Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va”

“Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va”

“Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va”

TRONG lúc quốc gia gặp khủng hoảng và tình hình quốc tế căng thẳng, người ta trông mong chính phủ của họ đem lại sự an toàn và yên ổn. Về phần các chính phủ, họ thiết lập những chương trình nhằm động viên sự ủng hộ của quần chúng. Những chương trình như thế càng cổ vũ tinh thần ái quốc, nghi lễ đầy tinh thần ái quốc càng được cử hành sôi động và thường xuyên hơn.

Khi tình hình quốc gia khẩn trương, lòng ái quốc cuồng nhiệt thường tạo cho quần chúng một ý thức đoàn kết và sức mạnh, đồng thời có thể cổ vũ việc thi hành nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, một bài trong tờ The New York Times Magazine nói: “Như bất cứ một cảm xúc nào, tinh thần ái quốc thay đổi bất thường”, vì “một khi bùng lên, nó có thể bộc lộ dưới những hình thức không lành mạnh”. Những biểu hiện của lòng ái quốc có thể trở thành hành động xâm phạm quyền tự do công dân cũng như tự do tôn giáo của một số công dân trong nước. Tín đồ thật của Đấng Christ nói riêng bị áp lực để thỏa hiệp tín ngưỡng của họ. Họ cư xử thế nào khi bầu không khí như thế bao trùm thế giới chung quanh họ? Những nguyên tắc nào trong Kinh Thánh giúp họ hành động sáng suốt và duy trì lòng trung kiên với Đức Chúa Trời?

“Ngươi chớ quì lạy trước chúng nó”

Đôi khi, việc chào cờ trở nên một hình thức phổ biến để biểu hiện tinh thần ái quốc. Nhưng lá cờ thường mang hình những vật ở trên trời như ngôi sao, cũng như những vật ở trên đất. Đức Chúa Trời bày tỏ quan điểm của Ngài về việc quỳ lạy trước những vật như thế khi Ngài ban điều răn cho dân sự Ngài: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ-tà [“đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc”, NW]”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5.

Việc chào hoặc quỳ trước một lá cờ tượng trưng cho Nhà Nước có thực sự mâu thuẫn với việc dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời sự thờ phượng chuyên độc không? Đúng là dân Y-sơ-ra-ên xưa thực sự đã có những “bảng hiệu” hoặc những lá cờ biểu trưng cho những phân khu tập trung từng ba chi phái của họ khi còn ở trong đồng vắng. (Dân-số Ký 2:1, 2) Bình luận về những từ Hê-bơ-rơ chỉ những cờ hiệu như thế, cuốn Cyclopedia của McClintock và Strong cho biết: “Tuy nhiên, cả hai từ đều không diễn đạt cho tâm trí chúng ta khái niệm về ‘cờ hiệu’, tức là một lá cờ”. Ngoài ra, những cờ hiệu của Y-sơ-ra-ên không được xem là thánh, cũng không có nghi lễ nào liên quan đến việc sử dụng cờ hiệu. Mục tiêu thực tế của những lá cờ này là làm dấu hiệu, báo cho dân sự biết phải tập họp tại đâu.

Những biểu tượng của các chê-ru-bim trong đền tạm và trong đền thờ của Sa-lô-môn chủ yếu được dùng để tượng trưng cho các chê-ru-bim trên trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:18; 26:1, 31, 33; 1 Các Vua 6:23, 28, 29; Hê-bơ-rơ 9:23, 24) Việc những biểu trưng có tính cách nghệ thuật này không phải để người ta sùng kính được thấy rõ qua sự kiện dân sự nói chung không bao giờ trông thấy chúng và họ cũng không được phép thờ chính những thiên sứ thật sự.—Cô-lô-se 2:18; Khải-huyền 19:10; 22:8, 9.

Cũng hãy xem xét tượng con rắn đồng nhà tiên tri Môi-se đã tạc khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng. Tượng con rắn đó dùng làm biểu tượng và mang ý nghĩa tiên tri. (Dân-số Ký 21:4-9; Giăng 3:14, 15) Họ không tôn sùng hoặc dùng nó trong việc thờ phượng. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ sau thời Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu thờ phượng hình ảnh con rắn đó một cách sai trái, thậm chí xông hương cho nó. Do đó, Ê-xê-chia, vua Giu-đa, đã nghiền nát tượng con rắn đó.—2 Các Vua 18:1-4.

Có phải quốc kỳ chỉ là biểu tượng mang lại lợi ích chung nào đó không? Chúng tượng trưng cho điều gì? Tác giả J. Paul Williams nói: “Trong chủ nghĩa quốc gia, lá cờ là biểu tượng chính của đức tin và là đối tượng chính của sự thờ phượng”. Cuốn The Encyclopedia Americana viết: “Giống như thập tự giá, lá cờ là thánh”. Lá cờ là biểu tượng của Nhà Nước. Do đó, cúi đầu trước lá cờ hay chào cờ là một nghi lễ tôn giáo để tôn sùng Nhà Nước. Một hành động như thế quy cho Nhà Nước công trạng cứu rỗi và không phù hợp với những điều Kinh Thánh nói về việc thờ hình tượng.

Kinh Thánh ghi rõ: “Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 3:8) Không được quy sự cứu rỗi cho những tổ chức hoặc những biểu tượng của loài người. Sứ đồ Phao-lô khuyên anh em tín đồ Đấng Christ: “Hỡi kẻ yêu-dấu của tôi... hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”. (1 Cô-rinh-tô 10:14) Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không tham gia vào những hành động thờ phượng Nhà Nước. Daniel P. Mannix nhận xét trong sách Those About to Die: “Tín đồ Đấng Christ từ chối... cúng tế cho thần bản mệnh của hoàng đế [La Mã]—gần như tương đương với việc từ chối chào cờ ngày nay”. Do vậy, tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay cũng có quan điểm tương tự. Để dâng sự thờ phượng chuyên độc cho Đức Giê-hô-va, họ không chào lá cờ của bất cứ quốc gia nào. Khi làm thế, họ đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu dù vẫn kính trọng các chính phủ và vua chúa. Thật vậy, họ công nhận trách nhiệm vâng phục “các đấng cầm quyền trên mình”. (Rô-ma 13:1-7) Tuy nhiên, quan điểm của Kinh Thánh là gì về việc hát những bài ca ái quốc, chẳng hạn như quốc ca?

Quốc ca là gì?

Cuốn The Encyclopedia Americana ghi: “Quốc ca biểu hiện tinh thần ái quốc và thường chứa đựng những lời cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn và che chở dân chúng hoặc người cai trị”. Quốc ca là bài hát có tác dụng ca tụng hay cầu nguyện cho quốc gia. Quốc ca thường cầu mong cho quốc gia được thịnh vượng và lâu bền. Tín đồ thật của Đấng Christ có nên tham gia vào những cảm nghĩ có tính cách cầu nguyện như thế không?

Nhà tiên tri Giê-rê-mi sống giữa dân tộc xưng là phụng sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho ông: “Cho nên ngươi chớ vì dân nầy mà cầu thay; đừng vì nó mà cất tiếng khấn-vái cầu-nguyện, cũng đừng cầu thay cùng ta, vì ta sẽ chẳng nghe ngươi”. (Giê-rê-mi 7:16; 11:14; 14:11) Tại sao Giê-rê-mi nhận được lệnh này? Bởi vì xã hội của họ đầy dẫy sự trộm cắp, giết người, phạm tội tà dâm, thề dối và thờ hình tượng.—Giê-rê-mi 7:9.

Chúa Giê-su Christ lập một tiền lệ khi phán: “Con cầu-nguyện; chẳng phải vì thế-gian, nhưng vì kẻ Cha đã giao cho Con”. (Giăng 17:9) Kinh Thánh ghi rằng “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” và “qua đi”. (1 Giăng 2:17; 5:19) Vậy thì, làm thế nào tín đồ thật của Đấng Christ có thể tận tâm cầu nguyện cho một hệ thống như thế được thịnh vượng và lâu bền?

Dĩ nhiên, không phải tất cả những bài quốc ca đều có nội dung cầu xin Đức Chúa Trời. Cuốn Encyclopædia Britannica ghi: “Những cảm nghĩ ghi trong các bài quốc ca khác nhau, từ lời cầu nguyện cho quốc vương đến việc ca tụng những trận chiến lừng lẫy của dân tộc hoặc những cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm... đến việc nói lên tinh thần ái quốc”. Nhưng những người tìm cách làm hài lòng Đức Chúa Trời có thực sự vui mừng trước những cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng của bất cứ quốc gia nào không? Liên quan đến những người thờ phượng thật, Ê-sai tiên tri: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm”. (Ê-sai 2:4) Sứ đồ Phao-lô viết: “Vì chúng tôi dầu sống trong xác-thịt, chớ chẳng tranh-chiến theo xác-thịt. Vả, những khí-giới mà chúng tôi dùng để chiến-tranh là không phải thuộc về xác-thịt đâu”.—2 Cô-rinh-tô 10:3, 4.

Quốc ca thường diễn đạt tinh thần tự hào dân tộc hoặc đề cao quốc gia. Quan điểm này không có căn bản dựa trên Kinh Thánh. Trong bài giảng trên đồi A-rê-ô-ba, sứ đồ Phao-lô nói: “[Giê-hô-va Đức Chúa Trời] đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất”. (Công-vụ 17:26) Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.

Vì hiểu biết Kinh Thánh, nhiều người tự ý quyết định không dự phần vào việc chào cờ và hát những bài ca ái quốc. Nhưng họ cư xử thế nào khi gặp những tình huống buộc họ phải đối diện với những vấn đề này?

Từ chối một cách kính cẩn

Trong nỗ lực củng cố sự thống nhất đế quốc của mình, Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn xưa đã đặt một pho tượng khổng lồ bằng vàng trong đồng bằng Đu-ra. Sau đó, vua tổ chức một lễ khánh thành pho tượng, mời các quan trấn thủ, lãnh binh, các công tước, các quan đề hình, thủ kho, các nghị viên, quản đốc, và các quan làm đầu các tỉnh. Khi tiếng nhạc trổi lên, mọi người có mặt đều phải cúi lạy và thờ pho tượng. Trong số những người hiện diện tại buổi lễ có ba thanh niên Hê-bơ-rơ—Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô. Họ đã cho thấy mình không dự phần vào buổi lễ tôn giáo này như thế nào? Khi tiếng nhạc bắt đầu trổi lên, những người có mặt đều phủ phục trước pho tượng, còn ba chàng trai Hê-bơ-rơ vẫn đứng.—Đa-ni-ên 3:1-12.

Ngày nay, người ta chào cờ bằng cách giang cánh tay ra hoặc để bàn tay trên trán hoặc phía trái tim. Đôi khi, có thể ở một tư thế nào đó. Ở một số nước, người ta muốn học sinh quỳ và hôn lá cờ. Bằng cách đứng yên lặng trong khi những người khác chào cờ, tín đồ thật của Đấng Christ cho thấy rõ mình là những quan sát viên kính cẩn.

Nếu một nghi lễ chào cờ diễn ra dưới hình thức chỉ đứng để chứng tỏ sự tham dự thì sao? Chẳng hạn, giả sử một học sinh ở trường được cử làm đại diện cho toàn trường đứng chào cờ tại cột cờ trong khi những học sinh khác ở trong lớp được yêu cầu đứng nghiêm. Trong trường hợp này hành động chỉ đứng thôi cũng có nghĩa là đồng ý ủy quyền cho học sinh ở bên ngoài chào cờ thay mình. Khi ấy, dù đứng ở tư thế nào cũng đều tỏ ra là tham gia vào lễ chào cờ. Trong trường hợp này, những người chỉ muốn là những quan sát viên kính cẩn vẫn ngồi yên lặng. Nếu như lớp học đang đứng khi lễ chào cờ bắt đầu thì sao? Trong trường hợp này, việc tiếp tục đứng không cho thấy là chúng ta dự phần.

Giả sử một người không được yêu cầu chào cờ, mà chỉ cầm cờ, trong cuộc diễu hành hoặc trong lớp hoặc nơi khác, để cho những người khác có thể chào cờ. Thay vì tuân theo mệnh lệnh của Kinh Thánh, “tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”, người cầm cờ thật ra đang là trọng tâm của buổi lễ. Tham dự cuộc diễu hành mang tính ái quốc cũng vậy. Bởi vì làm điều này có nghĩa là ủng hộ mục đích của cuộc diễu hành, tín đồ thật của Đấng Christ từ chối vì cớ lương tâm.

Khi quốc ca được trỗi lên, thường thường tất cả những gì một người phải làm để tán thành nội dung của bài ca là đứng lên. Trong những trường hợp đó, tín đồ Đấng Christ vẫn ngồi. Tuy nhiên, nếu đang đứng sẵn rồi, khi có quốc ca trỗi lên không cần phải ngồi xuống để có hành động đặc biệt. Đó không phải là họ tự chọn tư thế đứng để nghe bài quốc ca. Mặt khác, nếu người ta mong muốn một nhóm người đứng và hát, chỉ kính cẩn đứng lên mà không hát thì không có nghĩa là người đó tán thành nội dung của bài hát.

“Phải có lương-tâm tốt”

Sau khi mô tả sự hư không của những vật do người ta làm ra để tôn sùng, người viết Thi-thiên nói: “Phàm kẻ nào làm hình-tượng, và nhờ-cậy nơi nó, đều giống như nó”. (Thi-thiên 115:4-8) Vậy thì, hiển nhiên những người thờ phượng Đức Giê-hô-va không thể chấp nhận bất cứ việc làm nào liên hệ trực tiếp với việc sản xuất những vật để tôn sùng, kể cả việc may cờ. (1 Giăng 5:21) Ở sở làm, cũng có thể nẩy sinh những tình huống khác khiến tín đồ Đấng Christ kính cẩn cho thấy họ không tôn thờ lá cờ hoặc ý nghĩa của lá cờ mà chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va.

Chẳng hạn, một người chủ yêu cầu một nhân viên kéo cờ lên hoặc hạ cờ xuống ở mặt tiền một tòa nhà. Người đó có vâng lời chủ hay không, còn tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của người đó về tình thế. Nếu việc kéo hay hạ cờ là một phần của một nghi lễ đặc biệt, có những người đứng nghiêm hoặc chào cờ, khi ấy động tác này có nghĩa là tham dự buổi lễ.

Trái lại, nếu không có nghi lễ nào đi kèm theo việc kéo cờ lên hay hạ cờ xuống, khi ấy những động tác này không khác với việc thi hành các nhiệm vụ như chuẩn bị sử dụng tòa nhà, mở và khóa cửa ra vào, mở và đóng cửa sổ. Trong những trường hợp như thế, lá cờ chỉ là một biểu tượng của Nhà Nước, và việc kéo cờ hay hạ cờ trong số những nhiệm vụ thông thường khác là vấn đề cá nhân phải quyết định riêng dựa trên tiếng gọi của lương tâm mỗi người được Kinh Thánh rèn luyện. (Ga-la-ti 6:5) Lương tâm của người này có thể thúc đẩy người đó xin cấp trên giao công việc kéo cờ và hạ cờ cho một nhân viên khác. Một tín đồ khác có thể cảm thấy lương tâm cho phép phụ trách phận sự này miễn là không có nghi thức nào kèm theo. Dù quyết định thế nào chăng nữa, những người thờ phượng thật “phải có lương-tâm tốt” trước mặt Đức Chúa Trời.—1 Phi-e-rơ 3:16.

Kinh Thánh không cấm làm việc hay đặt chân vào những công sở có treo cờ, chẳng hạn như các tòa thị chính và trường học. Lá cờ cũng được in trên tem thư, dán trên bảng số xe, hoặc những công văn, giấy tờ hay món đồ do chính phủ sản xuất. Việc sử dụng những thứ ấy tự nó không có nghĩa là tham gia những hành vi sùng bái. Điều quan trọng ở đây không phải là sự có mặt của lá cờ hay hình của lá cờ, nhưng hành động đối với lá cờ mới đáng kể.

Cờ thường được treo trên cửa sổ, cửa ra vào, xe hơi, bàn làm việc hoặc những đồ vật khác. Người ta cũng có thể mua quần áo có in hình lá cờ. Ở một số nước, mặc quần áo như thế là bất hợp pháp. Dù không phạm luật, việc mặc áo có hình lá cờ nói lên điều gì về lập trường của một người đối với thế gian? Chúa Giê-su Christ nói về các môn đồ như sau: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:16) Cũng không được bỏ qua ảnh hưởng mà hành động của chúng ta gây ra cho anh em cùng đức tin. Lương tâm của một số người có bị tổn thương không? Hành động ấy có làm suy giảm quyết tâm giữ vững đức tin của họ không? Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “[Hãy] nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn, hầu cho anh em được tinh-sạch không chỗ trách được”.—Phi-líp 1:10.

“Tử-tế với mọi người”

Khi tình hình thế giới xấu đi trong những “những thời-kỳ khó-khăn” hiện nay, rất có thể là tinh thần ái quốc dâng cao. (2 Ti-mô-thê 3:1) Mong sao những ai yêu mến Đức Chúa Trời không bao giờ quên rằng sự cứu rỗi chỉ thuộc về Đức Giê-hô-va mà thôi. Ngài xứng đáng nhận được sự tin kính chuyên độc. Khi được yêu cầu làm điều gì trái với ý muốn của Đức Giê-hô-va, các sứ đồ của Chúa Giê-su nói: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 5:29.

Sứ đồ Phao-lô viết “Tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh; nhưng phải ở tử-tế với mọi người”. (2 Ti-mô-thê 2:24) Vì vậy, tín đồ Đấng Christ cố gắng hòa thuận, tôn trọng và tử tế khi họ cậy vào lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện trong những quyết định cá nhân liên quan đến việc chào cờ và hát quốc ca.

[Hình nơi trang 23]

Quyết tâm nhưng kính cẩn, ba thanh niên Hê-bơ-rơ chọn làm vui lòng Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 24]

Một tín đồ Đấng Christ nên ứng xử thế nào trong buổi lễ có sắc thái ái quốc?