Những gì Giô-suê nhớ được
Những gì Giô-suê nhớ được
“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA nói: “Môi-se, tôi-tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân-sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên”. (Giô-suê 1:2) Giô-suê sắp phải chu toàn một công việc gay go biết bao! Trước đó ông từng phò tá Môi-se ngót 40 năm. Giờ đây ông được lệnh kế vị bậc chỉ huy của mình và hướng dẫn con cái Y-sơ-ra-ên thường xuyên khó trị vào Đất Hứa.
Khi nghĩ đến những gì ông sẽ phải đối phó, có lẽ Giô-suê chợt nhanh chóng liên tưởng đến những thử thách ông đã gặp và vượt qua được. Những điều Giô-suê nhớ chắc chắn là một sự trợ giúp quý báu đối với ông thời bấy giờ, và cũng có thể quý báu đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay.
Từ nô lệ đến chỉ huy trưởng
Trong ký ức của Giô-suê hẳn phải có những năm tháng dài làm nô lệ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:13, 14; 2:23) Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng những gì Giô-suê đã từng trải trong giai đoạn đó, vì Kinh Thánh không cho biết thêm chi tiết. Có lẽ Giô-suê đã tập làm một nhà tổ chức tài ba trong thời kỳ phục vụ ở Ai Cập, và ông có thể đã giúp điều động người Hê-bơ-rơ và “vô-số người ngoại-bang” ra khỏi xứ ấy.—Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38.
Gia đình Giô-suê thuộc chi phái Ép-ra-im. Ông nội ông, Ê-li-sa-ma, là quan trưởng chi phái và dường như đã thống lĩnh 108.100 binh lính của một trong những cánh quân phối hợp gồm ba chi phái Y-sơ-ra-ên. (Dân-số Ký 1:4, 10, 16; 2:18-24; 1 Sử-ký 7:20, 26, 27) Thế nhưng, khi dân A-ma-léc tấn công ít lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Môi-se lại điều động Giô-suê tổ chức phòng bị. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8, 9a) Tại sao lại là Giô-suê, mà không phải ông nội hay cha của Giô-suê? Một ý kiến là: “Với tư cách quan trưởng của chi phái quan trọng Ép-ra-im, và tài tổ chức của ông đã từng được biết đến và được dân chúng hoàn toàn tin cậy, [Giô-suê] được Môi-se chọn làm chỉ huy trưởng thích hợp nhất để điều binh”.
Dù sao chăng nữa, khi được chọn, Giô-suê làm y theo mệnh lệnh của Môi-se. Dù dân Y-sơ-ra-ên không thạo việc chinh chiến, Giô-suê tin chắc nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Vậy khi Môi-se nói với ông: “Ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay”, thế là đủ cho Giô-suê tin rồi. Giô-suê hẳn đã nhớ lại rằng Đức Giê-hô-va vừa tiêu diệt quân lực hùng hậu nhất thời bấy giờ. Ngày hôm sau, khi Môi-se giơ tay lên và giữ cao hai tay cho đến khi mặt trời lặn, không có kẻ thù nào chống cự nổi dân Y-sơ-ra-ên, và dân A-ma-léc thua trận cả thể. Rồi Đức Giê-hô-va ra lệnh Môi-se viết vào một cuốn sách và “nói cho Giô-suê biết” phán quyết của Đức Chúa Trời: “Ta sẽ bôi sạch kỷ-niệm về A-ma-léc trong thiên-hạ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:9b-14) Đúng, Đức Giê-hô-va nhất định sẽ thi hành bản án ấy.
Phò tá Môi-se
Kinh nghiệm tranh chiến với dân A-ma-léc hẳn đã thắt chặt một mối quan hệ mật thiết hơn giữa Giô-suê và Môi-se. Giô-suê được vinh hạnh phò tá hoặc làm “người hầu việc” riêng cho Môi-se “từ thời niên thiếu” cho đến lúc Môi-se chết, khoảng 40 năm.—Dân-số Ký 11:28; Nguyễn Thế Thuấn.
Chức vụ ấy đi kèm theo đặc ân và trách nhiệm. Chẳng hạn, khi Môi-se, A-rôn, các con trai A-rôn và 70 trưởng lão Y-sơ-ra-ên lên Núi Si-na-i và ngắm xem sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va trong một sự hiện thấy, có thể Giô-suê cũng có mặt. Với vai trò phò tá, ông tháp tùng Môi-se lên núi và dường như đứng xa xa nhìn Môi-se vào trong đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Điều đáng chú ý là dường như Giô-suê ở trên núi 40 ngày và 40 đêm. Ông đã trung thành chờ đợi vị chỉ huy trở xuống, vì khi Môi-se bắt đầu đi xuống, tay cầm hai bảng chứng, Giô-suê có mặt ở đó để đón Môi-se.—Xuất Ê-díp-tô Ký 24:1, 2, 9-18; 32:15-17.
Sau vụ dân Y-sơ-ra-ên phạm tội thờ bò vàng, Giô-suê tiếp tục phò tá Môi-se trong Trại Hội Mạc ở ngoài trại quân. Ở đó Đức Giê-hô-va nói chuyện với Môi-se mặt đối mặt. Nhưng khi Môi-se trở về trại quân, Giô-suê “không ra khỏi Trại”. Có lẽ Giô-suê cần phải túc trực tại chỗ hầu ngăn cản dân Y-sơ-ra-ên đang ở trong tình trạng ô uế đi vào trại. Quả Giô-suê xem trọng trách nhiệm ấy làm sao!—Xuất Ê-díp-tô Ký 33:7, 11.
Theo sử gia Josephus, Môi-se lớn hơn Giô-suê những 35 tuổi. Hẳn việc thân cận với Môi-se đã
củng cố đức tin của Giô-suê rất nhiều. Mối quan hệ giữa họ đã được gọi là “sự tiếp cận giữa người thuần thục với người trẻ tuổi, giữa thầy với trò”, nhờ đó Giô-suê trở thành “một người kiên quyết, đáng tin cậy”. Ngày nay, tuy không có những nhà tiên tri giống như Môi-se ở giữa chúng ta, nhưng trong hội thánh của dân sự Đức Giê-hô-va cũng có những người lớn tuổi giàu kinh nghiệm và thiêng liêng tính tạo nguồn sức lực và an ủi thật sự. Bạn có quý trọng họ không? Bạn có đang hưởng lợi ích qua việc gần gũi với họ không?Do thám đất Ca-na-an
Một sự kiện rất quan trọng xảy ra trong đời của Giô-suê ít lâu sau khi Y-sơ-ra-ên nhận lãnh Luật Pháp. Ông được chọn làm người đại diện cho chi phái của mình đi do thám Đất Hứa. Câu chuyện này được nhiều người biết đến. Tất cả 12 người do thám đều đồng ý rằng quả thật đất ấy “đượm sữa và mật”, y như Đức Giê-hô-va đã hứa. Tuy nhiên, mười người thiếu đức tin sợ rằng Y-sơ-ra-ên khó lòng đuổi hết dân cư đang ở ra khỏi xứ đó. Chỉ có Giô-suê và Ca-lép khuyên dân sự chớ sợ cũng đừng làm phản, vì Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ ở với họ. Nghe đến đó, cả hội chúng phản đối và toan ném đá hai người. Có lẽ họ hẳn đã ra tay rồi nếu như Đức Giê-hô-va không kịp thời can thiệp bằng cách thể hiện sự vinh quang của Ngài. Vì thiếu đức tin, dân Y-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời phạt và những nam đinh Y-sơ-ra-ên được ghi vào sổ bộ từ 20 tuổi sấp lên không được vào xứ Ca-na-an. Trong lứa tuổi đó, chỉ có Giô-suê, Ca-lép và những người Lê-vi được sống sót.—Dân-số Ký 13:1-16, 25-29; 14:6-10, 26-30.
Chẳng phải là tất cả dân Y-sơ-ra-ên đã chứng kiến những việc phi thường của Đức Giê-hô-va ở Ai Cập hay sao? Vậy điều gì đã giúp Giô-suê có đức tin nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong khi đa số dân chúng hồ nghi? Giô-suê hẳn nhớ rõ tất cả những gì Đức Giê-hô-va đã hứa và làm, và ông suy ngẫm về điều đó. Nhiều năm sau ông đã có thể nói rằng ‘chẳng có một lời nào trong các lời lành Đức Giê-hô-va đã phán cùng Y-sơ-ra-ên sai hết, thảy đều ứng-nghiệm’. (Giô-suê 23:14) Vậy Giô-suê đặt đức tin rằng tất cả những lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai chắc chắn cũng sẽ thành tựu. (Hê-bơ-rơ 11:6) Điều này nên thúc đẩy một người tự hỏi: ‘Còn tôi thì sao? Những nỗ lực tôi dành ra để học hỏi và suy ngẫm về những lời hứa của Đức Giê-hô-va có thuyết phục tôi tin cậy nơi những lời đó không? Tôi có tin rằng Đức Chúa Trời có thể che chở tôi cùng với dân sự của Ngài trong hoạn nạn lớn sắp tới không?’
Giô-suê không chỉ thực hành đức tin mà lại còn biểu lộ nghị lực nữa. Chỉ có ông và Ca-lép đứng về phía Đức Giê-hô-va, còn cả hội chúng muốn ném đá họ. Nếu là họ, bạn cảm thấy thế nào? Run sợ ư? Giô-suê thì không. Ông và Ca-lép kiên quyết nói ra những cảm nghĩ của họ. Lòng trung thành với Đức Giê-hô-va có thể đòi hỏi chúng ta cũng làm như thế ngày nay.
Câu chuyện về những người do thám cũng cho chúng ta biết rằng tên của Giô-suê đã được đổi. Môi-se đã thêm một vần vào tên nguyên thủy của ông, Hô-sê, nghĩa là “Sự cứu rỗi”, để thành Giê-hô-sua, hoặc Giô-suê có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”, vì vần “Giê-hô” là một phần của danh Giê-hô-va. Bản Septuagint dịch tên ông là “Giê-su”. (Dân-số Ký 13:8, 16) Xứng đáng với danh cao quý ấy, Giô-suê dạn dĩ công bố rằng Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi. Không phải Môi-se do ngẫu hứng mà đổi tên cho Giô-suê. Điều đó phản ánh lòng quý trọng của Môi-se đối với bản tính của Giô-suê và xứng hợp với đặc ân của Giô-suê trong vai trò hướng dẫn thế hệ mới vào Đất Hứa.
Khi ông cha của họ dần dần chết hết, người Y-sơ-ra-ên đi lang thang trong đồng vắng khoảng 40 năm nhọc nhằn. Chúng ta không biết gì cả về Giô-suê trong khoảng thời gian ấy. Tuy nhiên, ông hẳn đã học được nhiều điều. Rất có thể ông đã chứng kiến sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram cùng đồng bọn của họ và những kẻ lao đầu vào cuộc thờ cúng Ba-anh Phê-ô đồi trụy. Chắc hẳn Giô-suê rất buồn khi hay tin rằng chính Môi-se cũng không được vào Đất Hứa vì không tôn vinh Đức Giê-hô-va trong vụ nước Mê-ri-ba.—Dân-số Ký 16:1-50; 20:9-13; 25:1-9.
Được bổ nhiệm làm người kế vị Môi-se
Khi gần chết, Môi-se xin Đức Chúa Trời bổ nhiệm người kế vị ông hầu Y-sơ-ra-ên không trở nên “chiên không người chăn”. Đức Giê-hô-va đáp sao? Giô-suê, “người có Thần cảm-động”, được lệnh trình diện trước cả hội chúng. Dân sự phải nghe người. Thật là một sự đề bạt xứng đáng! Đức Giê-hô-va đã nhìn thấy đức tin và khả năng của Giô-suê. Việc lãnh đạo dân tộc Y-sơ-ra-ên không thể được giao phó cho người nào khác ngoài Giô-suê tài ba. (Dân-số Ký 27:15-20) Thế nhưng, Môi-se biết Giô-suê đương đầu với những khó khăn to tát. Vì vậy Môi-se khuyên người kế vị mình “hãy vững lòng bền chí”, vì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ở cùng người.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:7, 8.
Chính Đức Chúa Trời lặp lại lời khuyến khích này với Giô-suê và Ngài nói thêm: “[Hãy] cẩn-thận làm theo hết thảy luật-pháp mà Môi-se, tôi-tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh-vượng. Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong con đường mình, và mới được phước. Ta há không có phán-dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run-sợ, chớ kinh-khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi”.—Giô-suê 1:7-9.
Với những lời của Đức Giê-hô-va văng vẳng bên tai và qua kinh nghiệm bản thân đã tích lũy, làm sao Giô-suê lại có thể nghi ngờ được? Chắc chắn ông sẽ chinh phục được đất đai. Dĩ nhiên, sẽ có khó khăn, và khó khăn đầu tiên là vượt qua Sông Giô-đanh đang mùa nước lũ hẳn không phải là khó khăn nhỏ nhặt nhất trong số đó. Thế nhưng, chính Đức Giê-hô-va ra lệnh: “Hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh”. Thế thì còn vấn đề nào nữa đâu?—Giô-suê 1:2.
Những sự kiện kế tiếp trong cuộc đời Giô-suê—cuộc chinh phục thành Giê-ri-cô, từ từ đánh đuổi kẻ thù và chia đất—cho thấy ông không bao giờ quên những lời hứa của Đức Chúa Trời. Lúc sắp qua đời, khi Đức Giê-hô-va khiến cho những kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên để cho họ được yên ổn, Giô-suê triệu tập dân chúng lại để duyệt qua những cách Đức Chúa Trời đối xử với họ và khuyên họ hết lòng hầu việc Ngài. Kết quả là dân Y-sơ-ra-ên long trọng nhắc lại giao ước với Đức Giê-hô-va, và chắc chắn cảm động trước gương mẫu đầy khích lệ của người lãnh đạo họ, “Y-sơ-ra-ên phục-sự Đức Giê-hô-va trọn lúc sanh-tiền của Giô-suê”.—Giô-suê 24:16, 31.
Giô-suê cung cấp một gương mẫu tốt lành cho chúng ta. Ngày nay tín đồ Đấng Christ đối phó với nhiều thử thách đức tin. Vượt qua thử thách một cách thành công là trọng yếu để tiếp tục được Đức Giê-hô-va chấp nhận và cuối cùng thừa hưởng lời hứa của Ngài. Sự thành công của Giô-suê tùy thuộc nơi đức tin mạnh mẽ của ông. Đành rằng chúng ta không thấy những việc phi thường của Đức Giê-hô-va như Giô-suê đã từng chứng kiến, nhưng nếu có ai đó nghi ngờ, cuốn sách mang tên Giô-suê cung cấp lời chứng mục kích về tính chất đáng tin cậy của lời Đức Giê-hô-va. Giống như Giô-suê, chúng ta được bảo đảm là sẽ có được sự khôn ngoan và thành công nếu đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và cẩn thận làm theo.
Đôi khi bạn có bị hạnh kiểm của anh em tín đồ làm mình đau lòng không? Hãy nghĩ đến sự chịu đựng của Giô-suê trong suốt 40 năm khi phải lang thang trong đồng vắng với những người đồng hành thiếu đức tin, dù chính ông không có lỗi gì để gánh chịu hình phạt đó. Bạn có thấy khó lòng bênh vực đức tin của mình không? Hãy nhớ lại những gì Giô-suê và Ca-lép đã làm. Nhờ đức tin và sự vâng lời, họ nhận lãnh một phần thưởng đích đáng. Đúng, Giô-suê thật sự có đức tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ làm tất cả những lời hứa của Ngài được thành tựu. Mong rằng chúng ta cũng tin như thế.—Giô-suê 23:14.
[Hình nơi trang 10]
Giô-suê và Ca-lép tin tưởng nơi quyền năng của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 10]
Việc thân cận với Môi-se đã củng cố đức tin của Giô-suê
[Hình nơi trang 10]
Sự lãnh đạo của Giô-suê khơi dậy trong lòng dân sự ước muốn gắn bó với Đức Giê-hô-va