Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tiếp tục phụng sự vai sánh vai

Hãy tiếp tục phụng sự vai sánh vai

Hãy tiếp tục phụng sự vai sánh vai

“Bấy giờ ta sẽ ban ngôn ngữ thanh sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng phụng sự Ngài vai sánh vai”.—SÔ-PHÔ-NI 3:9, “NW”.

1. Điều gì đang xảy ra để làm ứng nghiệm Sô-phô-ni 3:9?

NGÀY NAY có khoảng 6.000 ngôn ngữ đang được sử dụng trên khắp thế giới. Bên cạnh đó còn có vô số thổ ngữ, hay phương ngữ. Dù người ta nói nhiều ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, như tiếng Ả-rập và tiếng Zulu, Đức Chúa Trời đã thực hiện một việc thật phi thường. Ngài khiến cho loài người ở khắp mọi nơi đều được học và nói một ngôn ngữ thanh sạch duy nhất. Điều này đang xảy ra để làm ứng nghiệm lời hứa được ban qua nhà tiên tri Sô-phô-ni: “Ta [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] sẽ ban ngôn ngữ thanh sạch [theo nghĩa đen là “môi thanh sạch”] cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng phụng sự ngài vai sánh vai”.—Sô-phô-ni 3:9, NW.

2. “Ngôn ngữ thanh sạch” là gì, và có tác dụng nào?

2 “Ngôn ngữ thanh sạch” là lẽ thật của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong Lời Ngài, Kinh Thánh, đặc biệt là lẽ thật về Nước Đức Chúa Trời, công cụ sẽ làm thánh danh Đức Giê-hô-va, biện minh cho quyền thống trị của Ngài, và mang lại ân phước cho nhân loại. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Vì là ngôn ngữ duy nhất trên đất trong sạch về mặt thiêng liêng, nên ngôn ngữ thanh sạch được sử dụng bởi dân mọi nước và mọi chủng tộc. Nó giúp họ “vai sánh vai” phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhờ đó, họ phụng sự Ngài cách hợp nhất, hay “một lòng”.—Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.

Không có chỗ cho sự thiên vị

3. Điều gì giúp chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va trong sự hợp nhất?

3 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cảm kích về sự hợp tác đa ngôn ngữ trong vòng anh em chúng ta. Mặc dù rao truyền tin mừng về Nước Trời trong nhiều ngôn ngữ khác nhau của loài người, chúng ta đều hợp nhất phụng sự Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 133:1) Đó là nhờ bất kể sống nơi nào trên đất, chúng ta đều nói ngôn ngữ thanh sạch duy nhất ngợi khen Đức Giê-hô-va.

4. Tại sao trong dân sự Đức Chúa Trời không được phép có sự thiên vị?

4 Trong dân sự Đức Giê-hô-va, không được phép có sự thiên vị. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nêu bật điều đó khi rao giảng tại nhà một sĩ quan người ngoại tên là Cọt-nây vào năm 36 CN. Sứ đồ đã xúc động nói: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Đó là sự thật, vì thế hội thánh tín đồ Đấng Christ không có chỗ cho sự thiên vị hay bè phái.

5. Tại sao kết bè phái trong hội thánh là sai?

5 Một nữ sinh đã nói về cuộc viếng thăm Phòng Nước Trời của cô như sau: “Các nhà thờ thường chỉ thu hút những người thuộc một chủng tộc hay sắc tộc nào đó... Tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va đều ngồi chung với nhau, chứ không tách riêng thành từng nhóm”. Tuy nhiên, một số thành viên của hội thánh Cô-rinh-tô thời xưa từng kết bè phái. Khi gây ra sự chia rẽ như thế, họ chống lại hoạt động của thánh linh Đức Chúa Trời, vì thánh linh thúc đẩy sự hợp nhất và bình an. (Ga-la-ti 5:22) Cổ xúy bè phái trong hội thánh là chống lại sự dẫn dắt của thánh linh. Vì thế, chúng ta hãy ghi nhớ lời của sứ đồ Phao-lô gửi cho anh em Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân-rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”. (1 Cô-rinh-tô 1:10) Phao-lô cũng nhấn mạnh sự hợp nhất trong lá thư gửi anh em thành Ê-phê-sô.—Ê-phê-sô 4:1-6, 16.

6, 7. Gia-cơ cho lời khuyên nào về vấn đề thiên vị, và lời khuyên của ông nên được áp dụng thế nào?

6 Tín đồ Đấng Christ luôn được đòi hỏi phải bất thiên vị. (Rô-ma 2:11) Vì một số người trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất đã tỏ ra thiên vị người giàu, môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa vinh-hiển chúng ta, thì chớ có tây-vị người nào. Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo đẹp, vào nơi hội anh em, lại có người nghèo, quần-áo rách-rưới, cũng vào nữa; nếu anh em ngó kẻ mặc áo đẹp, mà nói rằng: Mời ngồi đây, là chỗ tử-tế; lại nói với người nghèo rằng: Hãy đứng đó, hoặc ngồi dưới bệ chân ta, thế có phải anh em tự mình phân-biệt ra và lấy ý xấu mà xét-đoán không?”—Gia-cơ 2:1-4.

7 Nếu người giàu chưa tin đạo, đeo nhẫn vàng, mặc đồ đẹp và người nghèo chưa tin đạo, mặc áo quần dơ dáy cùng đến dự buổi họp đạo Đấng Christ, người giàu được đối xử đặc biệt. Họ được mời ngồi “chỗ tử-tế”, còn người nghèo thì được bảo đứng hoặc ngồi dưới đất nơi chân một ai đó. Nhưng Đức Chúa Trời đã cung cấp giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su một cách bất thiên vị cho cả người giàu lẫn người nghèo. (Gióp 34:19; 2 Cô-rinh-tô 5:14) Vì thế, nếu muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va và vai sánh vai phụng sự Ngài, chúng ta không được tỏ ra thiên vị hay “vì lợi mà nịnh-hót người ta”.—Giu-đe 4, 16.

Hãy tránh lằm bằm

8. Điều gì đã xảy ra do dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm?

8 Để giữ sự hợp nhất và tiếp tục được ân huệ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm-bằm”. (Phi-líp 2:14, 15) Dân Y-sơ-ra-ên thiếu đức tin được giải thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập đã lằm bằm chống lại Môi-se và A-rôn, và như thế cả Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì làm thế, tất cả người nam từ 20 tuổi trở lên, ngoại trừ hai người trung thành là Giô-suê và Ca-lép cùng những người Lê-vi, đều không được vào Đất Hứa mà phải chết trong khoảng thời gian 40 năm lưu lạc trong đồng vắng. (Dân-số Ký 14:2, 3, 26-30; 1 Cô-rinh-tô 10:10) Họ phải trả giá đắt biết bao cho việc lằm bằm!

9. Mi-ri-am đã bị gì do lằm bằm?

9 Điều đó cho thấy những gì có thể xảy ra cho cả một dân tộc lằm bằm. Còn với những cá nhân lằm bằm thì sao? Chị của Môi-se là Mi-ri-am cùng với anh trai ông là A-rôn, đã lằm bằm: “Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” Lời tường thuật kể tiếp: “Đức Giê-hô-va nghe điều đó”. (Dân-số Ký 12:1, 2) Hậu quả là gì? Mi-ri-am, dường như là người khởi xướng việc lằm bằm này, đã bị Đức Chúa Trời làm cho hổ thẹn. Như thế nào? Ngài khiến bà mắc bệnh phung và bị đuổi ra ngoài trại quân bảy ngày mới được sạch.—Dân-số Ký 12:9-15.

10, 11. Việc lằm bằm không được ngăn chặn có thể dẫn đến hậu quả nào? Hãy minh họa.

10 Lằm bằm không chỉ là than phiền về một điều sai trái. Những người hay lằm bằm thường chú trọng quá nhiều đến cảm xúc và địa vị của họ, muốn người khác chú ý đến họ hơn cả Đức Chúa Trời. Nếu không được ngăn chặn, điều đó sẽ gây ra sự chia rẽ trong vòng anh em thiêng liêng và khiến họ không còn muốn nỗ lực vai sánh vai phụng sự Đức Giê-hô-va nữa. Sở dĩ như vậy là vì người lằm bằm lúc nào cũng nói ra những than phiền của họ, chắc chắn với hy vọng được người khác cảm thông.

11 Chẳng hạn, một người có thể chỉ trích một trưởng lão về cách anh nói bài giảng trong hội thánh hoặc cách anh thi hành nhiệm vụ. Nếu nghe người đó than phiền, chúng ta có thể cũng bắt đầu suy nghĩ giống người đó. Trước khi mầm mống bất mãn được gieo vào trí chúng ta, có thể chúng ta không hề thấy khó chịu với hoạt động của trưởng lão đó, nhưng bây giờ thì có. Cuối cùng, chúng ta sẽ không vừa ý với bất kỳ điều gì trưởng lão đó làm, và rồi có thể chính chúng ta cũng sẽ bắt đầu than phiền về anh ấy. Cách cư xử đó không thích hợp trong hội thánh của dân Đức Giê-hô-va.

12. Việc lằm bằm có thể ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời?

12 Lằm bằm về những người có trách nhiệm chăn bầy của Đức Chúa Trời có thể dẫn đến việc lăng mạ. Việc lằm bằm hay phao vu rủa sả họ như thế có thể gây ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:28) Những kẻ chửi rủa không biết ăn năn sẽ không được hưởng Nước Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 5:11; 6:10) Môn đồ Giu-đe đã viết về những kẻ lằm bằm “khinh-dể quyền-phép rất cao và nói hỗn các đấng tôn-trọng”, tức những người có trách nhiệm trong hội thánh. (Giu-đe 8) Những kẻ lằm bằm đó đã không được Đức Chúa Trời chấp nhận, và chúng ta khôn ngoan tránh đường lối ác của chúng.

13. Tại sao mọi lời than phiền đều không phải là sai trái?

13 Tuy nhiên, không phải lời than phiền nào cũng làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Ngài đã không làm ngơ trước “tiếng kêu oan” về Sô-đôm và Gô-mô-rơ, nhưng hủy diệt các thành gian ác đó. (Sáng-thế Ký 18:20, 21; 19:24, 25) Tại Giê-ru-sa-lem, ít lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, “người Hê-lê-nít phàn-nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa-bụa của họ đã bị bỏ-bê trong sự cấp-phát hằng ngày”. Kết quả là “mười hai sứ-đồ” đã điều chỉnh tình trạng đó bằng cách bổ nhiệm “bảy người có danh tốt” để “giao việc” cấp phát thực phẩm. (Công-vụ 6:1-6) Các trưởng lão ngày nay không được “bưng tai không khứng nghe” những lời than phiền chính đáng. (Châm-ngôn 21:13) Thay vì chỉ trích anh em đồng đức tin, họ nên có thái độ khuyến khích và xây dựng.—1 Cô-rinh-tô 8:1.

14. Muốn tránh lằm bằm, chúng ta đặc biệt cần có đức tính nào?

14 Tất cả chúng ta đều cần tránh lằm bằm vì tinh thần hay than phiền có hại cho sức khỏe thiêng liêng. Thái độ đó sẽ phá hoại sự hợp nhất của chúng ta. Thay vì thế, hãy luôn để thánh linh làm nẩy sinh tình yêu thương trong chúng ta. (Ga-la-ti 5:22) Vâng giữ ‘luật-pháp tôn-trọng về tình yêu-thương’ sẽ giúp chúng ta tiếp tục vai sánh vai phụng sự Đức Giê-hô-va.—Gia-cơ 2:8; 1 Cô-rinh-tô 13:4-8; 1 Phi-e-rơ 4:8.

Hãy đề phòng tránh phao vu

15. Ngồi lê đôi mách và phao vu khác nhau như thế nào?

15 Vì lằm bằm có thể dẫn tới việc ngồi lê đôi mách tai hại, chúng ta phải cẩn thận về những gì mình nói. Ngồi lê đôi mách là tán gẫu về chuyện của người khác. Còn phao vu là cố ý nói trái sự thật nhằm bôi nhọ thanh danh của người khác. Đó là những lời nói ác ý và thiếu tin kính. Vì thế, Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên: “Chớ buông lời phao-vu trong dân-sự mình”.—Lê-vi Ký 19:16.

16. Phao-lô nói gì về một số người ngồi lê đôi mách, và lời khuyên của ông nên ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

16 Vì việc tán gẫu có thể dẫn tới việc phao vu, Phao-lô đã khiển trách một số người ngồi lê đôi mách. Sau khi đề cập đến những góa phụ đáng được hội thánh giúp đỡ, ông nói tới những góa phụ “hay ở không, quen thói chạy nhà nầy sang nhà khác; nào những họ ở không thôi đâu, lại còn thày-lay thóc-mách, hay nói những việc không đáng nói nữa”. (1 Ti-mô-thê 5:11-15) Nếu một nữ tín đồ Đấng Christ cảm thấy mình có một nhược điểm trong thói quen ăn nói có thể dẫn tới việc phao vu, chị nên nghe theo lời khuyên của Phao-lô là ‘nghiêm trang, chớ nói xấu’. (1 Ti-mô-thê 3:11) Dĩ nhiên, các nam tín đồ Đấng Christ cũng phải đề phòng tránh chuyện ngồi lê đôi mách tai hại.—Châm-ngôn 10:19.

Hãy ngưng đoán xét!

17, 18. (a) Chúa Giê-su nói gì về việc đoán xét anh em? (b) Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su như thế nào?

17 Ngay dù không phao vu ai, có thể chúng ta vẫn phải hết sức cố gắng tránh tính hay đoán xét. Chúa Giê-su lên án thái độ đó khi nói: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét. Vì các ngươi đoán-xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán-xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả-hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được”.—Ma-thi-ơ 7:1-5.

18 Chúng ta không nên mạo muội đòi giúp lấy chỉ một “cái rác” trong mắt anh em, trong khi chính khả năng phán đoán của mình đang bị che khuất bởi cả một “cây đà” theo nghĩa bóng. Thật thế, nếu chúng ta thật sự hiểu lòng thương xót bao la của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không có khuynh hướng đoán xét anh chị em thiêng liêng. Làm sao chúng ta có thể hiểu họ rõ bằng Cha chúng ta trên trời? Không lạ gì khi Chúa Giê-su khuyến cáo chúng ta “đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét”! Thành thật kiểm điểm những nhược điểm của chính mình sẽ ngăn chúng ta có những đoán xét bất công trước mắt Đức Chúa Trời.

Mỏng manh nhưng đáng trọng

19. Chúng ta nên có quan điểm nào về anh em đồng đức tin?

19 Nếu quyết tâm vai sánh vai phụng sự Đức Chúa Trời với anh em đồng đức tin, chúng ta sẽ không chỉ tránh tính hay đoán xét, mà còn luôn tỏ ra tôn trọng họ. (Rô-ma 12:10) Thật thế, chúng ta sẽ nghĩ đến lợi ích của họ, chứ không phải của bản thân, và vui vẻ thực hiện những việc khiêm nhường vì họ. (Giăng 13:12-17; 1 Cô-rinh-tô 10:24) Làm thế nào duy trì thái độ tốt như thế? Bằng cách luôn ghi nhớ trong trí rằng mọi người tin đạo đều quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va và chúng ta cần có nhau, cũng như các bộ phận trong cơ thể con người đều lệ thuộc vào nhau.—1 Cô-rinh-tô 12:14-27.

20, 21. Những lời nơi 2 Ti-mô-thê 2:20, 21 có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

20 Thật sự tín đồ Đấng Christ là những chậu bằng đất mỏng manh được trao giữ kho tàng quý giá là thánh chức. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Nếu muốn thực hiện công việc thánh này để ngợi khen Đức Giê-hô-va, chúng ta phải giữ tư cách đáng trọng trước mắt Ngài và Con Ngài. Chỉ khi nào tiếp tục giữ mình trong sạch về đạo đức và thiêng liêng, chúng ta mới có thể tiếp tục được Đức Chúa Trời sử dụng như cái bình quý trọng. Về điều này, Phao-lô viết: “Trong một nhà lớn, không những có bình vàng bình bạc mà thôi, cũng có cái bằng gỗ bằng đất nữa, thứ thì dùng việc sang, thứ thì dùng việc hèn. Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô-uế đó, thì sẽ như cái bình quí-trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn-sàng cho mọi việc lành”.—2 Ti-mô-thê 2:20, 21.

21 Những người không sống hòa hợp với những đòi hỏi của Đức Chúa Trời là ‘bình dùng cho việc hèn’. Tuy nhiên, nếu theo đuổi lối sống tin kính, chúng ta sẽ là những ‘bình quí-trọng, làm của thánh, tức được biệt riêng để hầu việc Đức Giê-hô-va và sẵn-sàng cho mọi việc lành’. Vì thế, có lẽ chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có phải là một “bình quí-trọng” không? Tôi có ảnh hưởng tốt đến anh em đồng đức tin không? Tôi có phải là một thành viên trong hội thánh vai sánh vai làm việc với anh em cùng đạo không?’

Tiếp tục phụng sự vai sánh vai

22. Hội thánh tín đồ Đấng Christ có thể được so sánh với gì?

22 Hội thánh tín đồ Đấng Christ là một tổ chức có sắp đặt như gia đình. Khi mọi thành viên trong gia đình đều cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va, gia đình có bầu không khí yêu thương, tương trợ và vui vẻ. Những người trong gia đình có thể có cá tính khác nhau nhưng mọi người đều có vị trí đáng trọng. Trong hội thánh cũng vậy. Mặc dù tất cả chúng ta đều khác nhau—và bất toàn—Đức Chúa Trời đã kéo chúng ta đến với Ngài qua Đấng Christ. (Giăng 6:44; 14:6) Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương chúng ta, và chúng ta chắc chắn cần biểu lộ tình yêu thương đối với nhau, như một gia đình hòa thuận.—1 Giăng 4:7-11.

23. Chúng ta nên nhớ gì và quyết tâm làm gì?

23 Một hội thánh có sự sắp đặt như gia đình cũng phải là nơi có sự trung thành. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ta muốn những người đàn-ông đều giơ tay thánh-sạch [“trung thành”, NW] lên trời, mà cầu-nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận-dữ và cãi-cọ”. (1 Ti-mô-thê 2:8) Như vậy, Phao-lô gắn liền sự trung thành với việc cầu nguyện trước công chúng “khắp mọi nơi” tín đồ Đấng Christ nhóm lại. Chỉ những người nam trung thành mới nên đại diện hội thánh cầu nguyện. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời đòi hỏi tất cả chúng ta phải trung thành với Ngài và với nhau. (Truyền-đạo 12:13, 14) Vì thế, chúng ta hãy quyết tâm cùng làm việc hòa hợp với nhau, như các bộ phận trong cơ thể con người. Mong sao chúng ta cùng hợp nhất phụng sự trong đại gia đình những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trên hết, hãy nhớ rằng chúng ta cần có nhau và sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận và ban phước nếu tiếp tục vai sánh vai phụng sự Ngài.

Bạn trả lời thế nào?

• Điều gì giúp dân Đức Giê-hô-va vai sánh vai phụng sự Ngài?

• Tại sao tín đồ Đấng Christ tránh thiên vị?

• Tại sao lằm bằm là sai?

• Tại sao chúng ta nên tôn trọng anh em đồng đức tin?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Phi-e-rơ nhận biết ‘Đức Chúa Trời chẳng hề thiên vị ai’

[Hình nơi trang 16]

Bạn có biết tại sao Đức Chúa Trời khiến Mi-ri-am bị hổ thẹn không?

[Hình nơi trang 18]

Các tín đồ Đấng Christ trung thành vui mừng vai sánh vai phụng sự Đức Giê-hô-va