Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thời kỳ đầy vui mừng ở vùng Balkan

Thời kỳ đầy vui mừng ở vùng Balkan

Thời kỳ đầy vui mừng ở vùng Balkan

Đó là năm 1922. Một buổi họp của các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó, được tổ chức ở Innsbruck, Áo. Trong số cử tọa có anh Franz Brand, một thanh niên sống ở Apatin thuộc Vojvodina, Serbia. Lúc diễn giả đề cập đến danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, một đám đông bắt đầu la hét, khiến diễn giả không thể tiếp tục bài giảng, và buổi họp phải chấm dứt. Tuy nhiên, những gì Franz nghe được đã để lại trong trí anh một ấn tượng sâu sắc, và anh đã cáng đáng việc rao giảng tin mừng Nước Trời. Đây là khởi đầu nhỏ bé của việc phát triển về thiêng liêng đầy khích lệ ở một trong những nước thuộc vùng Balkan.

ĐỐI VỚI hầu hết mọi người thời nay, cái tên Nam Tư gợi lên hình ảnh của chiến tranh và sự tàn sát. Người ta liên tưởng đến hình ảnh về những cuộc tàn sát khủng khiếp, những người tỵ nạn tuyệt vọng, cảnh nhà cửa tan hoang và trẻ mồ côi khốn khổ. Không bút mực nào tả xiết nỗi đau và sự khổ sở cùng cực gây ra bởi cuộc chiến tranh tàn phá vùng bán đảo Balkan từ năm 1991 đến năm 1995; nó phá hủy mọi hy vọng về một tương lai thịnh vượng và thảnh thơi nhờ những cố gắng của con người. Hậu quả của chiến tranh là người dân ở Nam Tư cũ đang bị giày vò bởi nền kinh tế khó khăn và sự bần cùng. *

Trước cảnh đau khổ như thế, ta khó lòng nghĩ rằng sẽ tìm thấy những người hạnh phúc trên vùng đất này của thế giới. Tuy nhiên, điều dường như kỳ lạ là có những người hạnh phúc. Thật vậy, họ trải qua một ngày vui mừng đặc biệt vào gần cuối thế kỷ 20. Franz Brand, người thanh niên được đề cập ở đầu bài, có quan hệ gì với sự vui mừng này?

Sự phát triển thiêng liêng ở vùng Balkan

Franz Brand phấn khởi về những lẽ thật mới mẻ mà anh được nghe và quyết định phải rao truyền tin mừng. Anh tìm được công việc hớt tóc ở Maribor, một thành phố ở Slovenia gần biên giới nước Áo, và bắt đầu rao giảng cho khách hàng; những người này thường ngồi yên lắng nghe khi anh cạo râu cho họ. Những nỗ lực của anh mang lại kết quả là có một nhóm nhỏ những người rao giảng về Nước Trời ở Maribor vào gần cuối thập kỷ 1920. Các bài giảng được nói trong một nhà hàng, sau này được đặt cho một tên thích hợp là Nhà Hàng Hải Sản Novi svet (Thế Giới Mới).

Với thời gian, tin mừng lan rộng khắp vùng đất đó. Cách dùng “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” (một loạt trình chiếu dài tám tiếng gồm phim chiếu bóng, phim đèn chiếu và đĩa hát) là phương tiện quan trọng mang lại sự bành trướng này. Sau đó, trong thập kỷ 1930 khi Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt bớ dữ dội ở Đức, hàng ngũ nhân chứng ở Nam Tư được tăng cường nhờ những tiên phong người Đức chạy thoát khỏi nước họ. Họ gạt sự an nhàn hoặc tiện lợi cá nhân qua một bên, nỗ lực đi đến những vùng xa xôi nhất của đất nước đầy núi non này để rao giảng. Lúc đầu, dường như ít người hưởng ứng thông điệp của họ. Vào những năm đầu thập kỷ 1940, chỉ có 150 người công bố báo cáo rao giảng.

Vào năm 1941, sự bắt bớ dữ dội nổi lên và kéo dài mãi tới năm 1952. Cuối cùng, vào ngày 9-9-1953, dưới chế độ Cộng Sản của Tướng Tito, Nhân Chứng Giê-hô-va được chính thức công nhận, quả là một điều vui mừng biết bao! Năm đó, có 914 người công bố tin mừng, và con số gia tăng đều đặn. Đến năm 1991, số người công bố tăng lên đến 7.420 người, và năm ấy có 16.072 người dự Lễ Tưởng Niệm.

Từ ngày 16 đến ngày 18-8-1991, đại hội quốc tế đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va ở nước này được tổ chức tại Zagreb, Croatia. Có 14.684 người trong và ngoài nước tham dự. Kỳ đại hội không thể quên này đã chuẩn bị cho dân của Đức Giê-hô-va sẵn sàng đương đầu với những thử thách sắp đến. Một trong những chiếc xe sau cùng đi qua trạm kiểm soát giữa Croatia và Serbia là chiếc xe buýt chở những đại biểu người Serbia về nhà. Sau khi chiếc xe buýt cuối cùng chạy qua, biên giới đóng lại và chiến tranh bùng nổ.

Dân của Đức Giê-hô-va có lý do để vui mừng

Những năm chiến tranh là thời kỳ thử thách khốc liệt đối với Nhân Chứng Giê-hô-va ở vùng Balkan. Tuy nhiên, họ có lý do để vui mừng vì Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài ở đó với sự gia tăng tuyệt vời. Từ năm 1991, số người công bố Nước Trời ở Nam Tư cũ gia tăng hơn 80 phần trăm. Năm công tác 2001 đạt con số cao nhất là 13.472 người.

Trước đây các văn phòng ở Zagreb và Belgrade (Serbia) coi sóc công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn lãnh thổ Nam Tư cũ. Với sự gia tăng và thay đổi về chính trị, ngoài việc mở thêm những văn phòng mới ở Belgrade và Zagreb, cần thiết lập thêm những văn phòng mới ở Ljubljana (Slovenia) và Skopje (Macedonia). Khoảng 140 thành viên đang phục vụ tại những văn phòng này. Hầu hết đều là những người trẻ, đầy lòng sốt sắng và yêu mến Đức Giê-hô-va. Một số đáng kể trong những người nói trên phụ trách việc dịch thuật các sách báo giúp học hỏi Kinh Thánh sang tiếng Croatia, Macedonia, Serbia và Slovenia. Thật là một ân phước biết bao, vì hầu hết các tạp chí và sách báo của Nhân Chứng Giê-hô-va bằng những thứ tiếng này đang được phát hành cùng lúc với bản gốc tiếng Anh! Những sách báo này giúp nhiều người tìm thấy niềm an ủi và hy vọng.

Một lý do nữa để vui mừng là sự giúp đỡ vị tha của nhiều tôi tớ phụng sự trọn thời gian thuộc các nước khác. Một số Phòng Nước Trời khang trang được xây dựng trong những năm gần đây, điều này tăng thêm niềm vui mừng cho các hội thánh. Tuy vậy, có nhiều điều còn vui mừng hơn đang chờ đón họ. Như thế nào?

Một dự án đặc sắc

Nhiều người công bố thường tự hỏi: ‘Chừng nào chúng ta mới có Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng của mình?’ Năm này qua năm khác, họ ấp ủ hy vọng được nghe thông báo về bản dịch đó tại một đại hội địa hạt. Song, làm sao một dự án lớn lao như thế lại có thể thực hiện được, khi những ban dịch thuật cho những ngôn ngữ này chỉ mới hình thành được cách đây vài năm và có tương đối ít người phiên dịch?

Sau khi nghiên cứu vấn đề này, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương chấp thuận một dự án phối hợp gồm các ban dịch tiếng Croatia, Macedonia và Serbia cộng tác chặt chẽ với nhau, qua cách này hưởng được lợi ích từ công trình và thành quả của nhau. Dẫn đầu là ban dịch tiếng Croatia.

Một ngày đầy vui mừng

Nhân Chứng Giê-hô-va vùng Balkan sẽ không bao giờ quên ngày 23-7-1999. Một loạt bài giảng trong Đại Hội Địa Hạt “Lời tiên tri của Đức Chúa Trời” được trình bày đồng loạt ở Belgrade, Sarajevo (Bosnia-Herzegovina), Skopje và Zagreb. Trong ít lâu, không ai biết chắc đại hội có được tổ chức ở Belgrade hay không, vì trong giai đoạn NATO ném bom, các buổi họp công cộng không được phép tổ chức. Các anh em thật vui mừng làm sao trước triển vọng có thể kết hợp với nhau sau những tháng hoang mang bất ổn! Tuy nhiên, thực tế vượt quá sự mong đợi của họ.

Vào chiều Thứ Sáu, một thông báo đặc biệt được loan ra trong cả bốn địa điểm đại hội. Các đại biểu, 13.497 người, yên lặng chờ đợi điều sắp được loan báo. Cuối cùng, khi diễn giả cho ra mắt Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp bằng tiếng Croatia và Serbia, và nói với cử tọa rằng bản dịch tiếng Macedonia đang tiến triển tốt, các đại biểu không cầm được xúc động nữa. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm khiến diễn giả không thể kết thúc thông báo đó. Tại đại hội ở Sarajevo, một sự yên lặng đột nhiên bao trùm cả cử tọa hoàn toàn ngạc nhiên. Sau đó là một tràng pháo tay liên hồi. Những giọt nước mắt vui mừng lăn xuống má nhiều người ở Belgrade, và tiếng vỗ tay liên hồi cắt ngang lời diễn giả trước khi anh có thể kết thúc lời thông báo. Mọi người thật vui mừng biết bao!

Món quà này quý gấp đôi vì Nhân Chứng Giê-hô-va đã xin được quyền in bản dịch Kinh Thánh tiếng Croatia cũng như tiếng Serbia. Vì thế, trong mỗi thứ tiếng trên, Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp được ghép chung với bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ thành một quyển. Hơn nữa, bản Kinh Thánh tiếng Serbia được in bằng cả hai kiểu chữ La-tinh và Cyrillic.

Biết ơn về tất cả những ân phước và sự hướng dẫn nhận được, dân Đức Giê-hô-va vùng Balkan thật sự đồng tình với lời Vua Đa-vít: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai-họa nào; vì Chúa [Đức Giê-hô-va] ở cùng tôi”. Dù phải tiếp tục đương đầu với đủ mọi loại khó khăn, họ nhất quyết lấy ‘sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va làm sức-lực của họ’.—Thi-thiên 23:4; Nê-hê-mi 8:10.

[Chú thích]

^ đ. 3 Nam Tư cũ gồm sáu nước cộng hòa—Bosnia-Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia.

[Hình nơi trang 20]

Nhóm người công bố đầu tiên đến từ Maribor, Slovenia, rao giảng ở khu vực xa xôi