Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Có phải Lucifer là tên mà Kinh Thánh dùng để gọi Sa-tan không?

Tên gọi Lucifer xuất hiện một lần trong Kinh Thánh và chỉ có trong một số bản Kinh Thánh. Chẳng hạn, bản Nguyễn Thế Thuấn dịch Ê-sai 14:12: “Làm sao ngươi đã từ trời sa xuống, hỡi Sao mai [“Lucifer”, cước chú], con của hừng đông?”

Từ Hê-bơ-rơ dịch là “Lucifer” có nghĩa “con sáng láng”. Bản Septuagint dùng từ Hy Lạp có nghĩa là “người mang lại bình minh”. Do đó, một số bản dịch diễn đạt tiếng Hê-bơ-rơ gốc là “sao buổi sáng” hay “sao mai”. Nhưng bản dịch Kinh Thánh Vulgate tiếng La-tinh của Jerome dùng “Lucifer” (người đem ánh sáng), và điều này cho thấy lý do nhiều bản Kinh Thánh sử dụng từ ấy.

Lucifer là ai? Cụm từ “con sáng láng”, hay “Lucifer”, được tìm thấy trong những gì Ê-sai truyền lệnh mang tính tiên tri bảo dân Y-sơ-ra-ên phải nói ra như “bài ca diễu cợt này trên vua Babel”. Vì vậy, từ ấy là một phần trong lời phán chủ yếu cho triều đại Ba-by-lôn. Cụm từ “con sáng láng” miêu tả một người chứ không phải một tạo vật thần linh, điều này được thấy rõ hơn qua câu: “Ngươi... bị xô nhào xuống âm phủ”. Âm phủ hoặc Sheol là mồ mả chung của nhân loại—không phải là nơi ở của Sa-tan Ma-quỉ. Hơn nữa, những người chứng kiến cảnh Lucifer bị hạ xuống tình trạng này đặt câu hỏi: “Phải chăng đó là con người đã làm chấn động thiên hạ?” Rõ ràng, “Lucifer” ám chỉ về một con người, không phải một tạo vật thần linh.—Ê-sai 14:4, 15, 16, NTT; chúng tôi viết nghiêng.

Tại sao triều đại Ba-by-lôn được mô tả vẻ vang đến như vậy? Chúng ta phải hiểu ra rằng vua Ba-by-lôn bị nhạo báng là con sáng láng chỉ sau khi bị sụp đổ. (Ê-sai 14:3) Sự tự cao, ích kỷ đã thúc đẩy các vua Ba-by-lôn tự tôn mình lên trên những người chung quanh. Sự ngạo mạn quá mức của triều đại này được mô tả là sự khoác lác: “Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối-cùng phương bắc. Ta sẽ... làm ra mình bằng Đấng Rất-Cao”.—Ê-sai 14:13, 14.

“Các ngôi sao Đức Chúa Trời” là các vua thuộc hoàng tộc Đa-vít. (Dân-số Ký 24:17) Kể từ Đa-vít trở đi, “các ngôi sao” này cai trị trên Núi Si-ôn. Sau khi Sa-lô-môn xây cất đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, tên Si-ôn tượng trưng cho cả thành. Theo giao ước Luật Pháp, tất cả những người nam Y-sơ-ra-ên phải về Si-ôn ba lần mỗi năm. Do đó, núi này trở thành “núi hội”. Khi cương quyết chinh phục và rồi truất phế các vua Giu-đa khỏi núi đó, Nê-bu-cát-nết-sa công bố ý định đặt mình lên trên “các ngôi sao” đó. Thay vì quy công trạng chiến thắng các vua Giu-đa cho Đức Giê-hô-va, ông lại kiêu ngạo đặt mình vào chỗ của Đức Giê-hô-va. Vì thế chính là sau khi bị sụp đổ, triều đại Ba-by-lôn bị nhạo báng là “con sáng láng”.

Sự tự cao của các vua Ba-by-lôn quả thật phản ánh thái độ của “chúa đời nầy”—tức Sa-tan Ma-quỉ. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Hắn cũng thèm muốn quyền hành và khao khát muốn nâng mình lên cao hơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nhưng Lucifer không phải là tên mà Kinh Thánh dùng để gọi Sa-tan.

Tại sao 1 Sử-ký 2:13-15 nói Đa-vít là con trai thứ bảy của Y-sai, trong khi 1 Sa-mu-ên 16:10, 11 cho thấy ông là con trai thứ tám?

Sau khi Vua Sau-lơ của nước Y-sơ-ra-ên xưa xây bỏ sự thờ phượng thật, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sai nhà tiên tri Sa-mu-ên xức dầu cho một trong các con trai của Y-sai để làm vua. Chính Sa-mu-ên được soi dẫn đã chép lại sự kiện lịch sử này trong thế kỷ 11 TCN, cho thấy Đa-vít là con trai thứ tám của Y-sai. (1 Sa-mu-ên 16:10-13) Tuy nhiên, lời tường thuật của thầy tế lễ E-xơ-ra khoảng 600 năm sau đó, nói: “Y-sai sanh con đầu lòng là Ê-li-áp, con thứ nhì là A-bi-na-đáp, thứ ba là Si-mê-a, thứ tư là Na-tha-na-ên, thứ năm là Ra-đai, thứ sáu là Ô-xem, thứ bảy là Đa-vít”. (1 Sử-ký 2:13-15) Chuyện gì đã xảy ra cho một trong các anh của Đa-vít, tại sao E-xơ-ra bỏ tên người đó?

Kinh Thánh nói Y-sai “có tám con trai”. (1 Sa-mu-ên 17:12) Xem chừng một trong các con của ông đã chết trước khi lập gia đình và có con. Không người nối dõi, người con đó không hưởng quyền thừa kế theo chi phái, mà cũng không đóng vai trò quan trọng trong gia phả của dòng họ Y-sai.

Bây giờ hãy nghĩ đến thời E-xơ-ra. Hãy xem xét bối cảnh E-xơ-ra viết các sách Sử-ký. Thoát cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn khoảng 77 năm trước đó, người Do thái tái định cư trong xứ họ. Vua nước Phe-rơ-sơ ủy thác cho E-xơ-ra thẩm quyền bổ nhiệm các quan án và thầy dạy Luật của Đức Chúa Trời và sửa sang nhà của Đức Giê-hô-va. Cần phải liệt kê gia phả chính xác để xác nhận sản nghiệp của chi phái, và bảo đảm rằng chỉ những người có quyền mới được phép làm thầy tế lễ. Vì thế E-xơ-ra đã chuẩn bị một bản báo cáo đầy đủ về lịch sử quốc gia, kể cả việc ghi chép chính xác và đáng tin cậy về dòng dõi Giu-đa và Đa-vít. Người con trai của Y-sai đã chết mà lại không con nối dõi; tên của ông không quan trọng. Do đó, E-xơ-ra đã không nhắc đến tên của ông.