Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Đấng Christ có nên ghen không?

Tín đồ Đấng Christ có nên ghen không?

Tín đồ Đấng Christ có nên ghen không?

GHEN—có phải là một đức tính mà tín đồ Đấng Christ nên vun trồng không? Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được khuyến khích “tìm-kiếm tình yêu-thương”, và được bảo rằng “tình yêu-thương chẳng ghen-tị”. (1 Cô-rinh-tô 13:4; 14:1) Mặt khác, chúng ta được biết “Đức Giê-hô-va... là Đức Chúa Trời kỵ-tà [“hay ghen”, NW]” và chúng ta được lệnh “hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:14; Ê-phê-sô 5:1) Tại sao có vẻ mâu thuẫn như vậy?

Đó là vì trong Kinh Thánh, các từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp dịch ra là “ghen” có nghĩa rộng. Ghen có thể tốt hoặc xấu, tùy theo cách dùng từ này. Chẳng hạn, từ Hê-bơ-rơ dịch ra là “ghen” có thể có nghĩa là “khăng khăng đòi sự tin kính chuyên độc; không dung túng bất kỳ sự cạnh tranh nào; sốt sắng; nhiệt tình; ghen [chính đáng hoặc sai quấy]; ganh tị”. Từ Hy Lạp tương ứng có nghĩa tương tự. Những từ này có thể nói đến cảm xúc lệch lạc đối với một người mình xem là kình địch hoặc một người mình xem là có ưu điểm hơn mình. (Châm-ngôn 14:30) Chúng cũng có thể nói đến sự tích cực biểu hiện một đức tính do Đức Chúa Trời ban cho—muốn che chở những người thân khỏi bị hại.—2 Cô-rinh-tô 11:2.

Gương mẫu siêu việt

Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu siêu việt trong việc ghen chính đáng. Động lực của Ngài là thanh khiết và trong sạch, được thúc đẩy bởi ước muốn gìn giữ dân sự Ngài khỏi bị bại hoại về thiêng liêng lẫn đạo đức. Ngài nói về dân sự thời xưa của Ngài, tức Si-ôn theo nghĩa bóng: “Ta đã nổi ghen vì Si-ôn bởi một cơn ghen lớn, ta đã nổi ghen vì nó bởi cơn tức-giận lớn”. (Xa-cha-ri 8:2) Giống như một người cha đầy yêu thương luôn luôn cảnh giác để che chở con cái khỏi bị hại, Đức Giê-hô-va cảnh giác để che chở các tôi tớ Ngài khỏi mối nguy hiểm thể chất và thiêng liêng.

Để bảo vệ dân sự Ngài, Đức Giê-hô-va cung cấp Lời Ngài, là Kinh Thánh. Kinh Thánh chứa đựng nhiều điều khích lệ họ cư xử khôn ngoan, và có nhiều gương của những người đã hành động khôn ngoan. Nơi Ê-sai 48:17, chúng ta đọc: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. Thật đầy an ủi làm sao khi biết rằng lòng ghen của Ngài thúc đẩy Ngài chăm sóc và gìn giữ chúng ta! Nếu Ngài không ghen theo nghĩa tốt này, chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề tai hại vì thiếu kinh nghiệm. Đức Giê-hô-va tuyệt nhiên không biểu hiện lòng ghen một cách ích kỷ.

Vậy, điều gì phân biệt tính ghen theo ý Đức Chúa Trời và tính ghen sai lầm? Để biết điều này, chúng ta hãy xem xét gương của Mi-ri-am và gương của Phi-nê-a. Hãy lưu ý điều gì đã thúc đẩy họ hành động.

Mi-ri-am và Phi-nê-a

Mi-ri-am là chị của Môi-se và A-rôn, hai người thống lĩnh dân Y-sơ-ra-ên trong chuyến Xuất Hành ra khỏi Ai Cập. Khi người Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng, Mi-ri-am trở nên ghen tị với em là Môi-se. Kinh Thánh tường thuật: “Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về việc người nữ Ê-thi-ô-bi mà người đã lấy làm vợ... Hai người nói rằng: Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” Xem chừng chính Mi-ri-am là người dẫn đầu trong việc chống lại Môi-se, vì Đức Giê-hô-va đã trừng trị Mi-ri-am chứ không phạt A-rôn, khiến Mi-ri-am bị bệnh phung trong một tuần lễ vì hành vi bất kính.—Dân-số Ký 12:1-15.

Điều gì đã thúc đẩy Mi-ri-am nghịch lại Môi-se? Có phải vì bà quan tâm đến sự thờ phượng thật và ước muốn che chở đồng bào Y-sơ-ra-ên khỏi tai hại chăng? Không. Dường như Mi-ri-am có tham vọng được thêm uy tín và quyền hành và đã để cho ham muốn ấy trào lên trong lòng bà. Là nữ tiên tri trong Y-sơ-ra-ên, bà được dân sự, đặc biệt là những người nữ khác, kính trọng nhiều. Bà dẫn đầu những người nữ trong điệu nhạc và bài hát sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu bằng phép lạ tại Biển Đỏ. Nhưng bây giờ Mi-ri-am có lẽ đã quá lo lắng vì nghi kỵ cho rằng một địch thủ, là vợ của Môi-se, chiếm mất một phần uy tín. Bị thôi thúc bởi lòng ghen tị, bà đố kỵ với Môi-se, người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1, 20, 21.

Trái lại, một động lực khác đã thôi thúc Phi-nê-a hành động. Ít lâu trước khi vào Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên hạ trại trên Đồng Bằng Mô-áp, những người nữ Mô-áp và Ma-đi-an quyến rũ những người nam Y-sơ-ra-ên phạm tội vô luân và thờ hình tượng. Để tẩy uế trại quân và làm cơn giận của Đức Giê-hô-va nguôi đi, các quan xét Y-sơ-ra-ên được lệnh giết hết những người nam Y-sơ-ra-ên đã phạm những tội ấy. Quan trưởng Xim-ri người Si-mê-ôn trơ tráo dẫn người nữ Ma-đi-an tên là Cốt-bi vào trại để hành dâm ‘trước mắt cả hội dân Y-sơ-ra-ên’. Phi-nê-a hành động quyết liệt. Được thôi thúc bởi lòng ghen, hoặc lòng sốt sắng với sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, và ước muốn giữ cho trại quân được thanh sạch về đạo đức, ông hành quyết hai kẻ gian dâm ngay trong lều trại của họ. Ông được khen vì “lòng kỵ-tà [ghen]”, “sốt-sắng về” Đức Giê-hô-va. Hành động kịp thời của Phi-nê-a khiến tai vạ trừng phạt dừng lại, sau khi 24.000 người đã thiệt mạng, và Đức Giê-hô-va ban thưởng cho ông bằng giao ước: dòng dõi ông sẽ giữ chức vụ tế lễ mãi mãi.—Dân-số Ký 25:4-13.

Hai biểu hiện của lòng ghen nói trên khác nhau ở chỗ nào? Mi-ri-am hành động chống lại em trai bà vì lòng ghen ích kỷ, trong khi Phi-nê-a thi hành công lý dựa trên lòng ghen công bình. Có những lúc chúng ta phải nói thẳng thắn hoặc hành động, như Phi-nê-a, nhằm bảo vệ danh Đức Giê-hô-va, sự thờ phượng dành cho Ngài và dân sự của Ngài.

Ghen sai chỗ

Nhưng có thể ghen sai chỗ không? Có. Đây là trường hợp của dân Do Thái nói chung vào thế kỷ thứ nhất. Họ canh giữ Luật Pháp do Đức Chúa Trời ban cho và các truyền thống với lòng ghen. Nhằm cố bảo vệ Luật Pháp, họ đặt ra vô số phép tắc và hạn chế với những chi tiết rườm rà trở thành gánh nặng cho dân chúng. (Ma-thi-ơ 23:4) Không thể thừa nhận hoặc không muốn thừa nhận rằng bây giờ Đức Chúa Trời đã thay thế Luật Môi-se bằng hiện thực mà luật pháp ấy làm hình bóng tượng trưng, lòng ghen sai lầm đã thôi thúc họ trút cơn giận một cách không kiềm chế lên các môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Chính sứ đồ Phao-lô, một người trước kia đã sốt sắng trung thành với Luật Pháp một cách sai lầm, vạch rõ rằng những người bênh vực Luật Pháp thì có “lòng sốt-sắng [ghen] về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt-sắng đó là không phải theo trí-khôn”.—Rô-ma 10:2; Ga-la-ti 1:14.

Thậm chí nhiều người Do Thái trở thành tín đồ Đấng Christ cũng thấy khó khắc phục được lòng sốt sắng sai lầm này đối với Luật Pháp. Sau chuyến hành trình giáo sĩ lần thứ ba, Phao-lô báo cáo cho hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất về sự đổi đạo của các dân. Vào thời đó, hàng ngàn tín đồ Đấng Christ người Do Thái “hết thảy đều sốt-sắng về luật-pháp”. (Công-vụ 21:20) Việc này còn tiếp diễn nhiều năm sau khi hội đồng lãnh đạo trung ương đã quyết định rằng tín đồ Đấng Christ gốc Dân Ngoại không cần phải cắt bì. Những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Luật Pháp đã gây bất đồng trong hội thánh. (Công-vụ 15:1, 2, 28, 29; Ga-la-ti 4:9, 10; 5:7-12) Không hiểu biết đầy đủ cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân sự của Ngài lúc bấy giờ, một số tín đồ Đấng Christ người Do Thái khăng khăng giữ lấy quan điểm riêng, chỉ trích người khác.—Cô-lô-se 2:17; Hê-bơ-rơ 10:1.

Vậy chúng ta phải tránh cạm bẫy của lòng ghen cố bảo thủ những ý tưởng hoặc đường lối mà chúng ta ưa thích, nhưng không có cơ sở vững chắc trên Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta nên chấp nhận ánh sáng hiểu biết mới mẻ về Lời Đức Chúa Trời nhận được qua cơ quan chính mà Đức Giê-hô-va đang dùng ngày nay.

Ghen vì Đức Giê-hô-va

Tuy nhiên, lòng ghen theo ý Đức Chúa Trời có vai trò của nó trong sự thờ phượng thật. Khi nào chúng ta quá quan tâm đến thể diện hoặc quyền lợi của mình, thì lòng ghen theo ý Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta hướng sự chú ý đến Đức Giê-hô-va. Nó thúc đẩy chúng ta tìm nhiều phương cách khác nhau để rao truyền lẽ thật về Ngài, bênh vực đường lối và dân sự Ngài.

Akiko, một người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, bị một người chủ nhà chỉ trích thậm tệ vì người đó hiểu sai luật pháp của Đức Chúa Trời về máu. Akiko đã tế nhị bênh vực Lời Đức Chúa Trời, ngay cả nêu ra những biến chứng và những vấn đề do việc truyền máu gây ra. Nhận thức được cơ sở thật sự khiến phụ nữ ấy phản đối—là do bà không tin có một Đấng Tạo Hóa—và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành nói về Đức Giê-hô-va, chị Nhân Chứng này hướng cuộc đối thoại vào trọng tâm ấy. Chị Akiko lý luận với chủ nhà, cho thấy rằng sự sáng tạo biện minh cho niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa như thế nào. Việc chị dạn dĩ bênh vực đức tin không những xóa bỏ được định kiến vô căn cứ mà còn thiết lập được một cuộc học hỏi Kinh Thánh với phụ nữ ấy. Người chủ nhà giận dữ ấy ngày nay là một người ngợi khen Đức Giê-hô-va.

Lòng ghen đúng chỗ, hoặc sốt sắng, đối với sự thờ phượng thật thúc đẩy chúng ta cảnh giác và nắm lấy cơ hội để nói về đức tin và bênh vực đức tin của chúng ta ở sở làm, trường học, các hiệu buôn và khi đi lại. Như Midori chẳng hạn, chị quyết tâm nói cho các bạn đồng nghiệp biết về đức tin của chị. Một đồng nghiệp ngoài tuổi 40 nói bà ấy chẳng muốn dính dáng gì đến Nhân Chứng Giê-hô-va cả. Sau đó, trong một lần nói chuyện khác, người phụ nữ kia than phiền vì con gái bà ấy bắt đầu nhiễm những tính xấu. Chị Midori cho bà xem sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, * và sắp xếp để học hỏi sách ấy với con bà. Cuộc học hỏi bắt đầu, nhưng người mẹ không ngồi học chung. Chị Midori quyết định cho phụ nữ đó xem cuốn băng video Nhân Chứng Giê-hô-va—Tổ chức nằm sau danh hiệu (Nhật ngữ). * Điều này làm tan biến những cảm nghĩ sai lầm của bà. Cảm động vì những điều đã xem, bà nói: “Tôi muốn giống như Nhân Chứng Giê-hô-va”. Bà cùng ngồi học hỏi chung với con gái bà.

Ghen đúng chỗ cũng có vai trò trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Tính này khuyến khích tinh thần yêu thương và quan tâm nồng ấm, đồng thời thúc đẩy chúng ta cưỡng lại những ảnh hưởng gây chia rẽ làm hại anh chị em thiêng liêng của chúng ta, chẳng hạn như tật thày lay tai hại và tư tưởng bội đạo. Lòng ghen theo ý Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta ủng hộ quyết định của các trưởng lão, khi họ thấy cần phải khiển trách những người phạm tội. (1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 1 Ti-mô-thê 5:20) Viết về lòng ghen của mình vì các anh em cùng đạo ở Cô-rinh-tô, Phao-lô nói: “Về anh em, tôi rất sốt-sắng [ghen] như sự sốt-sắng [ghen] của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh-nữ tinh-sạch cho Đấng Christ”. (2 Cô-rinh-tô 11:2) Bởi vậy, lòng ghen cũng thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình hầu có thể bảo vệ sự thanh khiết về mặt giáo lý, thiêng liêng và đạo đức của mọi người trong hội thánh.

Đúng vậy, lòng ghen với động lực đúng—ghen theo ý Đức Chúa Trời— có ảnh hưởng tốt đến người khác. Nó dẫn đến sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va và phải nằm trong số những đức tính nên thấy ở các tín đồ Đấng Christ.—Giăng 2:17.

[Chú thích]

^ đ. 20 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 20 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Các hình nơi trang 29]

Những hành động của Phi-nê-a dựa trên lòng ghen theo ý Đức Chúa Trời

[Các hình nơi trang 30]

Hãy tránh cạm bẫy của lòng ghen sai chỗ

[Các hình nơi trang 31]

Lòng ghen theo ý Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta chia sẻ đức tin của chúng ta và quý chuộng tình anh em thiêng liêng