Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đặc ân được tham gia vào việc gia tăng thời hậu chiến

Đặc ân được tham gia vào việc gia tăng thời hậu chiến

Tự Truyện

Đặc ân được tham gia vào việc gia tăng thời hậu chiến

DO FILIP S. HOFFMANN KỂ LẠI

Thế Chiến II vừa kết thúc vào tháng 5 năm 1945. Tháng 12 năm đó anh Nathan H. Knorr, người trông coi hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va khắp thế giới, cùng với thư ký 25 tuổi của anh là Milton G. Henschel viếng thăm Đan Mạch. Anh em đã mướn một hội trường rộng lớn để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm mà mọi người háo hức mong đợi. Đối với những người trẻ như chúng tôi bài giảng của anh Henschel đặc biệt hào hứng, vì anh trạc tuổi chúng tôi và chủ đề mà anh chọn lại là: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi”.—Truyền-đạo 12:1.

TRONG chuyến viếng thăm ấy, chúng tôi được biết rằng có những điều hào hứng đang diễn ra để đẩy mạnh công việc rao giảng trên khắp thế giới mà chúng tôi cũng có thể góp phần. (Ma-thi-ơ 24:14) Chẳng hạn, một trường mới để huấn luyện những người trẻ nam và nữ làm công việc giáo sĩ đã khai giảng ở Hoa Kỳ. Anh Knorr nhấn mạnh rằng nếu được mời, chúng tôi sẽ nhận được “chỉ vé lượt đi” và sẽ không biết cuối cùng mình sẽ được phái đi đâu. Dù vậy, một số trong chúng tôi vẫn nộp đơn.

Trước khi kể lại kinh nghiệm thời kỳ sau Thế Chiến II, tôi xin được phép trở lại lúc tôi chào đời vào năm 1919. Trước và sau chiến tranh có một số sự kiện gây ảnh hưởng mạnh đến đời tôi.

Lẽ thật Kinh Thánh từ một người bị ruồng bỏ

Khi mang thai tôi—con đầu lòng—mẹ tôi khấn vái rằng nếu là con trai, tôi sẽ trở thành giáo sĩ. Anh của mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va, mà thời ấy có danh hiệu là Học Viên Kinh Thánh, nhưng những người trong gia đình mẹ ruồng bỏ cậu. Nhà của chúng tôi ở gần Copenhagen, và mỗi năm các Học Viên Kinh Thánh tổ chức đại hội ở đó, mẹ thường mời cậu Thomas sống khá xa đến ở với chúng tôi. Đến năm 1930 sự hiểu biết đáng kinh ngạc của cậu về Kinh Thánh và cách lý luận hợp lý đã thuyết phục mẹ trở thành một Học Viên Kinh Thánh.

Mẹ ưa thích Kinh Thánh. Theo điều răn nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7, mẹ dạy cho tôi và em gái tôi khi ‘mẹ ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc mẹ nằm, hay là khi chỗi dậy’. Với thời gian, tôi bắt đầu tham gia rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Tôi thích thảo luận về những đề tài như linh hồn bất tử và lửa địa ngục mà các nhà thờ dạy. Tôi có thể chứng minh hữu hiệu bằng Kinh Thánh rằng những điều dạy dỗ ấy là sai.—Thi-thiên 146:3, 4; Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4.

Gia đình chúng tôi hợp nhất

Sau đại hội năm 1937 ở Copenhagen, nhất thời có nhu cầu phụ giúp nhà kho chứa sách báo ở trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Đan Mạch. Tôi vừa tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại và không vướng bận gì nên tôi tình nguyện phục vụ ở nhà kho. Khi hết việc ở nhà kho, tôi được mời làm việc ở trụ sở chi nhánh. Ít lâu sau, tôi rời nhà và dọn đến trụ sở chi nhánh ở Copenhagen, dù chưa làm báp têm. Sự kết hợp hàng ngày với những tín đồ thành thục đã giúp tôi tiến bộ về thiêng liêng. Vào ngày 1 tháng 1 năm sau đó, năm 1938, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua báp têm trong nước.

Vào tháng 9 năm 1939, Thế Chiến II bùng nổ. Sau đó, vào ngày 9-4-1940, quân đội Đức chiếm đóng Đan Mạch. Vì người Đan Mạch được khá nhiều tự do cá nhân, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục hoạt động rao giảng.

Rồi một điều kỳ diệu xảy ra. Cha đã trở thành Nhân Chứng tích cực, trung thành, làm gia đình chúng tôi tràn trề sung sướng. Do đó, khi tôi cùng bốn người Đan Mạch khác được mời dự khóa thứ tám Trường Ga-la-át, cả gia đình tôi đều ủng hộ tôi. Khóa học dài năm tháng bắt đầu vào tháng 9 năm 1946, được tổ chức trong khuôn viên đẹp đẽ ở ngoại vi thị trấn South Lansing, bang New York.

Huấn luyện ở Trường Ga-la-át và sau khi ra trường

Trường Ga-la-át tạo cơ hội kết bạn mới thật kỳ diệu. Một buổi tối nọ, khi đi dạo quanh khuôn viên trường với anh Harold King người nước Anh, chúng tôi tự hỏi không biết mình sẽ được phái đi đâu sau khi tốt nghiệp. Anh Harold nói: “Tôi không tin đây là lần cuối được nhìn những vách đá trắng ở Dover”. Anh nói đúng, nhưng phải đợi đến 17 năm sau anh mới được nhìn lại những vách đá này; bốn năm rưỡi trong thời gian đó anh bị biệt giam trong nhà tù ở Trung Quốc! *

Sau khi tốt nghiệp, tôi được phái đi bang Texas, Hoa Kỳ, làm giám thị lưu động, thăm viếng và giúp đỡ các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va về thiêng liêng. Tôi đã được tiếp đón nồng nhiệt. Đối với anh em ở Texas, thật lý thú nhìn thấy một người Âu Châu trẻ tuổi vừa tốt nghiệp Trường Ga-la-át. Nhưng chỉ sau bảy tháng ở Texas, tôi được gọi về trụ sở trung ương Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Tại đây, anh Knorr giao cho tôi công việc văn phòng với chỉ thị là học cách điều hành trong tất cả các ban / ngành. Sau đó, khi trở về Đan Mạch, tôi phải đem ra áp dụng những điều đã học, phải làm sao cho mọi sự đều được thực hiện theo cùng phương pháp như ở Brooklyn. Chủ ý của Hội là thống nhất việc điều hành tại tất cả các chi nhánh trên thế giới để có hiệu năng hơn. Sau đó, anh Knorr chuyển tôi đi Đức.

Áp dụng chỉ thị cho các chi nhánh

Khi đến Wiesbaden, Đức Quốc, vào tháng 7 năm 1949, nhiều thành phố của Đức vẫn còn điêu tàn. Những anh dẫn đầu công việc rao giảng là những anh đã từng bị bắt bớ từ khi Hitler nắm quyền năm 1933. Một số anh đã bị giam trong tù và trại tập trung từ tám đến mười năm hoặc lâu hơn! Tôi làm việc với các tôi tớ như thế của Đức Giê-hô-va ba năm rưỡi. Gương mẫu độc đáo của họ nhắc tôi nhớ lời bình luận của sử gia Gabriele Yonan người Đức: “Nếu không có gương kiên cường của nhóm tín đồ Đấng Christ này dưới chế độ Quốc Xã độc tài, khi xét về trại tập trung Auschwitz và Cuộc Tàn Sát Tập Thể, chúng ta hẳn sẽ thắc mắc không biết có ai áp dụng nổi những gì Chúa Giê-su dạy hay không”.

Phận sự của tôi ở chi nhánh Đức cũng giống như ở Đan Mạch: giới thiệu phương pháp mới để thống nhất việc xử lý các vấn đề về tổ chức. Vừa khi các anh em ở Đức hiểu rằng những sự điều chỉnh không hề hàm ý chỉ trích công việc của họ—nhưng đã đến lúc để có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chi nhánh khác nhau và với trụ sở trung ương—họ phấn khởi và nhiệt tình hợp tác.

Vào năm 1952 tôi nhận được một lá thư từ văn phòng anh Knorr, thuyên chuyển tôi đến chi nhánh ở Bern, Thụy Sĩ. Tôi được bổ nhiệm làm giám thị chi nhánh ở đó bắt đầu từ ngày 1-1-1953.

Niềm vui mới ở Thụy Sĩ

Ít lâu sau khi đặt chân đến Thụy Sĩ, tôi gặp Esther ở một đại hội, và chẳng bao lâu sau chúng tôi đính hôn. Vào tháng 8 năm 1954 anh Knorr gọi tôi sang Brooklyn để cho biết về một công việc mới thật hào hứng. Vì số các chi nhánh và số người làm việc ở chi nhánh trên khắp thế giới đã gia tăng khá nhiều, một sự sắp đặt mới ra đời. Thế giới được chia ra làm nhiều vùng, mỗi vùng có một giám thị vùng phục vụ. Tôi được giao cho hai vùng để phục vụ: Âu Châu và Địa Trung Hải.

Chẳng bao lâu sau chuyến thăm ngắn ở Brooklyn, tôi về Thụy Sĩ chuẩn bị cho các chuyến thăm vùng. Tôi và Esther kết hôn và nàng cùng tôi phụng sự ở trụ sở chi nhánh Thụy Sĩ. Chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi là các nhà giáo sĩ và các chi nhánh ở Ý, Hy Lạp, Cyprus, các nước Trung Đông và dọc bờ biển Bắc Phi, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha—tổng cộng 13 xứ. Sau khi trở về Bern, tôi lại đi tiếp sang tất cả các nước khác ở Âu Châu phía tây Bức Màn Sắt. Trong năm đầu tiên mới kết hôn, tôi đã vắng nhà sáu tháng để phục vụ các anh em.

Hoàn cảnh thay đổi

Vào năm 1957, Esther hay nàng mang thai, và vì ở chi nhánh không có sự sắp đặt cho những anh chị có con, chúng tôi quyết định dọn về Đan Mạch, nơi cha tôi hoan nghênh chúng tôi ở với ông. Esther vừa chăm sóc cho Rakel, con gái của chúng tôi, vừa chăm lo cho cha tôi, trong khi tôi phụ giúp công việc ở trụ sở chi nhánh vừa mới xây xong. Tôi phục vụ với tư cách giảng viên Trường Thánh Chức Nước Trời dành cho các giám thị hội thánh và cũng tiếp tục làm giám thị vùng.

Công việc viếng thăm vùng đòi hỏi phải vắng nhà khá lâu, khiến tôi phải xa cách con gái của chúng tôi. Điều này gây ra hậu quả. Có lần tôi phải ở Paris một thời gian để thiết lập một nhà in nhỏ. Esther và Rakel đáp xe lửa đến thăm tôi và xuống tàu ở Gare du Nord. Anh Léopold Jontès ở chi nhánh cùng tôi ra nhà ga đón hai mẹ con. Cháu Rakel đứng ở bậc thang của toa xe lửa nhìn Léopold trước, rồi nhìn tôi, và nhìn lại Léopold lần nữa, và rồi ôm hôn anh Léopold!

Một sự thay đổi đột ngột khác xảy đến khi tôi phải ngưng công việc thánh chức trọn thời gian để kiếm tiền nuôi gia đình lúc tôi ở tuổi 45. Với kinh nghiệm là người truyền giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi xin được một việc làm là trưởng phòng xuất khẩu. Sau khi làm việc cho công ty đó khoảng chín năm và Rakel học xong, chúng tôi quyết định hưởng ứng lời khuyến khích phụng sự ở nơi cần có nhiều người rao giảng Nước Trời hơn.

Thăm dò các cơ hội ở Na Uy, tôi đến một cơ quan giới thiệu việc làm để tìm việc. Câu trả lời không mấy khích lệ. Ít có hy vọng cho một người đàn ông 55 tuổi. Dù vậy, tôi liên lạc với trụ sở chi nhánh ở Oslo và rồi mướn nhà ở gần thị trấn Drøbak, tin tưởng rằng rồi sẽ có cơ hội tìm được việc làm. Một cơ hội quả đã đến, và một thời kỳ phụng sự Nước Trời rất thú vị khởi đầu trên đất Na Uy.

Những ngày tốt đẹp nhất là khi hầu hết những người công bố trong hội thánh chúng tôi đi lên hướng bắc để rao giảng trong những khu vực chưa được chỉ định cho hội thánh nào. Chúng tôi mướn những ngôi nhà tranh ở một địa điểm cắm trại, và mỗi ngày chúng tôi đi thăm những nông trại rải rác trên những ngọn núi hùng vĩ. Thật là niềm vui sướng tuyệt vời được nói về Nước Đức Chúa Trời cho những người dân thân thiện này. Chúng tôi đã phát rất nhiều ấn phẩm, nhưng phải đợi đến năm sau mới trở lại viếng thăm được. Thế nhưng, người ta vẫn không quên chúng tôi! Esther và Rakel nay vẫn còn nhớ lại thời mà chúng tôi trở lại thăm họ và người ta ôm chầm chúng tôi để hôn y như những người trong gia đình lâu lắm mới được gặp lại. Sau ba năm ở Na Uy, chúng tôi trở về Đan Mạch.

Niềm vui của đời sống gia đình

Chẳng bao lâu Rakel đính hôn với Niels Højer, một người tiên phong sốt sắng trọn thời gian. Sau khi thành hôn, Niels và Rakel tiếp tục làm tiên phong cho đến khi có con. Niels vừa là người chồng tốt vừa là người cha giỏi giang, thật sự quan tâm đến gia đình. Tảng sáng một ngày nọ, anh chở con bằng xe đạp ra bãi biển ngắm mặt trời mọc. Một người láng giềng hỏi đứa bé là hai cha con đi bãi biển làm gì. Cháu đáp: “Cha cháu và cháu cầu nguyện Đức Giê-hô-va”.

Vài năm sau, tôi và Esther chứng kiến hai cháu ngoại lớn nhất của chúng tôi là Benjamin và Nadja làm báp têm. Trong đám những người quan sát có Niels, thình lình đến đứng trước mặt tôi, nhìn tôi và nói: “Cha à, đàn ông không khóc được đâu”. Thế mà liền sau đó, cả hai chúng tôi ôm chầm nhau mà khóc. Thật là một niềm vui có được một người con rể có thể cùng khóc và cùng cười với mình!

Hoàn cảnh lại thay đổi nữa

Một ân phước khác đến khi tôi và Esther được mời trở lại phục vụ trong trụ sở chi nhánh ở Đan Mạch. Tuy nhiên, vào lúc ấy công việc chuẩn bị xây một cơ sở chi nhánh rộng hơn ở Holbæk đang được tiến hành. Tôi được đặc ân tham gia vào việc giám thị công việc xây cất, hoàn toàn do những người tình nguyện làm việc không lĩnh lương phụ trách. Dù mùa đông rét buốt, khoảng cuối năm 1982 công trình hầu như hoàn tất, và tất cả chúng tôi vui thích dọn về những cơ sở rộng rãi và tiện nghi hơn!

Chẳng bao lâu sau tôi được giao cho công việc văn phòng, công việc đem lại cho tôi nhiều mãn nguyện, còn Esther trực điện thoại. Tuy nhiên, với thời gian nàng phải mổ thay xương hông, và một năm rưỡi sau đó phải mổ túi mật. Dù các anh chị ở chi nhánh tỏ ra tử tế đối với chúng tôi, chúng tôi quyết định tốt hơn là rời chi nhánh vì lợi ích của mọi người. Chúng tôi dọn đến hội thánh mà gia đình con gái của chúng tôi kết hợp.

Esther nay không còn được khỏe. Tôi có thể thật sự nói rằng trong suốt những năm tháng phụng sự bên nhau, dù hoàn cảnh thay đổi quá nhiều, nàng là một người ủng hộ và bạn đường tuyệt vời. Bất kể sức khỏe yếu đi, cả hai chúng tôi vẫn còn tham gia vừa phải vào công việc rao giảng. Hồi tưởng lại quãng đời đã qua, tôi nhớ lại với lòng biết ơn lời của người viết Thi-thiên: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa đã dạy tôi từ buổi thơ-ấu”.—Thi-thiên 71:17.

[Chú thích]

^ đ. 15 Xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 15-7-1963, trang 437-442.

[Hình nơi trang 24]

Bốc xếp các ấn phẩm được gửi đến chi nhánh Đức đang thi công vào năm 1949

[Hình nơi trang 25]

Những người bạn cùng làm việc với tôi gồm các Nhân Chứng, như những người này, từ các trại tập trung trở về

[Các hình nơi trang 26]

Với Esther ngày nay và vào ngày cưới của chúng tôi ở Bê-tên Bern, tháng 10 năm 1955