụ 20:28) Những lý luận vững chắc như thế có thể giúp chúng ta động đến lòng người khác.

Minh họa thích hợp

16. Tại sao lời minh họa hữu ích trong việc dạy dỗ?

16 Giống như gia vị, những minh họa hữu hiệu khiến cho sự dạy dỗ thêm sức lôi cuốn. Tại sao minh họa lại hữu ích trong việc dạy dỗ? Một nhà giáo dục nhận xét: “Suy nghĩ một cách trừu tượng là một trong những khả năng khó đạt được nhất của con người”. Lời minh họa gợi lên trong trí những hình ảnh sống động ý nghĩa, giúp chúng ta nắm những khái niệm mới trọn vẹn hơn. Chúa Giê-su rất xuất sắc trong lãnh vực dùng minh họa. (Mác 4:33, 34) Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể vận dụng phương pháp dạy dỗ này.

17. Bốn yếu tố nào khiến một minh họa trở nên hữu hiệu?

17 Điều gì khiến một minh họa trở nên hữu hiệu? Thứ nhất, nó phải thích hợp với cử tọa, tức dựa trên những hoàn cảnh gần gũi với thính giả. Chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su dùng nhiều minh họa mượn từ đời sống hàng ngày của những người nghe ngài. Thứ hai, minh họa phải phù hợp với điểm đang trình bày. Nếu sự so sánh có vẻ gượng gạo, minh họa đó chỉ khiến thính giả bị phân tâm mà thôi. Thứ ba, minh họa không nên rườm rà với quá nhiều chi tiết không cần thiết. Hãy nhớ Chúa Giê-su chỉ cung cấp những chi tiết cần thiết và loại bỏ những phần không cần thiết. Thứ tư, khi dùng một minh họa, chúng ta phải làm rõ bài học. Nếu không, một số người có thể sẽ không hiểu được ý của bạn.

18. Làm sao tìm được minh họa thích hợp?

18 Làm thế nào tìm được một minh họa thích hợp? Chúng ta không cần phải nghĩ ra những câu chuyện dài dòng, phức tạp. Những minh họa ngắn có thể rất hữu hiệu. Bạn chỉ cần thử nghĩ đến những thí dụ liên quan đến điểm đang được thảo luận. Chẳng hạn, giả sử chúng ta đang thảo luận về sự tha thứ của Đức Chúa Trời, và muốn minh họa điểm được nói đến nơi Công-vụ 3:19 là Đức Giê-hô-va “xóa đi”, hay tẩy sạch lỗi lầm của chúng ta. Bản thân câu đó cũng đã được diễn đạt một cách bóng bẩy, nhưng chúng ta có thể dùng thí dụ cụ thể nào để minh họa điểm này? Một cục tẩy? Một miếng bọt biển? Chúng ta có thể nói: ‘Khi Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi cho chúng ta, Ngài xóa sạch chúng như thể dùng miếng bọt biển (hay một cục tẩy)’. Khó mà không hiểu ý một minh họa đơn giản như thế.

19, 20. (a) Chúng ta có thể tìm những minh họa hay ở đâu? (b) Một số minh họa hữu hiệu nào được dùng trong các ấn phẩm của chúng ta? (Cũng xem khung).

19 Bạn có thể tìm minh họa thích hợp, kể cả những thí dụ đời thật ở đâu? Hãy tìm trong chính đời sống bạn, hoặc trong những hoàn cảnh xuất thân và kinh nghiệm của anh em đồng đức tin. Cũng có thể chọn minh họa từ nhiều nguồn khác, như từ loài vật, các vật thể, đồ dùng trong nhà, hay thời sự được nhiều người trong cộng đồng biết đến. Bí quyết để tìm được minh họa hữu hiệu là biết để ý, “xem-xét [“quan sát kỹ”, NW]” những sự việc xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta. (Công-vụ 17:22, 23) Một sách tham khảo về nghệ thuật nói trước đám đông giải thích: “Diễn giả sẽ tích góp được một kho tài liệu minh họa hữu hiệu để sử dụng khi cần nếu biết quan sát đời sống và những sinh hoạt hàng ngày của con người, nói chuyện với đủ mọi hạng người, cặn kẽ xem xét các sự việc và cứ đặt câu hỏi cho đến khi hiểu mới thôi”.

20 Một nguồn cung cấp nhiều minh họa hữu hiệu khác là Tháp Canh, Tỉnh Thức! và các ấn phẩm khác của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn có thể học được nhiều điều khi xem xét cách dùng minh họa trong các ấn phẩm này. * Chẳng hạn hãy xem minh họa nơi đoạn 11, chương 17 của sách Hiểu biết. Trong minh họa này những nhân cách khác nhau trong hội thánh được ví như những loại xe cộ khác nhau đang chạy cùng đường với bạn. Minh họa này hay ở điểm nào? Hãy lưu ý là nó dựa trên những sinh hoạt hàng ngày, tương quan chặt chẽ với điểm đang được nói đến, và cho thấy rõ bài học. Khi dạy dỗ, chúng ta có thể dùng những minh họa đăng trong các ấn phẩm, và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của học viên Kinh Thánh hoặc bài giảng.

21. Người dạy hữu hiệu Lời Đức Chúa Trời được những phần thưởng nào?

21 Người dạy hữu hiệu được phần thưởng rất lớn. Khi dạy, chúng ta chia sẻ với người khác, và dành công sức để giúp họ. Sự ban cho như thế mang lại hạnh phúc vì Kinh Thánh nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Đối với những người dạy Lời Đức Chúa Trời, hạnh phúc đó là niềm vui bởi biết rằng chúng ta đang cho một điều có giá trị thật sự và lâu bền: lẽ thật về Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng cảm thấy thỏa lòng vì biết rằng mình đang noi theo gương Thầy Dạy Lớn, Chúa Giê-su Christ.

[Chú thích]

^ đ. 6 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 9 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 20 Để tìm thí dụ, hãy xem Watch Tower Publications Index 1986-2000, dưới đề mục “Illustrations” (Minh họa).—Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản trong một số thứ tiếng.

Bạn còn nhớ không?

• Làm thế nào để dạy một cách đơn giản khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh tại nhà? khi nói bài giảng trước hội thánh?

• Làm thế nào vận dụng câu hỏi một cách hiệu quả khi rao giảng từ nhà này sang nhà kia?

• Làm thế nào dùng lý luận hợp lý để nêu bật các đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va?

• Chúng ta có thể tìm minh họa thích hợp ở đâu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 23]

Bạn còn nhớ những minh họa này không?

Sau đây là một số minh họa hữu hiệu. Tại sao không xem lại những bài được nêu để thấy các minh họa này đã giúp nhấn mạnh ý trong bài ra sao?

• Như các đôi vận động viên đu bay hoặc trượt băng nghệ thuật, những người muốn xây dựng hôn nhân hạnh phúc phải tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp.—Tháp Canh, ngày 15-5-2001, trang 16.

• Bày tỏ cảm xúc có thể được ví như ném một trái banh. Bạn có thể thảy nhẹ hoặc quăng mạnh đến độ gây tổn thương.—Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, trang 144.

• Tập bày tỏ tình yêu thương cũng giống như học một ngoại ngữ.—Tháp Canh, ngày 15-2-1999, trang 18, 22, 23.

• Tội lỗi di truyền có thể được ví như tình trạng của các tập tin trong máy vi tính bị vi-rút phá hoại.—Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, trang 156.

• Ma thuật hữu dụng cho các quỉ cũng như mồi hữu dụng cho thợ săn. Nó được dùng để dụ con mồi.—Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, trang 111.

• Cách Chúa Giê-su giải thoát con cháu A-đam có thể được so sánh với một mạnh thường quân giàu có chịu trả nợ (bởi người quản lý bất lương gây ra) để xưởng được mở cửa lại, như vậy đem lại lợi ích cho nhiều công nhân.—Tháp Canh, ngày 15-2-1999, trang 16.

[Các hình nơi trang 20]

Tín đồ thật của Đấng Christ là những người dạy Lời Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 21]

Các trưởng lão có thể dùng câu hỏi để giúp anh em đồng đức tin tìm thấy sự an ủi trong Lời Đức Chúa Trời