Chúa Giê-su sinh ra—Điều đó đã xảy ra như thế nào và tại sao
Chúa Giê-su sinh ra—Điều đó đã xảy ra như thế nào và tại sao
“KHÔNG thể được!” Nhiều người không phải tín đồ Đấng Christ thường nói như thế khi nghe kể về sự giáng sinh của Chúa Giê-su. Họ nghĩ việc tin rằng một nữ đồng trinh có thể thụ thai và sinh con mà không cần sự phối hợp của một người cha là điều phản khoa học. Bạn nghĩ sao?
Vào năm 1984, báo The Times của Luân Đôn đăng một bức thư lý luận về vấn đề này như sau: “Dựa vào khoa học làm lập luận bài bác những phép lạ thì không chính đáng và hợp lý. Tin rằng phép lạ không thể xảy ra cũng cần đức tin giống như việc tin rằng chúng có thể xảy ra”. Lá thư do 14 giáo sư khoa học thuộc các đại học Anh Quốc ký tên. Họ nói: “Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận việc một nữ đồng trinh sinh con, những phép lạ trong Phúc Âm và sự sống lại của Đấng Christ là những biến cố lịch sử”.
Tuy nhiên, sự kiện một người bị bối rối khi lần đầu tiên nghe nói Chúa Giê-su được hạ sinh bởi một nữ đồng trinh là điều dễ hiểu. Chính người mẹ đồng trinh của Chúa Giê-su còn bối rối khi thiên sứ của Đức Chúa Trời báo tin: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus”. Ma-ri thưa: “Tôi chẳng hề nhận-biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?” Khi ấy thiên sứ giải thích rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện một phép lạ bằng thánh linh của Ngài, rồi nói tiếp: “Không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được”. (Lu-ca 1:31, 34-37) Chắc chắn, Đấng tạo nên quá trình kỳ diệu của sự sinh sản giữa loài người cũng có thể khiến cho một nữ đồng trinh trong trắng thụ thai và sinh ra Chúa Giê-su. Nếu Đức Chúa Trời đã tạo nên vũ trụ và những định luật hòa hợp diệu kỳ, Ngài cũng có thể dùng một noãn tử trong noãn sào của bà Ma-ri để tạo nên người Con hoàn toàn.
Tại sao điều đó là cần thiết
Người tin kính là Giô-sép đã đính hôn với Ma-ri rồi khi nàng thụ thai. Trong một giấc mơ, thiên sứ của Đức Chúa Trời giải thích cho Giô-sép lý do kỳ diệu tại sao người vợ chưa cưới của ông lại mang thai. Thiên sứ nói: “Ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh-Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”. (Ma-thi-ơ 1:20, 21) Tên Chúa Giê-su trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Tên đó nhắc chúng ta nhớ mình cần được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết và Giê-hô-va Đức Chúa Trời cung cấp sự cứu rỗi đó qua Chúa Giê-su.
Bởi vì người đầu tiên, A-đam, đã phạm tội, tất cả con cháu ông phải sinh ra là người bất toàn, có khuynh hướng phạm luật của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 5:12) Làm sao con cháu A-đam có thể được cứu khỏi tội lỗi và có được sự hoàn toàn? Chiếu theo công lý, một mạng sống của một người hoàn toàn khác, có giá trị tương đương với mạng sống của A-đam, phải được thế vào. Đó là lý do Đức Chúa Trời đã cho người hoàn toàn Giê-su sinh ra bằng phép lạ, và chính vì thế mà Chúa Giê-su để cho những kẻ thù giết ngài. (Giăng 10:17, 18; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6) Sau khi Chúa Giê-su sống lại và lên trời, ngài có thể nói chắc: “Ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa-khóa của sự chết và Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại]”.—Khải-huyền 1:18.
Với những chìa khóa tượng trưng của sự chết và của âm phủ hay Hades, Chúa Giê-su mở đường cho nhân loại tội lỗi có lại được những gì A-đam đã đánh mất. Chúa Giê-su giải thích: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết”. (Giăng 11:25, 26) Thật là một lời hứa tuyệt diệu! Tuy nhiên, còn một lý do thậm chí còn quan trọng hơn nữa để Chúa Giê-su sinh ra.
Lý do quan trọng nhất
Việc Chúa Giê-su được thụ thai trong lòng bà Ma-ri không phải là sự khởi đầu đời sống của ngài. Ngài nói rõ: “Ta từ trên trời xuống”. (Giăng 6:38) Chúa Giê-su đã sống trong lĩnh vực thần linh với Cha ngài ở trên trời từ đầu sự sáng tạo. Thật vậy, Kinh Thánh mô tả ngài là “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời”. (Khải-huyền 3:14) Từ trên trời, Chúa Giê-su đã chứng kiến cuộc nổi loạn của một thiên sứ ác lôi kéo hai người đầu tiên chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời. Điều này khiến Chúa Giê-su có lý do quan trọng nhất muốn sinh ra làm người Con hoàn toàn của Đức Chúa Trời. Lý do nào?
Đó là để chứng tỏ Cha trên trời của ngài có quyền cai trị vũ trụ. Bằng cách luôn luôn trung thành từ khi sinh ra cho đến chết trên đất, Chúa Giê-su minh chứng ngài sẵn sàng vâng phục cách Đức Giê-hô-va cai trị các tạo vật của Ngài. Trước khi ngài chết trong tay kẻ thù của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su nói rõ lý do tại sao ngài sẵn sàng đi hết con đường hy sinh cho đến chết. Ngài nói rằng đó là hầu cho thế gian biết rằng ngài yêu Cha. (Giăng 14:31) Nếu hai người đầu tiên, A-đam và Ê-va, đã phát triển tình yêu thương như thế thì họ có thể đã trung thành khi trải qua sự thử thách dễ hơn nhiều.—Sáng-thế Ký 2:15-17.
Sự trung thành của Chúa Giê-su cũng vạch trần thiên sứ ác Sa-tan là kẻ nói dối. Sa-tan đã vu khống Đức Chúa Trời và loài người qua việc tuyên bố trước mặt các thiên sứ trên trời: Gióp 2:1, 4) Sa-tan đã sai lầm buộc tội rằng tất cả loài người sẽ cãi lời Đức Chúa Trời để tự cứu mạng.
“Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”. (Những vấn đề trên đây thách thức sự công bình và chính đáng của quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Để giải quyết vấn đề này, Chúa Giê-su sẵn sàng chịu sinh ra làm người và tỏ ra trung thành cho đến chết.
Vì vậy, lý do chính về việc Chúa Giê-su sinh ra trên đất, như chính ngài đã phán là để “làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Ngài đã thực hiện điều đó bằng cách thể hiện qua lời nói và việc làm rằng quyền cai trị của Đức Chúa Trời hoàn toàn công bình và sự phục tùng đó đem lại hạnh phúc trường cửu. Chúa Giê-su cũng giải thích ngài đã đến thế gian để phó sự sống ngài làm “giá chuộc cho nhiều người”, mở đường cho nhân loại tội lỗi hưởng được sự hoàn toàn và sự sống đời đời. (Mác 10:45) Để nhân loại lĩnh hội được những vấn đề trọng yếu này, một sự ghi chép về việc Chúa Giê-su sinh ra là cần thiết. Ngoài ra, những sự kiện xoay quanh việc Chúa Giê-su sinh ra còn chứa đựng trong những bài học quan trọng khác, như bài kế tiếp sẽ trình bày.
[Các hình nơi trang 4]
Làm sao con cháu A-đam có thể được cứu khỏi tội lỗi?