Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tiếp tục thực hành những gì đã học

Tiếp tục thực hành những gì đã học

Tiếp tục thực hành những gì đã học

“Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình-an sẽ ở cùng anh em”.—PHI-LÍP 4:9.

1, 2. Nói chung, Kinh Thánh có tác động đến đời sống của những người xem mình là sùng đạo không? Hãy giải thích.

“TÔN GIÁO đang thắng thế, nhưng đạo đức đang thất thế”. Đây là tựa đề của bản tin Emerging Trends tóm tắt kết quả cuộc thăm dò toàn quốc ở Hoa Kỳ. Hẳn nhiên nước này đã có sự gia tăng về số người đi nhà thờ và nói rằng tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống họ. Tuy nhiên, bản tường trình nói: “Bất kể những con số gây ấn tượng này, nhiều người Mỹ rõ ràng đặt nghi vấn về ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống của một người nói riêng và trong xã hội nói chung”.

2 Tình trạng này không phải là độc nhất trong chỉ một nước. Trên khắp thế giới, nhiều người nói rằng họ chấp nhận Kinh Thánh và sùng đạo nhưng không để Kinh Thánh có tác động thực thụ nào trong đời sống họ. (2 Ti-mô-thê 3:5) Người đứng đầu một nhóm nghiên cứu đã nói: “Chúng tôi vẫn tôn trọng Kinh Thánh, nhưng thật sự dành thời gian để đọc, học hỏi và áp dụng Kinh Thánh—là chuyện trong quá khứ”.

3. (a) Kinh Thánh ảnh hưởng thế nào đến những người trở thành tín đồ chân chính của Đấng Christ? (b) Môn đồ Chúa Giê-su áp dụng lời khuyên của Phao-lô ghi nơi Phi-líp 4:9 như thế nào?

3 Tuy nhiên, đối với tín đồ chân chính của Đấng Christ thì tình trạng khác hẳn. Áp dụng lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời đã đem lại những thay đổi trong tư tưởng và hạnh kiểm của họ. Và người khác dễ nhận thấy nhân cách mới mà họ biểu lộ. (Cô-lô-se 3:5-10) Đối với những môn đồ của Chúa Giê-su, Kinh Thánh không phải là cuốn sách đóng đầy bụi nằm trên kệ không được dùng đến. Trái lại, sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ ở thành Phi-líp: “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình-an sẽ ở cùng anh em”. (Phi-líp 4:9, chúng tôi viết nghiêng). Tín đồ Đấng Christ không phải chỉ chấp nhận lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời mà họ còn thực hành những điều họ học được, tiếp tục áp dụng lời khuyên Kinh Thánh—trong gia đình, nơi sở làm, trong hội thánh và trong mọi lãnh vực khác của đời sống.

4. Tại sao khó để thực hành luật pháp của Đức Chúa Trời?

4 Thực hành luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời không phải dễ. Chúng ta sống trong một thế giới dưới quyền của Sa-tan Ma-quỉ mà Kinh Thánh gọi là “chúa đời nầy”. (2 Cô-rinh-tô 4:4; 1 Giăng 5:19) Do đó, điều thiết yếu là phải đề phòng chống lại bất cứ điều gì cản trở chúng ta theo đuổi một lối sống trung kiên với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể là những người giữ sự trung kiên như thế nào?

Giữ lấy “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”

5. Lời Chúa Giê-su “theo ta luôn luôn” cho thấy điều gì?

5 Một khía cạnh của việc thực hành những điều đã học được là nó đòi hỏi chúng ta phải trung thành ủng hộ sự thờ phượng thật, bất chấp sự chống đối của những người không tin. Sự nhịn nhục đòi hỏi nỗ lực. Chúa Giê-su nói: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải quên mình, vác cây khổ hình mình mà theo ta luôn luôn”. (Ma-thi-ơ 16:24, NW) Chúa Giê-su không nói rằng chúng ta nên theo ngài chỉ một tuần, một tháng hoặc một năm. Nhưng ngài nói: “Theo ta luôn luôn”. Lời ngài cho thấy tư cách môn đồ của chúng ta không chỉ là một giai đoạn trong đời sống hoặc sự sùng kính thoáng qua, nay còn mai mất. Trung thành ủng hộ sự thờ phượng thật có nghĩa là chúng ta trung thành nhịn nhục trong đường lối chúng ta đã chọn, bất chấp điều gì xảy ra. Làm sao chúng ta có thể làm điều đó?

6. Mẫu mực các sự dạy dỗ có ích mà những tín đồ vào thế kỷ thứ nhất học nơi Phao-lô là gì?

6 Sứ đồ Phao-lô khuyến giục bạn đồng hành Ti-mô-thê: “Hãy lấy lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus-Christ mà giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích, là sự con đã nhận-lãnh nơi ta”. (2 Ti-mô-thê 1:13) Phao-lô muốn nói điều gì? Từ Hy Lạp được dịch “mẫu mực” theo nghĩa đen ám chỉ hình phác họa của họa sĩ. Mặc dù không đủ chi tiết, nhưng những nét cơ bản ấy vẫn giúp người xem với cặp mắt tinh tế có thể nhận biết toàn thể tấm hình. Tương tự như thế, mẫu mực của lẽ thật mà Phao-lô dạy Ti-mô-thê và những người khác không nhằm cung cấp câu trả lời cụ thể cho mọi câu hỏi mà người ta có thể nghĩ ra. Nhưng toàn bộ sự dạy dỗ đó cho sự hướng dẫn thỏa đáng—như thể những nét cơ bản—để cho những người có lòng ngay thẳng có thể nhận biết Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi họ. Dĩ nhiên để làm hài lòng Đức Chúa Trời, họ cần phải giữ theo mẫu mực lẽ thật bằng cách thực hành những điều họ đã học.

7. Tín đồ Đấng Christ có thể giữ theo mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích như thế nào?

7 Trong thế kỷ thứ nhất những người như Hy-mê-nê, A-léc-xan-đơ, và Phi-lết đã cổ võ những tư tưởng không thích hợp với “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích”. (1 Ti-mô-thê 1:18-20; 2 Ti-mô-thê 2:16, 17) Làm sao tín đồ thời ban đầu có thể tránh bị những kẻ bội đạo dẫn dụ? Bằng cách cẩn thận học hỏi những lời đã được soi dẫn và áp dụng trong đời sống. Những người bước đi theo gương mẫu của Phao-lô và những người trung thành khác có thể nhận biết và bác bỏ bất cứ điều gì không phù hợp với mẫu mực của lẽ thật mà họ đã được dạy. (Phi-líp 3:17; Hê-bơ-rơ 5:14) Thay vì “có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy”, họ tiếp tục tiến tới trên con đường đúng đắn của sự tin kính. (1 Ti-mô-thê 6:3-6) Chúng ta cũng làm như vậy khi thực hành những lẽ thật đã học. Quả thật đức tin được củng cố biết bao khi nhìn thấy hàng triệu người phụng sự Đức Giê-hô-va trên khắp đất đang nắm chặt mẫu mực của lẽ thật Kinh Thánh mà họ đã được dạy.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:2-5.

Bác bỏ những “chuyện huyễn”

8. (a) Sa-tan tìm cách phá hủy đức tin của chúng ta ngày nay như thế nào? (b) Phao-lô báo trước điều gì nơi 2 Ti-mô-thê 4:3, 4?

8 Sa-tan cố phá hủy lòng trung kiên của chúng ta qua việc gieo nghi ngờ về những gì chúng ta được dạy. Ngày nay, như trong thế kỷ thứ nhất, những kẻ bội đạo và những kẻ khác cố gắng phá hủy đức tin của những người chân thật. (Ga-la-ti 2:4; 5:7, 8) Đôi khi chúng dùng phương tiện truyền thông đại chúng để phổ biến những thông tin lệch lạc hoặc những lời nói dối trắng trợn về các phương pháp và động lực của dân tộc Đức Giê-hô-va. Phao-lô báo trước một số người sẽ từ bỏ lẽ thật. Ông viết: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn”.—2 Ti-mô-thê 4:3, 4.

9. Phao-lô có thể đã nghĩ đến điều gì khi nhắc đến “chuyện huyễn”?

9 Thay vì giữ theo mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích, một số người để cho những “chuyện huyễn” lôi cuốn họ. Những chuyện huyễn này là gì? Có lẽ Phao-lô đã nghĩ đến những chuyện thần thoại hoang đường, như là những chuyện tìm thấy trong ngụy thư Tobit. * Những chuyện huyễn này cũng có thể bao gồm những lời đồn đãi giật gân và có tính cách suy đoán. Rồi cũng có một số người—‘theo tư-dục mình’—có thể bị lừa gạt bởi những người tán thành quan điểm dễ dãi đối với tiêu chuẩn Đức Chúa Trời hoặc những kẻ chỉ trích những người dẫn đầu trong hội thánh. (3 Giăng 9, 10; Giu-đe 4) Dù các vấp phạm là gì, một số người dường như thích những chuyện huyễn hơn lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu họ không còn thực hành những điều họ đã học, và điều này dẫn đến sự tai hại về thiêng liêng cho chính họ.—2 Phi-e-rơ 3:15, 16.

10. Một số chuyện huyễn ngày nay là gì, và Giăng đã nhấn mạnh đến việc cần phải cẩn thận như thế nào?

10 Ngày nay chúng ta có thể tránh bị lôi cuốn bởi những chuyện huyễn nếu cẩn thận nghiên cứu và chọn lọc những gì chúng ta nghe và đọc. Thí dụ, phương tiện truyền thông đại chúng thường đề cao sự vô luân. Nhiều người khuyến khích thuyết bất khả tri hoặc thuyết vô thần trắng trợn. Những nhà phê bình Kinh Thánh chế giễu lời tuyên bố là Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Và những kẻ bội đạo thời nay tiếp tục gieo mầm mống nghi ngờ để làm suy sụp đức tin của tín đồ Đấng Christ. Nói về những tiên tri giả gây mối nguy hiểm tương tự như thế trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Giăng cảnh báo: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chớ tin-cậy mọi thần [“lời nói soi dẫn”, NW], nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên-tri giả đã hiện ra trong thiên-hạ”. (1 Giăng 4:1) Vậy chúng ta cần phải cẩn thận.

11. Một cách để tự xét xem mình có đức tin hay không là gì?

11 Về điều này, Phao-lô viết: “Hãy tự xét để xem mình có đức-tin chăng”. (2 Cô-rinh-tô 13:5) Sứ đồ khuyến giục chúng ta tiếp tục thử mình để xem chúng ta có giữ theo toàn thể tín ngưỡng của đạo Đấng Christ chăng. Nếu tai chúng ta thích nghe những người bất mãn, chúng ta cần phải thành thật xem xét chính mình và cầu nguyện. (Thi-thiên 139:23, 24) Chúng ta có khuynh hướng bắt lỗi dân của Đức Giê-hô-va hay không? Nếu có, tại sao? Chúng ta có bị người nào đó nói hay làm điều gì khiến mình đau lòng không? Nếu thế, chúng ta có giữ sự việc theo quan điểm đúng đắn không? Bất cứ sự khó khăn nào chúng ta gặp trong hệ thống này chỉ là tạm thời. (2 Cô-rinh-tô 4:17) Dù gặp thử thách nào trong hội thánh, tại sao chúng ta lại ngưng phụng sự Đức Chúa Trời? Nếu chúng ta khó chịu về một điều nào đó, hãy cố hết sức giải quyết vấn đề và rồi để mọi sự cho Đức Giê-hô-va lo liệu, như vậy chẳng phải tốt hơn hay sao?—Thi-thiên 4:4; Châm-ngôn 3:5, 6; Ê-phê-sô 4:26.

12. Những người thành Bê-rê đã nêu một gương tốt cho chúng ta như thế nào?

12 Thay vì có tinh thần chỉ trích, chúng ta hãy duy trì quan điểm thiêng liêng lành mạnh về những thông tin chúng ta nhận được qua việc học hỏi cá nhân và các buổi họp hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 2:14, 15) Và thay vì nghi ngờ Lời Đức Chúa Trời, điều khôn ngoan hơn biết bao là có thái độ giống như người ở thành Bê-rê vào thế kỷ thứ nhất đã cẩn thận tra xem Kinh Thánh! (Công-vụ 17:10, 11) Vậy thì chúng ta hãy thực hành những điều mình học được, bác bỏ những chuyện huyễn và bám sát vào lẽ thật.

13. Chúng ta có thể vô tình truyền đi những lời hư ngụy như thế nào?

13 Có một loại chuyện huyễn khác mà chúng ta cần đề phòng. Đó là nhiều câu chuyện giật gân đang lưu hành, thường bằng E-mail. Điều khôn ngoan là chúng ta phải thận trọng về những câu chuyện như thế, nhất là khi chúng ta không biết những thông tin đó bắt nguồn từ đâu. Cho dù kinh nghiệm hoặc câu chuyện do một tín đồ Đấng Christ có uy tín gửi đi, có thể chính người ấy không trực tiếp hiểu biết các sự kiện. Vì vậy điều quan trọng là thận trọng khi nhắc lại hoặc chuyển đi những điều không được chứng thực. Chúng ta chắc chắn không muốn nhắc lại “chuyện phàm tục, hoang đường”, hay “những lời hư-ngụy phàm-tục”. (1 Ti-mô-thê 4:7; Bản Diễn Ý) Vì cũng có bổn phận phải nói thật với nhau, chúng ta hành động khôn ngoan bằng cách tránh bất cứ điều gì khiến chúng ta thậm chí vô tình truyền đi những điều sai lạc.—Ê-phê-sô 4:25.

Lợi ích của việc thực hành lẽ thật

14. Chúng ta được lợi ích nào qua việc thực hành những gì mình học nơi Lời Đức Chúa Trời?

14 Thực hành những gì mình biết qua việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân và buổi họp đạo Đấng Christ sẽ đem lại nhiều lợi ích. Thí dụ, chúng ta có thể thấy rằng mối quan hệ của chúng ta với các anh em trong đức tin được cải thiện. (Ga-la-ti 6:10) Tâm tính chúng ta sẽ thay đổi tốt hơn khi áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. (Thi-thiên 19:8) Hơn nữa, bằng cách thực hành những gì mình học, chúng ta “làm cho tôn-quí đạo Đức Chúa Trời” và chắc hẳn thu hút những người khác đến với sự thờ phượng thật.—Tít 2:6-10.

15. (a) Một người trẻ đã thu hết can đảm để làm chứng trong trường như thế nào? (b) Bạn học được gì qua kinh nghiệm này?

15 Trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va có nhiều người trẻ thực hành những gì họ học được qua học hỏi Kinh Thánh cá nhân và qua các ấn phẩm của đạo Đấng Christ cũng như bằng cách có mặt đều đặn trong những buổi họp hội thánh. Hạnh kiểm tốt lành của họ là cách làm chứng hùng hồn cho thầy cô và các học sinh khác cùng trường. (1 Phi-e-rơ 2:12) Hãy xem trường hợp của Leslie, một em gái 13 tuổi ở Hoa Kỳ. Em thú nhận là lúc trước em cảm thấy khó nói với bạn học về tín ngưỡng của mình, nhưng một ngày nọ chuyện ấy đã thay đổi. “Cả lớp nói về cách người ta cố bán gì đó cho mình. Một học sinh giơ tay lên và đề cập đến Nhân Chứng Giê-hô-va”. Là một Nhân Chứng, Leslie đã phản ứng thế nào? Em nói: “Em đã bênh vực đức tin mình và điều này chắc hẳn đã làm mọi người ngạc nhiên vì thường em rất im lặng trong lớp”. Sự dạn dĩ của Leslie đã đưa đến kết quả nào? Leslie nói: “Em có thể để lại sách mỏng và tờ giấy nhỏ cho học sinh đó, vì cô ta có những câu hỏi khác”. Đức Giê-hô-va hẳn đã vui mừng biết bao khi những người trẻ thực hành những điều họ học và đã can đảm làm chứng trong trường!—Châm-ngôn 27:11; Hê-bơ-rơ 6:10.

16. Một Nhân Chứng trẻ đã gặt được lợi ích như thế nào qua Trường Thánh Chức Thần Quyền?

16 Một gương khác là của em Elizabeth. Bắt đầu lúc bảy tuổi và suốt những năm tiểu học, em đã mời thầy cô đến Phòng Nước Trời mỗi khi em có bài giảng trong Trường Thánh Chức Thần Quyền. Nếu cô giáo không tới được, Elizabeth ở lại trường và trình bày bài giảng cho cô nghe. Vào năm cuối cùng ở trung học, Elizabeth viết một bản báo cáo gồm mười trang về những lợi ích của Trường Thánh Chức Thần Quyền và đã trình bày trước bốn thầy cô. Em cũng được mời nói bài giảng như trong Trường Thánh Chức Thần Quyền, cho nên em chọn đề tài “Tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác?” Elizabeth đã gặt được lợi ích từ chương trình dạy dỗ của Nhân Chứng Giê-hô-va trong Trường Thánh Chức Thần Quyền. Em là một trong nhiều tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi đã ca ngợi Đức Giê-hô-va bằng cách thực hành những gì họ học được trong Lời Ngài.

17, 18. (a) Kinh Thánh cho lời khuyên nào về sự lương thiện? (b) Hạnh kiểm lương thiện của một Nhân Chứng Giê-hô-va đã ảnh hưởng đến một quân nhân như thế nào?

17 Kinh Thánh khuyên nhủ tín đồ Đấng Christ nên ăn ở lương thiện trong mọi sự. (Hê-bơ-rơ 13:18) Sự bất lương có thể làm hư hại mối quan hệ với người khác và quan trọng hơn hết là mối quan hệ với chính Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 12:22) Hạnh kiểm đáng tin cậy của chúng ta là bằng chứng mình đang thực hành những điều đã học, và điều này đã khiến cho nhiều người tôn trọng Nhân Chứng Giê-hô-va hơn nữa.

18 Hãy xem kinh nghiệm của một quân nhân tên Phillip. Ông đã bỏ đâu mất một tấm ngân phiếu có ký tên và không biết rằng mình đã đánh mất cho đến khi tờ ngân phiếu đó được gửi trả lại cho ông qua đường bưu điện. Một Nhân Chứng Giê-hô-va đã bắt được tấm ngân phiếu ấy và viết tờ giấy kèm theo nói rằng niềm tin tôn giáo đã khiến cho người ấy gửi trả lại. Phillip rất kinh ngạc, ông nói: “Họ có thể lấy sạch 9.000 đồng này của tôi!” Vào một dịp khác, ông đã thất vọng khi cái mũ của mình bị ăn cắp trong nhà thờ. Hình như một người quen biết đã lấy mũ ông trong khi một người lạ lại trả tấm ngân phiếu có giá trị hàng ngàn đô la. Quả thật sự lương thiện của tín đồ Đấng Christ đã đem lại vinh hiển cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời!

Tiếp tục thực hành những gì bạn học được

19, 20. Chúng ta sẽ gặt được lợi ích thế nào khi hành động phù hợp với những điều học được trong Kinh Thánh?

19 Những người thực hành điều mình học từ Đức Chúa Trời gặt hái nhiều lợi ích. Môn đồ Gia-cơ viết: “Kẻ nào xét kỹ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”. (Gia-cơ 1:25) Đúng vậy, nếu thực hành những điều mình học trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ được hạnh phúc thật sự và sẽ đương đầu dễ hơn với những áp lực trong đời sống. Quan trọng hơn hết là chúng ta được ân phước của Đức Giê-hô-va và triển vọng sống đời đời!—Châm-ngôn 10:22; 1 Ti-mô-thê 6:6.

20 Thế thì bằng mọi giá hãy tiếp tục chuyên cần học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Hãy đều đặn nhóm lại với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, và chăm chú lắng nghe những tài liệu được trình bày trong buổi họp đạo Đấng Christ. Hãy áp dụng những gì bạn học, tiếp tục thực hành thì “Đức Chúa Trời của sự bình-an sẽ ở cùng anh em”.—Phi-líp 4:9.

[Chú thích]

^ đ. 9 Sách Tobit, có lẽ được viết vào thế kỷ thứ ba TCN, gồm có câu chuyện đầy mê tín dị đoan về một người Do Thái tên Tobias. Ông ta được cho là có khả năng chữa bệnh và trừ quỉ qua việc dùng tim, túi mật và gan của một loại cá khổng lồ.

Bạn có nhớ không?

• “Mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” là gì, và làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ nó?

• Chúng ta cần bác bỏ những “chuyện huyễn” nào?

• Những người thực hành những gì họ học từ Lời Đức Chúa Trời gặt được những lợi ích nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Làm sao tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có thể tránh bị những kẻ bội đạo dẫn dụ?

[Các hình nơi trang 18]

Phương tiện truyền thông đại chúng, Internet và những kẻ bội đạo thời nay có thể gieo mầm mống nghi ngờ

[Hình nơi trang 19]

Lưu hành những mẩu tin không được chứng thực là thiếu khôn ngoan

[Các hình nơi trang 20]

Nhân Chứng Giê-hô-va áp dụng những gì họ đọc trong Lời Đức Chúa Trời tại sở làm, trường học và những nơi khác