Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chớ bỏ sự nhóm lại

Chớ bỏ sự nhóm lại

Chớ bỏ sự nhóm lại

Kinh Thánh nói: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. (Hê-bơ-rơ 10:25) Rõ ràng là những người thờ phượng thật phải họp mặt nhau tại một nơi thờ phượng nhằm “coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”.—Hê-bơ-rơ 10:24.

KHI sứ đồ Phao-lô viết những lời trên đây vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, một đền thờ nguy nga ở Giê-ru-sa-lem đã được dùng làm nơi thờ phượng cho người Do Thái. Ngoài ra, cũng có các nhà hội. Chúa Giê-su đã “dạy-dỗ trong nhà hội và đền-thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại”.—Giăng 18:20.

Phao-lô đã nghĩ đến những nơi nhóm họp loại nào khi ông khuyên răn tín đồ Đấng Christ nhóm lại để khuyến giục lẫn nhau? Phải chăng những đền đài tôn giáo của khối đạo xưng theo Đấng Christ theo khuôn đền thờ ở Giê-ru-sa-lem? Khi nào thì những người xưng là tín đồ Đấng Christ mới biết đến những kiến trúc tôn giáo đồ sộ?

‘Một đền cho danh Đức Chúa Trời’

Những chỉ thị đầu tiên về một nơi thờ phượng Đức Chúa Trời nằm trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký của Kinh Thánh. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân được chọn của Ngài—dân Y-sơ-ra-ên—xây “đền-tạm”, hoặc “hội-mạc”. Hòm giao ước và những khí dụng thánh khác đều được cất giữ trong đó. “Sự vinh-hiển của Đức Giê-hô-va đầy-dẫy đền-tạm” khi đền được dựng xong năm 1512 TCN. Đền tạm tháo ráp được là trung tâm do Đức Chúa Trời sắp đặt để tiếp cận Ngài trong hơn bốn thế kỷ. (Xuất Ê-díp-tô Ký, chương 25-27; 40:33-38) Kinh Thánh cũng gọi lều này là “đền của Đức Giê-hô-va” và “Nhà ĐỨC CHÚA”.—1 Sa-mu-ên 1:9, 24; Tòa Tổng Giám Mục.

Về sau, khi làm vua tại Giê-ru-sa-lem, Đa-vít bày tỏ nguyện vọng mãnh liệt muốn xây dựng một nhà trường cửu, vì sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, vì Đa-vít là một người đã từng đánh trận, Đức Giê-hô-va nói với ông: “Ngươi sẽ chẳng cất đền cho danh ta”. Thay vì thế, Ngài chọn Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, làm người xây đền thờ. (1 Sử-ký 22:6-10) Sa-lô-môn khánh thành đền thờ vào năm 1026 TCN, sau bảy năm rưỡi thi công. Đức Giê-hô-va chấp nhận công trình này, Ngài nói: “Ta đã biệt riêng ra thánh cái đền nầy mà ngươi đã cất, để cho danh ta ngự tại đó đời đời; mắt và lòng ta sẽ thường ở đó mãi mãi”. (1 Các Vua 9:3) Miễn là dân Y-sơ-ra-ên còn trung thành, Đức Giê-hô-va còn chấp nhận nhà đó. Tuy nhiên, nếu họ từ bỏ con đường ngay thẳng, Đức Giê-hô-va hẳn sẽ cất ân huệ Ngài khỏi nơi đó, và “Đền Thờ này sẽ thành đống hoang tàn”.—1 Các Vua 9:4-9, TTGM; 2 Sử-ký 7:16, 19, 20.

Cuối cùng, dân Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ sự thờ phượng thật. (2 Các Vua 21:1-5) “Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến vua dân Canh-đê lên hãm đánh chúng, chúng... đốt đền Đức Chúa Trời, đánh đổ vách-thành Giê-ru-sa-lem, lấy lửa đốt các cung-điện, và phá-hủy các khí-dụng tốt-đẹp của nó. Phàm ai thoát khỏi gươm, thì người bắt đem qua Ba-by-lôn; chúng làm tôi-mọi cho người và cho con trai người”. Theo Kinh Thánh, điều này xảy ra vào năm 607 TCN.—2 Sử-ký 36:15-21; Giê-rê-mi 52:12-14.

Như tiên tri Ê-sai đã báo trước, Đức Chúa Trời dấy lên vua Phe-rơ-sơ là Si-ru để giải cứu dân Do Thái khỏi quyền lực của Ba-by-lôn. (Ê-sai 45:1) Sau cuộc lưu đày 70 năm, họ trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 537 TCN để tái thiết đền thờ. (E-xơ-ra 1:1-6; 2:1, 2; Giê-rê-mi 29:10) Sau những lần đình trệ trong việc xây dựng, cuối cùng đền thờ được hoàn thành vào năm 515 TCN, và sự thờ phượng thanh sạch dâng cho Đức Chúa Trời được khôi phục. Mặc dù không nguy nga tráng lệ bằng đền thờ của Sa-lô-môn, nhưng đền thờ tồn tại gần 600 năm. Tuy nhiên, đền thờ này cũng rơi vào cảnh điêu tàn vì dân Y-sơ-ra-ên xao nhãng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khi Chúa Giê-su Christ có mặt trên đất, đền thờ đang được Vua Hê-rốt cho trùng tu. Điều gì sẽ xảy ra cho đền thờ này?

“Không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác”

Nói về đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su phán với môn đồ: “Đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống”. (Ma-thi-ơ 24:1, 2) Những lời này đã ứng nghiệm. Trong nhiều thế kỷ, đền thờ này từng được công nhận là trung tâm thờ phượng Đức Chúa Trời, đã bị quân đội La Mã thiêu hủy vào năm 70 CN khi đến dập tắt cuộc nổi dậy của dân Do Thái. * Đền thờ đó đã không được xây lại. Vào thế kỷ thứ bảy, đền thờ Hồi Giáo với tên gọi là Vòm Đá đã được dựng lên, và tồn tại cho tới ngày nay tại địa điểm mà trước kia là nơi thờ phượng của dân Do Thái.

Điều gì mới là sự sắp đặt cho sự thờ phượng đối với môn đồ của Chúa Giê-su? Tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái thời ban đầu có tiếp tục thờ phượng Đức Chúa Trời tại đền thờ sắp sửa bị thiêu hủy không? Những tín đồ Đấng Christ không phải gốc Do Thái thờ phượng Đức Chúa Trời ở đâu? Những kiến trúc tôn giáo thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ có thay thế cho đền thờ được không? Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với một phụ nữ Sa-ma-ri giúp chúng ta thấu triệt vấn đề.

Trong nhiều thế kỷ, người Sa-ma-ri thờ phượng Đức Chúa Trời tại một đền thờ lớn trên Núi Ghê-ri-xim ở Sa-ma-ri. Phụ nữ Sa-ma-ri nói với Chúa Giê-su: “Tổ-phụ chúng tôi đã thờ-lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ-lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem”. Đáp lời, Chúa Giê-su phán: “Hỡi người đàn-bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ-lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem”. Một đền thờ vật chất không còn cần thiết trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa, vì Chúa Giê-su giải thích: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy”. (Giăng 4:20, 21, 24) Sau này, sứ đồ Phao-lô nói với dân thành A-thên: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu”.—Công-vụ 17:24.

Rõ ràng là những đền đài tôn giáo của khối đạo xưng theo Đấng Christ không còn liên quan gì tới sự sắp đặt đền thờ của kỷ nguyên trước thời Đấng Christ. Tín đồ Đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhất không có lý do gì để dựng lên những nơi như thế. Tuy nhiên, như đã báo trước, sau khi các sứ đồ chết đi, sự lầm lạc tách khỏi sự dạy dỗ thật—tức sự bội đạo—đã xảy ra. (Công-vụ 20:29, 30) Nhiều năm trước khi Hoàng Đế La Mã Constantine gia nhập đạo Đấng Christ vào năm 313 CN, những người xưng theo Đấng Christ đã bắt đầu từ bỏ những điều Chúa Giê-su dạy.

Constantine đã góp phần vào việc sáp nhập “đạo Đấng Christ” với ngoại giáo La Mã làm một. Cuốn Encyclopædia Britannica ghi: “Chính Constantine đã cho xây dựng ba đại giáo đường đồ sộ của Ki-tô Giáo tại Rô-ma: Thánh Đường Phê-rô, Thánh Đường Paolo Fuori le Mura và Thánh Đường Giovanni ở Laterano. Ông... đã sáng tạo ra kiến trúc theo hình thập tự giá; lối kiến trúc này trở thành kiểu mẫu cho những nhà thờ ở Tây Âu suốt thời Trung Cổ”. Thánh Đường Phê-rô tại Rô-ma được xây dựng lại, vẫn còn được xem là trung tâm của Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Sử gia Will Durant nói: “Giáo hội tiếp thu một số phong tục và tập quán tôn giáo phổ biến tại La Mã [ngoại giáo] trước thời Đấng Christ”, gồm cả “lối kiến trúc đại giáo đường”. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 15, rộ lên phong trào xây cất nhà thờ hoặc nhà thờ chính tòa và kiểu kiến trúc được xem trọng. Nhiều đền đài của khối đạo xưng theo Đấng Christ nay được xem là những công trình kiến trúc mỹ thuật ra đời vào thời đó.

Người ta có luôn tìm được sự tươi mát và khích lệ thiêng liêng qua sự thờ phượng trong một nhà thờ không? Francisco người Brazil nói: “Đối với tôi, nhà thờ là nơi tượng trưng cho tất cả những nhàm chán và nặng nề về tôn giáo. Lễ Mi-sa là một nghi thức lặp đi lặp lại vô nghĩa, không làm được gì để giúp thỏa mãn những nhu cầu thực sự của tôi. Thật nhẹ nhõm khi tan lễ”. Tuy nhiên, những tín đồ thật được lệnh nhóm lại với nhau. Họ nên theo sự sắp đặt nào để nhóm lại?

“Hội-thánh nhóm tại nhà hai người”

Kiểu mẫu về cách để tín đồ Đấng Christ nhóm lại được đúc kết từ việc xem xét những tín đồ trong thế kỷ thứ nhất nhóm lại như thế nào. Kinh Thánh cho biết họ thường nhóm lại tại những nhà riêng. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy chào Bê-rít-sin và A-qui-la, kẻ cùng làm việc với tôi trong Đức Chúa Jêsus-Christ... Cũng hãy chào Hội-thánh nhóm tại nhà hai người”. (Rô-ma 16:3, 5; Cô-lô-se 4:15; Phi-lê-môn 2) Từ “hội-thánh” (ek·kle·siʹa) trong tiếng Hy Lạp được dịch là “nhà thờ” trong một số bản dịch Anh ngữ, như bản King James Version. Nhưng từ này ám chỉ một tập thể nhóm lại theo một mục đích chung, chứ không ám chỉ một tòa nhà. (Công-vụ 8:1; 13:1) Việc thờ phượng của tín đồ thật của Đấng Christ không đòi hỏi những công trình tôn giáo được trang trí cầu kỳ.

Những buổi họp trong các hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu được điều khiển như thế nào? Môn đồ Gia-cơ dùng một dạng của từ Hy Lạp sy·na·go·geʹ để chỉ một buổi họp của tín đồ Đấng Christ. (Gia-cơ 2:2) Từ Hy Lạp này có nghĩa là “một sự họp mặt” và được dùng lẫn lộn với từ ek·kle·siʹa. Nhưng với thời gian trôi qua, từ này mang ý nghĩa địa điểm hoặc tòa nhà để nhóm lại. Những tín đồ Đấng Christ đầu tiên gốc Do Thái quen thuộc với những gì diễn ra ở một nhà hội. *

Trong khi dân Do Thái nhóm tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem trong những lễ hội hàng năm, các nhà hội địa phương là nơi để học về Đức Giê-hô-va và được dạy dỗ về Luật Pháp. Những thực hành tổ chức tại nhà hội dường như bao gồm lời cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, cũng như việc giải thích cặn kẽ và khích lệ. Khi Phao-lô và những người khác cùng với ông vào nhà hội ở An-ti-ốt, “các chủ nhà hội sai sứ nói cùng hai người rằng: Hỡi anh em, nếu có mấy lời khuyên bảo dân-chúng, hãy giảng đi”. (Công-vụ 13:15) Khi những tín đồ Đấng Christ đầu tiên gốc Do Thái nhóm lại trong những nhà riêng, chắc chắn họ đã tuân theo một kiểu mẫu tương tự, làm cho những buổi họp của họ thành dịp bổ ích dựa theo Kinh Thánh và xây dựng về thiêng liêng.

Hội thánh để xây dựng lẫn nhau

Giống như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay họp mặt nhau ở những nơi thờ phượng giản dị để được dạy dỗ về Kinh Thánh và kết hợp lành mạnh. Trong nhiều năm, họ chỉ nhóm lại tại nhà riêng và vẫn còn làm thế tại một số nơi. Nhưng hiện nay số hội thánh đã gia tăng lên đến hơn 90.000, và những nơi họp chính được gọi là Phòng Nước Trời. Những tòa nhà này không cầu kỳ cũng không giống như nhà thờ. Những nơi này là những kiến trúc hữu dụng và khiêm tốn chứa được từ 100 đến 200 người tới tham dự các buổi họp hội thánh hàng tuần để lắng nghe và học Lời Đức Chúa Trời.

Hầu hết các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm lại ba lần mỗi tuần. Một buổi là bài diễn văn công cộng nói về đề tài nhiều người hiện chú ý. Tiếp theo là một bài học dựa theo một chủ đề hoặc lời tiên tri trong Kinh Thánh, dùng tạp chí Tháp Canh làm nguồn tài liệu chính. Một buổi họp nữa là trường huấn luyện cách trình bày thông điệp của Kinh Thánh. Tiếp theo là buổi họp đặc biệt dành cho việc cung cấp những lời khuyên thực tế cho thánh chức tín đồ Đấng Christ. Mỗi tuần một lần, Nhân Chứng cũng nhóm lại để học Kinh Thánh trong những nhóm nhỏ tại các nhà riêng. Tất cả những buổi họp này đều mở ra cho công chúng tham dự và không quyên tiền.

Francisco, được đề cập ở trên, nhận thấy những buổi họp tại Phòng Nước Trời rất lợi ích. Anh nói: “Nơi nhóm họp đầu tiên tôi viếng thăm là một tòa nhà khang trang trong một khu vực ở trung tâm thành phố, và khi ra khỏi phòng họp tôi mang theo một ấn tượng đầy thiện cảm. Những người tham dự đều thân thiện, và tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương giữa họ. Tôi nóng lòng trở lại. Thật thế, từ đó về sau tôi chưa vắng mặt một buổi họp nào. Những buổi họp đạo Đấng Christ thật sinh động, thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của tôi. Ngay cả khi cảm thấy chán nản vì một lý do nào đó, tôi đến Phòng Nước Trời, tin chắc rằng khi ra về tôi sẽ được khích lệ”.

Sự giáo dục về Kinh Thánh, kết hợp đầy xây dựng và cơ hội ca ngợi Đức Chúa Trời cũng chờ đón bạn tại những buổi nhóm họp đạo Đấng Christ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn được nồng nhiệt mời đến tham dự buổi họp tại Phòng Nước Trời gần nơi bạn ở nhất. Bạn sẽ vui mừng nếu làm thế.

[Chú thích]

^ đ. 11 Đền thờ đã bị người La Mã thiêu hủy hoàn toàn. Bức Tường Than Vãn, nơi nhiều người Do Thái từ những nơi rất xa đến để cầu nguyện, không phải là một phần của đền thờ. Nó chỉ là một phần của bức tường thành của hành lang đền thờ mà thôi.

^ đ. 20 Rất có thể những nhà hội đã bắt đầu được thiết lập trong cuộc lưu đày qua Ba-by-lôn dài 70 năm khi đó không có đền thờ, hoặc được thiết lập ít lâu sau khi đi lưu đày trở về trong lúc đền thờ đang được xây lại. Cho đến thế kỷ thứ nhất, mỗi làng ở Pha-lê-tin đều có nhà hội riêng, những thành lớn hơn thì có từ hai nhà hội trở lên.

[Các hình nơi trang 4, 5]

Đền tạm và sau này đền thờ được dùng làm những trung tâm tôn nghiêm để thờ phượng Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 6]

Thánh Đường Phê-rô ở Rô-ma

[Hình nơi trang 7]

Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nhóm lại tại những nhà riêng

[Các hình nơi trang 8, 9]

Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức những buổi họp đạo Đấng Christ tại các nhà riêng và tại Phòng Nước Trời