Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sa-tan—Nhân vật huyền thoại hay thực thể độc ác?

Sa-tan—Nhân vật huyền thoại hay thực thể độc ác?

Sa-tan—Nhân vật huyền thoại hay thực thể độc ác?

NGUỒN GỐC của sự ác đã thu hút sự chú ý của những nhà tư tưởng từ thời xa xưa nhất. Cuốn A Dictionary of the Bible của James Hastings ghi: “Ngay từ khi bắt đầu có ý thức, con người đã thấy mình đối diện với những thế lực mà chính mình không thể chế ngự nổi, và những thế lực này gây ảnh hưởng nguy hại hoặc có tính cách hủy hoại”. Tác phẩm tham khảo đó cũng ghi: “Bản năng đã thôi thúc con người thời xưa tìm kiếm nguyên nhân, và giải thích rằng có một thực thể gây ra những lực và những hiện tượng khác của thiên nhiên”.

Theo các sử gia, niềm tin vào quỉ thần và ác thần có thể bắt nguồn từ lịch sử ban sơ của Mesopotamia. Người Ba-by-lôn cổ đại tin rằng âm phủ, hoặc “nơi đi không trở về”, do Nergal, một hung thần có tiếng là “kẻ thiêu hủy” cai trị. Họ cũng sợ các quỉ và cố gắng cầu an bằng cách niệm thần chú. Trong thần thoại Ai Cập, Set là thần của sự độc ác, “được mô tả là có hình thù của một con thú quái dị, có cái mõm cong, dẹp, những cái tai thẳng, vuông vức và một cái đuôi cứng, tòe ra”.—Larousse Encyclopedia of Mythology.

Mặc dù người Hy Lạp và người La Mã có thần thiện và thần ác, nhưng họ không có thần ác nào nổi bật cả. Các triết gia của họ dạy về sự hiện hữu của hai nguyên tắc đối lập. Theo Empedocles, hai nguyên tắc đó là Tình Yêu và Bất Hòa. Theo Plato, thế giới có hai “Linh hồn”, một linh hồn tạo nên điều thiện, còn linh hồn kia gây ra điều ác. Như Georges Minois ghi trong cuốn sách của ông Le Diable (Ma-quỉ), “đạo ngoại giáo cổ điển [La-Hy] không biết đến Ma-quỉ”.

Ở Iran, Bái Hỏa Giáo dạy rằng thần tối cao Ahura Mazda, hoặc Ormazd, đã tạo ra Angra Mainyu, hoặc Ahriman, kẻ đã chọn làm điều ác và do đó trở thành Thần Hủy Diệt, hoặc Kẻ Tiêu Diệt.

Do Thái Giáo đơn giản mô tả Sa-tan là kẻ thù của Đức Chúa Trời và kẻ gây ra tội lỗi. Nhưng sau nhiều thế kỷ, sự mô tả đó bị pha trộn với những ý tưởng ngoại giáo. Cuốn Encyclopaedia Judaica ghi: “Một thay đổi lớn lao đã diễn ra... vào những thế kỷ cuối TCN. Trong giai đoạn này, tôn giáo [Do Thái]... tiếp nhận nhiều đặc điểm của một hệ thống nhị nguyên. Theo thuyết này, ở trên trời và dưới đất những thế lực mạnh mẽ của sự gian ác và dối trá kình địch với Đức Chúa Trời cùng những thế lực thiện và lẽ thật. Điều này dường như chịu ảnh hưởng của tôn giáo Ba Tư”. Cuốn The Concise Jewish Encyclopedia tuyên bố: “Sự che chở chống lại các quỉ có được nhờ việc vâng giữ các điều răn và nhờ bùa chú”.

Khoa thần học của tín đồ bội đạo

Cũng như đạo Do Thái chấp nhận những khái niệm phản Kinh Thánh về Sa-tan và các quỉ, tín đồ Đấng Christ bội đạo triển khai những ý niệm trái Kinh Thánh. Cuốn The Anchor Bible Dictionary ghi: “Một ý niệm cực đoan trong những ý tưởng thần học thời xưa là Đức Chúa Trời cứu chuộc dân Ngài bằng cách trả giá cho Sa-tan để hắn thả dân Ngài ra”. Ý tưởng này do Irenaeus đề xuất (thế kỷ thứ hai CN). Ý tưởng này được Origen (thế kỷ thứ ba CN) triển khai thêm, ông này cho rằng “ma-quỉ nắm được quyền hợp pháp trên con người” và xem “sự chết của Đấng Christ... là giá chuộc trả cho ma-quỉ”.—Sách History of Dogma của Adolf Harnack.

Theo cuốn The Catholic Encyclopedia, “trong khoảng một ngàn năm [ý tưởng cho rằng giá chuộc được trả cho Ma-quỉ] giữ một vai trò nổi bật trong lịch sử thần học” và tiếp tục là một phần trong tín điều của giáo hội. Các Giáo Phụ khác, kể cả Augustine (thế kỷ thứ tư-thứ năm CN), chấp nhận ý niệm giá chuộc trả cho Sa-tan. Cuối cùng, vào thế kỷ 12 CN, các nhà thần học Công Giáo Anselm và Abelard đi đến kết luận rằng sự hy sinh của Đấng Christ được dâng không phải cho Sa-tan nhưng cho Đức Chúa Trời.

Những sự mê tín thời trung cổ

Mặc dù đa số các Giáo Hội Nghị Công Giáo đã không đề cập đến đề tài Sa-tan, vào năm 1215 CN, Hội Nghị Lateran thứ tư trình bày điều mà cuốn New Catholic Encyclopedia gọi là một “lời tuyên bố nghiêm túc về đức tin”. Nghị định số 1 nói: “Ma-quỉ và các quỉ khác đều được Đức Chúa Trời tạo nên tốt đẹp về bản chất, nhưng chúng tự mình biến thành ác”. Nghị định đó thêm rằng chúng không bao giờ ngừng cám dỗ loài người. Ý tưởng sau đã ám ảnh nhiều người trong Thời Trung Cổ. Sa-tan là nguyên nhân gây ra bất cứ điều gì dường như thất thường, chẳng hạn như đau yếu không biết lý do, chết đột ngột, hoặc mất mùa. Vào năm 1233 CN, Giáo Hoàng Gregory IX ra nhiều chiếu chỉ cấm những người theo dị giáo, gồm một chiếu chỉ chống những kẻ theo Lu-xi-phe, tức những người bị nghi là thờ phượng Ma-quỉ.

Niềm tin rằng người ta có thể bị Ma-quỉ và quỉ sứ của hắn nhập vào đã sớm dấy lên một bệnh hoang tưởng tập thể—sự sợ hãi quá mức các phép phù thủy và ma thuật. Từ thế kỷ 13 tới thế kỷ 17, sự sợ hãi các phù thủy lan tràn khắp Châu Âu và sang tận Bắc Mỹ khi những người Âu Châu lập cư. Ngay cả những nhà cải cách Tân Giáo Martin Luther và John Calvin cũng chấp nhận việc săn tìm phù thủy. Ở Âu Châu các vụ xét xử phù thủy dựa trên tin đồn thất thiệt hoặc những lời tố cáo với ác ý đều do cả Tòa Án Dị Giáo lẫn những tòa án thế tục tiến hành. Tra tấn thường là phương tiện để buộc phải thú “tội”.

Những người bị xem là có tội có thể bị hỏa thiêu, hoặc như tại Anh và Scotland, bị treo cổ. Về số nạn nhân, cuốn The World Book Encyclopedia ghi: “Từ năm 1484 tới năm 1782, theo một số sử gia, giáo hội Ki-tô đã xử tử khoảng 300.000 phụ nữ về tội phù thủy”. Nếu Sa-tan là kẻ chủ mưu thảm kịch thời trung cổ này, thì ai là tay sai của hắn—đó là nạn nhân hay những kẻ bắt bớ cuồng tín thuộc các tôn giáo?

Niềm tin hoặc không tin hiện nay

Thế kỷ 18 chứng kiến sự nở rộ của tư tưởng duy lý chủ nghĩa, gọi là Thời Đại Ánh Sáng. Cuốn Encyclopædia Britannica ghi: “Triết lý và thần học của Thời Đại Ánh Sáng xem ma-quỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường Thời Trung Cổ và cố loại trừ hình ảnh ma-quỉ ra khỏi ý thức của người tín đồ Đấng Christ”. Giáo Hội Công Giáo La Mã phản ứng và tái xác nhận tại Công Đồng Vatican I (1869-1870), rằng giáo hội tin có Sa-tan Ma-quỉ, và tại Công Đồng Vatican II (1962-1965), giáo hội lặp lại điều này một cách khá dè dặt.

Như cuốn New Catholic Encyclopedia nhìn nhận, “Giáo Hội tin có thiên thần và quỉ sứ”. Tuy nhiên, Théo, một từ điển bằng tiếng Pháp của Công Giáo, thừa nhận rằng “ngày nay nhiều Ki-tô hữu không tin ma-quỉ gây ra sự ác trong thế gian”. Trong những năm gần đây, những chuyên gia thần học Công Giáo lâm vào tình thế khó xử, cố giữ sự thăng bằng mong manh giữa giáo lý chính thức của Công Giáo và lối tư duy hiện đại. Cuốn Encyclopædia Britannica ghi: “Thuyết thần học cấp tiến của Ki-tô Giáo có khuynh hướng xem lời mô tả trong Kinh Thánh về Sa-tan là ‘ngôn ngữ tượng trưng’, không hiểu theo nghĩa đen—nhằm cố gắng diễn tả một thực tại và mức độ gian ác trong vũ trụ bằng huyền thoại”. Về những người Tin Lành, cũng chính tác phẩm tham khảo nói trên ghi: “Đạo Tin Lành cấp tiến hiện đại có khuynh hướng phủ nhận việc cần tin có một nhân vật ma-quỉ có thật”. Nhưng tín đồ thật của Đấng Christ có nên xem những gì Kinh Thánh nói về Sa-tan như chỉ là “ngôn ngữ tượng trưng” hay không?

Kinh Thánh dạy gì?

Triết học và thần học của con người không cung cấp một lời giải thích thỏa đáng hơn lời giải thích trong Kinh Thánh về nguồn gốc sự gian ác. Những gì Kinh Thánh nói về Sa-tan là thiết yếu để hiểu biết nguồn gốc sự ác và sự đau khổ của con người, cũng như tại sao nạn bạo lực không thể tưởng tượng nổi, mỗi năm lại tồi tệ hơn.

Một số người có thể hỏi: ‘Nếu Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa nhân từ và đầy yêu thương, tại sao Ngài lại tạo ra một tạo vật thần linh hung ác như Sa-tan?’ Kinh Thánh nêu ra nguyên tắc là tất cả những công trình của Giê-hô-va Đức Chúa Trời đều trọn vẹn và tất cả những tạo vật thông minh của Ngài đều được ban cho tự do ý chí. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19; 32:4; Giô-suê 24:15; 1 Các Vua 18:21) Do đó, một thần linh trở thành Sa-tan hẳn phải hoàn toàn khi được tạo nên và ắt đã cố ý đi chệch đường lối lẽ thật và công bình.—Giăng 8:44; Gia-cơ 1:14, 15.

Trong nhiều cách, đường lối phản nghịch của Sa-tan tương tự với đường lối của “vua Ty-rơ”, một người được mô tả cách thi vị là “tốt-đẹp trọn-vẹn” và ‘đường-lối y trọn-vẹn từ ngày y được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian-ác trong y’. (Ê-xê-chi-ên 28:11-19) Sa-tan đã không thách thức quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va hoặc cương vị làm Đấng Tạo Hóa của Ngài. Làm sao điều đó có thể được, khi Đức Chúa Trời tạo ra hắn? Tuy nhiên, Sa-tan quả có thách thức cách Đức Giê-hô-va thực thi quyền thống trị của Ngài. Trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã xuyên tạc rằng Đức Chúa Trời tước đoạt khỏi cặp vợ chồng đầu tiên điều mà họ có quyền hưởng và điều ấy làm cơ sở cho hạnh phúc của họ. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Hắn đã thành công trong việc khiến A-đam và Ê-va chống lại quyền thống trị công bình của Đức Giê-hô-va, mang lại tội lỗi và sự chết cho họ và con cháu họ. (Sáng-thế Ký 3:6-19; Rô-ma 5:12) Vì vậy, Kinh Thánh cho thấy Sa-tan là nguồn gốc gây ra sự đau khổ của con người.

Ít lâu trước trận Nước Lụt, những thiên sứ khác cũng hùa theo sự phản loạn của Sa-tan. Chúng đã hiện thân thành người để thỏa mãn thú nhục dục với con gái loài người. (Sáng-thế Ký 6:1-4) Trong trận Nước Lụt, những thiên sứ bội nghịch này đã trở lại lĩnh vực thần linh nhưng không được phục hồi “thứ bậc” với Đức Chúa Trời trên trời nữa. (Giu-đe 6) Chúng bị hạ xuống tình trạng tối tăm dày đặc về thiêng liêng. (1 Phi-e-rơ 3:19, 20; 2 Phi-e-rơ 2:4) Chúng trở thành quỉ sứ, không còn phục vụ dưới quyền thống trị của Đức Giê-hô-va nữa, mà phục tùng Sa-tan. Dù dường như không thể hiện thân thành người được nữa, các quỉ sứ vẫn có thể gây ảnh hưởng mạnh đến tâm trí và đời sống nhiều người, và chắc chắn chúng chịu phần nhiều trách nhiệm về bạo lực chúng ta đang chứng kiến ngày nay.—Ma-thi-ơ 12:43-45; Lu-ca 8:27-33.

Sự cai trị của Sa-tan sắp kết thúc

Rõ ràng là quyền lực gian ác đang hoạt động trong thế gian ngày nay. Sứ đồ Giăng viết: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”.—1 Giăng 5:19.

Tuy nhiên, lời tiên tri trong Kinh Thánh đã ứng nghiệm cho thấy rằng Ma-quỉ đang gây nhiều khốn khổ hơn trên đất vì hắn biết rằng “thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu” để gây họa trước khi bị nhốt lại. (Khải-huyền 12:7-12; 20:1-3) Khi sự cai trị của Sa-tan kết thúc sẽ dẫn đến một thế giới mới công bình; trong thế giới này sự khóc than, chết chóc và đau đớn “sẽ không còn nữa”. Lúc ấy, ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ “được nên, ở đất như trời”.—Khải-huyền 21:1-4; Ma-thi-ơ 6:10.

[Các hình nơi trang 4]

Người Ba-by-lôn tin thần Nergal (bìa trái), thần bạo lực; Plato (trái) tin có hai “linh hồn” đối lập

[Nguồn tư liệu]

Trụ: Viện Bảo Tàng Louvre, Paris; Plato: Viện Khảo Cổ Quốc Gia, Athens, Hy Lạp

[Các hình nơi trang 5]

Irenaeus, Origen và Augustine dạy rằng phải trả giá chuộc cho Ma-quỉ

[Nguồn tư liệu]

Origen: Culver Pictures; Augustine: Trích từ sách Great Men and Famous Women

[Hình nơi trang 6]

Sự sợ hãi các phù thủy dẫn đến việc hành hình hàng trăm ngàn người

[Nguồn tư liệu]

Trích từ sách Bildersaal deutscher Geschichte