Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng tôi gắn bó với nhiệm sở

Chúng tôi gắn bó với nhiệm sở

Tự Truyện

Chúng tôi gắn bó với nhiệm sở

DO HERMANN BRUDER KỂ LẠI

Sự lựa chọn của tôi chỉ giản dị là: phục vụ năm năm trong Quân Đội Lê Dương của Pháp hoặc là bị giam trong nhà tù Morocco. Tôi xin được giải thích làm thế nào tôi lại ở trong cảnh ngộ đó.

TÔI sinh ở Oppenau, nước Đức, vào năm 1911, chỉ ba năm trước khi Thế Chiến I bùng nổ. Cha mẹ tôi là Joseph và Frida Bruder có 17 người con trai và gái. Tôi là người con thứ 13.

Những ký ức xưa nhất trong trí tôi là nhìn một đoàn quân diễu hành trên đường phố chính của thị trấn quê nhà. Bị thu hút bởi điệu nhạc hành khúc, tôi đi theo các nhạc sĩ đến nhà ga chỉ vừa kịp lúc để nhìn thấy cha tôi và những người nam khác mặc quân phục lên xe lửa. Khi xe lửa lăn bánh khởi hành, một số phụ nữ đứng tiễn trên sân ga bật khóc. Ít lâu sau đó, linh mục nói một bài giảng dài trên bục giảng nhà thờ và đọc tên bốn người đàn ông đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Ông giải thích: “Bây giờ họ đang ở trên trời”. Một phụ nữ ngồi cạnh tôi ngất xỉu.

Cha tôi mắc phải bệnh thương hàn khi đang chiến đấu tại mặt trận Nga. Lúc trở về nhà, bệnh tình cha đã rất nặng và được đưa ngay vào bệnh viện địa phương. Ông linh mục khuyên: “Con hãy đi đến nhà nguyện cạnh nghĩa trang và đọc 50 lần Kinh Lạy Cha và 50 lần Kinh Kính Mừng. Rồi cha con sẽ khỏi bệnh”. Tôi làm theo lời khuyên này, nhưng sang ngày hôm sau thì cha tôi mất. Chiến tranh là chuyện rất đau lòng ngay cả đối với một cậu bé như tôi.

Tôi tìm được lẽ thật như thế nào?

Trong giai đoạn giữa hai thế chiến, khó tìm được việc làm ở Đức. Tuy nhiên, sau khi ra trường năm 1928, tôi tìm được một chân làm vườn ở Basel, Thụy Sĩ.

Giống như cha, tôi là một người Công Giáo ngoan đạo. Nguyện vọng của tôi là được đi Ấn Độ làm tu sĩ dòng Capuchin. Khi em trai Richard của tôi, lúc đó đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, nghe nói tôi có ý định này, liền đích thân đi Thụy Sĩ để cố can gián tôi. Chú ấy cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tin cậy loài người, đặc biệt hàng giáo phẩm, và khuyến khích tôi đọc Kinh Thánh và chỉ tin cậy Kinh Thánh mà thôi. Dù còn nghi ngờ, tôi đi mua một cuốn Tân Ước và bắt đầu đọc. Dần dần tôi thấy rõ là nhiều niềm tin của tôi không phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Một Chủ Nhật nọ vào năm 1933, khi ở nhà của Richard ở Đức, chú ấy giới thiệu cho tôi một cặp vợ chồng là Nhân Chứng Giê-hô-va. Được biết tôi đọc Kinh Thánh, họ biếu tôi một sách nhỏ nhan đề là The Crisis. * Cuối cùng, mãi đến gần nửa đêm, tôi mới đặt cuốn sách nhỏ ấy xuống. Tôi tin chắc đã tìm ra lẽ thật!

Nhân Chứng Giê-hô-va ở Basel cung cấp cho tôi hai tập sách Studies in the Scriptures * cùng với các tạp chí và sách báo khác. Những gì tôi đọc đã để lại ấn tượng sâu sắc, tôi đi gặp linh mục địa phương và yêu cầu xóa tên tôi khỏi sổ giáo dân nhà thờ. Linh mục rất giận dữ và cảnh báo là tôi đang gặp nguy cơ mất đức tin. Trên thực tế thì nhất định là tôi không mất đức tin đâu. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới bắt đầu vun trồng đức tin thật.

Anh em ở Basel dự định thực hiện một chuyến đi rao giảng ở Pháp phía bên kia biên giới vào cuối tuần đó. Một anh tử tế giải thích cho tôi biết là tôi không được mời đi cùng bởi vì tôi chỉ mới bắt đầu kết hợp với hội thánh. Không sờn lòng, tôi bày tỏ nguyện vọng bắt đầu rao giảng. Sau khi tôi hỏi ý kiến một trưởng lão khác, anh ấy giao cho tôi một khu vực rao giảng ở Thụy Sĩ. Sáng sớm Chủ Nhật, tôi lên xe đạp đi đến một ngôi làng nhỏ gần Basel, mang theo 4 cuốn sách, 28 tạp chí và 20 sách mỏng trong cặp rao giảng. Khi tôi đến nơi, phần lớn dân làng đang đi lễ nhà thờ. Dù vậy, đến khoảng 11 giờ trưa, tôi đã phát hết ấn phẩm trong cặp rao giảng.

Khi tôi nói với các anh là tôi muốn làm báp têm, họ nói chuyện nghiêm túc với tôi và nêu những câu hỏi sâu sắc về lẽ thật. Tôi thán phục lòng sốt sắng và trung thành của họ đối với Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài. Vì lúc đó là mùa đông, tôi được một anh làm báp têm trong bồn tắm ở nhà một trưởng lão. Tôi nhớ mình đã cảm thấy một niềm vui vô tả và một sức mạnh tràn ngập thâm tâm. Đó là năm 1934.

Làm việc ở Nông Trại Nước Trời

Vào năm 1936, tôi nghe nói Nhân Chứng Giê-hô-va mua được một thửa đất ở Thụy Sĩ. Tôi tình nguyện làm người giữ vườn. Vui biết mấy, tôi được mời làm việc ở Nông Trại Nước Trời tại Steffisburg, cách Bern khoảng 30 kilômét. Mỗi khi có thể, tôi cũng đã giúp những người khác trong công việc nông trại. Nhà Bê-tên đã dạy tôi tầm quan trọng của tinh thần hợp tác.

Một cao điểm trong những năm phục vụ ở Bê-tên là việc anh Rutherford viếng thăm nông trại vào năm 1936. Khi anh ấy thấy những trái cà chua lớn và trúng mùa, anh ấy mỉm cười mãn nguyện. Anh ấy đáng mến làm sao!

Phục vụ ở nông trại mới được hơn ba năm, vào một buổi ăn sáng nọ, tôi nghe đọc một lá thư đến từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Hoa Kỳ. Lá thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rao giảng và mời bất cứ ai muốn làm tiên phong ở hải ngoại thì hãy đăng ký. Tôi tình nguyện không chút do dự. Vào tháng 5 năm 1939 tôi nhận được nhiệm sở—Brazil!

Dạo ấy tôi dự các buổi họp với Hội Thánh Thun, gần Nông Trại Nước Trời. Vào mỗi Chủ Nhật, một nhóm người trong chúng tôi thường đi rao giảng trên các rặng núi Alps, cách Thun hai giờ xe đạp. Trong nhóm này có mặt Margaritha Steiner. Một ý nghĩ bỗng nảy ra trong đầu tôi: Chẳng phải là Chúa Giê-su đã phái môn đồ đi từng cặp là gì? Khi tôi thản nhiên đề cập với Margaritha rằng tôi được bổ nhiệm đi Brazil, cô ấy bày tỏ nguyện vọng được phụng sự ở nơi nào có nhiều nhu cầu hơn. Chúng tôi thành hôn vào ngày 31-7-1939.

Một trạm dừng ngoài ý muốn

Vào cuối tháng 8 năm 1939, chúng tôi lên tàu rời hải cảng Le Havre ở Pháp vượt biển hướng về Santos, Brazil. Tất cả những khoang có giường đôi đều hết chỗ, do vậy chúng tôi phải ở hai khoang riêng. Ra khơi, chúng tôi hay tin Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức. Một nhóm hành khách người Đức trên tàu đã phản ứng bằng cách hát quốc ca Đức. Điều này làm viên thuyền trưởng khó chịu đến độ ông cho tàu chuyển hướng và hạ neo ở Safi, Morocco. Những hành khách mang hộ chiếu Đức có năm phút để rời khỏi tàu. Trong số đó có chúng tôi.

Chúng tôi bị giam giữ một ngày ở đồn cảnh sát và sau đó bị đùa lên một xe buýt ọp ẹp cũ kỹ và giải đến trại giam ở Marrakech cách đó khoảng 140 kilômét. Những ngày kế tiếp thật vất vả. Các xà lim giam chúng tôi đông nghẹt người và tối om. Phòng vệ sinh chung—một lỗ khoét trên sàn—thường xuyên bị nghẽn. Mỗi người chúng tôi được phát cho một cái bao bẩn thỉu để ngủ, và ban đêm chuột gặm bắp chân chúng tôi. Mỗi ngày hai lần các phần ăn được phát trong một cái lon rỉ sét.

Một sĩ quan giải thích với tôi rằng nếu đồng ý phục vụ năm năm trong Quân Đội Lê Dương Pháp, tôi sẽ được thả. Vì từ chối nên tôi bị giam 24 giờ trong một nơi chỉ có thể mô tả là lỗ đen ngòm. Phần lớn thời gian này tôi cầu nguyện.

Tám ngày sau, quan chức nhà giam cho tôi gặp lại Margaritha. Cô ấy gầy đi một cách khủng khiếp và khóc nức nở. Tôi cố hết sức an ủi cô ấy. Chúng tôi bị hỏi cung và thuyên chuyển bằng xe lửa đến Casablanca, Margaritha được trả tự do ở đó. Còn tôi thì bị đưa đến một trại giam ở Port Lyautey (nay là Kenitra), cách đó khoảng 180 kilômét. Viên lãnh sự Thụy Sĩ khuyên Margaritha trở về Thụy Sĩ, nhưng cô trung thành không rời nếu không có tôi. Trong suốt hai tháng tôi bị giam tại Port Lyautey, mỗi ngày vợ tôi mang thức ăn từ Casablanca đến thăm nuôi tôi.

Năm trước, các Nhân Chứng Giê-hô-va đã ra mắt một cuốn sách nhan đề Kreuzzug gegen das Christentum (Chiến dịch chống đạo Đấng Christ) để lưu ý quần chúng về lập trường trung lập của Nhân Chứng Giê-hô-va đối với chế độ Quốc Xã. Khi tôi bị giam, văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Bern viết thư cho nhà cầm quyền Pháp, kèm theo sách trên nhằm chứng tỏ chúng tôi không phải là người của Quốc Xã. Margaritha cũng làm một công việc đáng khen bằng cách viếng thăm các công chức chính phủ và cố gắng thuyết phục họ rằng chúng tôi vô tội. Cuối cùng, vào cuối năm 1939, chúng tôi được phép rời Morocco.

Chỉ sau khi tàu lại rời bến đi Brazil, chúng tôi mới biết rằng các tàu ngầm Đức tấn công các đường biển ở Đại Tây Dương và chúng tôi là mục tiêu chính. Dù là thương thuyền, tàu của chúng tôi, chiếc Jamaique, có trang bị súng ở mũi tàu và đuôi tàu. Ban ngày thuyền trưởng cho tàu chạy hình chữ chi và bắn trọng pháo liên tiếp. Ban đêm chúng tôi tắt hết đèn để tránh bị tàu ngầm Đức phát hiện. Thật nhẹ nhõm làm sao khi cuối cùng chúng tôi cập bến Santos ở Brazil vào ngày 6-2-1940, hơn năm tháng sau khi rời Âu Châu!

Lại vào tù

Nhiệm sở rao giảng đầu tiên của chúng tôi là Montenegro, một thị trấn ở tiểu bang Rio Grande do Sul ở phía nam Brazil. Dường như các giới chức của giáo hội được báo trước là chúng tôi sẽ đến đó. Sau khi chúng tôi rao giảng chỉ được hai giờ, cảnh sát bắt giữ chúng tôi và tịch thu bộ đĩa ghi âm các bài giảng về Kinh Thánh, tất cả các ấn phẩm của chúng tôi, thậm chí các cặp rao giảng làm bằng da lạc đà mà chúng tôi mua ở Morocco. Một linh mục và một mục sư nói tiếng Đức chực sẵn ở đồn cảnh sát chờ chúng tôi. Họ nghe các bài giảng của anh Rutherford khi viên cảnh sát trưởng mở máy quay đĩa mà ông ấy cũng đã tịch thu của chúng tôi. Anh Rutherford chắc chắn nói thẳng thắn chứ không quanh co! Khi nghe đến chỗ nói về Vatican, viên linh mục giận đỏ mặt tía tai và chạy lao đi.

Theo lời yêu cầu của giám mục giáo phận Santa Maria, cảnh sát giải chúng tôi về thủ phủ tiểu bang là Porto Alegre. Chẳng bao lâu sau, Margaritha được trả tự do và cô đi cầu cứu lãnh sự quán Thụy Sĩ. Viên lãnh sự khuyên cô ấy quay về Thụy Sĩ. Lần nữa cô ấy từ chối bỏ rơi tôi. Margaritha luôn luôn là một bạn đồng hành rất trung thành. Ba mươi ngày sau, họ hỏi cung và tôi được trả tự do. Cảnh sát đặt trước mặt chúng tôi một sự lựa chọn: hoặc rời khỏi tiểu bang đó trong mười ngày hoặc “lãnh hậu quả”. Theo lời đề nghị của trụ sở trung ương, chúng tôi lên đường đi đến Rio de Janeiro.

“Xin mời đọc thẻ này”

Dù bước đầu không thuận lợi trong cánh đồng Brazil, chúng tôi vẫn vui biết bao! Suy cho cùng, chúng tôi vẫn còn sống, cặp sách rao giảng của chúng tôi lại đầy ắp ấn phẩm và chúng tôi có cả một tiểu bang Rio de Janeiro để rao giảng. Nhưng làm sao chúng tôi rao giảng với vốn hiểu biết giới hạn về tiếng Bồ Đào Nha? Bằng thẻ làm chứng. Câu nói đầu tiên bằng tiếng Bồ Đào Nha mà chúng tôi học sử dụng trong công việc rao giảng là “Por favor, leia este cartão” (“Xin mời đọc thẻ này”). Thẻ này thật công hiệu làm sao! Chỉ trong một tháng chúng tôi phát được trên 1.000 cuốn sách. Nhiều người đã nhận ấn phẩm nói về Kinh Thánh, sau đó chấp nhận lẽ thật. Thành thật mà nói, các sách báo của chúng ta làm chứng hữu hiệu hơn chính chúng tôi. Điều này khắc ghi trong tôi tầm quan trọng của việc trao các sách báo vào tay những người chú ý.

Thời đó, Rio de Janeiro là thủ đô của Brazil, và thông điệp của chúng tôi đặc biệt được hoan nghênh trong các tòa nhà chính phủ. Tôi có đặc ân độc nhất vô nhị được đích thân làm chứng cho Bộ Trưởng Tài Chính và Bộ Trưởng Quốc Phòng. Vào những dịp ấy, tôi thấy bằng chứng rõ rệt là thánh linh Đức Giê-hô-va đang hoạt động.

Có lần, khi rao giảng trong một quảng trường ở trung tâm thành phố Rio, tôi đi vào Tòa Án. Không hiểu sao tôi lại thấy mình đứng giữa những người mặc y phục đen, làm như có tang lễ nào đang diễn ra. Tôi tiến đến gần một người đàn ông có vẻ oai nghiêm và đưa cho ông ấy xem thẻ làm chứng. Tuyệt nhiên không phải là đám tang. Thực ra, tôi đang nói chuyện với quan tòa, và làm phiên tòa bị gián đoạn. Ông ấy cười to và ra hiệu cho lính canh đứng yên. Ông ấy tử tế nhận cuốn sách Children * và đóng góp tiền. Khi bước ra, một lính canh chỉ cho tôi thấy một tấm biển khá lớn trên cánh cửa: Proibida a entrada de pessoas estranhas (Không phận sự miễn vào).

Một cánh đồng khác cũng đem lại kết quả là hải cảng. Vào một dịp nọ, tôi gặp một thủy thủ, anh ấy nhận sách báo trước khi ra khơi. Sau đó, tôi gặp anh ở một hội nghị. Cả gia đình anh đã chấp nhận lẽ thật, và anh ấy tiến bộ tốt. Chúng tôi rất sung sướng về điều ấy.

Tuy nhiên, không phải mọi sự đều thuận buồm xuôi gió. Thị thực sáu tháng của chúng tôi sắp hết hạn, và chúng tôi đứng trước viễn cảnh bị trục xuất. Sau khi viết thư cho trụ sở trung ương về tình trạng ấy, chúng tôi nhận được một lá thư đầy yêu thương của anh Rutherford, khuyến khích chúng tôi kiên trì và đề nghị cách chúng tôi tiến hành thủ tục. Nguyện vọng của chúng tôi là ở lại Brazil, và nhờ có luật sư giúp đỡ, cuối cùng chúng tôi nhận được thị thực thường trú vào năm 1945.

Một nhiệm vụ lâu dài

Tuy nhiên, trước đó, con trai chúng tôi là Jonathan ra đời năm 1941, Ruth sinh năm 1943 và Esther năm 1945. Để chăm lo cho nhu cầu của gia đình đang gia tăng số miệng ăn, tôi đã phải làm việc ngoài đời. Margaritha tiếp tục hoạt động rao giảng trọn thời gian cho đến khi sinh cháu thứ ba.

Từ đầu, gia đình chúng tôi rao giảng chung với nhau trong các quảng trường của thành phố, các nhà ga xe lửa, ngoài đường phố và khu thương mại. Vào các buổi tối Thứ Bảy, chúng tôi cùng nhau đi phát Tháp Canh Tỉnh Thức!, và những dịp ấy đặc biệt hạnh phúc.

Ở nhà, hàng ngày mỗi cháu đều có phận sự riêng. Jonathan có trách nhiệm lau chùi bếp lò và nhà bếp. Các cháu gái lau chùi tủ lạnh, quét sân và đánh giày. Điều này giúp chúng tập tính ngăn nắp và phát huy sáng kiến. Ngày nay, con cái chúng tôi siêng năng làm việc, quản lý khéo léo nhà cửa và tài sản của mình, khiến tôi và Margaritha rất sung sướng.

Chúng tôi cũng muốn con cái ngoan ngoãn ở các buổi họp. Trước khi chương trình buổi họp bắt đầu, các cháu đều uống một ly nước và đi phòng vệ sinh. Trong buổi họp, Jonathan ngồi bên trái tôi, Ruth ngồi bên phải, kế bên là Margaritha và Esther ngồi bên phải của mẹ. Điều này giúp các cháu tập trung chú ý và hấp thu thức ăn thiêng liêng từ thuở thơ ấu.

Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nỗ lực của chúng tôi. Tất cả các cháu đều tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va và vui vẻ tham gia công việc rao giảng. Hiện nay Jonathan phục vụ với tư cách trưởng lão trong Hội Thánh Novo Méier, Rio de Janeiro.

Cho đến năm 1970, tất cả các con của chúng tôi đều lập gia đình và ra riêng, bởi vậy tôi và Margaritha quyết định dọn đến ở nơi có nhiều nhu cầu rao giảng hơn. Trạm dừng đầu tiên của chúng tôi là Poços de Caldas, thuộc tiểu bang Minas Gerais, lúc ấy có một nhóm nhỏ gồm 19 người công bố Nước Trời. Tôi giật mình khi lần đầu tiên thấy chỗ họ nhóm họp—một phòng ở tầng hầm không có cửa sổ và cần được sửa chữa gấp. Lập tức, chúng tôi bắt đầu tìm một Phòng Nước Trời khang trang hơn và cuối cùng tìm thấy một tòa nhà xinh xắn ở một địa điểm rất tốt. Thật là khác biệt! Bốn năm rưỡi sau, số người công bố gia tăng lên đến 155 người. Vào năm 1989, chúng tôi dọn đi Araruama, thuộc tiểu bang Rio de Janeiro, và phục vụ ở đó trong chín năm. Trong thời gian này chúng tôi chứng kiến sự thành lập hai hội thánh mới.

Được thưởng vì gắn bó với nhiệm sở

Vào năm 1998, vấn đề sức khỏe và ước muốn gần gũi con cái đã khiến chúng tôi dọn đến São Gonçalo thuộc tiểu bang Rio de Janeiro. Tôi hiện vẫn phục vụ ở đó với tư cách trưởng lão hội thánh. Chúng tôi cố hết sức tham gia đều đặn vào công việc rao giảng. Margaritha vui thích rao giảng ở một siêu thị gần đó, và hội thánh tử tế dành riêng cho chúng tôi một khu vực rao giảng gần nhà, khiến chúng tôi dễ dàng rao giảng tùy theo sức khỏe mình cho phép.

Cho đến nay, tôi và Margaritha đã làm tôi tớ của Đức Giê-hô-va được hơn 60 năm. Chính chúng tôi nghiệm thấy ‘bất-kỳ các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta’. (Rô-ma 8:38, 39) Và thật là một niềm vui thích được chứng kiến việc thu nhóm “chiên khác”, có hy vọng kỳ diệu được sống đời đời trên một trái đất hoàn hảo, giữa những tạo vật đẹp đẽ của Đức Chúa Trời! (Giăng 10:16) Khi chúng tôi đến nơi vào năm 1940, Rio de Janeiro chỉ có một hội thánh gồm 28 người công bố. Ngày nay có khoảng 250 hội thánh và trên 20.000 người công bố Nước Trời.

Đã có những lần đáng lẽ chúng tôi có thể trở về sống với gia đình mình ở Âu Châu. Nhưng nhiệm sở mà Đức Giê-hô-va giao phó cho chúng tôi là ở đây, nước Brazil. Chúng tôi thật vui mừng biết bao đã gắn bó với nhiệm sở!

[Chú thích]

^ đ. 11 Do Nhân Chứng Đức Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện nay không còn lưu hành.

^ đ. 12 Do Nhân Chứng Đức Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện nay không còn lưu hành.

^ đ. 33 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện không còn lưu hành.

[Hình nơi trang 21]

Ở Nông Trại Nước Trời, Steffisburg, Thụy Sĩ, vào cuối thập niên 1930 (tôi đứng ngoài cùng bên trái)

[Hình nơi trang 23]

Ít lâu trước khi thành hôn, năm 1939

[Hình nơi trang 23]

Ở Casablanca thập niên 1940

[Hình nơi trang 23]

Gia đình cùng nhau rao giảng

[Hình nơi trang 24]

Đều đặn tham gia thánh chức ngày nay