Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một nhiệm sở giáo sĩ trở thành quê hương chúng tôi

Một nhiệm sở giáo sĩ trở thành quê hương chúng tôi

Tự Truyện

Một nhiệm sở giáo sĩ trở thành quê hương chúng tôi

DO DICK WALDRON KỂ LẠI

Đó là một chiều Chủ Nhật tháng 9 năm 1953. Chúng tôi là những người mới đến xứ Tây Nam Phi Châu (nay là Namibia). Chúng tôi ở đó chưa đầy một tuần và sắp điều khiển một buổi họp công cộng ở thủ đô Windhoek. Điều gì đã khiến chúng tôi từ nước Úc đến vùng đất Phi Châu này? Vợ chồng tôi cùng với ba phụ nữ trẻ nữa là những giáo sĩ đến đây rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 24:14.

CUỘC SỐNG của tôi bắt đầu ở nước Úc, một miền đất xa xôi, vào một năm đặc biệt đáng nhớ, năm 1914. Thời niên thiếu của tôi trùng với Thời Kỳ Khủng Hoảng Kinh Tế, nên tôi phải phụ giúp gia đình tìm kế sinh nhai. Không có việc làm, nhưng tôi nghĩ ra cách săn thỏ rừng, loài thú có rất nhiều ở nước Úc. Vì thế, một trong những đóng góp chính của tôi vào thực đơn của gia đình là thịt thỏ.

Vào thời Thế Chiến II bùng nổ, năm 1939, tôi xoay xở kiếm được việc làm trên xe điện và xe buýt ở thành phố Melbourne. Có khoảng 700 người đàn ông làm việc theo ca trên các tuyến xe buýt, mỗi ca tôi gặp một tài xế hoặc một người bán vé khác nhau. Tôi thường hỏi họ: “Anh đạo gì?” và nghe họ giải thích niềm tin của mình. Chỉ một người trả lời thỏa mãn những câu hỏi của tôi là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh ấy dựa vào Kinh Thánh giải thích cho tôi về một địa đàng, nơi những người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ sống mãi mãi.—Thi-thiên 37:29.

Trong khi đó, mẹ tôi cũng tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va. Thường thường, khi tôi làm ca về trễ thì phần thức ăn để dành cho tôi được kèm theo một tạp chí An Ủi (nay là Tỉnh Thức!). Những điều tôi đọc được rất có sức lôi cuốn. Với thời gian, tôi nhận ra đây là tôn giáo thật. Tôi kết hợp với hội thánh và làm báp têm vào tháng 5 năm 1940.

Có khoảng 25 Nhân Chứng Giê-hô-va truyền giáo trọn thời gian sống trong một nhà dành cho người tiên phong ở Melbourne. Tôi dọn đến đó sống với họ. Ngày này qua ngày khác, tôi nghe họ kể những kinh nghiệm hào hứng trong việc rao giảng, và nảy sinh ước muốn được gia nhập hàng ngũ của họ. Cuối cùng, tôi nộp đơn xin làm tiên phong. Tôi được chấp nhận và được mời đến phụng sự tại văn phòng chi nhánh ở Úc của Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì vậy tôi trở thành thành viên của gia đình Bê-tên.

Tù đày và cấm đoán

Một trong những nhiệm vụ của tôi ở nhà Bê-tên là điều hành một xưởng cưa. Ở đó, chúng tôi đốn cây và hầm than để làm nhiên liệu. Nhiên liệu này dùng cho xe cộ tại chi nhánh vì tình trạng khan hiếm xăng dầu do chiến tranh. Có 12 người làm việc tại xưởng cưa, tất cả đều bị cưỡng bách gia nhập quân đội. Không lâu sau, chúng tôi bị kết án sáu tháng tù vì làm theo Kinh Thánh, từ chối đi quân dịch. (Ê-sai 2:4) Chúng tôi bị đưa vào một nông trại dùng làm nhà tù khổ sai. Họ bắt chúng tôi làm gì? Thật ngạc nhiên, chúng tôi phải đốn cây, cùng công việc mà chúng tôi được huấn luyện ở nhà Bê-tên!

Chúng tôi đốn cây rất giỏi nên giám đốc trại giam cho phép chúng tôi có một cuốn Kinh Thánh và nhận ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, bất kể lệnh cấm. Chính trong thời gian này tôi học được một bài học bổ ích về tình người. Khi tôi còn làm việc ở nhà Bê-tên, có một anh tôi không thể hòa thuận được. Chỉ vì cá tính của chúng tôi khác hẳn nhau. Và bạn có biết ai là người cùng xà lim với tôi không? Đúng vậy, chính anh ấy. Bây giờ chúng tôi thực sự có thời gian để hiểu nhau, và kết quả là chúng tôi phát triển một tình bạn thân thiết vững bền.

Với thời gian, công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Úc bị cấm đoán. Tất cả ngân quỹ đều bị tịch thu, tài chính của anh em ở nhà Bê-tên rất eo hẹp. Vào dịp nọ, một anh đến gặp tôi và nói: “Anh Dick, tôi muốn đi làm chứng trên phố, nhưng tôi không có giày, chỉ có ủng”. Tôi vui lòng giúp anh ấy, và anh ta ra phố bằng đôi giày của tôi.

Sau đó, chúng tôi nghe tin anh ấy bị bắt vào tù vì rao giảng. Tôi không thể không gửi cho anh lời nhắn ngắn gọn: “Thật đáng tiếc cho anh. Tôi mừng là đã không mang giày của mình”. Nhưng không lâu sau, tôi cũng bị bắt bỏ tù lần thứ hai vì sự trung lập của tôi. Sau khi được thả ra, tôi được phân công điều hành nông trại cung cấp lương thực cho gia đình Bê-tên. Đến lúc đó chúng tôi đã thắng kiện, và Nhân Chứng Giê-hô-va không còn bị cấm hoạt động nữa.

Kết hôn với một người sốt sắng rao giảng tin mừng

Khi ở nông trại đó, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về hôn nhân và chú ý đến một chị tiên phong trẻ, Coralie Clogan. Bà ngoại của Coralie là người đầu tiên trong gia đình chú ý đến thông điệp Kinh Thánh. Lúc hấp hối bà nói với Vera, mẹ của Coralie: “Hãy nuôi nấng con cái yêu mến và phụng sự Đức Chúa Trời; một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau ở Địa Đàng”. Sau đó, một người tiên phong gõ cửa nhà Vera với ấn phẩm Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết (Anh ngữ), bà bắt đầu hiểu những lời đó. Sách nhỏ đó khiến Vera tin rằng ý định của Đức Chúa Trời là muốn nhân loại vui hưởng sự sống trong địa đàng. (Khải-huyền 21:4) Vera làm báp têm vào đầu thập niên 1930, vì được mẹ khuyến khích, bà giúp ba người con gái—Lucy, Jean và Coralie—phát triển tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cha của Coralie kịch liệt chống đối việc gia đình ông chú ý đến lẽ thật, đúng như Chúa Giê-su đã cảnh báo là có thể xảy ra trong gia đình.—Ma-thi-ơ 10:34-36.

Gia đình Clogan có khiếu về âm nhạc; mỗi người con chơi một nhạc cụ. Coralie chơi đàn vi-ô-lông, vào năm 1939, ở tuổi 15, cô được cấp bằng về âm nhạc. Thế Chiến II bùng nổ khiến Coralie suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình. Đã đến lúc để cô quyết định sẽ dùng đời sống mình như thế nào. Một mặt, cô có khả năng theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Cô đã được mời vào chơi cho Dàn Nhạc Giao Hưởng ở Melbourne. Mặt khác, cô cũng có khả năng dành thời gian làm công việc cao quý là rao truyền thông điệp Nước Trời. Sau khi đắn đo suy nghĩ, Coralie và hai người chị làm báp têm vào năm 1940 và chuẩn bị bước vào công việc truyền giáo trọn thời gian.

Không lâu sau khi quyết định làm thánh chức trọn thời gian, Coralie được gặp một anh có trách nhiệm trong chi nhánh ở Úc, anh Lloyd Barry, sau này là một thành viên trong Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh vừa nói diễn văn ở Melbourne xong và nói với Coralie: “Tôi sắp về nhà Bê-tên đây. Tại sao chị không về cùng chuyến xe lửa với tôi và gia nhập gia đình Bê-tên?” Cô ấy vui lòng nhận lời.

Coralie và các chị khác của gia đình Bê-tên đóng một vai trò trọng yếu trong việc cung cấp ấn phẩm giải thích Kinh Thánh cho anh em ở Úc trong suốt những năm bị cấm đoán vì chiến tranh. Thực vậy họ làm hầu hết công việc in ấn, dưới sự giám sát của anh Malcolm Vale. Sách Thế giới mới Trẻ em (cả hai đều bằng Anh ngữ) được in và đóng bìa, không thiếu một tạp chí Tháp Canh nào trong suốt hơn hai năm bị cấm đoán.

Chúng tôi phải dời nhà in khoảng 15 lần để tránh cảnh sát. Có lần, ấn phẩm giải thích Kinh Thánh được in dưới tầng hầm một tòa nhà được ngụy trang bằng công việc in ấn một loại ấn phẩm khác. Chị làm việc ở quầy tiếp tân có thể nhấn nút cho chuông rung ở tầng hầm khi có bất cứ nguy hiểm nào đe dọa, để các chị dưới đó có thể giấu ấn phẩm trước khi có ai kiểm tra.

Trong một lần bị kiểm tra, một số chị hoảng hốt khi thấy một cuốn Tháp Canh nằm sờ sờ trên bàn trước mắt mọi người. Viên cảnh sát bước vào, đặt cái cặp ngay trên cuốn Tháp Canh và bắt đầu lục soát. Không tìm thấy gì, ông ta xách cặp ra về!

Sau khi lệnh cấm bị hủy bỏ và tài sản được hoàn trả lại cho anh em, nhiều anh nhận được cơ hội ra ngoài làm tiên phong đặc biệt. Đó là lúc Coralie tình nguyện đi Glen Innes. Tôi dọn đến đó với Coralie khi chúng tôi kết hôn vào ngày 1-1-1948. Khi chúng tôi rời nhiệm sở, một hội thánh mạnh đã được thành lập ở đó.

Nhiệm sở kế tiếp của chúng tôi là Rockhampton, nhưng chúng tôi không tìm đâu ra chỗ ở. Vì thế chúng tôi dựng lều trên một mảnh đất trống trong nông trại của một người chú ý. Đó là nhà của chúng tôi trong chín tháng kế tiếp. Lẽ ra chúng tôi còn sống ở đó lâu hơn, nhưng khi mùa mưa đến, một cơn bão nhiệt đới xé tan căn lều, và những trận mưa lớn cuốn phăng nó đi. *

Chuyển tới nhiệm sở hải ngoại

Khi ở Rockhampton, chúng tôi nhận được thư mời tham dự khóa 19 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh huấn luyện giáo sĩ. Đó là cách chúng tôi được phái đến xứ mà dạo ấy có tên là Tây Nam Châu Phi sau khi tốt nghiệp vào năm 1952.

Hàng giáo phẩm các đạo xưng theo Đấng Christ lập tức bày tỏ thái độ đối với công việc truyền giáo của chúng tôi. Mỗi Chủ Nhật trong sáu tuần liên tiếp, trên bục giảng, họ cảnh báo, kêu gọi giáo dân đừng mở cửa và không để chúng tôi đọc Kinh Thánh, vì điều đó có thể làm giáo dân rối trí. Tại một vùng nọ, chúng tôi phát một số ấn phẩm, nhưng vị mục sư vùng đó theo chúng tôi từ nhà này sang nhà kia thu gom sách báo chúng tôi đã phân phát. Một ngày kia, chúng tôi có dịp thảo luận trong thư phòng của mục sư đó và nhận thấy rằng ông ta đã sưu tầm được khá nhiều sách của chúng tôi.

Sau đó không lâu chính quyền địa phương cũng bắt đầu chú ý đến những hoạt động của chúng tôi. Chắc chắn do sự xúi giục của hàng giáo phẩm, họ nghi ngờ chúng tôi có quan hệ với Cộng Sản. Vì vậy chúng tôi bị lấy dấu tay và một số người được chúng tôi thăm viếng đã bị chất vấn. Bất chấp mọi chống đối này, số người tham dự các buổi họp của chúng tôi đều đặn gia tăng.

Từ lúc đầu, chúng tôi đã nung nấu ước muốn rao truyền thông điệp Kinh Thánh cho các thổ dân bản địa Ovambo, Herero và Nama. Tuy nhiên điều này không dễ. Thời đó, vùng Tây Nam Phi Châu nằm dưới quyền cai trị của chính phủ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Vì là người da trắng, chúng tôi không được phép làm chứng ở vùng người da đen sinh sống nếu không có giấy phép của chính phủ. Thỉnh thoảng chúng tôi nộp đơn lại, nhưng nhà cầm quyền vẫn một mực từ chối cấp giấy phép.

Sau hai năm ở nhiệm sở nước ngoài, một điều bất ngờ đến với chúng tôi. Coralie mang thai. Và con gái Charlotte của chúng tôi chào đời vào tháng 10 năm 1955. Dù không thể tiếp tục làm giáo sĩ nữa, tôi tìm được một việc làm bán thời gian, và tiếp tục tham gia công việc tiên phong trong một thời gian.

Lời cầu nguyện của chúng tôi được nhậm

Vào năm 1960 chúng tôi đương đầu với một thử thách khác. Coralie nhận được thư báo tin mẹ cô bệnh nặng và nếu không về nhà, có thể cô sẽ không bao giờ gặp lại mẹ nữa. Vì thế chúng tôi thu xếp rời Tây Nam Phi Châu để dọn về Úc. Rồi lại có chuyện xảy ra—trong chính tuần lễ chúng tôi sắp ra đi, tôi nhận được giấy phép của chính quyền địa phương đồng ý cho chúng tôi vào địa phận Katutura của người da đen. Chúng tôi phải làm gì đây? Trả lại tờ giấy phép sau bảy năm đấu tranh để có được nó sao? Cũng dễ dàng lý luận rằng người khác có thể tiếp tục công việc dở dang của chúng tôi. Nhưng chẳng phải đây là ân phước đến từ Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi sao?

Tôi nhanh chóng quyết định một mình tôi ở lại vì e rằng sự đấu tranh để được thường trú có nguy cơ hoài công nếu cả ba chúng tôi trở về Úc. Ngày hôm sau, tôi bỏ vé tàu đã đặt trước cho tôi và tiễn biệt Coralie cùng Charlotte về Úc trên một chuyến nghỉ hè dài.

Trong lúc hai mẹ con vắng mặt, tôi bắt đầu làm chứng cho cư dân ở địa phận người da đen. Có rất nhiều người chú ý. Khi Coralie và Charlotte trở lại, một số người thuộc địa phận da đen đã bắt đầu tham dự các buổi họp của chúng tôi.

Lúc đó tôi có một xe hơi cũ để chở những người chú ý đi nhóm họp. Mỗi buổi nhóm, tôi chạy bốn hoặc năm chuyến chở mỗi lần bảy, tám hoặc chín người. Khi người cuối cùng xuống xe, Coralie thường hỏi đùa tôi: “Anh chở thêm bao nhiêu người dưới ghế xe vậy?”

Để có thể hữu hiệu hơn trong công việc rao giảng, chúng tôi cần có ấn phẩm bằng ngôn ngữ của dân bản địa. Vì thế tôi có đặc ân sắp xếp để giấy nhỏ Đời sống trong một thế giới mới được dịch sang bốn thứ tiếng địa phương: Herero, Nama, Ndonga, và Kwanyama. Phiên dịch viên là những người trí thức đang học hỏi Kinh Thánh với chúng tôi, nhưng tôi phải cùng làm việc với họ để bảo đảm là mỗi câu họ dịch đều đúng nghĩa. Nama là ngôn ngữ có số từ vựng hạn chế. Chẳng hạn, tôi cố truyền đạt ý: “Lúc đầu A-đam là người hoàn toàn”. Người dịch gãi đầu nói anh không nhớ nổi từ “hoàn toàn” bằng tiếng Nama là gì. Cuối cùng, anh thốt lên: “Tôi nghĩ ra rồi, lúc đầu A-đam giống như một quả đào chín”.

Thỏa lòng với xứ sở được chỉ định

Khoảng 49 năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi đặt chân đến đất nước này, nay là Namibia. Chúng tôi không cần phải xin giấy phép để vào cộng đồng da đen nữa. Nước Namibia được một chính phủ dựa trên hiến pháp không phân biệt chủng tộc cai trị. Ngày nay, ở Windhoek có bốn hội thánh lớn nhóm họp trong những Phòng Nước Trời tiện nghi.

Chúng tôi thường nghĩ đến những lời được nghe ở Trường Ga-la-át: “Hãy biến nhiệm sở hải ngoại thành quê hương của mình”. Qua cách Đức Giê-hô-va giải quyết những vấn đề, chúng tôi tin chắc rằng việc biến miền đất này thành quê hương chúng tôi là ý muốn của Ngài. Chúng tôi dần dần yêu thương các anh em cũng như những nền văn hóa đa dạng đầy thú vị của họ. Chúng tôi chia sẻ với họ mọi niềm vui và nỗi buồn. Một số người mới mà chúng tôi đã từng nhét đầy trên chiếc xe của tôi để chở đến các buổi nhóm nay phụng sự như những rường cột trong hội thánh. Khi chúng tôi đến vùng đất rộng lớn này vào năm 1953, có dưới mười người công bố địa phương rao giảng tin mừng. Từ sự khởi đầu nhỏ bé này, số người công bố nay lên đến 1.200 người. Trung thành với lời hứa của Ngài, Đức Giê-hô-va làm lớn lên những nơi mà chúng tôi và những người khác đã ‘trồng và tưới’.—1 Cô-rinh-tô 3:6.

Khi hồi tưởng nhiều năm phụng sự đã qua, thời gian đầu ở Úc và bây giờ ở Namibia, Coralie và tôi cảm thấy vô cùng thỏa lòng. Chúng tôi hy vọng và cầu xin Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban sức mạnh cho chúng tôi để thực thi ý muốn của Ngài bây giờ và mãi mãi.

[Chú thích]

^ đ. 22 Lời tường thuật ly kỳ, khuyết danh về cách hai anh chị Waldron kiên trì gánh vác nhiệm sở khó khăn này được đăng trong tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-12-1952, trang 707, 708.

[Hình nơi trang 26, 27]

Chuyển tới nhiệm sở mới ở Rockhampton, nước Úc

[Hình nơi trang 27]

Ở bến tàu trên đường tới Trường Ga-la-át

[Hình nơi trang 28]

Công việc làm chứng ở Namibia mang lại cho chúng tôi nhiều niềm vui