Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bày tỏ sự trìu mến trong gia đình

Bày tỏ sự trìu mến trong gia đình

Bày tỏ sự trìu mến trong gia đình

“DÁM đốt à! Đốt đi!” Đó là lời Tohru thách thức Yoko, vợ mình. * “Tôi đốt cho mà xem”, Yoko đáp lại và bật que diêm đốt hình hai người chụp chung. Rồi chị gắt lên: “Đốt nhà luôn cho mà biết!” Tohru đáp lại bằng cách bạt tai vợ, chấm dứt cuộc cãi cọ một cách hung bạo.

Ba năm trước đó, Tohru và Yoko đã bắt đầu cuộc sống lứa đôi thật hạnh phúc. Vậy chuyện gì đã xảy ra cho họ? Mặc dù Tohru trông có vẻ vui vẻ, dễ mến, nhưng vợ anh lại cho rằng anh không bày tỏ sự trìu mến đối với chị và ít khi nào quan tâm đến cảm xúc của chị. Anh dường như không biết đáp lại sự trìu mến của chị. Không chịu nổi điều này, Yoko ngày càng trở nên bực bội và cáu giận. Chị bắt đầu có những vấn đề như mất ngủ, lo lắng, ăn không ngon, dễ cáu kỉnh, trầm cảm, và ngay cả dễ bị hốt hoảng nữa. Thế mà Tohru dường như chẳng bận tâm gì đến bầu không khí căng thẳng đang bao trùm gia đình anh. Đối với anh dường như đó là chuyện bình thường.

“Những thời-kỳ khó-khăn”

Những vấn đề như thế ngày nay thật phổ biến. Sứ đồ Phao-lô đã tiên tri rằng việc người ta “vô-tình” là đặc điểm của thời kỳ chúng ta. (2 Ti-mô-thê 3:1-5, chúng tôi viết nghiêng). Từ Hy Lạp nguyên thủy ở đây được dịch là “vô-tình” liên quan chặt chẽ đến từ miêu tả tình cảm tự nhiên bày tỏ giữa các thành viên trong gia đình. Sự trìu mến này quả là hiếm hoi trong thời kỳ chúng ta. Ngay dù nếu có sự trìu mến, tình cảm này cũng ít khi được thể hiện giữa các thành viên trong gia đình.

Nhiều bậc cha mẹ ngày nay không biết cách bày tỏ tình yêu thương và âu yếm đối với con cái. Một số người đã lớn lên trong môi trường gia đình thiếu sự trìu mến, và có lẽ họ không nhận thức được rằng cuộc sống có thể hạnh phúc và vui thú hơn nếu biết cảm nhận và bày tỏ sự trìu mến. Đấy có lẽ là trường hợp của Tohru. Khi còn thơ ấu, cha anh luôn bận rộn với công việc và trở về nhà rất khuya. Ông ít khi nào nói chuyện với Tohru và khi mở miệng thì chỉ mắng chửi. Mẹ của Tohru cũng đi làm cả ngày và không dành nhiều thì giờ cho anh. Máy truyền hình là người giữ trẻ trông coi anh. Trong gia đình thiếu hẳn những lời khen thưởng và sự trò chuyện.

Nền văn hóa cũng có thể là một yếu tố. Tại một vài nơi ở Châu Mỹ La-tinh, một người đàn ông đã phải đi ngược lại nền văn hóa phổ biến để bày tỏ sự âu yếm với vợ mình. Tại nhiều nước ở Á Đông và Phi Châu, thể hiện sự trìu mến qua lời nói hay hành động là trái với truyền thống. Các ông chồng có thể thấy ngượng nghịu khi nói “Anh yêu em” với vợ mình hoặc “Ba yêu con” với con mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể rút ra được bài học từ một mối quan hệ gia đình xuất sắc, vượt qua được thử thách của thời gian.

Quan hệ gia đình gương mẫu

Gương mẫu gia đình xuất sắc nhất được thể hiện qua mối quan hệ mật thiết giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con độc sanh của Ngài. Lòng yêu thương thể hiện giữa hai Đấng này thật tuyệt hảo. Trải qua hàng ngàn năm vô tận, tạo vật thần linh sau này trở thành Chúa Giê-su Christ đã vui hưởng một mối quan hệ thật hạnh phúc với Cha ngài. Mối liên lạc này đã được Chúa Giê-su miêu tả như sau: “Hằng ngày ta là sự khoái lạc Ngài, và thường vui vẻ trước mặt Ngài”. (Châm-ngôn 8:30) Người Con chắc chắn về tình yêu thương của Cha mình đến độ tuyên bố trước mọi người rằng Đức Giê-hô-va hàng ngày đặc biệt khoái lạc về ngài. Bên cạnh Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su luôn cảm thấy vui vẻ.

Ngay cả khi Chúa Giê-su xuống đất làm người, Đức Chúa Trời vẫn luôn trấn an Con Ngài về tình yêu thương sâu đậm mà Ngài dành cho Con Ngài. Sau khi làm báp têm, Chúa Giê-su nghe tiếng Cha ngài phán: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. (Ma-thi-ơ 3:17) Quả là những lời yêu thương đầy khích lệ đối với Chúa Giê-su khi ngài khởi đầu làm thánh chức trên đất! Khi lấy lại toàn bộ ký ức về cuộc sống trên trời, Chúa Giê-su hẳn đã cảm kích biết bao khi biết đã làm Cha ngài đẹp lòng.

Vậy Đức Giê-hô-va nêu gương mẫu tuyệt hảo trong việc thể hiện tình yêu thương trọn vẹn đối với gia đình hoàn vũ của Ngài. Nếu chấp nhận Chúa Giê-su Christ, chúng ta cũng có thể hưởng được lòng yêu mến của Đức Giê-hô-va. (Giăng 16:27) Cho dù không nghe được lời phán nào từ trời, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va thể hiện trong thiên nhiên, qua sự cung cấp giá chuộc của Chúa Giê-su, và qua nhiều cách khác nữa. (1 Giăng 4:9, 10) Thậm chí Đức Giê-hô-va còn lắng tai nghe lời cầu nguyện của chúng ta và đáp lời theo cách thuận lợi nhất cho chúng ta. (Thi-thiên 145:18; Ê-sai 48:17) Khi vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, chúng ta càng thêm cảm kích về sự quan tâm đầy yêu thương của Ngài đối với chúng ta.

Chúa Giê-su đã học được nơi Cha ngài cách bày tỏ lòng thấu cảm, ân cần, tử tế và quan tâm sâu xa đến người khác. Ngài giải thích: “Mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy. Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm”. (Giăng 5:19, 20) Về phần chúng ta, chúng ta có thể học được cách bày tỏ sự trìu mến bằng cách học theo gương mẫu Chúa Giê-su khi ngài còn trên đất.—Phi-líp 1:8.

Sự trìu mến trong gia đình—Bằng cách nào?

Vì “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” và chúng ta được tạo ra “theo hình Ngài”, chúng ta có tiềm năng cảm nhận và bày tỏ tình yêu thương. (1 Giăng 4:8; Sáng-thế Ký 1:26, 27) Tuy nhiên, tiềm năng này không tự động sản sinh bông trái. Muốn bày tỏ sự trìu mến, trước hết chúng ta phải cảm thấy yêu mến người hôn phối và con cái mình. Hãy để ý, và ghi nhận những điểm đáng yêu của họ, mặc dầu thoạt đầu những điều này có vẻ như vô nghĩa, và hãy ngẫm nghĩ về những điểm đó. Bạn có thể cho là ‘Chồng [hoặc vợ hay là con] tôi chẳng có gì hay cả’. Trong một cuộc hôn nhân do hai họ sắp đặt, người trong cuộc thường ít trìu mến nhau. Một số có lẽ còn không muốn có con nữa. Mặc dù vậy, hãy xem xét tình cảm của Đức Giê-hô-va đối với người vợ tượng trưng của Ngài là nước Y-sơ-ra-ên, vào thế kỷ thứ mười TCN. Khi nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Ê-li kết luận rằng trong nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái chẳng còn ai khác thờ phượng Ngài, Đức Giê-hô-va đã xem xét kỹ lưỡng và tìm ra một số đáng kể—tổng cộng 7.000 người—có những đức tính đáng chuộng trước mắt Ngài. Bạn có thể noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách tìm kiếm những điều tốt đẹp nơi các thành viên trong gia đình bạn không?—1 Các Vua 19:14-18.

Tuy nhiên, nếu muốn những người trong gia đình cảm nhận được sự trìu mến của bạn, bạn phải cố gắng bày tỏ tình cảm này một cách cụ thể. Hãy ngỏ lời khen ngợi khi thấy có gì đáng khen. Miêu tả người vợ tài đức, Lời Đức Chúa Trời nói đến một đặc điểm lý thú của gia đình nàng: “Con cái nàng chỗi-dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chỗi-dậy, và khen-ngợi nàng”. (Châm-ngôn 31:28) Hãy lưu ý rằng những người trong gia đình đã không ngớt bày tỏ lòng quý trọng lẫn nhau. Khi khen ngợi vợ mình, người cha nêu gương tốt cho con trai, khuyến khích con sẵn sàng khen ngợi người hôn phối sau khi kết hôn.

Cũng vậy cha mẹ nên khen ngợi con cái. Điều này có thể giúp chúng có được lòng tự trọng. Suy cho cùng, làm sao một người có thể “yêu kẻ lân-cận như mình” nếu không biết tự trọng? (Ma-thi-ơ 22:39) Mặt khác, nếu cha mẹ lúc nào cũng chỉ trích con cái mà không hề khen ngợi chúng, sẽ dễ đánh mất lòng tự trọng nơi con trẻ và có lẽ sẽ khiến chúng khó biểu lộ sự trìu mến với người khác.—Ê-phê-sô 4:31, 32.

Bạn có thể tìm được sự giúp đỡ

Nếu bạn không lớn lên trong một gia đình đầy tình yêu thương thì sao? Bạn vẫn có thể học cách bày tỏ sự trìu mến. Bước đầu tiên là nhận biết vấn đề và hiểu là cần phải sửa đổi. Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, là một sự giúp đỡ lớn lao trong lĩnh vực này. Kinh Thánh có thể được ví như một gương soi. Khi tự soi mình qua những sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra được các khuyết điểm hoặc thiếu sót trong tư tưởng của mình. (Gia-cơ 1:23) Phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta có thể chỉnh đốn bất kỳ khuynh hướng sai lạc nào. (Ê-phê-sô 4:20-24; Phi-líp 4:8, 9) Chúng ta cần thường xuyên làm điều này, không bao giờ “mệt-nhọc về sự làm lành”.—Ga-la-ti 6:9.

Do ảnh hưởng giáo dục hoặc văn hóa, một số người có thể cảm thấy khó bày tỏ sự trìu mến. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những trở ngại như thế có thể vượt qua được. Bác Sĩ Daniel Goleman, một chuyên gia về bệnh tâm thần, giải thích rằng ‘những thói quen dù đã tiêm nhiễm sâu xa từ lúc ấu thời vẫn có thể uốn nắn lại’. Hơn 19 thế kỷ qua, Kinh Thánh cho thấy rằng với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, thậm chí những khuynh hướng đã hằn sâu trong tâm trí vẫn có thể thay đổi được. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “[Hãy] lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới”.—Cô-lô-se 3:9, 10.

Một khi đã nhận ra vấn đề, gia đình có thể ghi nhớ nhu cầu của họ khi học hỏi Kinh Thánh. Chẳng hạn, tại sao bạn không nghiên cứu xem Kinh Thánh nói gì về “sự trìu mến”? Có lẽ bạn sẽ thấy câu Kinh Thánh như câu này: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”. (Gia-cơ 5:11) Kế đó bạn hãy xem Kinh Thánh tường thuật về Gióp, chú trọng đến cách Đức Giê-hô-va trìu mến và thương xót Gióp. Chắc chắn bạn sẽ mong muốn noi gương Đức Giê-hô-va tỏ ra thật trìu mến và thương xót đối với gia đình mình.

Tuy nhiên, vì là bất toàn nên “chúng ta thảy đều vấp-phạm” trong lời nói mình. (Gia-cơ 3:2) Trong gia đình, có lẽ chúng ta không dùng lời nói để khích lệ. Chính vì thế chúng ta cần cầu nguyện và nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Đừng bỏ cuộc. “[Hãy] cầu-nguyện không thôi”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17) Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ những ai ao ước có được tình cảm trìu mến trong gia đình cũng như những ai mong muốn bày tỏ tình cảm đó nhưng lại không biết cách thể hiện.

Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn nhân từ cung cấp sự giúp đỡ trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Gia-cơ viết: “Trong anh em có ai đau-ốm [về thiêng liêng] chăng? Hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh, thì các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người”. (Gia-cơ 5:14) Vâng, các trưởng lão trong hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va có thể là một sự giúp đỡ lớn lao cho những gia đình khó bày tỏ lòng thương mến nhau. Tuy không phải là những nhà trị liệu tâm thần, các trưởng lão có thể kiên nhẫn giúp đỡ các anh em đồng đức tin, không phải để nói họ cần làm gì, nhưng để nhắc họ nhớ lại quan điểm của Đức Chúa Trời và cùng cầu nguyện với họ và cho họ.—Thi-thiên 119:105; Ga-la-ti 6:1.

Trong trường hợp của Tohru và Yoko, các trưởng lão tín đồ Đấng Christ luôn lắng tai nghe vấn đề của họ và an ủi họ. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Khi có dịp, một trưởng lão cùng vợ đã đến viếng thăm để chị Yoko có thể học hỏi kinh nghiệm của một người nữ tín đồ Đấng Christ thành thục giúp chị “biết yêu chồng con mình”. (Tít 2:3, 4) Khi bày tỏ sự thông cảm và thấu cảm đối với những anh chị em tín đồ đau khổ và buồn rầu, các trưởng lão giống như “nơi núp gió và chỗ che bão-táp”.—Ê-sai 32:1, 2.

Với sự trợ giúp của các trưởng lão có lòng tử tế, Tohru dần dần nhận thức rằng anh không biết cách bày tỏ cảm xúc mình và hiểu rằng trong “ngày sau-rốt” này Sa-tan tấn công gia đình. (2 Ti-mô-thê 3:1) Tohru quyết định đối phó với vấn đề. Anh bắt đầu hiểu rằng việc anh không biết thể hiện tình yêu thương là do anh đã thiếu hẳn tình yêu thương từ khi còn thơ ấu. Nhờ nghiêm túc cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh, Tohru đã dần biết đáp ứng các nhu cầu cảm xúc của Yoko.

Dù trước đó đã giận Tohru, nhưng khi biết rõ gốc gác gia đình anh và thấy được các nhược điểm của mình, Yoko hết sức cố gắng để nhận biết được điều tốt nơi chồng mình. (Ma-thi-ơ 7:1-3; Rô-ma 5:12; Cô-lô-se 3:12-14) Chị tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức lực để tiếp tục yêu chồng. (Phi-líp 4:6, 7) Cuối cùng, Yoko đã vô cùng vui sướng khi thấy Tohru bắt đầu tỏ ra âu yếm với chị.

Vâng, cho dù cảm thấy việc cảm nhận và thể hiện tình cảm trong gia đình là một điều khó khăn, bạn chắc chắn sẽ vượt qua được vấn đề này. Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta một sự hướng dẫn lành mạnh. (Thi-thiên 19:7) Bằng cách nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, bằng cách cố gắng nhận biết điều tốt nơi các người thân trong gia đình, bằng cách học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời, bằng cách nương tựa nơi Đức Giê-hô-va qua lời cầu xin tha thiết, và bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão thành thục, bạn có thể vượt qua được điều có vẻ như một chướng ngại to lớn ngăn cách bạn với những người thân trong gia đình. (1 Phi-e-rơ 5:7) Bạn cũng có thể hưởng được niềm vui sướng, như trường hợp của một người chồng tại Hoa Kỳ. Anh đã được khuyến khích tỏ ra âu yếm với vợ mình. Cuối cùng, khi đã thu hết can đảm để thốt lên “Anh yêu em”, anh đã vô cùng ngạc nhiên trước phản ứng của chị. Mắt trào lệ vui mừng, chị đáp lại: “Em cũng yêu anh, nhưng đây là lần đầu tiên sau 25 năm chung sống em được nghe anh nói như thế”. Đừng đợi lâu đến thế mới bày tỏ sự trìu mến đối với người hôn phối và con cái của bạn!

[Chú thích]

^ đ. 2 Vài tên đã được thay đổi.

[Hình nơi trang 28]

Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ qua Lời Ngài là Kinh Thánh