Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va ban phước và bảo vệ những ai vâng lời

Đức Giê-hô-va ban phước và bảo vệ những ai vâng lời

Đức Giê-hô-va ban phước và bảo vệ những ai vâng lời

“Ai khứng nghe ta ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”.—CHÂM-NGÔN 1:33.

1, 2. Tại sao vâng lời Đức Chúa Trời là quan trọng? Hãy minh họa.

NHỮNG chú gà con lông tơ vàng đang mải mê mổ thức ăn trong bụi cỏ, hoàn toàn không hay biết có một con diều hâu đang bay lượn trên cao. Đột nhiên, gà mẹ cất tiếng kêu thất thanh báo động và xòe cánh ra. Những chú gà con chạy đến bên mẹ và nhanh chóng được che phủ an toàn dưới cánh. Con diều hâu bỏ cuộc tấn công. * Bài học là gì? Vâng lời cứu được mạng sống!

2 Bài học đó đặc biệt quan trọng cho tín đồ Đấng Christ ngày nay, bởi vì Sa-tan đang dốc toàn lực để săn dân tộc Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 12:9, 12, 17) Mục tiêu của hắn là phá hủy tình trạng thiêng liêng của chúng ta để rồi chúng ta mất đi ân huệ của Đức Giê-hô-va và triển vọng sống đời đời. (1 Phi-e-rơ 5:8) Tuy nhiên, nếu chúng ta gắn bó với Đức Chúa Trời và mau mắn đáp ứng sự hướng dẫn của Lời Ngài và tổ chức Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ được Ngài che chở và chăm sóc. Người viết Thi-thiên nói: “Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che-chở ngươi, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương-náu mình”.—Thi-thiên 91:4.

Một nước bất tuân trở thành miếng mồi

3. Việc nước Y-sơ-ra-ên liên tục bất tuân đã mang lại hậu quả nào?

3 Khi vâng lời Đức Giê-hô-va, nước Y-sơ-ra-ên đều đặn hưởng được lợi ích từ sự quan tâm chăm sóc của Ngài. Tuy nhiên, đã quá nhiều lần dân tộc này lìa bỏ Đấng Dựng Nên họ và đi theo các thần bằng gỗ, bằng đá—“những hình-tượng hư-không, chẳng có ích chi, cũng không biết cứu”. (1 Sa-mu-ên 12:21) Sau nhiều thế kỷ phản nghịch như thế, nước này nói chung đã chìm đắm trong sự bội đạo, vô phương cứu chữa. Vì vậy, Chúa Giê-su đã than: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!”—Ma-thi-ơ 23:35-38.

4. Việc Đức Giê-hô-va từ bỏ Giê-ru-sa-lem được thấy rõ ràng như thế nào vào năm 70 CN?

4 Việc Đức Giê-hô-va từ bỏ Y-sơ-ra-ên phản nghịch được thấy rõ ràng một cách đau đớn vào năm 70 CN. Vào năm đó, quân La mã giương cao cờ hiệu có hình chim đại bàng, bổ xuống Giê-ru-sa-lem, giáng cho một cuộc tàn sát khủng khiếp. Lúc đó thành đang đông nghẹt người dự Lễ Vượt Qua. Những của-lễ họ dâng không chiếm được ân huệ của Đức Chúa Trời. Đó là một sự nhắc nhở đau thương về những lời nhà tiên tri Sa-mu-ên đã nói với vua Sau-lơ bất tuân: “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của-lễ thiêu và của-lễ thù-ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực”.—1 Sa-mu-ên 15:22.

5. Đức Giê-hô-va đòi hỏi loại vâng lời nào, và làm sao chúng ta biết sự vâng lời như thế có thể làm được?

5 Mặc dù Đức Giê-hô-va luôn đòi hỏi sự vâng lời, nhưng Ngài biết rõ giới hạn của loài người bất toàn. (Thi-thiên 130:3, 4) Những gì Ngài đòi hỏi là sự thành tâm và vâng lời dựa trên đức tin, lòng yêu thương và sự kính sợ lành mạnh, tức sợ làm buồn lòng Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13; Châm-ngôn 16:6; Ê-sai 43:10; Mi-chê 6:8; Rô-ma 6:17) ‘Đám mây nhân chứng rất lớn trước thời Đấng Christ’ đã có thể biểu lộ sự vâng lời như thế. Họ đã giữ được lòng trung kiên trước những thử thách kinh khủng, ngay cả trước cái chết. (Hê-bơ-rơ 11:36, 37; 12:1, Bản Dịch Mới) Những người này đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va biết bao! (Châm-ngôn 27:11) Tuy nhiên, những người khác lúc đầu thì trung thành, nhưng sau đó lại không duy trì được đường lối vâng lời. Một trong số những người này là Vua Giô-ách của nước Giu-đa xưa.

Một vị vua bị bại hoại do sự kết hợp xấu

6, 7. Khi Giê-hô-gia-đa còn sống, Giô-ách là vị vua như thế nào?

6 Khi còn là một cậu bé, Giô-ách thoát được cuộc mưu sát trong đường tơ kẽ tóc. Lúc lên bảy tuổi, Giô-ách đã được thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa can đảm đưa ra khỏi nơi ẩn trú và xức dầu cho làm vua. Vì Giê-hô-gia-đa, một người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, đã hành động như một người cha cũng như người cố vấn của Giô-ách, nên vị vua trẻ tuổi này đã “làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va, trọn đời thầy tế-lễ Giê-hô-gia-đa”.—2 Sử-ký 22:10–23:1, 11; 24:1, 2.

7 Những việc tốt của Giô-ách bao gồm việc tu bổ đền thờ Đức Giê-hô-va—một hành động “có ý”. Ông nhắc nhở Giê-hô-gia-đa cần phải thu thuế đền thờ từ Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, như “Môi-se... đã định”, để tài trợ cho công việc sửa chữa. Dường như Giê-hô-gia-đa đã thành công trong việc khuyến khích vị vua trẻ này học hỏi và vâng theo Luật Pháp Đức Chúa Trời. Kết quả là công việc tu bổ đền thờ và những khí dụng đã nhanh chóng hoàn tất.—2 Sử-ký 24:4, 6, 13, 14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18.

8. (a) Nguyên nhân chính nào đã khiến Giô-ách suy sụp về thiêng liêng? (b) Cuối cùng sự bất tuân đã khiến nhà vua làm gì?

8 Buồn thay, Giô-ách đã không vâng lời Đức Giê-hô-va cho đến cuối cùng. Tại sao? Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết: “Sau khi Giê-hô-gia-đa đã qua đời, các quan-trưởng Giu-đa đến chầu lạy vua. Vua bèn nghe theo lời của chúng, lìa-bỏ đền Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tổ-phụ mình, mà phục-sự những thần A-sê-ra và các hình-tượng; tại cớ tội-lỗi ấy, bèn có cơn giận của Chúa nghịch cùng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem”. Ảnh hưởng không lành mạnh của các quan trưởng Giu-đa cũng đã khiến vua không khứng nghe theo những nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, trong đó có Xa-cha-ri, con trai thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa. Nhà tiên tri này đã can đảm khiển trách Giô-ách và dân sự về sự không vâng lời của họ. Thay vì ăn năn, Giô-ách đã cho ném đá Xa-cha-ri. Thật Giô-ách đã trở nên vô tâm, bội nghịch biết bao—tất cả cũng chỉ vì sự kết hợp xấu!—2 Sử-ký 24:17-22; 1 Cô-rinh-tô 15:33.

9. Kết cuộc của Giô-ách và các quan trưởng đã cho thấy rõ sự dại dột của việc không vâng lời như thế nào?

9 Sau khi lìa bỏ Đức Giê-hô-va, Giô-ách và những quan trưởng gian ác kia đã rơi vào tình trạng nào? Đạo binh Sy-ri—chỉ “có ít người”—xâm chiếm Giu-đa và “giết các quan-trưởng của dân”. Những kẻ xâm lăng còn bắt nhà vua giao nộp của cải của ông cùng với vàng bạc trong nơi thánh. Mặc dù được sống sót, nhưng Giô-ách chỉ còn là một người yếu đuối và bệnh hoạn. Chẳng bao lâu sau, chính một số đầy tớ của ông đã âm mưu ám sát ông. (2 Sử-ký 24:23-25; 2 Các Vua 12:17, 18) Lời của Đức Giê-hô-va cho Y-sơ-ra-ên thật đúng làm sao: “Nhưng nếu ngươi không nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không cẩn-thận làm theo các điều-răn và luật-pháp của Ngài..., thì sự rủa-sả sẽ giáng xuống trên mình ngươi và theo kịp ngươi”!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15.

Người thư ký được cứu nhờ vâng lời

10, 11. (a) Tại sao chúng ta được lợi ích khi suy ngẫm về lời khuyên của Đức Giê-hô-va dành cho Ba-rúc? (b) Đức Giê-hô-va đã ban cho Ba-rúc lời khuyên nào?

10 Thỉnh thoảng bạn có cảm thấy nản lòng vì trong số những người mà bạn gặp trong thánh chức, ít người chú ý đến tin mừng không? Đôi khi bạn có cảm thấy hơi ghen tị với những người giàu có và lối sống xa hoa của họ không? Nếu có, hãy suy nghĩ về trường hợp của Ba-rúc, thư ký của nhà tiên tri Giê-rê-mi, và về lời khuyên đầy yêu thương Đức Giê-hô-va dành cho ông.

11 Đức Giê-hô-va chú ý đến Ba-rúc vào lúc ông đang chép lại thông điệp mang tính cách tiên tri. Tại sao? Bởi vì Ba-rúc bắt đầu than vãn về hoàn cảnh của mình và ước muốn một điều gì đó tốt hơn đặc ân phụng sự Đức Chúa Trời. Thấy được sự thay đổi trong thái độ của Ba-rúc, Đức Giê-hô-va đã ban cho ông lời khuyên rõ ràng nhưng tử tế: “Ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm-kiếm, vì nầy, ta sẽ giáng tai-vạ cho mọi loài xác-thịt; nhưng ngươi, hễ đi đến đâu, ta cũng sẽ ban mạng-sống cho ngươi làm của-cướp”.—Giê-rê-mi 36:4; 45:5.

12. Tại sao chúng ta nên tránh tìm kiếm “việc lớn” cho chính mình trong hệ thống mọi sự này?

12 Trong lời Đức Giê-hô-va nói với Ba-rúc, bạn có cảm nhận được sự quan tâm sâu xa của Ngài đối với người tốt lành này không, một người đã cùng với Giê-rê-mi phụng sự Ngài rất trung thành và can đảm? Ngày nay cũng vậy, Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến những người bị cám dỗ theo đuổi những gì trong hệ thống mọi sự này mà họ cho là đồng cỏ xanh hơn. Mừng thay, giống như Ba-rúc, nhiều người trong số này đã đáp lại sự điều chỉnh đầy yêu thương của các anh có trách nhiệm. (Lu-ca 15:4-7) Vâng, mong sao tất cả chúng ta đều nhận thức rằng không có tương lai cho những người tìm kiếm “việc lớn” trong hệ thống này. Họ không những không tìm được hạnh phúc thật mà họ sẽ chóng qua đi cùng với thế gian này và tất cả những ham muốn ích kỷ của nó.—Ma-thi-ơ 6:19, 20; 1 Giăng 2:15-17.

13. Lời tường thuật về Ba-rúc dạy chúng ta bài học nào về tính khiêm nhường?

13 Sự tường thuật về Ba-rúc còn dạy chúng ta một bài học quý giá về lòng khiêm nhường. Hãy lưu ý là Đức Giê-hô-va đã không trực tiếp khuyên Ba-rúc, nhưng Ngài nói qua Giê-rê-mi, người mà Ba-rúc có lẽ biết khá rõ về cá tính và sự bất toàn. (Giê-rê-mi 45:1, 2) Tuy nhiên, Ba-rúc đã không để tính tự cao lấn át; ông đã khiêm nhường nhận biết lời khuyên thực sự bắt nguồn từ đâu—Đức Giê-hô-va. (2 Sử-ký 26:3, 4, 16; Châm-ngôn 18:12; 19:20) Vì vậy, nếu chúng ta “tình-cờ phạm lỗi gì” và nhận được lời khuyên cần thiết từ Lời Đức Chúa Trời, hãy bắt chước sự thành thục, sáng suốt về thiêng liêng cũng như tính khiêm nhường của Ba-rúc.—Ga-la-ti 6:1.

14. Tại sao việc vâng lời những người dẫn đầu mang lại lợi ích?

14 Thái độ khiêm nhường của chúng ta cũng giúp ích những người cho lời khuyên nữa. Hê-bơ-rơ 13:17 nói: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em”. Biết bao lần các trưởng lão đã dốc đổ lòng mình ra với Đức Giê-hô-va, cầu xin có được sự can đảm, khôn ngoan và khéo léo cần thiết để hoàn thành khía cạnh khó khăn này của công việc chăn chiên! Chúng ta hãy “quí-trọng những người dường ấy”.—1 Cô-rinh-tô 16:18.

15. (a) Giê-rê-mi đã biểu lộ niềm tin chắc nơi Ba-rúc như thế nào? (b) Sự khiêm nhường vâng lời của Ba-rúc đã được tưởng thưởng ra sao?

15 Rõ ràng Ba-rúc đã điều chỉnh lối suy nghĩ của mình, bởi vì sau đó ông được Giê-rê-mi giao cho một sứ mạng vô cùng khó khăn—vào đền thờ và đọc lớn thông điệp phán xét do chính ông chép từ miệng của Giê-rê-mi. Ba-rúc có vâng lời không? Có, ông đã làm “theo mọi sự tiên-tri Giê-rê-mi đã dạy”. Thật vậy, thậm chí ông còn đọc thông điệp đó cho các quan trưởng của Giê-ru-sa-lem. Điều này chắc chắn đòi hỏi nhiều can đảm. (Giê-rê-mi 36:1-6, 8, 14, 15) Khi thành rơi vào tay quân Ba-by-lôn khoảng 18 năm sau đó, hãy tưởng tượng Ba-rúc đã biết ơn xiết bao vì mạng sống được bảo toàn nhờ đã nghe theo lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va và ngưng tìm kiếm “việc lớn” cho mình!—Giê-rê-mi 39:1, 2, 11, 12; 43:6.

Vâng lời trong khi bị vây hãm cứu được mạng sống

16. Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người Giu-đa ở thành Giê-ru-sa-lem trong lúc quân Ba-by-lôn vây hãm vào năm 607 TCN như thế nào?

16 Lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời đối với những người vâng lời một lần nữa được thấy rõ khi Giê-ru-sa-lem bị kết liễu vào năm 607 TCN. Ngay vào lúc cuộc vây hãm tới hồi kịch liệt, Đức Giê-hô-va nói với dân Giu-đa: “Nầy, ta đặt trước mặt các ngươi con đường sống và con đường chết. Kẻ nào cứ ở lại trong thành nầy sẽ chết bởi gươm-dao, đói-kém, và ôn-dịch; nhưng kẻ nào ra khỏi, đi sang cùng người Canh-đê, tức người đương vây mình, thì sẽ sống, và sự sống mình sẽ làm của-cướp cho mình”. (Giê-rê-mi 21:8, 9) Mặc dù dân thành Giê-ru-sa-lem đáng bị hủy diệt, nhưng Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những ai vâng lời Ngài, ngay cả vào giờ phút cuối cùng, gay go nhất. *

17. (a) Khi tuân theo lời Đức Giê-hô-va, bảo người Giu-đa đang bị vây hãm “đầu hàng người Canh-đê”, Giê-rê-mi đã bị thử thách theo hai cách nào? (b) Chúng ta được lợi ích như thế nào từ gương can đảm vâng lời của Giê-rê-mi?

17 Việc bảo người Giu-đa đầu hàng chắc chắn cũng đã thử thách lòng vâng lời của Giê-rê-mi. Một lý do là vì ông có lòng sốt sắng đối với danh Đức Chúa Trời. Ông không muốn danh ấy bị quân thù sỉ nhục khi chúng qui công trạng chiến thắng cho các hình tượng vô tri vô giác. (Giê-rê-mi 50:2, 11; Ca-thương 2:16) Ngoài ra, Giê-rê-mi biết rằng khi bảo dân sự đầu hàng, ông đang liều lĩnh với chính sự sống của mình vì nhiều người sẽ xem đó là lời xúi giục nổi loạn. Tuy nhiên, ông không hề sợ hãi, ông đã vâng lời, công bố lời của Đức Giê-hô-va. (Giê-rê-mi 38:4, 17, 18) Như Giê-rê-mi, chúng ta cũng công bố một thông điệp ít được ưa chuộng. Cũng chính thông điệp đó đã khiến Chúa Giê-su bị khinh dể. (Ê-sai 53:3; Ma-thi-ơ 24:9) Vì vậy, chúng ta chớ “sợ loài người”, nhưng hãy giống như Giê-rê-mi, can đảm vâng theo Đức Giê-hô-va, hoàn toàn tin cậy nơi Ngài.—Châm-ngôn 29:25.

Vâng lời trước sự tấn công của Gót

18. Tôi tớ Đức Giê-hô-va sẽ gặp những thử thách nào về sự vâng lời trong tương lai?

18 Chẳng bao lâu nữa, toàn thể hệ thống gian ác của Sa-tan sẽ bị hủy diệt trong “hoạn-nạn lớn” chưa từng thấy. (Ma-thi-ơ 24:21) Chắc chắn là trước cũng như trong thời gian đó, dân tộc Đức Chúa Trời sẽ phải trải qua những thử thách cam go về đức tin và sự vâng lời. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho chúng ta biết Sa-tan, với vai trò là “Gót ở đất Ma-gốc”, sẽ dốc toàn lực tấn công tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Hắn sẽ huy động một lực lượng được miêu tả là “một đạo-binh mạnh... như một đám mây che-phủ đất”. (Ê-xê-chi-ên 38:2, 14-16) Ít ỏi và tay không, dân tộc Đức Chúa Trời sẽ tìm kiếm sự che chở dưới “cánh” Đức Giê-hô-va và Ngài sẽ dang rộng ra để che chở những người biết vâng lời.

19, 20. (a) Tại sao sự vâng lời của dân Y-sơ-ra-ên khi họ ở Biển Đỏ lại vô cùng quan trọng? (b) Việc cầu nguyện và suy ngẫm về sự tường thuật tại Biển Đỏ có thể mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay như thế nào?

19 Tình huống này nhắc chúng ta nhớ lại cuộc giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô. Sau khi giáng mười tai vạ lên xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va dẫn dân Ngài đi về phía Đất Hứa, nhưng không đi bằng con đường ngắn nhất mà lại đi qua Biển Đỏ, nơi họ sẽ dễ dàng bị dồn vào một góc và bị tấn công. Theo quan điểm quân sự, đây dường như là một nước cờ nguy hiểm. Nếu có mặt ở đó, bạn có vâng theo lời Đức Giê-hô-va phán qua Môi-se và hoàn toàn tin cậy tiến về phía Biển Đỏ, biết rằng Đất Hứa ở một hướng khác không?—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:1-4.

20 Khi đọc Xuất Ê-díp-tô Ký chương 14, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va biểu dương sức mạnh đáng sợ để giải cứu dân Ngài như thế nào. Khi dành thời gian học hỏi và suy ngẫm những lời tường thuật này, đức tin của chúng ta được mạnh mẽ biết bao! (2 Phi-e-rơ 2:9) Rồi thì đức tin mạnh mẽ này sẽ củng cố lòng vâng lời của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va, ngay cả khi những đòi hỏi của Ngài dường như nghịch lý. (Châm-ngôn 3:5, 6) Vậy hãy tự hỏi: ‘Tôi có đang cố gắng bồi đắp đức tin mình qua việc siêng năng học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện và suy ngẫm, cũng như qua việc kết hợp với dân sự Đức Chúa Trời không?’—Hê-bơ-rơ 10:24, 25; 12:1-3.

Vâng lời mang lại niềm hy vọng

21. Những người vâng lời Đức Giê-hô-va sẽ nhận được ân phước nào trong hiện tại và tương lai?

21 Những ai vâng theo Đức Giê-hô-va, ngay bây giờ họ có thể cảm nghiệm được trong đời sống sự ứng nghiệm của câu Châm-ngôn 1:33: “Nhưng ai khứng nghe [vâng lời] ta ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”. Thật tuyệt vời khi những lời đầy an ủi này được áp dụng trong ngày báo thù của Đức Giê-hô-va sắp đến! Thật vậy, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới”. (Lu-ca 21:28) Rõ ràng, chỉ những ai vâng lời Đức Chúa Trời mới hết lòng nghe theo những lời này.—Ma-thi-ơ 7:21.

22. (a) Dân sự Đức Giê-hô-va có lý do nào khác để tin cậy?(b) Những vấn đề nào sẽ được thảo luận trong bài tới?

22 Một lý do khác để tin cậy nữa là “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”. (A-mốt 3:7) Ngày nay, Đức Giê-hô-va không còn soi dẫn các nhà tiên tri như trong quá khứ nữa; thay vì thế, Ngài giao cho lớp đầy tớ trung tín cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ cho người nhà của Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Vì vậy, thái độ vâng lời của chúng ta đối với “đầy-tớ” đó thật quan trọng biết bao! Bài tới sẽ cho thấy sự vâng lời này cũng phản ánh thái độ của chúng ta đối với Chúa Giê-su, chủ của “đầy-tớ” đó. Ngài là đấng mà ‘các dân sẽ vâng-phục’.—Sáng-thế Ký 49:10.

[Chú thích]

^ đ. 1 Theo ấn phẩm của một tổ chức bảo vệ động vật, mặc dù thường được mô tả là nhút nhát, nhưng “gà mẹ sẽ chiến đấu cho đến chết để bảo vệ đàn con khỏi nguy hiểm”.

^ đ. 16 Giê-rê-mi 38:19 cho biết nhiều người Giu-đa đã “đầu hàng” người Canh-đê và được tha chết nhưng vẫn bị bắt làm phu tù. Chúng ta không được biết họ có đầu hàng vì nghe theo lời của Giê-rê-mi hay không, nhưng sự sống sót của họ khẳng định lời của nhà tiên tri này.

Bạn còn nhớ không?

• Việc dân Y-sơ-ra-ên liên tục bất tuân đã mang lại hậu quả nào?

• Những sự kết hợp đã ảnh hưởng đến Vua Giô-ách như thế nào, thời kỳ đầu và sau cùng?

• Chúng ta rút tỉa được những bài học nào từ Ba-rúc?

• Tại sao những người vâng lời Đức Giê-hô-va không có lý do để sợ hãi khi hệ thống hiện tại này gần kết liễu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Dưới sự hướng dẫn của thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa, vị vua trẻ Giô-ách vâng lời Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 15]

Vì ảnh hưởng của sự kết hợp xấu, Giô-ách giết nhà tiên tri của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 16]

Bạn có vâng lời Đức Giê-hô-va và chứng kiến quyền năng giải cứu đáng sợ của Ngài không?