Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vui thích việc học hỏi cá nhân về Lời Đức Chúa Trời

Vui thích việc học hỏi cá nhân về Lời Đức Chúa Trời

Vui thích việc học hỏi cá nhân về Lời Đức Chúa Trời

“[Tôi] cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”.—THI-THIÊN 77:12.

1, 2. (a) Tại sao chúng ta phải dành ra thì giờ để suy ngẫm? (b) “Suy ngẫm” và “ngẫm nghĩ” có nghĩa gì?

LÀ MÔN ĐỒ Chúa Giê-su Christ, chúng ta nên quan tâm sâu xa đến mối quan hệ với Đức Chúa Trời và lý do phụng sự Ngài. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người sống cuồng sống vội đến độ không dành chút thời gian nào để suy ngẫm. Họ hoàn toàn bị cuốn hút vào một lối sống duy vật triền miên, khuyến khích tiêu thụ và mua vui rỗng tuếch. Làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào một nếp sống hư không như thế? Giống như việc dành ra thì giờ nhất định mỗi ngày cho những hoạt động cần thiết như ăn và ngủ, chúng ta cũng phải dành thì giờ mỗi ngày để suy ngẫm về những hoạt động và cách đối xử của Đức Giê-hô-va.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3; Ma-thi-ơ 4:4.

2 Bạn có bao giờ dừng lại để suy ngẫm không? Suy ngẫm có nghĩa gì? Một tự điển định nghĩa từ này là hướng ý tưởng của một người về: trầm ngâm hoặc ngẫm nghĩ về. Và từ “ngẫm nghĩ” có nghĩa là “suy nghĩ kỹ và sâu sắc”, “đắn đo tính toán một cách sâu xa, thấm thía, nghĩ thật thấm, nghĩ ngợi suy tính, đắn đo”. Điều này có nghĩa gì đối với chúng ta?

3. Việc tiến bộ về mặt thiêng liêng liên quan chặt chẽ với điều gì?

3 Trước hết, điều đó nên nhắc nhở chúng ta về những gì sứ đồ Phao-lô viết cho bạn đồng sự là Ti-mô-thê: “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ, cho đến chừng ta đến... Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”. Đúng vậy, Ti-mô-thê cần tiến bộ và tấn tới và những lời của Phao-lô cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa việc chuyên lo, ngẫm nghĩ về những điều thiêng liêng và sự tiến bộ. Ngày nay cũng thế, muốn được thỏa lòng nhờ tiến bộ thiêng liêng, chúng ta vẫn còn phải “săn-sóc chuyên-lo”, ngẫm nghĩ về những điều liên quan đến Lời Đức Chúa Trời.—1 Ti-mô-thê 4:13-15.

4. Bạn có thể dùng những công cụ nào để giúp bạn đều đặn ngẫm nghĩ về Lời Đức Giê-hô-va?

4 Thời điểm thuận tiện nhất cho bạn suy ngẫm tùy thuộc vào bạn và thói quen của gia đình. Nhiều người ngẫm nghĩ về một câu Kinh Thánh vào buổi sáng sớm khi họ đọc sách nhỏ Tra xem Kinh Thánh mỗi ngày. Thật vậy, có khoảng 20.000 người làm việc tình nguyện trong các nhà Bê-tên trên khắp thế giới bắt đầu ngày sinh hoạt của họ bằng cách xem xét đoạn Kinh Thánh của ngày trong 15 phút. Dù mỗi buổi sáng chỉ có một ít người trong gia đình Bê-tên được đặc ân nói lời bình luận, những người khác trong gia đình ngẫm nghĩ về những gì được đọc và nghe. Những Nhân Chứng khác ngẫm nghĩ về Lời Đức Giê-hô-va trên đường đi đến sở làm bằng cách nghe Kinh Thánh và hai tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! được thu băng cassette có trong một số ngôn ngữ. Nhiều người nội trợ nghe các băng này trong khi làm việc nhà. Quả thật, họ noi gương người viết Thi-thiên A-sáp khi ông nói: “Tôi sẽ nhắc lại công-việc của Đức Giê-hô-va, nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa; cũng sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”.—Thi-thiên 77:11, 12.

Thái độ đúng đem lại kết quả tốt

5. Tại sao việc học hỏi cá nhân phải là điều quan trọng đối với chúng ta?

5 Trong kỷ nguyên hiện đại khuyến khích xem truyền hình, video, ngồi trước máy vi tính, nhiều người không còn ham thích đọc sách nữa. Chắc chắn đối với Nhân Chứng Giê-hô-va thì không phải vậy. Xét cho cùng, việc đọc Kinh Thánh cũng giống như huyết mạch để bắt liên lạc với Đức Giê-hô-va. Cách đây hàng ngàn năm, Giô-suê kế vị Môi-se làm người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên. Muốn nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va, Giô-suê đã phải tự đọc Lời Đức Chúa Trời. (Giô-suê 1:8; Thi-thiên 1:1, 2) Ngày nay, vẫn cần phải làm như thế. Tuy nhiên, vì có trình độ học vấn giới hạn nên nhiều người có thể không đọc rành hoặc thấy việc đọc sách là chuyện khó nhọc. Vậy điều gì có thể giúp chúng ta ham muốn đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời? Câu trả lời có thể được tìm thấy nơi Châm-ngôn 2:1-6 ghi lại lời của Vua Sa-lô-môn. Xin hãy mở quyển Kinh Thánh của bạn và đọc những câu này, rồi chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận.

6. Chúng ta nên có thái độ nào đối với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

6 Trước hết, chúng ta thấy có lời khuyên nhủ này: “Hỡi con, nếu con tiếp-nhận lời ta, dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng...”. (Châm-ngôn 2:1, 2) Chúng ta học được gì qua những lời này? Rằng mỗi người chúng ta có trách nhiệm cá nhân liên quan đến việc học. Hãy lưu ý mệnh đề phụ chỉ điều kiện “nếu con tiếp-nhận lời ta”. Từ “nếu” ở đây được nhấn mạnh vì đại đa số nhân loại không chú ý đến Lời Đức Chúa Trời. Muốn tìm thấy niềm vui trong việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời, chúng ta phải sẵn lòng tiếp nhận lời Đức Giê-hô-va và xem đó là kho báu mà chúng ta không muốn mất. Chúng ta chớ bao giờ để cho những công việc hàng ngày làm chúng ta quá bận rộn hoặc chểnh mảng đến độ bắt đầu thờ ơ đối với Lời Đức Chúa Trời, ngay cả nghi ngờ nữa.—Rô-ma 3:3, 4.

7. Mỗi khi có thể được, tại sao chúng ta nên có mặt và lắng nghe tại các buổi họp đạo Đấng Christ?

7 Chúng ta có thật sự “lắng tai” nghe kỹ khi Lời Đức Chúa Trời được giải thích ở các buổi họp đạo Đấng Christ không? (Ê-phê-sô 4:20, 21) Chúng ta có “chuyên lòng” hầu thu thập sự thông sáng không? Có lẽ diễn giả không phải là người có nhiều kinh nghiệm nhất, nhưng khi đang giảng Lời Đức Chúa Trời, anh ấy đáng cho chúng ta lưu tâm. Dĩ nhiên, để “lắng tai” nghe sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải có mặt ở các buổi họp đạo Đấng Christ, mỗi khi có thể đi được. (Châm-ngôn 18:1) Hãy thử tưởng tượng sự thất vọng của những ai đã vắng mặt khi có buổi họp trong căn phòng trên lầu ở Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN! Dù các buổi họp của chúng ta không kỳ diệu như buổi họp lúc bấy giờ, nhưng Kinh Thánh, sách giáo khoa cơ bản của chúng ta, được thảo luận ở đó. Vậy, mỗi buổi họp có thể là một ân phước cho chúng ta nếu chúng ta chăm chú lắng nghe và mở Kinh Thánh theo dõi.—Công-vụ 2:1-4; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

8, 9. (a) Việc học hỏi cá nhân đòi hỏi gì nơi chúng ta? (b) Bạn so sánh thế nào giữa giá trị của vàng và giá trị của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

8 Những lời kế tiếp của vị vua khôn ngoan là: “Nếu con kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng...”. (Châm-ngôn 2:3) Những lời này truyền đạt cho chúng ta thái độ hoặc tinh thần nào? Dĩ nhiên, đó là ước muốn thiết tha muốn hiểu Lời Đức Giê-hô-va! Những lời ấy bao hàm một sự sẵn lòng muốn học để thu thập sự thông sáng, để nhận ra ý muốn của Đức Giê-hô-va là gì. Dĩ nhiên, làm thế đòi hỏi nỗ lực, và điều này dẫn chúng ta đến những lời kế tiếp và minh họa của Sa-lô-môn.—Ê-phê-sô 5:15-17.

9 Ông nói tiếp: “Nếu con tìm nó như tiền-bạc, và kiếm nó như bửu-vật ẩn-bí...”. (Châm-ngôn 2:4) Điều này làm chúng ta nghĩ đến thành tích khai thác mỏ của người ta qua hàng bao thế kỷ để tìm cái được gọi là quý kim bằng bạc và vàng. Người ta giết nhau vì vàng. Những người khác bỏ cả cuộc đời để tìm vàng. Nhưng vàng thật sự có giá trị gì? Nếu bị lạc trong sa mạc và sắp chết vì khát, bạn chọn cái nào hơn: một thỏi vàng hay một ly nước? Thế mà người ta đã ráo riết sốt sắng tìm vàng, với giá trị giả tạo và bấp bênh của nó! * Chúng ta càng nên sốt sắng hơn biết bao để tìm kiếm sự khôn ngoan, thông sáng và hiểu biết về Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài! Nhưng việc tìm kiếm đó đem lại những lợi ích nào?—Thi-thiên 19:7-10; Châm-ngôn 3:13-18.

10. Chúng ta có thể tìm thấy gì nếu học hỏi Lời Đức Chúa Trời?

10 Sa-lô-môn diễn thuyết tiếp: “Bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. (Châm-ngôn 2:5) Thật là một ý tưởng đáng kinh ngạc—những người đầy tội lỗi như chúng ta mà lại có thể tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”, Đức Giê-hô-va, Chúa Tối Thượng của vũ trụ! (Thi-thiên 73:28; Công-vụ 4:24) Trải qua hàng bao thế kỷ, những triết gia và những người mệnh danh là nhà thông thái của thế gian đã cố tìm hiểu những sự huyền bí của sự sống và của vũ trụ. Tuy nhiên, họ đã không tìm được “điều tri-thức của Đức Chúa Trời”. Tại sao? Dù sự hiểu biết này từ nhiều thiên niên kỷ nay đã có sẵn trong Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, nhưng họ cho đó là quá giản dị nên không chấp nhận và không lĩnh hội.—1 Cô-rinh-tô 1:18-21.

11. Đâu là một số lợi ích của việc học hỏi cá nhân?

11 Sa-lô-môn nêu ra ở đây một động lực khác: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng”. (Châm-ngôn 2:6) Đức Giê-hô-va rộng lượng ban sự khôn ngoan, hiểu biết và thông sáng một cách miễn phí cho những người sẵn lòng tìm kiếm. Chắc chắn chúng ta có mọi lý do để quý chuộng việc học hỏi cá nhân về Lời Đức Chúa Trời, ngay cả nếu cần phải nỗ lực, kỷ luật và hy sinh. Ít ra chúng ta còn có những cuốn Kinh Thánh in sẵn và không cần phải chép tay, như một số người thời xưa đã làm!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18, 19.

Bước đi xứng đáng với Đức Giê-hô-va

12. Chúng ta nên có động cơ nào trong việc theo đuổi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

12 Chúng ta nên có động cơ nào khi học hỏi cá nhân? Để tỏ vẻ tốt hơn người khác chăng? Để phô trương sự hiểu biết hơn người? Để trở thành những cuốn bách khoa tự điển sống về Kinh Thánh? Không. Mục đích của chúng ta là muốn trở thành những người sống, nói năng và thực hành đạo Đấng Christ, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trong tinh thần nâng đỡ của Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Sứ đồ Phao-lô răn: “Sự hay-biết sanh kiêu-căng, còn sự yêu-thương làm gương tốt”. (1 Cô-rinh-tô 8:1) Do vậy, chúng ta nên có thái độ khiêm nhường mà Môi-se đã biểu lộ khi nói với Đức Giê-hô-va: “Xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13) Đúng vậy, chúng ta nên ước muốn có sự hiểu biết để làm hài lòng Đức Chúa Trời, chứ không phải để gây ấn tượng đối với loài người. Chúng ta muốn làm tôi tớ khiêm nhường, xứng đáng của Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta có thể đạt đến mục tiêu ấy?

13. Một người cần phải làm gì mới trở thành tôi tớ xứng đáng của Đức Chúa Trời?

13 Phao-lô khuyên Ti-mô-thê về cách làm hài lòng Đức Chúa Trời, ông nói: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”. (2 Ti-mô-thê 2:15) Cụm từ “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy” đến từ động từ ghép Hy Lạp có nghĩa nguyên thủy là “cắt cho ngay ngắn” hoặc ‘cắt thẳng’. (Kingdom Interlinear) Theo ý một số người, điều này gợi lên ý nghĩ về một người thợ may cắt vải theo một kiểu mẫu, một người nông dân cày thẳng luống, v.v... Dù sao, thành quả sau cùng phải đúng, phải thẳng hàng. Điểm nêu ra ở đây là để làm một tôi tớ xứng đáng và được Đức Chúa Trời chấp nhận, Ti-mô-thê đã phải “chuyên tâm” làm hết sức mình để chắc chắn rằng sự dạy dỗ và hạnh kiểm của ông phù hợp với lời lẽ thật.—1 Ti-mô-thê 4:16.

14. Việc học hỏi cá nhân nên ảnh hưởng thế nào đến hành động và lời nói của chúng ta?

14 Phao-lô cũng nêu lên điểm đó khi khuyên anh em tín đồ Đấng Christ ở Cô-lô-se “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường” bằng cách “nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”. (Cô-lô-se 1:10) Ở đây Phao-lô liên kết sự kiện xứng đáng với Đức Giê-hô-va với việc “nẩy ra đủ các việc lành” cũng như “càng thêm lên trong sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”. Nói cách khác, điều quan trọng đối với Đức Giê-hô-va không phải chỉ là chúng ta quý trọng sự hiểu biết bao nhiêu mà còn theo sát Lời Đức Chúa Trời đến độ nào trong hành động và lời nói của chúng ta. (Rô-ma 2:21, 22) Điều này có nghĩa là việc học hỏi cá nhân của chúng ta phải ảnh hưởng đến tư tưởng và hạnh kiểm nếu muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời.

15. Chúng ta có thể che chở và kiểm soát tâm trí và ý tưởng của chúng ta bằng cách nào?

15 Ngày nay, Sa-tan rắp tâm hủy diệt thiêng liêng tính của chúng ta bằng cách tạo ra sự tranh chiến trong tâm trí chúng ta. (Rô-ma 7:14-25) Do vậy, chúng ta phải bảo vệ và kiểm soát tâm trí và những ý tưởng của mình hầu tỏ ra xứng đáng với Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chúng ta. Vũ khí của chúng ta là “sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”, có khả năng “bắt hết các ý-tưởng làm tôi vâng-phục Đấng Christ”. Điều này cho chúng ta thêm lý do để chú ý đến việc học hỏi Kinh Thánh hàng ngày, vì chúng ta muốn loại bỏ những tư tưởng ích kỷ, xác thịt ra khỏi tâm trí.—2 Cô-rinh-tô 10:5.

Những sự giúp đỡ để hiểu

16. Chúng ta có thể hưởng lợi ích thế nào khi Đức Giê-hô-va dạy dỗ chúng ta?

16 Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va đem lại lợi ích thiêng liêng và thể chất. Đấy không phải là thuyết thần học vô vị và trừu tượng. Chúng ta đọc: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”. (Ê-sai 48:17) Đức Giê-hô-va khiến chúng ta bước đi trong đường lối hữu ích của Ngài bằng cách nào? Trước hết, chúng ta có cuốn Kinh Thánh, Lời được soi dẫn của Ngài. Đây là sách giáo khoa cơ bản, mà chúng ta luôn luôn tham khảo. Đó là lý do tại sao chúng ta nên luôn luôn mở Kinh Thánh theo dõi ở các buổi họp đạo Đấng Christ. Kết quả hữu ích của việc làm thế có thể được thấy qua lời tường thuật về hoạn quan Ê-thi-ô-bi, ghi nơi Công-vụ chương 8.

17. Điều gì đã xảy ra trong trường hợp hoạn quan Ê-thi-ô-bi, và điều này cho thấy gì?

17 Hoạn quan Ê-thi-ô-bi là người nhập đạo Do Thái. Ông là một người thành thật tin nơi Đức Chúa Trời, và ông tìm hiểu Kinh Thánh. Khi ông đang ngồi trên cỗ xe đọc sách Ê-sai, Phi-líp theo kịp đến bên xe và hỏi: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?” Hoạn quan trả lời ra sao? “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được? Người bèn mời Phi-líp lên xe ngồi kề bên”. Rồi dưới sự hướng dẫn của thánh linh, Phi-líp giúp hoạn quan hiểu lời tiên tri Ê-sai. (Công-vụ 8:27-35) Điều này cho thấy gì? Rằng việc chúng ta tự đọc Kinh Thánh chưa đủ. Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va dùng lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan để giúp chúng ta hiểu Lời Ngài vào đúng lúc. Điều này được thực hiện như thế nào?—Ma-thi-ơ 24:45-47; Lu-ca 12:42.

18. Lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan giúp đỡ chúng ta như thế nào?

18 Dù lớp đầy tớ được gọi là “trung-tín và khôn-ngoan”, nhưng Chúa Giê-su không nói họ không bao giờ nhầm lẫn. Nhóm anh em trung thành được xức dầu này gồm có những tín đồ Đấng Christ bất toàn. Dù có ý rất tốt, họ có thể nhầm lẫn, như những người sống trong thế kỷ thứ nhất thỉnh thoảng đã nhầm lẫn vậy. (Công-vụ 10:9-15; Ga-la-ti 2:8, 11-14) Tuy nhiên, động cơ của họ trong sạch, và Đức Giê-hô-va đang dùng họ để cung cấp cho chúng ta những ấn phẩm giúp hiểu Kinh Thánh nhằm vun đắp đức tin của chúng ta nơi Lời Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài. Công cụ cơ bản mà lớp đầy tớ cung cấp cho chúng ta để học hỏi cá nhân là Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới. Ngày nay, bản dịch này có trong 42 thứ tiếng, toàn bộ hay từng phần, và 114 triệu cuốn trong nhiều ấn bản đã được in ấn. Chúng ta có thể sử dụng hữu hiệu bản dịch này trong việc học hỏi cá nhân như thế nào?—2 Ti-mô-thê 3:14-17.

19. Một số đặc điểm nào của Bản dịch Thế Giới Mới có tham khảo có thể giúp ích cho việc học hỏi cá nhân?

19 Chẳng hạn, hãy xem Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới có tham khảo (Anh ngữ). Kinh Thánh này có những cột tham khảo ở giữa trang, cước chú, một bảng tra cứu từ ngữ Kinh Thánh dưới hình thức “Bảng liệt kê từ ngữ Kinh Thánh” và “Bảng liệt kê các từ ngữ trong cước chú”, và một phần Phụ Lục gồm 43 đề tài, kể cả bản đồ và biểu đồ. Cũng có phần “Mở đầu”, giải thích nhiều nguồn của bản dịch Kinh Thánh đặc sắc này. Nếu Kinh Thánh này có trong ngôn ngữ mà bạn hiểu được, bằng mọi giá bạn nên quen thuộc với những đặc điểm này và sử dụng nó. Dù sao chăng nữa, Kinh Thánh là khởi điểm cho chương trình học hỏi của chúng ta, và Bản dịch Thế Giới Mới là một bản dịch nhấn mạnh đúng mức danh Đức Chúa Trời khi nêu bật sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 149:1-9; Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:9, 10.

20. Bây giờ những câu hỏi nào về việc học hỏi cá nhân cần được trả lời?

20 Bây giờ, chúng ta có thể hỏi: ‘Chúng ta cần có thêm sự giúp đỡ nào khác để hiểu Kinh Thánh? Làm sao chúng ta có thể dành ra thì giờ để học hỏi cá nhân? Làm sao chúng ta có thể học hỏi hữu hiệu hơn? Việc học hỏi của chúng ta nên ảnh hưởng người khác như thế nào?’ Bài kế tiếp sẽ xem xét những khía cạnh trọng yếu này qua sự tiến bộ của chúng ta với tư cách là tín đồ Đấng Christ.

[Chú thích]

^ đ. 9 Từ năm 1979 giá vàng lên xuống thất thường giữa mức cao nhất là 1.028 Mỹ kim một lượng vào năm 1980 và mức thấp nhất là 306 Mỹ kim một lượng vào năm 1999.

Bạn có nhớ không?

• “Suy ngẫm” và “ngẫm nghĩ” có nghĩa gì?

• Chúng ta nên có thái độ nào đối với việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời?

• Chúng ta nên có động cơ nào trong việc học hỏi cá nhân?

• Chúng ta có những công cụ nào giúp hiểu Kinh Thánh?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Những thành viên gia đình Bê-tên nhận thấy bắt đầu mỗi ngày bằng việc xem xét một đoạn Kinh Thánh làm vững mạnh về thiêng liêng

[Các hình nơi trang 15]

Có thể tận dụng thì giờ quý báu bằng cách nghe Kinh Thánh được thu băng cassette khi đi đường

[Hình nơi trang 16]

Người ta đào bới vất vả và mất nhiều giờ để tìm vàng. Bạn nỗ lực nhiều đến đâu để học hỏi Lời Đức Chúa Trời?

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of California State Parks, 2002

[Các hình nơi trang 17]

Kinh Thánh là một kho báu có thể dẫn đến sự sống đời đời