Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phấn đấu để có được cuốn Kinh Thánh tiếng Hy Lạp hiện đại

Phấn đấu để có được cuốn Kinh Thánh tiếng Hy Lạp hiện đại

Phấn đấu để có được cuốn Kinh Thánh tiếng Hy Lạp hiện đại

Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tại Hy Lạp, vùng đất đôi khi được xem là Cái Nôi của Tự Do Tư Tưởng, việc dịch

Kinh Thánh sang ngôn ngữ của dân thường đã từng là một

mục tiêu phấn đấu lâu dài và gian khổ. Nhưng ai lại phản đối việc sản xuất một cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp dễ hiểu? Tại sao lại có người muốn đình chỉ công việc đó?

NGƯỜI TA có thể nghĩ rằng những người nói tiếng Hy Lạp quả được ưu đãi, vì một phần đáng kể của Kinh Thánh lúc đầu đã được viết bằng chính ngôn ngữ này. Thế nhưng tiếng Hy Lạp hiện đại lại thật khác biệt với tiếng Hy Lạp trong bản dịch Septuagint của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, và cũng khác với tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Thật thế, trong sáu thế kỷ qua, đa số những người nói tiếng Hy Lạp đã nhận thấy tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh thật khó hiểu, chẳng khác nào một ngoại ngữ. Nhiều từ mới thay thế những từ cổ, và từ vựng, ngữ pháp cũng như cấu trúc câu đều thay đổi.

Một bộ sưu tập những bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp chép tay từ thế kỷ thứ 3 tới thế kỷ 16 đã cho thấy nỗ lực dịch bản Septuagint sang một hình thức mới của tiếng Hy Lạp. Vào thế kỷ thứ ba, Gregory, giám mục địa phận Neocaesarea (khoảng năm 213 CN-khoảng năm 270 CN), đã dịch sách Truyền-đạo trong bản dịch Septuagint sang dạng tiếng Hy Lạp đơn giản hơn. Vào thế kỷ 11, một người Do Thái tên là Tobias ben Eliezer sống tại Ma-xê-đoan đã dịch một phần Ngũ Thư trong bản dịch Septuagint sang tiếng Hy Lạp phổ thông. Thậm chí ông đã dùng chữ viết Hê-bơ-rơ để những người Do Thái sống tại Ma-xê-đoan, chỉ nói tiếng Hy Lạp nhưng đọc được tiếng Hê-bơ-rơ, có thể hiểu. Toàn bộ Ngũ Thư dịch theo lối này đã được xuất bản vào năm 1547 ở Constantinople.

Tia sáng lóe ra trong tối tăm

Sau khi vùng nói tiếng Hy Lạp của Đế Quốc Byzantine, lọt vào tay người Ottoman vào thế kỷ 15, phần lớn dân chúng đã rơi vào tình trạng thiếu học thức. Mặc dầu dưới triều đại Ottoman, Chính Thống Giáo rất được ưu đãi, nhưng giáo dân đã bị bỏ mặc khiến họ trở thành những người quê mùa nghèo túng và thất học. Thomas Spelios, văn sĩ Hy Lạp, bình luận: “Mục tiêu quan trọng nhất của Chính Thống Giáo và hệ thống giáo dục của họ là nhằm bảo vệ giáo dân khỏi ảnh hưởng tuyên truyền của Hồi Giáo và Công Giáo La Mã. Kết quả là nền giáo dục Hy Lạp đã trở nên trì trệ”. Trong tình huống vô vọng này, những người yêu mến Kinh Thánh cảm thấy cần phải đem niềm an ủi và khuây khỏa đến cho những người khốn cùng qua sách Thi-thiên của Kinh Thánh. Từ năm 1543 đến năm 1835, đã có 18 bản dịch sách Thi-thiên sang tiếng Hy Lạp đại chúng.

Bản dịch tiếng Hy Lạp đầu tiên của toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đã được Maximus Callipolites, một tu sĩ Hy Lạp tại Callipolis, soạn thảo vào năm 1630. Công việc này được đặt dưới sự điều khiển và bảo trợ của Cyril Lucaris, đại thượng phụ Constantinople, nhà cải cách Chính Thống Giáo sau này. Tuy nhiên, trong giáo hội, Lucaris đã bị nhiều người chống đối, họ không muốn chấp nhận bất cứ hình thức cải tổ nào, hoặc bất kỳ bản dịch Kinh Thánh nào sang ngôn ngữ đại chúng. * Ông bị kết tội phản trắc và bị xiết cổ. Tuy nhiên, khoảng 1.500 bản dịch của Maximus đã được in ấn vào năm 1638. Để đối phó với bản dịch này, 34 năm sau, một hội đồng Chính Thống Giáo tại Giê-ru-sa-lem tuyên bố rằng: “Không phải bất cứ ai cũng nên đọc Kinh Thánh, mà chỉ những người xem xét kỹ những điều sâu sắc của thánh linh mới nên đọc, sau khi đã nghiên cứu thích đáng”. Điều này có nghĩa là chỉ có giới giáo phẩm trí thức mới được đọc Kinh Thánh.

Vào năm 1703, Seraphim, một tu sĩ Hy Lạp quê ở đảo Lesbos, đã cố gắng in bản nhuận chính của bản dịch Maximus tại Luân Đôn. Khi triều đình Anh Quốc không giữ lời hứa tài trợ cho công việc này, ông đã tự bỏ tiền túi để in bản nhuận chính nói trên. Trong phần mở đầu tâm huyết, Seraphim nhấn mạnh đến nhu cầu đọc Kinh Thánh của “mọi tín đồ Đấng Christ sùng đạo”, và lên án hàng giáo phẩm cao cấp trong giáo hội là “cố tình che giấu hành vi sai trái của mình qua chính sách ngu dân”. Đúng như dự đoán, ông đã bị những đối thủ trong Chính Thống Giáo cho người bắt giam tại Nga và bị đày sang Siberia; ông mất tại đó vào năm 1735.

Bình luận về sự khao khát thiêng liêng mãnh liệt của những người nói tiếng Hy Lạp trong thời kỳ này, một tu sĩ Hy Lạp nói như sau về bản nhuận chính mới của bản dịch Maximus: “Những người Hy Lạp cùng những người khác đã đón nhận bản Kinh Thánh này với lòng yêu mến và khát khao. Họ đọc Kinh Thánh và cảm thấy nỗi đau họ được Kinh Thánh xoa dịu và đức tin nơi Đức Chúa Trời... mãnh liệt hơn”. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo của họ lo sợ rằng nếu dân chúng bắt đầu hiểu Kinh Thánh, hàng giáo phẩm sẽ khó che giấu những tín ngưỡng và thực hành đi ngược với Kinh Thánh. Do đó vào năm 1823, và một lần nữa vào năm 1836, đại thượng phụ Constantinople đã ban hành sắc lệnh đốt mọi bản dịch Kinh Thánh ấy.

Một dịch giả can đảm

Đương đầu với bối cảnh chống đối dữ dội này và nhiệt thành khao khát hiểu biết lẽ thật, một nhân vật nổi tiếng xuất hiện và đóng vai trò then chốt trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp hiện đại. Nhân vật can đảm đó là Neofitos Vamvas, một nhà ngôn ngữ học xuất sắc và học giả Kinh Thánh nổi tiếng, thường được xem là một trong “Những Bậc Thầy của Nước Nhà”.

Vamvas thấy rõ rằng Chính Thống Giáo phải chịu trách nhiệm về sự dốt nát thiêng liêng của dân chúng. Ông tin chắc rằng muốn dân chúng tỉnh thức về mặt thiêng liêng, cần phải dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp đương thời. Năm 1831, với sự trợ giúp của những học giả khác, ông đã bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp văn chương. Bản dịch trọn bộ của ông được xuất bản vào năm 1850. Vì không được Chính Thống Giáo Hy Lạp hậu thuẫn, ông cộng tác với Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc [BFBS] để ấn loát và lưu hành bản dịch này. Ông bị giáo hội gán cho là “kẻ theo đạo Tin Lành” và bị tẩy chay ít lâu sau đó.

Bản dịch của Vamvas theo sát bản King James Version và thừa hưởng sự thiếu sót của bản dịch đó vì thời bấy giờ kiến thức về Kinh Thánh cũng như ngôn ngữ còn hạn hẹp. Thế nhưng, qua nhiều năm, đó lại là bản dịch sát với Kinh Thánh trong tiếng Hy Lạp hiện đại nhất mà người ta có thể có. Điều đáng chú ý là bản dịch này có ghi danh riêng của Đức Chúa Trời bốn lần, dưới hình thức “Ieová”.—Sáng-thế Ký 22:14; Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3; 17:15; Các Quan Xét 6:24.

Phản ứng chung của dân chúng về bản Kinh Thánh này và những bản dịch dễ hiểu khác là gì? Không thể tả xiết! Trên một chiếc tàu thả neo ngoài khơi một hải đảo thuộc Hy Lạp, một người bán sách dạo của BFBS đã “bị những tàu khác chở đầy trẻ con muốn có [Kinh Thánh] bủa vây đến độ người này buộc lòng phải... yêu cầu thuyền trưởng nhổ neo”, e rằng phải phân phát toàn bộ số Kinh Thánh mang theo chỉ ở một địa điểm! Nhưng những kẻ chống đối không chỉ khoanh tay đứng nhìn.

Các tu sĩ Chính Thống Giáo đã cảnh báo dân chúng về những bản dịch Kinh Thánh ấy. Chẳng hạn, ở thành Athens Kinh Thánh bị tịch thu. Năm 1833, giám mục Chính Thống Giáo đảo Crete đã đốt các sách “Tân Ước” mà ông đã phát hiện tại một chủng viện. Một tu sĩ đã cất giấu được một cuốn, và dân chúng tại những làng lân cận giấu Kinh Thánh của họ cho đến khi giám mục kia rời khỏi đảo.

Vài năm sau tại đảo Corfu, bản dịch Kinh Thánh của Vamvas đã bị Thánh Hội của Chính Thống Giáo Hy Lạp cấm đoán. Kinh Thánh đó bị cấm bán và những bản nào đang lưu hành đều bị thiêu hủy. Trên các đảo Chios, Síros và Mykonos, ác cảm của các tăng lữ địa phương đã dẫn đến việc đốt Kinh Thánh. Nhưng việc phiên dịch Kinh Thánh vẫn còn phải đương đầu thêm với nhiều sự đàn áp khác.

Một nữ hoàng chú ý đến Kinh Thánh

Trong thập niên 1870, Nữ Hoàng Olga ở Hy Lạp đã nhận ra rằng dân Hy Lạp nói chung còn hiểu biết rất ít về Kinh Thánh. Tin tưởng rằng sự hiểu biết Kinh Thánh sẽ đem lại niềm khuây khỏa và sự thanh thản cho dân chúng, nữ hoàng này nỗ lực để có một bản dịch Kinh Thánh giản dị hơn bản dịch của Vamvas.

Tổng giám mục giáo phận Athens và cũng là người đứng đầu Thánh Hội, Prokopios, ngấm ngầm khuyến khích nữ hoàng làm điều này. Tuy nhiên, khi chính thức đề nghị Thánh Hội phê chuẩn đồng ý, bà đã bị từ chối. Dẫu vậy, bà vẫn kiên định tiếp tục xin phê chuẩn và lại bị từ chối lần thứ hai vào năm 1899. Lờ đi việc này, bà quyết định tự bỏ tiền in một số lượng Kinh Thánh giới hạn. Công việc này hoàn tất vào năm 1900.

Những kẻ chống đối ngoan cố

Năm 1901, The Acropolis, một tờ nhật báo nổi tiếng ở Athens, đã in sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ, do Alexander Pallis, một dịch giả làm việc tại Liverpool, Anh Quốc, dịch sang tiếng Hy Lạp thông dụng. Dường như động cơ của Pallis và đồng sự là nhằm ‘giáo dục người Hy Lạp’ và “giúp xứ sở vươn lên” từ chỗ suy vong.

Những sinh viên thần học Chính Thống Giáo và các giáo sư của họ gọi bản dịch này là “một sự bôi bác thánh tích quý giá nhất của quốc gia”, một sự báng bổ Kinh Thánh. Đại Thượng Phụ Joakim III ở Constantinople đã ra một chiếu chỉ phản đối bản dịch này. Cuộc tranh luận đã quay sang chiều hướng chính trị, và đã bị những phe hiếu chiến lợi dụng.

Một thành phần có thế lực trong ngành báo chí ở Athens bắt đầu công kích bản dịch Pallis, gọi những người ủng hộ bản dịch đó là “vô thần”, “phản bội”, và “tay sai của thế lực ngoại bang”, cố tình làm xáo trộn xã hội Hy Lạp. Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 11 năm 1901, do sự xúi giục của những thành phần bảo thủ cực đoan thuộc Chính Thống Giáo Hy Lạp, các sinh viên đã nổi loạn tại Athens. Họ tấn công tòa soạn báo The Acropolis, diễu hành trước dinh, chiếm Trường Đại Học Athens, và yêu cầu chính phủ từ chức. Khi các cuộc nổi loạn lên đến cực điểm, đã có tám người thiệt mạng do xung đột với quân đội. Ngày hôm sau, quốc vương yêu cầu Tổng Giám Mục Prokopios từ chức và hai hôm sau, toàn thể Nội Các đều từ chức.

Một tháng sau, các sinh viên lại biểu tình lần nữa và công khai đốt bản dịch Pallis. Họ đưa ra quyết nghị chống lại việc lưu hành bản dịch này và đòi trừng phạt khắt khe bất cứ nỗ lực nào như thế trong tương lai. Đấy chỉ là một cớ nhằm cấm đoán việc sử dụng bất cứ bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp hiện đại nào. Quả là một thời kỳ đen tối!

“Lời Chúa còn lại đời đời”

Việc cấm đoán sử dụng Kinh Thánh tiếng Hy Lạp hiện đại đã bị bãi bỏ vào năm 1924. Từ đó về sau, Chính Thống Giáo Hy Lạp đã thất bại hoàn toàn trong những nỗ lực nhằm cản trở dân chúng có Kinh Thánh. Trong lúc ấy, các Nhân Chứng Giê-hô-va đã dẫn đầu công việc giáo dục Kinh Thánh tại Hy Lạp, như tại những xứ khác. Từ năm 1905, họ đã sử dụng bản dịch Vamvas để giúp hàng ngàn người nói tiếng Hy Lạp thu thập sự hiểu biết về lẽ thật Kinh Thánh.

Năm tháng qua đi, nhiều học giả và giáo sư đã có nhiều nỗ lực đáng ca ngợi nhằm sản xuất Kinh Thánh trong tiếng Hy Lạp hiện đại. Ngày nay, có khoảng 30 bản dịch Kinh Thánh, toàn phần hoặc từng phần mà người bình dân có thể đọc được. Một trong những bản dịch quý giá này là bản tiếng Hy Lạp của Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới, phát hành năm 1997, đem lại lợi ích cho 16 triệu người nói tiếng Hy Lạp trên khắp thế giới. Do Nhân Chứng Giê-hô-va ấn hành, bản dịch này khiến Lời Đức Chúa Trời trở nên dễ đọc, dễ hiểu và rất trung thực với bản gốc.

Cuộc phấn đấu nhằm dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp hiện đại đã minh họa một sự kiện quan trọng. Điều này cho thấy rõ rằng bất chấp mọi nỗ lực thù nghịch của con người, “lời Chúa còn lại đời đời”.—1 Phi-e-rơ 1:25.

[Chú thích]

^ đ. 7 Muốn biết thêm về Cyril Lucaris, xin xem Tháp Canh, ngày 15-2-2000, trang 26-29.

[Hình nơi trang 27]

Cyril Lucaris điều hành việc dịch bản dịch Hy Lạp đầu tiên của toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp vào năm 1630

[Nguồn tư liệu]

Bib. Publ. Univ. de Genève

[Các hình nơi trang 28]

Một số bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp đương thời: sách Thi-thiên được in vào: (1) 1828 do Ilarion, (2) 1832 do Vamvas, (3) 1643 do Julianus. “Cựu Ước” được in vào: (4) 1840 do Vamvas

Nữ Hoàng Olga

[Nguồn tư liệu]

Kinh Thánh: National Library of Greece; Nữ Hoàng Olga: Culver Pictures

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Giấy chỉ thảo: Reproduced by kind permission of The Trustees of the Chester Beatty Library, Dublin

[Nguồn tư liệu nơi trang 29]

Giấy chỉ thảo: Reproduced by kind permission of The Trustees of the Chester Beatty Library, Dublin