Tình láng giềng biến đi đâu rồi?
Tình láng giềng biến đi đâu rồi?
“Xã hội hiện đại không thừa nhận có người láng giềng”.—Benjamin Disraeli, chính khách người Anh, thế kỷ 19.
NHỮNG người Cuba cao tuổi nghĩ ra cách mới lạ để nâng cao niềm an khang thịnh vượng: hội những người bạn láng giềng, hoặc círculos de abuelos (hội các ông bà nội ngoại). Theo báo cáo năm 1997, cứ 5 người Cuba lớn tuổi thì có 1 người là thành viên của các hội như thế. Trong các hội đó, họ có bạn bè, được khích lệ, và giúp đỡ thiết thực nhằm duy trì nếp sống lành mạnh. Tạp chí World-Health ghi nhận: “Các bác sĩ trị bệnh cho các gia đình trong khu phố luôn có thể trông cậy vào các hội ông bà nội ngoại để được sự giúp đỡ sẵn lòng và hữu hiệu cho các đợt chích ngừa”.
Nhưng điều đáng buồn là ở nhiều nơi trên thế giới, không còn những cộng đồng quan tâm đến nhau như thế nữa. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp thê thảm của ông Wolfgang Dircks sống trong một căn hộ tại một xứ Tây Âu. Cách đây vài năm, báo The Canberra Times tường thuật rằng mặc dù nhận thấy sự vắng mặt của ông Wolfgang, nhưng không ai trong số 17 gia đình sống cùng chung cư “để tâm đến bấm chuông nhà của ông xem sao”. Cuối cùng, chủ nhà ghé qua và “phát hiện một bộ xương người ngồi trước máy truyền hình”. Trên đầu gối của bộ xương vẫn còn cuốn chương trình truyền hình mở ra ở trang có đề ngày 5-12-1993. Ông Wolfgang đã chết 5 năm rồi. Quả là một bằng chứng đáng buồn cho thấy thiếu sự chú ý và quan tâm giữa những người hàng xóm với nhau! Chẳng lạ gì khi một nhà bình luận đã viết trên tạp chí The New York Times Magazine rằng láng giềng của ông, cũng như tại nhiều khu xóm khác, đã trở thành một “cộng đồng những người xa lạ”. Láng giềng của bạn cũng giống thế không?
Đúng là ở thôn quê một số cộng đồng vẫn còn giữ được tình láng giềng chân thật và một số khu đô thị đang nỗ lực cổ động lòng quan tâm giữa hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, nhiều người sống ở thành thị cảm thấy bị cô lập, và không thấy an toàn trong chính khu xóm của mình. Họ sống một cuộc đời buồn thảm đằng sau những bức tường ngăn cách, không ai biết đến. Tại sao thế?
Đằng sau những bức tường ngăn cách
Dĩ nhiên, phần đông chúng ta đều có những người láng giềng. Ánh sáng lập lòe từ máy truyền hình, bóng người qua lại nơi cửa sổ, ánh đèn tắt hay bật, tiếng xe qua lại, tiếng chân người đi lại trong hành lang, tiếng chìa khóa lách cách mở và khóa cửa, hết thảy đều là những dấu hiệu cho thấy người hàng xóm “vẫn còn sống”. Tuy nhiên, tình láng giềng vô nghĩa khi những người hàng xóm tuy ở gần nhau nhưng sống đằng sau những bức tường ngăn cách, không ai biết đến, hoặc không để mắt đến nhau vì quá bận rộn với cuộc sống hối hả. Nhiều người có thể cảm thấy không cần quan hệ với láng giềng, hoặc không có nghĩa vụ gì đối với láng giềng. Nhật báo Úc Herald Sun nhìn nhận: “Càng ít được biết đến bởi những người sống gần mình, người ta càng ít bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ đối với người khác. Ngày nay, những người bình thường dễ bị bỏ quên hoặc không được chú ý”.
Tình trạng này không có gì đáng ngạc nhiên. Trong một thế giới mà người ta đều “tư-kỷ”, các láng giềng đang gánh lấy hậu quả của lối sống vị kỷ. (2 Ti-mô-thê 3:2) Hậu quả là sự cô đơn và xa cách lan tràn. Sự xa cách sinh ra nghi kỵ, nhất là khi sự hung bạo và tội ác đe dọa khu phố. Rồi sự nghi kỵ chẳng mấy chốc sẽ làm chai đá lòng trắc ẩn.
Dù láng giềng của bạn là thế nào đi nữa, chắc chắn bạn đồng ý rằng những người láng giềng tốt là điều đáng quý cho cộng đồng. Người ta thực hiện được nhiều điều khi cùng nhau nỗ lực đạt tới mục tiêu chung. Những người lân cận tốt cũng có thể là một ân phước. Bài tới sẽ chứng minh điều này.