Được an ủi nhờ sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời
Được an ủi nhờ sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời
ĐỐI VỚI một số người, những gì Kinh Thánh nói về tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Chúa Trời gợi nên những câu hỏi làm băn khoăn. Họ thắc mắc: Nếu Đức Chúa Trời muốn loại bỏ điều ác, biết phải loại bỏ như thế nào, và có đủ quyền năng làm điều đó, tại sao điều ác vẫn tiếp tục nhan nhản? Đối với họ vấn đề là dung hòa ba điều: (1) Đức Chúa Trời là toàn năng; (2) Đức Chúa Trời là yêu thương và nhân từ; và (3) những sự kiện thảm hại tiếp tục xảy ra. Họ lý luận rằng vì điều cuối cùng là một sự thật không thể phủ nhận, vậy thì ít nhất một trong hai điều kia không thể đúng được. Theo họ, hoặc là Đức Chúa Trời không có khả năng loại bỏ sự ác, hoặc là Ngài không quan tâm đến điều đó.
Nhiều ngày sau khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York bị phá hủy, một lãnh tụ tôn giáo nổi tiếng ở Hoa Kỳ nói: “Trong đời tôi người ta hỏi tôi... hàng trăm lần tại sao Đức Chúa Trời cho phép thảm họa và sự đau khổ xảy ra. Tôi phải thú nhận rằng tôi thực sự không tìm nổi câu trả lời thỏa đáng, ngay cả cho bản thân tôi”.
Phản ứng lại lời bình luận này, một giáo sư thần học viết rằng “thuyết thần học đứng đắn” mà lãnh tụ tôn giáo đó đã giảng gây ấn tượng đối với ông. Ông cũng tán thành quan điểm một học giả đã viết: “Khó hiểu về sự đau khổ nằm trong phạm vi của việc khó hiểu về Đức Chúa Trời”. Nhưng phải chăng lý do Đức Chúa Trời cho phép điều ác xảy ra thật sự khó hiểu?
Nguồn gốc của điều ác
Trái ngược với những điều các nhà lãnh đạo tôn giáo nói, Kinh Thánh không mô tả việc Đức Chúa Trời cho phép điều ác xảy ra là điều khó hiểu. Một bí quyết để hiểu được thắc mắc về điều ác là thừa nhận rằng Đức Giê-hô-va không tạo một thế gian hung ác. Ngài tạo nên cặp vợ chồng đầu tiên hoàn toàn, không tội lỗi. Đức Giê-hô-va nhìn lại công việc sáng tạo của Ngài và thấy “rất tốt lành”. (Sáng-thế Ký 1:26, 31) Ý định của Đức Chúa Trời đối với A-đam và Ê-va là mở rộng địa đàng Ê-đen ra khắp trái đất và khiến trái đất đầy dẫy loài người hạnh phúc dưới sự che chở và sự thống trị đầy yêu thương của Ngài.—Ê-sai 45:18.
Điều ác đã bắt đầu từ một tạo vật thần linh, mặc dù ban đầu trung thành với Đức Chúa Trời, đã sinh lòng ham muốn được thờ phượng. (Gia-cơ 1:14, 15) Sự phản loạn của hắn đã bộc phát trên đất khi hắn xúi giục cặp vợ chồng đầu tiên hùa theo phe hắn chống lại Đức Chúa Trời. Thay vì chấp hành lệnh cấm rõ ràng của Đức Chúa Trời là không được ăn hoặc đụng đến cây biết điều thiện và điều ác, A-đam và Ê-va lại hái trái cây đó mà ăn. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Khi làm thế, không những họ bất tuân Đức Chúa Trời mà còn cho thấy họ ham muốn được độc lập với Ngài.
Một vấn đề đạo đức được nêu lên
Sự phản loạn này trong vườn Ê-đen đã nêu lên một vấn đề đạo đức, một thách thức có
tầm quan trọng khắp vũ trụ. Những kẻ nổi loạn đặt nghi vấn về việc Đức Giê-hô-va có nắm quyền cai trị chính đáng trên các tạo vật của Ngài không. Đấng Tạo Hóa có quyền đòi hỏi loài người vâng phục Ngài cách hoàn toàn không? Loài người có thể sống tốt hơn không nếu họ hành động độc lập?Đức Giê-hô-va đã đối phó với sự thách thức này chống lại quyền cai trị của Ngài theo một cách đã chứng tỏ sự thăng bằng trọn vẹn của Ngài về lòng yêu thương, sự công bình, khôn ngoan và quyền năng. Hẳn nhiên, Ngài có thể dùng quyền năng của Ngài để dẹp tan sự phản loạn ngay lập tức. Điều đó có vẻ chính đáng, vì Ngài có quyền làm thế. Nhưng làm như thế sẽ không trả lời những vấn đề đạo đức đã được nêu lên. Mặt khác Đức Chúa Trời đã có thể giản dị lờ đi tội lỗi. Đối với một số người ngày nay, giải pháp này dường như đượm vẻ yêu thương. Tuy nhiên, điều này cũng không trả lời được lời hô hào của Sa-tan là loài người sẽ sống tốt hơn khi được tự trị. Vả lại, chẳng phải là một phương án như thế còn khuyến khích những người khác xây bỏ đường lối của Đức Giê-hô-va hay sao? Hậu quả sẽ là đau khổ triền miên.
Với sự khôn ngoan của Ngài, Đức Giê-hô-va cho phép loài người làm theo ý riêng một thời gian. Dù điều này có nghĩa là cho phép điều ác tạm thời tồn tại, phải như vậy thì loài người mới có cơ hội chứng tỏ họ có thể thành công hay không khi tự cai trị biệt lập với Đức Chúa Trời, sống theo tiêu chuẩn riêng của họ về điều gì là đúng hay sai. Hậu quả là gì? Lịch sử loài người đã luôn luôn được đánh dấu bằng chiến tranh, bất công, áp bức, và đau khổ. Việc chống lại Đức Giê-hô-va sau cùng chuốc lấy sự thất bại, điều này sẽ giải quyết dứt khoát cho những vấn đề được dấy lên trong vườn Ê-đen.
Trong khi chờ đợi, Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương qua việc cung cấp Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, đấng phó sự sống mình để hy sinh làm giá chuộc. Điều này khiến những người biết vâng lời thoát khỏi án phạt của tội lỗi và sự chết do sự bất tuân của A-đam gây ra. Giăng 3:16.
Giá chuộc mở đường dẫn đến đời sống vĩnh cửu cho tất cả những ai thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su.—Chúng ta có sự cam kết đầy an ủi của Đức Giê-hô-va rằng loài người chỉ đau khổ tạm thời. Người viết Thi-thiên ghi: “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa. Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:10, 11.
Một tương lai an ổn và hạnh phúc
Sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong Kinh Thánh chứng tỏ rằng thời kỳ để Đức Chúa Trời chấm dứt bệnh tật, đau buồn và chết chóc sắp đến rồi. Hãy lưu ý sứ đồ Giăng nhận được sự hiện thấy về những gì sắp đến với một cái nhìn tuyệt vời làm sao! Ông viết: “Tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa... Và chính Đức Chúa Trời sẽ ở với [loài người]. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. Trong một lời tuyên bố nhấn mạnh tính chất đáng tin cậy của những lời hứa này, Giăng đã được bảo: “Hãy chép, vì những lời nầy đều trung-tín và chân-thật”.—Khải-huyền 21:1-5.
Còn hàng tỷ người vô tội đã chết kể từ sự nổi loạn trong vườn Ê-đen thì sao? Đức Giê-hô-va hứa rằng Ngài sẽ cho những người hiện nay đang ngủ trong sự chết sẽ được sống lại. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. (Công-vụ 24:15) Những người này sẽ có triển vọng sống trong một thế giới trong đó có “sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.
Giống như một người cha đầy yêu thương để cho con mình chịu phẫu thuật đau đớn nếu biết điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài, cũng vậy, Đức Giê-hô-va đã để cho loài người chịu đựng điều ác đang tạm thời tồn tại trên trái đất. Tuy nhiên, ân phước đời đời đang chờ đợi tất cả những ai tìm cách làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Phao-lô giải thích: “Muôn vật đã bị bắt phục sự hư-không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 8:20, 21.
Đây mới thật sự là tin tức—chẳng phải loại tin tức chúng ta xem trên truyền hình hoặc báo chí, nhưng là tin mừng. Đó là tin tốt nhất đến từ “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”, Đấng thực sự quan tâm đến chúng ta.—2 Cô-rinh-tô 1:3.
[Các hình nơi trang 6]
Thời gian đã chứng tỏ rằng loài người không thể thành công khi tự cai trị độc lập với Đức Chúa Trời
[Nguồn tư liệu]
Gia đình Somalia: UN PHOTO 159849/M. GRANT; bom nguyên tử: USAF photo; trại tập trung: U.S. National Archives photo