Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tôi sẽ không thay đổi gì cả!”

“Tôi sẽ không thay đổi gì cả!”

Tự Truyện

“Tôi sẽ không thay đổi gì cả!”

DO GLADYS ALLEN KỂ LẠI

Đôi khi có người hỏi tôi: “Nếu phải bắt đầu lại cuộc đời, chị sẽ thay đổi điều gì?” Tôi có thể thành thật trả lời rằng: “Tôi sẽ không thay đổi gì cả!” Xin cho phép tôi giải thích tại sao tôi lại nghĩ như thế.

MÙA HÈ năm 1929, khi tôi lên hai, một điều tuyệt vời đã đến với cha tôi, ông Matthew Allen. Ba tôi đã nhận được cuốn sách mỏng Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết! (Anh ngữ), do các Học Viên Kinh Thánh Quốc Tế, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, xuất bản. Sau khi đọc ngấu nghiến vài trang, ba tôi reo lên: “Đây là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc!”

Ít lâu sau đó, ba tôi nhận được những sách báo khác của các Học Viên Kinh Thánh. Ông liền chia sẻ những điều học được với mọi người hàng xóm. Thế nhưng, ở vùng quê chúng tôi không có hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hợp đều đặn với tín đồ Đấng Christ, vào năm 1935, ba đã đưa gia đình đến sống ở Orangeville, Ontario, Canada, vì có một hội thánh ở đó.

Vào thời ấy, con trẻ không luôn được khuyến khích tham dự các buổi nhóm họp của hội thánh, mà chỉ thường vui chơi bên ngoài phòng nhóm, đợi đến khi người lớn họp xong. Ba tôi không thích điều ấy. Ba lý luận thế này: “Nếu các buổi nhóm họp có ích cho tôi, thì cũng có ích cho các con tôi”. Do đó, mặc dù mới kết hợp với hội thánh, nhưng ba đã bảo anh Bob, chị Ella, chị Ruby, và tôi phải vào ngồi họp cùng người lớn. Chúng tôi đã vâng theo. Chẳng bao lâu, con cái của các Nhân Chứng khác cũng vào ngồi họp. Tham dự nhóm họp và bình luận trở thành một phần quan trọng trong đời sống chúng tôi.

Ba tôi yêu mến Kinh Thánh, và có lối diễn tả các câu chuyện Kinh Thánh rất sống động và thú vị. Qua những câu chuyện này, ba đã ghi khắc những bài học thiết yếu vào tấm lòng non trẻ của chúng tôi, cho đến giờ tôi vẫn rất thích thú mỗi khi hồi tưởng lại. Một trong những bài học đó là Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai vâng lời Ngài.

Ba cũng dạy chúng tôi dùng Kinh Thánh để bênh vực đức tin mình. Chúng tôi biến việc này thành một trò chơi. Chẳng hạn như ba có thể nói: “Ba tin là khi chết ba sẽ được lên trời. Bây giờ các con hãy chứng minh ngược lại đi”. Tôi và chị Ruby tìm tòi trong sách liệt kê các câu Kinh Thánh có thể dùng để bẻ bác sự dạy dỗ này. Khi chúng tôi đọc các câu Kinh Thánh đã tìm được, ba nói tiếp: “Thú vị đấy, nhưng chưa đủ sức thuyết phục”. Và thế là chúng tôi lại phải tiếp tục tìm thêm các câu Kinh Thánh trong sách liệt kê. Trò chơi thường kéo dài hàng giờ cho đến khi ba thỏa mãn với những lời giải đáp của chúng tôi. Kết quả là tôi và chị Ruby đã rành rẽ trong việc giải thích tín ngưỡng và bênh vực đức tin của mình.

Vượt qua sự sợ hãi loài người

Mặc dù được rèn tập ở nhà và tại hội thánh tốt như thế, nhưng tôi phải nhìn nhận rằng một số khía cạnh của đời sống tín đồ Đấng Christ thật khó khăn. Giống như nhiều người trẻ, tôi không thích khác người, đặc biệt là khác các bạn đồng lớp. Một trong những thử thách đức tin lúc đầu của tôi liên quan đến việc mà thời đó chúng tôi gọi là cuộc diễu hành thông tin.

Mục đích của cuộc diễu hành là tổ chức cho một nhóm anh chị em cầm biểu ngữ đi trên các đường chính của thị trấn. Tại đây chỉ có khoảng 3.000 người, nên mọi người đều biết nhau. Trong một cuộc diễu hành, tôi ở cuối đoàn, tay cầm biểu ngữ có hàng chữ: “Tôn giáo là cạm bẫy và thủ đoạn lừa gạt”. Một vài bạn cùng lớp trông thấy tôi, liền đi theo sau, miệng hát bài quốc ca Canada. Tôi đã ứng xử ra sao? Tôi khẩn thiết cầu nguyện xin được ban thêm sức mạnh để tiếp tục công việc. Cuối cùng khi cuộc diễu hành chấm dứt, tôi vội vàng chạy về Phòng Nước Trời trả biểu ngữ để đi về. Thế nhưng anh phụ trách lại bảo tôi rằng sắp có cuộc diễu hành nữa, và họ cần một người mang biểu ngữ. Thế là tôi lại đi tiếp, cầu nguyện khẩn thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lúc ấy các bạn cùng lớp tôi đã mệt rồi nên đều bỏ về nhà. Lời cầu nguyện thêm sức của tôi đã trở thành lời cầu nguyện cảm tạ.—Châm-ngôn 3:5.

Gia đình tôi luôn đón tiếp nồng hậu các tôi tớ phụng sự trọn thời gian. Họ là những người vui vẻ, và được đón tiếp họ là điều vui thú. Ký ức xưa nhất của tôi là ba mẹ luôn dạy chúng tôi rằng thánh chức trọn thời gian là sự nghiệp tốt nhất.

Được ba mẹ khích lệ, vào năm 1945 tôi bắt đầu thánh chức trọn thời gian. Sau này tôi kết hợp với chị Ella, lúc bấy giờ đang làm tiên phong ở London, Ontario. Tại đấy tôi được làm quen với một hình thức rao giảng mà tôi tưởng mình chẳng bao giờ có thể thực hiện được. Các anh thường đi đến từng bàn trong các quán rượu địa phương để mời nhận tạp chí Tháp Canh An Ủi (bây giờ gọi là Tỉnh Thức!). May thay, công việc này làm vào trưa Thứ Bảy, nên tôi có cả một tuần lễ để cầu xin cho có sự can đảm! Quả thật, công việc chẳng dễ dàng đối với tôi, nhưng đã mang lại niềm vui sướng.

Mặt khác, tôi cũng học cách phát hành những số tạp chí An Ủi đặc biệt nói về việc bắt bớ anh em tại các trại tập trung Đức Quốc Xã, nhất là cách tiếp xúc với các doanh nhân quan trọng của Canada, kể cả các vị chủ tịch những công ty lớn. Qua nhiều năm, tôi đã nghiệm ra rằng ngày nào còn nương tựa nơi Đức Giê-hô-va, Ngài vẫn luôn còn trợ giúp chúng ta. Như ba vẫn thường nói, Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai vâng lời Ngài.

Đáp ứng lời kêu gọi phụng sự tại Quebec

Vào ngày 4-7-1940, công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán tại Canada. Sau đó lệnh này đã được bãi bỏ, nhưng chúng tôi vẫn bị bắt bớ tại một tỉnh theo Công Giáo La Mã thuộc Quebec. Một chiến dịch đặc biệt dùng giấy nhỏ có những lời mạnh mẽ Sự thù ghét của Quebec đối với Đức Chúa Trời, với Đấng Christ và sự tự do, là điều sỉ nhục cho cả xứ Canada (Pháp ngữ) đã được tổ chức nhằm lưu ý đến sự ngược đãi các anh em tại đó. Anh Nathan H. Knorr, một thành viên Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã gặp gỡ hàng trăm tiên phong ở thành phố Montreal để giải thích ý nghĩa của việc chúng tôi sắp làm. Anh Knorr báo trước là chúng tôi có thể bị bắt và bị giam giữ khi tham gia chiến dịch này. Điều đó đã thật sự xảy ra! Trong một khoảng thời gian, tôi đã bị bắt giữ 15 lần. Khi đi rao giảng, chúng tôi đều đem theo bàn chải đánh răng và lược, phòng khi phải ngủ đêm trong tù.

Lúc đầu, chúng tôi thường làm công việc rao giảng vào ban đêm để tránh bị để ý. Tôi thường hay đem theo rất nhiều giấy nhỏ trong túi xách đeo trước ngực, rồi mặc áo choàng ngoài. Túi xách đầy ắp giấy nhỏ thật kềnh càng khiến tôi trông như đang mang thai. Điều này có lợi cho tôi khi đón xe đông người để đến nơi rao giảng. Nhiều ông lịch sự đứng lên nhường chỗ cho bà “bầu”.

Dần dần, chúng tôi bắt đầu phát hành tạp chí vào ban ngày. Chúng tôi bỏ giấy nhỏ trước cửa ba hoặc bốn nhà, rồi kế đó lại sang một khu vực rao giảng khác. Thường thì làm như thế rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi có thể gặp khó khăn nếu cha xứ biết được chúng tôi đang có mặt tại địa phận. Một hôm, cha xứ đã khích động một đám đông khoảng 50 hoặc 60 gồm cả người lớn và trẻ con ném cà chua và trứng vào chúng tôi. Chúng tôi chạy trốn đến nhà một chị tín đồ Đấng Christ, và đã phải ngủ đêm trên sàn nhà chị.

Lúc bấy giờ đang cần rất nhiều tiên phong để rao giảng cho những người nói tiếng Pháp tại Quebec. Vì thế, vào tháng 12 năm 1958, tôi và chị Ruby bắt đầu học tiếng Pháp. Sau đó chúng tôi được bổ nhiệm đến những vùng nói tiếng Pháp trong tỉnh. Mỗi lần được bổ nhiệm chúng tôi lại có được kinh nghiệm đặc biệt. Có nơi mỗi ngày chúng tôi đi từ nhà này sang nhà kia suốt tám tiếng đồng hồ trong ròng rã hai năm mà không ai chịu tiếp chuyện! Người ta chỉ liếc nhìn ra rồi kéo màn cửa xuống. Thế nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Hiện nay, trong thị trấn có hai hội thánh đang lớn mạnh.

Được Đức Giê-hô-va hỗ trợ trong mọi việc

Chúng tôi bắt đầu làm công việc tiên phong đặc biệt vào năm 1965. Tại một nhiệm sở, chúng tôi đã hiểu rõ ý nghĩa lời của Phao-lô ghi nơi 1 Ti-mô-thê 6:8: “Miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. Chúng tôi phải theo sát ngân sách mới có thể trang trải được mọi chi phí. Cho nên, chúng tôi dành tiền ra để trả tiền khí đốt, tiền nhà, tiền điện, và tiền ăn. Lo xong các chi phí đó, chúng tôi còn lại được 25 xu để tiêu vặt trong tháng.

Với ngân sách hạn hẹp này, chúng tôi chỉ đủ trả tiền khí đốt vài giờ mỗi đêm. Vì thế phòng ngủ của chúng tôi chẳng bao giờ trên 15 độ C, và thường là lạnh hơn thế nhiều. Thế rồi một hôm, con trai của một người học Kinh Thánh với chị Ruby đến thăm chúng tôi. Hẳn là khi về nhà anh đã kể cho mẹ nghe rằng chúng tôi lạnh cóng cả người, nên mẹ anh đã gửi cho chúng tôi mỗi tháng 10 đô la để mua dầu chạy máy sưởi suốt ngày. Chúng tôi không hề cảm thấy thiếu thốn. Chúng tôi không giàu có, nhưng luôn có những thứ cần dùng. Có thêm được điều gì, chúng tôi đều xem đấy là một sự ban cho. Những lời nơi Thi-thiên 37:25: “Tôi... chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày” thật đúng thay!

Mặc dù bị chống đối, tôi sung sướng vì đã giúp được một số người học Kinh Thánh biết đến lẽ thật. Tôi đặc biệt vui mừng vì thấy một vài người đã theo đuổi sự nghiệp thánh chức trọn thời gian.

Đương đầu thành công với những thử thách mới

Cornwall, Ontario, là nhiệm sở mới của chúng tôi vào năm 1970. Khoảng một năm sau khi đến Cornwall, mẹ tôi bắt đầu lâm bệnh. Ba đã qua đời vào năm 1957, còn tôi và hai chị thay phiên nhau chăm sóc mẹ cho đến khi mẹ mất vào năm 1972. Các chị bạn tiên phong đặc biệt với chúng tôi là Ella Lisitza và Ann Kowalenko đã giúp chúng tôi ổn định tinh thần và yêu thương hỗ trợ chúng tôi trong suốt thời gian này. Họ chăm sóc những học hỏi Kinh Thánh của chúng tôi và thay thế chúng tôi trong các trách nhiệm khác trong suốt thời gian chúng tôi vắng mặt. Câu Châm-ngôn 18:24 nói rằng: “Có một bạn tríu-mến hơn anh em ruột” được nghiệm đúng thay!

Đời sống quả đầy cam go thử thách. Với sự giúp đỡ yêu thương của Đức Giê-hô-va, tôi đã có thể đương đầu với tất cả. Đến nay tôi vẫn sung sướng được tiếp tục thánh chức trọn thời gian. Anh Bob qua đời vào năm 1993, đã làm tiên phong hơn 20 năm, kể cả mười năm quý báu làm tiên phong với vợ anh là chị Doll. Chị Ella mất vào tháng 10 năm 1998, đã làm tiên phong hơn 30 năm và luôn duy trì tinh thần tiên phong. Vào năm 1991, chị Ruby được chẩn đoán là bị bệnh ung thư. Tuy thế, chị đã dốc hết sức còn lại để rao giảng tin mừng. Chị cũng giữ được tính khôi hài cho đến khi qua đời vào sáng ngày 26-9-1999. Mặc dù đã mất đi các chị, nhưng tôi vẫn có được một gia đình thiêng liêng đông đủ anh chị em giúp tôi giữ được tính hóm hỉnh.

Nhìn lại đời mình, tôi có muốn thay đổi gì không? Tôi chưa hề kết hôn, nhưng được ban cho một gia đình có ba mẹ đầy yêu thương và anh chị luôn đặt lẽ thật lên hàng đầu trong đời sống. Tôi trông mong sớm gặp lại họ khi họ được sống lại. Tôi mường tượng cảnh ba ôm chầm lấy tôi và mẹ tràn trề nước mắt khi chúng tôi ôm chặt lấy nhau. Chị Ella, chị Ruby và anh Bob hẳn sẽ nhảy cẫng lên vì vui mừng.

Trong lúc này, tôi mong muốn tiếp tục dốc hết sức và năng lực còn lại để ca ngợi và tôn vinh Đức Giê-hô-va. Thánh chức tiên phong trọn thời gian quả là một cuộc sống tuyệt diệu và thỏa mãn. Thật đúng như lời người viết Thi-thiên miêu tả những người bước đi trong đường lối Đức Giê-hô-va: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!”—Thi-thiên 128:1, 2.

[Các hình nơi trang 26]

Ba yêu mến Kinh Thánh và dạy chúng tôi cách dùng Kinh Thánh để bênh vực đức tin mình

[Hình nơi trang 28]

Từ trái qua phải: Ruby, tôi, Bob, Ella, mẹ và ba năm 1947

[Hình nơi trang 28]

Hàng trước, từ trái qua phải: Tôi, Ruby và Ella tại một Đại Hội Địa Hạt năm 1998