Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Đấng Christ đứng trung lập trong ngày sau rốt

Tín đồ Đấng Christ đứng trung lập trong ngày sau rốt

Tín đồ Đấng Christ đứng trung lập trong ngày sau rốt

“Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”.—GIĂNG 17:16.

1, 2. Chúa Giê-su đã nói gì về mối quan hệ giữa môn đồ ngài với thế gian, và qua đó những câu hỏi nào được nêu lên?

VÀO đêm cuối cùng của đời sống làm người hoàn toàn, trong khi các môn đồ lắng tai nghe, Chúa Giê-su đã cất tiếng cầu nguyện rất lâu. Trong lời cầu nguyện đó, ngài miêu tả đặc điểm đời sống của tất cả tín đồ thật Đấng Christ. Nhắc đến các môn đồ, ngài nói: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế-gian ghen-ghét họ, vì họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”.—Giăng 17:14-16.

2 Hai lần Chúa Giê-su nói môn đồ ngài không thuộc về thế gian. Ngoài ra, sự tách biệt đó sẽ dẫn tới tình trạng căng thẳng—thế gian sẽ thù ghét họ. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ không phải lo âu vì Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ họ. (Châm-ngôn 18:10; Ma-thi-ơ 24:9, 13) Khi xem xét những lời trên của Chúa Giê-su, chúng ta có thể tự hỏi một cách thích hợp: ‘Tại sao tín đồ thật của Đấng Christ không thuộc về thế gian? Không thuộc về thế gian có nghĩa gì? Nếu bị thế gian ghen ghét, tín đồ Đấng Christ có thái độ nào đối với thế gian? Cụ thể, họ có thái độ nào đối với các chính phủ thế gian?’ Lời giải đáp dựa trên Kinh Thánh cho những câu hỏi này rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

‘Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời’

3. (a) Điều gì khiến chúng ta tách biệt khỏi thế gian? (b) Bằng chứng nào cho thấy thế gian “phục dưới quyền Ma-quỉ”?

3 Mối quan hệ mật thiết của chúng ta với Đức Giê-hô-va là một lý do khiến chúng ta không thuộc về thế gian. Sứ đồ Giăng viết: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Lời của Giăng về thế gian rõ ràng rất đúng. Chiến tranh, tội ác, sự dã man, áp bức, bất lương và vô luân quá thịnh hành ngày nay là bằng chứng ảnh hưởng của Sa-tan, chứ không phải của Đức Chúa Trời. (Giăng 12:31; 2 Cô-rinh-tô 4:4; Ê-phê-sô 6:12) Khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, một người sẽ không thực hành hay chấp nhận những hành vi sai trái đó, và điều này khiến họ không còn thuộc về thế gian.—Rô-ma 12:2; 13:12-14; 1 Cô-rinh-tô 6:9-11; 1 Giăng 3:10-12.

4. Chúng ta chứng tỏ mình thuộc về Đức Giê-hô-va qua những cách nào?

4 Giăng cho thấy, khác với thế gian, tín đồ Đấng Christ “thuộc về Đức Chúa Trời”. Tất cả những ai đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va đều thuộc về Ngài. Sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả”. (Rô-ma 14:8; Thi-thiên 116:15) Vì thuộc về Đức Giê-hô-va, chúng ta dành cho Ngài sự tin kính chuyên độc. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6) Do đó, tín đồ thật của Đấng Christ không cống hiến đời họ cho bất kỳ phong trào nào của thế gian. Đồng thời, họ tôn trọng nhưng không tôn thờ các biểu tượng quốc gia, dù qua hành động hay chỉ trong lòng. Họ chắc chắn cũng không tôn sùng các ngôi sao thể thao hay những thần tượng hiện đại khác. Dĩ nhiên, họ tôn trọng quyền tự do ý chí của người khác, nhưng họ chỉ thờ phượng Đấng Tạo Hóa. (Ma-thi-ơ 4:10; Khải-huyền 19:10) Điều đó cũng khiến họ tách biệt với thế gian.

“Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”

5, 6. Vì sao vâng phục Nước Đức Chúa Trời khiến chúng ta tách biệt khỏi thế gian?

5 Tín đồ Đấng Christ là môn đồ của Chúa Giê-su Christ, là thần dân của Nước Đức Chúa Trời, vì thế họ không thuộc về thế gian. Trước mặt Bôn-xơ Phi-lát, Chúa Giê-su nói: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. (Giăng 18:36) Nước Trời là phương tiện được dùng để làm thánh danh Đức Giê-hô-va, biện minh cho quyền cai trị của Ngài, và hoàn thành ý định Ngài trên đất như trên trời. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Trong suốt thánh chức, Chúa Giê-su đã rao truyền tin mừng về Nước Trời, và ngài cho biết tin mừng đó sẽ được các môn đồ công bố cho đến tận ngày cuối cùng của hệ thống này. (Ma-thi-ơ 4:23; 24:14) Vào năm 1914, lời tiên tri nơi Khải-huyền 11:15 đã được ứng nghiệm: “Từ nay nước của thế-gian thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ của Ngài, Ngài sẽ trị-vì đời đời”. Trong một ngày gần đây, Nước Trời sẽ là quyền lực duy nhất cai trị nhân loại. (Đa-ni-ên 2:44) Vào một thời điểm nào đó, ngay cả các nhà cầm quyền thế gian cũng sẽ bắt buộc phải công nhận quyền cai trị này.—Thi-thiên 2:6-12.

6 Ghi khắc những điều đó trong trí, tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay là công dân Nước Đức Chúa Trời, và vâng theo lời khuyên của Chúa Giê-su, ‘trước hết tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’. (Ma-thi-ơ 6:33) Điều đó không khiến họ bất trung với quốc gia họ đang sống, nhưng thật sự khiến họ tách biệt khỏi thế gian. Như trong thế kỷ thứ nhất, nhiệm vụ chính của tín đồ Đấng Christ ngày nay là ‘làm chứng và giảng-giải về nước Đức Chúa Trời’. (Công-vụ 28:23) Không chính phủ loài người nào có quyền cản trở sứ mạng Đức Chúa Trời giao phó.

7. Tại sao tín đồ thật của Đấng Christ đứng trung lập, và họ đã thể hiện lập trường đó như thế nào?

7 Phù hợp với tư cách là người thuộc về Đức Giê-hô-va, môn đồ của Chúa Giê-su, và thần dân của Nước Đức Chúa Trời, Nhân Chứng Giê-hô-va luôn đứng trung lập đối với các cuộc xung đột trong nội bộ quốc gia và quốc tế trong thế kỷ 20 và 21. Họ không ủng hộ phe phái nào, không cầm vũ khí chống lại ai, và cũng không tuyên truyền cho bất kỳ lý tưởng nào của thế gian. Khi biểu lộ đức tin một cách phi thường bất chấp những chống đối tưởng chừng không thể vượt qua được, họ đã giữ đúng những nguyên tắc được trình bày với các nhà cầm quyền Quốc Xã tại Đức vào năm 1934: “Chúng tôi tuyệt nhiên không quan tâm đến các vấn đề chính trị, nhưng cống hiến hết mình cho Nước Đức Chúa Trời, dưới quyền cai trị của Đấng Christ, là Vua do Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Chúng tôi sẽ không gây thương vong hay làm hại bất kỳ ai. Chúng tôi yêu thích sống trong hòa bình và làm điều thiện cho tất cả mọi người khi có cơ hội”.

Khâm sai và công sứ của Đấng Christ

8, 9. Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay là khâm sai và công sứ theo nghĩa nào, và điều này ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa họ với các nước?

8 Phao-lô gọi mình và anh em tín đồ Đấng Christ được xức dầu là “chức khâm-sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên-bảo”. (2 Cô-rinh-tô 5:20; Ê-phê-sô 6:20) Kể từ năm 1914, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh có thể được gọi một cách đúng nghĩa là khâm sai của Nước Đức Chúa Trời; họ cũng là “con-cái” nước đó. (Ma-thi-ơ 13:38; Phi-líp 3:20; Khải-huyền 5:9, 10) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va cũng thu nhóm từ mọi nước một đám đông “vô-số người” thuộc lớp “chiên khác”, tức những tín đồ Đấng Christ có hy vọng sống trên đất, để hỗ trợ những người con được xức dầu của Ngài trong sứ mạng khâm sai. (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16) Những “chiên khác” này có thể được gọi là “công sứ” của Nước Đức Chúa Trời.

9 Khâm sai và đoàn tùy tùng không xen vào nội bộ của nước họ được phái đến. Tương tự như thế, tín đồ Đấng Christ đứng trung lập đối với các vấn đề chính trị của các nước trên thế giới. Họ không ủng hộ hay chống đối bất kỳ quốc gia, chủng tộc, xã hội hay tầng lớp kinh tế nào. (Công-vụ 10:34, 35) Trái lại, họ “làm điều thiện cho mọi người”. (Ga-la-ti 6:10) Vì Nhân Chứng Giê-hô-va đứng trung lập, nên không ai có lý do chính đáng để bác bỏ thông điệp của họ, viện cớ là Nhân Chứng liên kết với phe đối lập thuộc nhóm sắc tộc, quốc gia hay bộ tộc khác.

Được nhận biết nhờ tình yêu thương

10. Đối với một tín đồ Đấng Christ, tình yêu thương quan trọng đến mức nào?

10 Ngoài những lý do trên, tín đồ Đấng Christ còn đứng trung lập trong các vấn đề thế giới vì mối quan hệ giữa họ với các tín đồ Đấng Christ khác. Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Yêu thương anh em là một yếu tố quan trọng trong việc làm tín đồ Đấng Christ. (1 Giăng 3:14) Tình yêu thương ấy liên quan đến mối quan hệ của tín đồ Đấng Christ với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, nên một tín đồ Đấng Christ có mối quan hệ rất gần gũi với các tín đồ khác. Tình yêu thương của họ không chỉ giới hạn trong phạm vi những người cùng hội thánh, mà bao gồm cả “toàn thể các anh em trên thế gian”.—1 Phi-e-rơ 5:9, Nguyễn Thế Thuấn.

11. Tình yêu thương anh em đồng đức tin ảnh hưởng thế nào đến hạnh kiểm của Nhân Chứng Giê-hô-va?

11 Ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương anh em bằng cách làm ứng nghiệm lời Ê-sai 2:4: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”. Được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, các tín đồ thật của Đấng Christ hòa thuận với Đức Chúa Trời và với nhau. (Ê-sai 54:13) Vì yêu thương Đức Chúa Trời và anh em, nên không thể tưởng tượng được việc họ cầm vũ khí chống lại anh em tín đồ—hay bất kỳ ai—ở xứ khác. Sự hòa thuận và hợp nhất là một phần trọng yếu trong sự thờ phượng của họ, là biểu hiện cho thấy họ thật sự có thánh linh Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 133:1; Mi-chê 2:12; Ma-thi-ơ 22:37-39; Cô-lô-se 3:14) Họ “tìm-kiếm sự hòa-bình, và đeo-đuổi sự ấy” vì biết rằng “mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình”.—Thi-thiên 34:14, 15.

Quan điểm của tín đồ Đấng Christ đối với thế gian

12. Nhân Chứng Giê-hô-va noi theo thái độ nào của Đức Giê-hô-va đối với những người trong thế gian, và qua cách nào?

12 Đức Giê-hô-va đã kết án thế gian này, nhưng Ngài chưa đoán xét từng người trong thế gian. Ngài sẽ làm điều đó qua Chúa Giê-su vào đúng kỳ Ngài đã định. (Thi-thiên 67:3, 4; Ma-thi-ơ 25:31-46; 2 Phi-e-rơ 3:10) Trong khi chờ đợi, Ngài vẫn biểu lộ tình yêu thương lớn đối với nhân loại, ngay cả ban Con một của Ngài, hầu cho mọi người có cơ hội nhận được sự sống đời đời. (Giăng 3:16) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta noi theo lòng yêu thương của Đức Chúa Trời bằng cách nói cho người khác biết về những sắp đặt của Ngài nhằm ban sự cứu rỗi, cho dù những nỗ lực của chúng ta thường bị từ chối.

13. Chúng ta nên có thái độ nào đối với các nhà cầm quyền thế gian?

13 Chúng ta nên có quan điểm nào đối với các nhà cầm quyền thế gian? Phao-lô đã trả lời câu hỏi ấy khi viết: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền [“ở trong vị thế tương đối của mình”, NW] đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định”. (Rô-ma 13:1, 2) Con người giữ những chức vụ “tương đối” (có thể cao hơn hoặc thấp hơn người khác, nhưng luôn luôn dưới quyền Đức Giê-hô-va) vì Đấng Toàn Năng cho phép họ. Tín đồ Đấng Christ vâng phục nhà cầm quyền thế gian vì đó là một phần trong sự vâng phục Đức Giê-hô-va. Nhưng nếu có sự mâu thuẫn giữa những đòi hỏi của Đức Chúa Trời và của các chính phủ loài người thì sao?

Luật Đức Chúa Trời và luật Sê-sa

14, 15. (a) Bằng cách nào Đa-ni-ên đã tránh được một mâu thuẫn trong vấn đề vâng phục? (b) Ba chàng trai Hê-bơ-rơ đã giữ lập trường nào khi không thể tránh được mâu thuẫn trong vấn đề vâng phục?

14 Đa-ni-ên và ba người bạn của ông đã nêu gương tốt trong việc giữ thăng bằng giữa vâng phục chính phủ loài người và vâng phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Khi bị lưu đày sang Ba-by-lôn, bốn chàng trai Hê-bơ-rơ này vâng phục luật pháp của nước đó. Không bao lâu họ được tuyển vào một chương trình đào tạo đặc biệt. Nhận thấy chương trình đào tạo rất có thể dẫn đến việc trái Luật Pháp Đức Giê-hô-va, Đa-ni-ên đã trình bày vấn đề với vị quan phụ trách. Thế là những sắp đặt đặc biệt được thực hiện, nhằm tôn trọng lương tâm của bốn chàng trai Hê-bơ-rơ. (Đa-ni-ên 1:8-17) Noi theo gương Đa-ni-ên, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng cố gắng khéo léo giải thích quan điểm của mình cho các viên chức, hầu tránh những vấn đề không cần thiết.

15 Tuy nhiên, vào một dịp khác sau đó, các chàng trai Hê-bơ-rơ đã không thể tránh được một mâu thuẫn trong vấn đề vâng phục. Vua Ba-by-lôn dựng một pho tượng lớn trong đồng bằng Đu-ra và ra lệnh cho các quan chức cao cấp, kể cả các quan đứng đầu các tỉnh, phải đến dự lễ khánh thành. Lúc đó, ba người bạn của Đa-ni-ên đã được bổ nhiệm làm quan đứng đầu tỉnh Ba-by-lôn, nên cũng nhận được lệnh. Đến một lúc nhất định trong buổi lễ, mọi người có mặt phải cúi mình lạy pho tượng. Nhưng các chàng trai Hê-bơ-rơ biết rằng điều đó trái với luật pháp Đức Chúa Trời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:8-10) Vì thế, khi mọi người khác đều cúi mình lạy, họ vẫn đứng yên. Trái lệnh vua, họ có nguy cơ phải chịu chết thảm khốc, và chỉ sống sót nhờ một phép lạ. Thế nhưng họ thà chịu nguy hiểm tính mạng, còn hơn là bất tuân lời Đức Giê-hô-va.—Đa-ni-ên 2:49–3:29.

16, 17. Các sứ đồ đã phản ứng thế nào khi được lệnh ngưng rao giảng, và tại sao?

16 Vào thế kỷ thứ nhất, các sứ đồ của Chúa Giê-su Christ đã bị các nhà lãnh đạo Do Thái ở Giê-ru-sa-lem bắt và ra lệnh phải ngừng rao giảng nhân danh Chúa Giê-su. Họ phản ứng thế nào? Chúa Giê-su đã giao cho họ sứ mạng đào tạo môn đồ trong các nước, kể cả vùng Giu-đê. Ngài cũng bảo họ làm chứng ở Giê-ru-sa-lem và mọi nơi khác trên thế giới. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ 1:8) Các sứ đồ biết rằng mệnh lệnh của Chúa Giê-su cũng là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với họ. (Giăng 5:30; 8:28) Do đó, họ nói: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 4:19, 20; 5:29.

17 Không phải các sứ đồ chống lại uy quyền. (Châm-ngôn 24:21) Nhưng khi nhà cầm quyền cấm họ thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời, họ chỉ có thể nói ‘thà phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta’. Chúa Giê-su nói: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”. (Mác 12:17) Nếu chúng ta nghe theo lời loài người mà cãi lệnh Đức Chúa Trời, chúng ta đang trả cho loài người điều thuộc về Đức Chúa Trời. Thay vì thế, chúng ta trả cho Sê-sa những gì mình nợ Sê-sa, nhưng công nhận quyền tối cao của Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ, Đấng Tạo Hóa, Nguồn của mọi uy quyền.—Khải-huyền 4:11.

Chúng ta sẽ đứng vững

18, 19. Nhiều anh em chúng ta đã giữ lập trường gương mẫu nào, và làm sao chúng ta noi theo họ?

18 Hiện nay, phần lớn các chính phủ thế gian đều công nhận lập trường trung lập của Nhân Chứng Giê-hô-va, và chúng ta rất cảm kích về điều đó. Tuy nhiên, Nhân Chứng vẫn phải đối diện với sự chống đối kịch liệt ở một số nước. Trong suốt thế kỷ 20 và mãi cho đến ngày nay, một số anh chị em của chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, “vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành” theo nghĩa thiêng liêng.—1 Ti-mô-thê 6:12.

19 Làm thế nào chúng ta có thể đứng vững như họ? Trước hết, cần nhớ rằng sự chống đối chắc chắn phải xảy ra. Chúng ta không nên sợ hãi hay ngạc nhiên khi gặp chống đối. Phao-lô cảnh báo Ti-mô-thê: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12; 1 Phi-e-rơ 4:12) Trong thế gian này, ảnh hưởng của Sa-tan ngự trị, làm sao chúng ta có thể tránh khỏi sự chống đối? (Khải-huyền 12:17) Chừng nào chúng ta còn trung thành, thì vẫn còn có người “lấy làm lạ và gièm-chê”.—1 Phi-e-rơ 4:4.

20. Chúng ta được nhắc nhở về những sự thật đầy khích lệ nào?

20 Thứ hai, chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va và các thiên sứ Ngài sẽ trợ giúp chúng ta. Như Ê-li-sê thời xưa nói: “Những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”. (2 Các Vua 6:16; Thi-thiên 34:7) Có thể vì mục đích nào đó, Đức Giê-hô-va cho phép áp lực của những kẻ chống đối kéo dài một thời gian. Tuy nhiên, Ngài sẽ luôn ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chịu đựng. (Ê-sai 41:9, 10) Một số người đã phải hy sinh tính mạng, nhưng điều đó không làm chúng ta sợ hãi. Chúa Giê-su nói: “Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong địa-ngục [Ghê-hen-na]”. (Ma-thi-ơ 10:16-23, 28) Chúng ta chỉ là “người ở trọ” trong hệ thống này. Chúng ta dùng thời gian này để “cầm lấy sự sống thật”, tức sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 2:11; 1 Ti-mô-thê 6:19) Không ai có thể cướp đi phần thưởng đó miễn là chúng ta tiếp tục trung thành với Ngài.

21. Chúng ta nên luôn ghi nhớ điều gì?

21 Do đó, hãy nhớ rằng chúng ta có mối quan hệ quý báu với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Mong sao chúng ta luôn biết ơn về ân phước được làm môn đồ Đấng Christ và thần dân của Nước Trời. Chúng ta hãy hết lòng yêu thương anh em, và mong sao chúng ta luôn vui mừng trong tình yêu thương họ dành cho. Trên hết, chúng ta hãy làm theo lời người viết Thi-thiên: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va; hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 27:14; Ê-sai 54:17) Khi đó, giống như bao tín đồ Đấng Christ thế hệ trước, chúng ta sẽ đứng vững với niềm hy vọng chắc chắn—là những người tín đồ Đấng Christ trung thành, đứng trung lập, không thuộc về thế gian.

Bạn có thể giải thích không?

• Mối quan hệ với Đức Giê-hô-va khiến chúng ta tách biệt khỏi thế gian như thế nào?

• Là thần dân Nước Đức Chúa Trời, làm thế nào chúng ta đứng trung lập trong thế gian?

• Tình yêu thương anh em khiến chúng ta đứng trung lập, tách biệt khỏi thế gian qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Việc vâng phục Nước Đức Chúa Trời ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với thế gian?

[Hình nơi trang 16]

Một người Hutu và một người Tutsi vui vẻ làm việc với nhau

[Hình nơi trang 17]

Anh em tín đồ Đấng Christ Do Thái và Ả-rập

[Hình nơi trang 17]

Tín đồ Đấng Christ người Serbia, Bosnia và Croatia vui hưởng tình bạn với nhau

[Hình nơi trang 18]

Khi nhà cầm quyền ra lệnh cho chúng ta vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, đường lối hành động đúng là gì?