Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Đấng Christ cần có nhau

Tín đồ Đấng Christ cần có nhau

Tín đồ Đấng Christ cần có nhau

“Chúng ta làm chi-thể cho nhau”.—Ê-PHÊ-SÔ 4:25.

1. Một cuốn bách khoa tự điển nói gì về cơ thể con người?

CƠ THỂ con người là một kỳ quan của sự sáng tạo! Cuốn Bách khoa tự điển thế giới (Anh ngữ) nói: “Đôi khi người ta gọi cơ thể con người là một cỗ máy—loại tuyệt hảo nhất từng được chế tạo ra. Dĩ nhiên, cơ thể con người không phải là cái máy. Nhưng nó có thể được so sánh với máy móc trong nhiều phương diện. Giống như một cỗ máy, cơ thể gồm nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận trong cơ thể, cũng như mỗi bộ phận trong một cái máy, có những chức năng riêng. Nhưng tất cả các bộ phận đều làm việc với nhau, nhờ đó giúp cơ thể hay cỗ máy hoạt động tốt”.

2. Hội thánh tín đồ Đấng Christ và cơ thể con người có điểm tương đồng nào?

2 Thật vậy, cơ thể con người có nhiều phần, hay bộ phận, và mỗi bộ phận thực hiện một nhiệm vụ cần thiết. Không có một mạch máu, cơ bắp, hay phần nào trong cơ thể là vô dụng. Tương tự như thế, mỗi thành viên trong hội thánh tín đồ Đấng Christ đều có thể đóng góp phần nào vào sức khỏe và vẻ đẹp thiêng liêng của hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 12:14-26) Mặc dù không ai trong hội thánh nên cho mình cao hơn người khác, nhưng cũng không ai nên tự xem mình là không quan trọng.—Rô-ma 12:3.

3. Ê-phê-sô 4:25 cho thấy các tín đồ Đấng Christ cần có nhau như thế nào?

3 Như các phần trong cơ thể lệ thuộc vào nhau, tín đồ Đấng Christ cũng cần có nhau. Sứ đồ Phao-lô bảo những anh em đồng đạo được xức dầu bằng thánh linh: “Mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân-cận mình, vì chúng ta làm chi-thể cho nhau”. (Ê-phê-sô 4:25) Vì họ “làm chi-thể cho nhau”, nên các thành viên của nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng—“thân-thể Đấng Christ”—luôn nói thật và hợp tác chặt chẽ với nhau. Thật thế, mỗi người trong họ là một chi thể của tất cả những người còn lại. (Ê-phê-sô 4:11-13) Sung sướng được kết hợp với họ là những tín đồ Đấng Christ với hy vọng sống trên đất có tính thành thật và sẵn sàng hợp tác.

4. Người mới có thể được giúp đỡ qua những cách nào?

4 Mỗi năm, có đến hàng ngàn người có hy vọng sống trong địa đàng được làm báp têm. Những thành viên khác trong hội thánh vui mừng giúp họ “tấn-tới sự trọn-lành”. (Hê-bơ-rơ 6:1-3) Sự giúp đỡ này có thể bao gồm việc giải đáp các thắc mắc về Kinh Thánh hay hỗ trợ thiết thực trong thánh chức. Chúng ta còn có thể giúp người mới bằng cách nêu gương tham gia đều đặn vào các buổi họp tín đồ Đấng Christ. Khi họ đau buồn, chúng ta có thể khuyến khích hoặc an ủi. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14, 15) Chúng ta nên tìm cách giúp người khác “[“tiếp tục”, NW] làm theo lẽ thật”. (3 Giăng 4) Dù trẻ hay già, mới bắt đầu bước đi trong lẽ thật hay đã bước đi từ nhiều năm rồi, chúng ta đều có thể góp phần mang lại lợi ích thiêng liêng của anh em đồng đức tin—và họ thật sự cần chúng ta.

Họ mang lại sự giúp đỡ cần thiết

5. A-qui-la và Bê-rít-sin đã tỏ ra hữu ích cho Phao-lô như thế nào?

5 Các cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ nằm trong số những người tìm được sự thỏa lòng qua việc giúp đỡ anh em đồng đức tin. Chẳng hạn, A-qui-la và vợ ông là Bê-rít-sin (Bơ-rít-ca) đã giúp đỡ sứ đồ Phao-lô. Họ đã mời ông về nhà, làm việc may lều chung với ông, và giúp ông xây dựng hội thánh mới ở Cô-rinh-tô. (Công-vụ 18:1-4) Qua cách nào đó không được nói rõ, họ thậm chí còn liều mạng vì Phao-lô. Khi họ đang sống ở Rô-ma, Phao-lô đã bảo các tín đồ Đấng Christ ở đó: “Hãy chào Bê-rít-sin và A-qui-la, kẻ cùng làm việc với tôi trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là hai người liều chết để cứu sự sống tôi; ấy chẳng những một mình tôi tạ ơn hai người, nhưng cả các Hội-thánh của dân ngoại nữa”. (Rô-ma 16:3, 4) Giống như A-qui-la và Bê-rít-sin, một số tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng xây dựng hội thánh và giúp đỡ anh em đồng đức tin qua nhiều cách, có khi còn liều mình để các tôi tớ khác của Đức Chúa Trời khỏi rơi vào bàn tay tàn bạo hoặc giết chóc của những kẻ bắt bớ.

6. A-bô-lô nhận được sự giúp đỡ nào?

6 A-qui-la và Bê-rít-sin còn giúp A-bô-lô, một tín đồ Đấng Christ có tài hùng biện đang dạy dân thành Ê-phê-sô về Chúa Giê-su Christ. Lúc đó, A-bô-lô chỉ biết phép báp têm của Giăng tượng trưng cho sự ăn năn tội lỗi nghịch lại giao ước Luật Pháp. Nhận thấy A-bô-lô cần được giúp đỡ thêm, A-qui-la và Bê-rít-sin đã “giãi-bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ-lưỡng hơn nữa”. Rất có thể họ đã giải thích cho ông hiểu phép báp têm của tín đồ Đấng Christ bao hàm việc trầm người trong nước và nhận lãnh sự ban cho thánh linh. A-bô-lô học rất nhanh. Sau đó ở A-chai, “người được nhờ ơn Đức Chúa Trời mà bổ-ích cho kẻ đã tin theo. Vì người hết sức bẻ-bác người Giu-đa giữa thiên-hạ, lấy Kinh-thánh mà bày-tỏ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ”. (Công-vụ 18:24-28) Những lời bình luận của anh em đồng đức tin thường có thể giúp nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về Lời Đức Chúa Trời. Về phương diện này, chúng ta cũng cần có nhau.

Giúp đỡ vật chất

7. Tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp đã phản ứng thế nào khi anh em đồng đức tin cần sự giúp đỡ vật chất?

7 Các thành viên của hội thánh Phi-líp đã yêu quý Phao-lô và gửi cho ông những đồ dùng cần thiết trong thời gian ông ở Tê-sa-lô-ni-ca. (Phi-líp 4:15, 16) Khi các anh em ở Giê-ru-sa-lem cần sự giúp đỡ vật chất, anh em thành Phi-líp đã tỏ ra sẵn sàng đóng góp, thậm chí vượt cả khả năng của họ. Phao-lô đã biết ơn tinh thần cao thượng của các anh chị em thành Phi-líp đến độ ông nói về họ như một tấm gương cho các anh em đồng đức tin khác noi theo.—2 Cô-rinh-tô 8:1-6.

8. Ép-ba-phô-đích biểu lộ tinh thần nào?

8 Khi Phao-lô bị cầm tù, anh em thành Phi-líp không chỉ gửi quà mà còn cử người đại diện là Ép-ba-phô-đích tới giúp ông. Phao-lô nói: “Ấy là vì công-việc của Đấng Christ mà [Ép-ba-phô-đích] đã gần chết, liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi”. (Phi-líp 2:25-30; 4:18) Chúng ta không được biết Ép-ba-phô-đích có phải là trưởng lão hay tôi tớ thánh chức hay không. Nhưng ông là một tín đồ Đấng Christ đầy tinh thần hy sinh và giúp đỡ, và Phao-lô thật sự cần ông. Có ai giống như Ép-ba-phô-đích trong hội thánh bạn không?

Họ là “sự giúp đỡ trợ lực”

9. A-ri-tạc nêu gương mẫu nào cho chúng ta?

9 Những anh chị đầy lòng yêu thương như A-qui-la, Bê-rít-sin và Ép-ba-phô-đích rất được quý trọng trong hội thánh. Một số anh em đồng đức tin của chúng ta có thể rất giống tín đồ A-ri-tạc vào thế kỷ thứ nhất. Ông và một số người khác đã là “sự giúp đỡ trợ lực”, có thể là nguồn an ủi hoặc trợ giúp trong những việc hết sức căn bản, thiết thực. (Cô-lô-se 4:10, 11, NW) Bằng cách giúp đỡ Phao-lô, A-ri-tạc đã tỏ ra là người bạn chân chính trong lúc khó khăn. Ông là mẫu người được nói đến nơi Châm-ngôn 17:17: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. Chẳng phải tất cả chúng ta đều nên cố gắng trở thành “sự giúp đỡ trợ lực” cho các anh em đồng đức tin sao? Đặc biệt chúng ta nên giúp đỡ những anh em gặp hoạn nạn.

10. Phi-e-rơ nêu gương mẫu nào cho các trưởng lão tín đồ Đấng Christ?

10 Các trưởng lão tín đồ Đấng Christ cần đặc biệt giúp đỡ trợ lực cho anh em thiêng liêng. Đấng Christ bảo sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy làm cho vững chí anh em mình”. (Lu-ca 22:32) Phi-e-rơ có thể làm điều đó vì ông thể hiện những đức tính mạnh mẽ, vững chắc như đá, đặc biệt là sau khi Chúa Giê-su sống lại. Hỡi các trưởng lão, bằng mọi cách hãy cố gắng làm điều tương tự một cách sẵn lòng và mềm mại, vì anh em đồng đức tin cần các anh.—Công-vụ 20:28-30; 1 Phi-e-rơ 5:2, 3.

11. Chúng ta được lợi ích nào khi xem xét thái độ tinh thần của Ti-mô-thê?

11 Ti-mô-thê, bạn đồng hành của Phao-lô, là một trưởng lão hết lòng quan tâm đến các tín đồ Đấng Christ khác. Mặc dù có vài vấn đề về sức khỏe, Ti-mô-thê vẫn bày tỏ đức tin vững chắc và ‘cùng với Phao-lô phục vụ Tin Mừng’. Bởi thế, sứ đồ có thể nói với anh em thành Phi-líp: “Tôi không có ai như người đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em”. (Phi-líp 2:20, 22, Tòa Tổng Giám Mục; 1 Ti-mô-thê 5:23; 2 Ti-mô-thê 1:5) Chúng ta có thể là một ân phước cho những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va nếu thể hiện tinh thần như Ti-mô-thê. Đành rằng chúng ta phải chịu đựng những yếu đuối của chính con người chúng ta và những thử thách khác, nhưng chúng ta vẫn có thể, và nên, biểu lộ đức tin vững chắc và sự quan tâm yêu thương đến anh chị em thiêng liêng. Chúng ta nên luôn nhớ rằng họ cần chúng ta.

Những phụ nữ quan tâm đến người khác

12. Chúng ta học được gì từ gương mẫu của Đô-ca?

12 Một trong những phụ nữ tin kính hay quan tâm đến người khác là Đô-ca. Khi bà chết, các môn đồ mời Phi-e-rơ đến và dẫn ông lên một căn gác. Tại đó, “hết thảy các đàn-bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo-xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho”. Đô-ca được làm cho sống lại và chắc chắn lại tiếp tục “làm nhiều việc lành và hay bố-thí”. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng có những chị như Đô-ca, có thể may vá hoặc làm những việc đầy yêu thương khác cho những người thiếu thốn. Dĩ nhiên, việc lành của họ chủ yếu nhằm đẩy mạnh lợi ích Nước Trời và tham gia công việc đào tạo môn đồ.—Công-vụ 9:36-42; Ma-thi-ơ 6:33; 28:19, 20.

13. Ly-đi đã bày tỏ sự quan tâm đến anh em tín đồ Đấng Christ như thế nào?

13 Một phụ nữ kính sợ Đức Chúa Trời có tên là Ly-đi cũng quan tâm đến người khác. Quê ở Thi-a-ti-rơ, bà sinh sống ở thành Phi-líp khi Phao-lô đến đó rao giảng vào khoảng năm 50 CN. Ly-đi có thể là một người ngoại theo đạo Do Thái, nhưng có thể vì có quá ít người Do Thái nên không có nhà hội tại thành Phi-líp. Bà và một số phụ nữ ngoan đạo khác đang tập hợp bên một bờ sông để thờ phượng khi sứ đồ đến rao truyền tin mừng cho họ. Lời tường thuật cho biết: “Chúa mở lòng cho [Ly-đi], đặng chăm-chỉ nghe lời Phao-lô nói. Khi người đã chịu phép báp-têm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung-thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào”. (Công-vụ 16:12-15) Vì muốn làm điều tốt cho người khác, nên Ly-đi đã thuyết phục được Phao-lô và các bạn đồng hành của ông nghỉ lại nhà bà. Chúng ta thật biết ơn xiết bao khi các anh em tín đồ Đấng Christ ân cần và yêu thương ngày nay cũng bày tỏ lòng hiếu khách như thế!—Rô-ma 12:13; 1 Phi-e-rơ 4:9.

Các bạn trẻ, chúng tôi cũng cần các bạn

14. Chúa Giê-su đối xử thế nào với người trẻ?

14 Hội thánh tín đồ Đấng Christ bắt đầu với người Con đầy nhiệt tình và nhân hậu của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ. Người ta cảm thấy thoải mái ở bên ngài vì ngài có lòng yêu thương và trắc ẩn. Có lần khi một số người bắt đầu đưa con trẻ đến với Chúa Giê-su, các môn đồ ngài đã cố đuổi họ về. Nhưng Chúa Giê-su nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ”. (Mác 10:13-15) Muốn nhận được những ân phước Nước Trời, chúng ta phải khiêm nhường và dễ dạy như con trẻ. Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu thương đối với trẻ thơ bằng cách ôm chúng vào lòng và ban phước cho chúng. (Mác 10:16) Còn các bạn trẻ ngày nay thì sao? Hãy tin chắc rằng hội thánh yêu mến và cần các bạn.

15. Sự kiện nào về cuộc đời Chúa Giê-su được ghi lại nơi Lu-ca 2:40-52, và ngài nêu gương mẫu nào cho những người trẻ?

15 Khi còn là thiếu niên, Chúa Giê-su đã tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Lúc 12 tuổi, ngài cùng cha mẹ, là Giô-sép và Ma-ri, đi từ quê nhà ở Na-xa-rét lên thành Giê-ru-sa-lem mừng Lễ Vượt Qua. Trên đường về, cha mẹ Chúa Giê-su phát hiện ra ngài không cùng đi với đoàn. Cuối cùng, họ tìm thấy ngài đang ngồi lắng nghe và đặt câu hỏi cho các thầy dạy luật Do Thái trong một căn phòng ở đền thờ. Ngạc nhiên vì Giô-sép và Ma-ri đã không biết phải tìm ngài ở đâu, Chúa Giê-su hỏi: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Sau đó, ngài trở về với cha mẹ, vâng phục họ, ngày càng lớn và khôn ngoan. (Lu-ca 2:40-52, TTGM) Chúa Giê-su nêu một gương mẫu tốt biết bao cho những người trẻ của chúng ta! Chắc chắn họ nên vâng lời cha mẹ và chú tâm học hỏi những điều thiêng liêng.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:16; Ê-phê-sô 6:1-3.

16. (a) Một số cậu bé đã hô vang điều gì khi Chúa Giê-su làm chứng tại đền thờ? (b) Các tín đồ trẻ của Đấng Christ ngày nay có đặc ân nào?

16 Là người trẻ, có lẽ bạn đã làm chứng về Đức Giê-hô-va tại trường học và khi đi rao giảng với cha mẹ từ nhà này sang nhà kia. (Ê-sai 43:10-12; Công-vụ 20:20, 21) Khi Chúa Giê-su đang làm chứng và chữa bệnh tại đền thờ ít lâu trước khi chết, một số cậu bé đã hô vang: “Hô-sa-na con vua Đa-vít!” Tức giận trước điều đó, các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo phản đối: “Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không?” Chúa Giê-su trả lời: “Có. Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi-khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao?” (Ma-thi-ơ 21:15-17) Như các em trẻ đó, các bạn trẻ trong hội thánh có đặc ân lớn để ngợi khen Đức Chúa Trời và Con Ngài. Chúng tôi mong muốn và cần có các bạn bên cạnh trong công việc rao truyền Nước Trời.

Khi có nghịch cảnh

17, 18. (a) Tại sao Phao-lô tổ chức quyên góp cho các tín đồ Đấng Christ ở Giu-đê? (b) Những sự đóng góp tình nguyện cho anh em Giu-đê có tác động nào trên tín đồ gốc Do Thái và gốc Dân Ngoại?

17 Dù hoàn cảnh chúng ta thế nào, chúng ta đều được tình yêu thương thúc đẩy giúp đỡ các anh em tín đồ Đấng Christ gặp thiếu thốn. (Giăng 13:34, 35; Gia-cơ 2:14-17) Chính vì yêu thương anh chị em ở xứ Giu-đê, Phao-lô đã tổ chức quyên góp cho họ tại các hội thánh ở A-chai, Ga-la-ti, Ma-xê-đoan và miền Tiểu Á. Sự bắt bớ, nội chiến và nạn đói mà các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem gặp phải có lẽ đã dẫn đến điều mà Phao-lô gọi là “sự đau-đớn”, “gian-nan” và “chịu của-cải mình bị cướp”. (Hê-bơ-rơ 10:32-34; Công-vụ 11:27–12:1) Vì thế, ông đã giám sát việc gây quỹ trợ giúp các tín đồ nghèo ở Giu-đê.—1 Cô-rinh-tô 16:1-3; 2 Cô-rinh-tô 8:1-4, 13-15; 9:1, 2, 7.

18 Sự đóng góp tình nguyện cho các thánh đồ ở Giu-đê chứng tỏ có tình anh em gắn bó giữa những người thờ phượng Đức Giê-hô-va gốc Do Thái và gốc Dân Ngoại. Việc gửi đồ cứu trợ cũng giúp các tín đồ gốc Dân Ngoại bày tỏ lòng biết ơn đối với anh em ở Giu-đê về những sự dạy dỗ thiêng liêng họ mang lại. Như vậy, họ chia sẻ với nhau cả về vật chất lẫn thiêng liêng. (Rô-ma 15:26, 27) Ngày nay, việc đóng góp cho các anh em đồng đức tin thiếu thốn cũng là do tự nguyện và được thúc đẩy bởi lòng yêu thương. (Mác 12:28-31) Chúng ta cũng cần nhau về phương diện này để có sự san sẻ, hầu “kẻ thâu ít cũng chẳng thiếu chi”.—2 Cô-rinh-tô 8:15.

19, 20. Hãy nêu một ví dụ cho thấy cách dân Đức Giê-hô-va cung cấp sự trợ giúp khi có hoạn nạn.

19 Nhận thức được tín đồ Đấng Christ cần có nhau, chúng ta nhanh chóng cứu giúp anh chị em đồng đức tin. Chẳng hạn, hãy xem điều gì đã xảy ra khi những trận động đất và lở đất tai hại tàn phá El Salvador vào đầu năm 2001. Một bản báo cáo ghi: “Anh em trên khắp đất nước El Salvador đã ra sức nỗ lực cứu trợ. Nhiều nhóm anh em từ Guatemala, Hoa Kỳ và Canada cũng đến giúp một tay... Hơn 500 ngôi nhà và 3 Phòng Nước Trời khang trang đã được xây cất chỉ trong một thời gian ngắn. Sự chăm chỉ và hợp tác giữa những anh em đầy tinh thần hy sinh này đã tạo nên một sự làm chứng lớn”.

20 Một báo cáo ở Nam Phi nói: “Những trận lụt khủng khiếp tàn phá phần lớn đất nước Mozambique cũng gây thiệt hại cho nhiều anh em tín đồ Đấng Christ. Chi nhánh ở Mozambique đã sắp xếp để chăm sóc cho hầu hết các nhu cầu của họ. Tuy nhiên, các anh tại chi nhánh yêu cầu chúng tôi gửi quần áo cũ còn tốt cho các anh chị thiếu thốn ở đó. Chúng tôi đã quyên góp và gửi một thùng hàng dài 12 mét đầy quần áo đến cho anh em Mozambique”. Thật thế, chúng ta cũng cần có nhau trong những việc này.

21. Điều gì sẽ được xem xét trong bài tiếp theo?

21 Như đã nói ở trên, tất cả các phần trong cơ thể con người đều quan trọng. Điều đó chắc chắn cũng đúng với hội thánh tín đồ Đấng Christ. Tất cả các thành viên trong hội thánh đều cần có nhau. Họ cũng cần tiếp tục phụng sự trong sự hợp nhất. Bài tiếp theo sẽ xem xét một số yếu tố giúp thực hiện điều đó.

Bạn trả lời thế nào?

• Có sự tương đồng nào giữa cơ thể con người và hội thánh tín đồ Đấng Christ?

• Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã phản ứng thế nào khi anh em đồng đức tin cần sự giúp đỡ?

• Một số gương nào trong Kinh Thánh cho thấy tín đồ Đấng Christ cần có nhau và giúp đỡ lẫn nhau?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

A-qui-la và Bê-rít-sin quan tâm đến người khác

[Các hình nơi trang 12]

Dân Đức Giê-hô-va giúp đỡ lẫn nhau và giúp người khác trong nghịch cảnh