Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời”

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời”

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời”

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”.—GIA-CƠ 4:8.

1, 2. (a) Con người thường tuyên bố điều gì? (b) Gia-cơ đưa ra lời khuyến giục nào, và tại sao điều đó cần thiết?

“ĐỨC CHÚA TRỜI ở cùng chúng ta”. Những lời đó đã được dùng để tô điểm các biểu tượng quốc gia và cả các bộ quân phục. Còn câu “Chúng ta tin nơi Chúa” thì được khắc trên vô số đồng tiền và bạc giấy hiện kim. Con người thường tuyên bố họ có quan hệ gần gũi với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, bạn có đồng ý rằng muốn thật sự một mối quan hệ như thế, người ta không thể chỉ nói về nó hoặc trưng khẩu hiệu, mà còn phải làm nhiều hơn?

2 Kinh Thánh cho thấy người ta có thể tạo mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ phải nỗ lực. Ngay cả một số tín đồ Đấng Christ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất cũng cần củng cố mối quan hệ của họ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Gia-cơ, một giám thị đạo Đấng Christ, đã phải cảnh cáo một số tín đồ về khuynh hướng xác thịt và việc đánh mất sự trong sạch về thiêng liêng của họ. Trong lời khuyên đó, ông cho lời khuyến giục mạnh mẽ này: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:1-12) Gia-cơ muốn nói gì khi nói “hãy đến gần”?

3, 4. (a) Một số độc giả của Gia-cơ vào thế kỷ thứ nhất có lẽ đã được cụm từ “đến gần Đức Chúa Trời” nhắc nhở về điều gì? (b) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng con người có thể đến gần Đức Chúa Trời?

3 Cụm từ Gia-cơ dùng hẳn phải quen thuộc với độc giả của ông. Luật Pháp Môi-se đã cho các thầy tế lễ những hướng dẫn cụ thể về cách để đại diện dân sự “đến gần” Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:22) Cụm từ đó có lẽ đã nhắc các độc giả của Gia-cơ nhớ rằng đến gần Đức Giê-hô-va không phải là chuyện bình thường. Đức Giê-hô-va là Đấng cao trọng nhất trong khắp vũ trụ.

4 Mặt khác, như một học giả Kinh Thánh nhận xét, “lời khuyên bảo này [nơi Gia-cơ 4:8] cho thấy một sự lạc quan lớn”. Gia-cơ biết rằng Đức Giê-hô-va luôn yêu thương mời gọi con người bất toàn đến gần Ngài. (2 Sử-ký 15:2) Sự hy sinh của Chúa Giê-su mở đường đến gần Đức Giê-hô-va theo một nghĩa rộng hơn. (Ê-phê-sô 3:11, 12) Ngày nay, con đường đó đã được mở ra cho hàng triệu người! Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tận dụng cơ hội tuyệt vời này? Chúng ta sẽ vắn tắt xem xét ba cách để đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Hãy tiếp tục “tiếp thu sự hiểu biết” về Đức Chúa Trời

5, 6. Kinh nghiệm của cậu bé Sa-mu-ên minh họa hàm ý của từ “tiếp thu sự hiểu biết” về Đức Chúa Trời như thế nào?

5 Nơi Giăng 17:3, Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết [“tiếp thu sự hiểu biết về”, NW] Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. Nhiều bản dịch Kinh Thánh dịch câu này hơi khác với Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ). Thay vì dịch là “tiếp thu sự hiểu biết” về Đức Chúa Trời, họ chỉ đơn giản dùng động từ “nhận biết” hay “nhìn biết” Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một số học giả nhận xét rằng ý nghĩa của từ gốc Hy Lạp bao hàm nhiều hơn: nó ám chỉ một tiến trình liên tục, thậm chí có thể dẫn đến việc quen biết người khác cách mật thiết.

6 Biết Đức Chúa Trời một cách mật thiết không phải là một ý niệm mới vào thời Chúa Giê-su. Chẳng hạn, trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta đọc thấy rằng lúc còn nhỏ, Sa-mu-ên “chưa biết Đức Giê-hô-va”. (1 Sa-mu-ên 3:7) Phải chăng điều đó có nghĩa là Sa-mu-ên biết rất ít về Đức Chúa Trời? Không. Cha mẹ và các thầy tế lễ chắc chắn đã dạy ông nhiều điều. Tuy nhiên, theo một học giả, từ Hê-bơ-rơ được dùng trong câu này có thể “dùng để chỉ sự quen biết mật thiết nhất”. Lúc đó, Sa-mu-ên chưa quen biết Đức Giê-hô-va một cách mật thiết như sau này, khi ông phụng sự với tư cách phát ngôn viên của Ngài. Lớn lên, ông mới thật sự biết Đức Giê-hô-va, có một mối quan hệ cá nhân gần gũi với Ngài.—1 Sa-mu-ên 3:19, 20.

7, 8. (a) Tại sao chúng ta không nên e ngại tìm hiểu những sự dạy dỗ sâu sắc hơn của Kinh Thánh? (b) Chúng ta nên nghiên cứu một số lẽ thật sâu sắc nào trong Lời Đức Chúa Trời?

7 Bạn có đang tiếp thu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va để có sự quen biết mật thiết với Ngài không? Muốn làm thế, bạn cần “ham-thích” thức ăn thiêng liêng mà Đức Chúa Trời cung cấp. (1 Phi-e-rơ 2:2) Đừng chỉ thỏa mãn với những điều cơ bản. Hãy cố gắng tìm hiểu những sự dạy dỗ sâu sắc hơn của Kinh Thánh. (Hê-bơ-rơ 5:12-14) Bạn có e ngại tìm hiểu những điều đó vì cho rằng quá khó không? Nếu thế, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va là “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại”. (Ê-sai 30:20, NW) Ngài biết cách truyền đạt những lẽ thật sâu sắc sang tâm trí của con người bất toàn, và có thể ban phước cho những cố gắng thành thật của bạn để lĩnh hội những sự dạy dỗ của Ngài.—Thi-thiên 25:4.

8 Tại sao không thử kiểm tra xem bạn có biết một số “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” chưa? (1 Cô-rinh-tô 2:10) Đó không phải là những đề tài khô khan mà các nhà thần học và tu sĩ thường tranh cãi, mà là những giáo lý bổ ích giúp ta hiểu được những điều rất thú vị trong tâm và trí của người Cha đầy yêu thương. Chẳng hạn, những đề tài như giá chuộc, “sự mầu-nhiệm kín-giấu”, và những giao ước khác nhau mà Đức Giê-hô-va đã dùng để mang lại lợi ích cho dân Ngài và thực hiện ý định Ngài, cùng nhiều đề tài khác tương tự là những chủ đề thú vị và hữu ích để nghiên cứu và học hỏi cá nhân.—1 Cô-rinh-tô 2:7.

9, 10. (a) Tại sao kiêu ngạo là nguy hiểm, và điều gì sẽ giúp chúng ta tránh thái độ đó? (b) Đối với sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va, tại sao chúng ta nên cố gắng khiêm nhường?

9 Khi có thêm sự hiểu biết về những lẽ thật thiêng liêng sâu sắc hơn, hãy cẩn thận với mối nguy hiểm có thể đi đôi với sự hiểu biết—sự kiêu ngạo. (1 Cô-rinh-tô 8:1) Sự kiêu ngạo nguy hiểm vì nó khiến con người xa cách Đức Chúa Trời. (Châm-ngôn 16:5; Gia-cơ 4:6) Hãy nhớ rằng không ai có lý do để khoe khoang về sự hiểu biết của mình. Để minh họa, hãy xem lời giới thiệu của một cuốn sách đánh giá những tiến bộ khoa học mới đây của con người: “Càng biết nhiều, chúng ta càng nhận thấy mình chưa biết bao nhiêu... Những điều chúng ta đã biết không nghĩa lý gì so với những điều chúng ta còn chưa biết”. Sự khiêm nhường đó thật thú vị. Như vậy, đối với sự hiểu biết vĩ đại nhất, sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta càng có lý do để luôn khiêm nhường. Tại sao?

10 Hãy lưu ý một số câu Kinh Thánh về Đức Giê-hô-va. “Tư-tưởng Ngài rất sâu-sắc”. (Thi-thiên 92:5) “Sự thông-sáng [Đức Giê-hô-va] vô-cùng vô-tận”. (Thi-thiên 147:5) “Sự khôn-ngoan [Đức Giê-hô-va] không thể dò”. (Ê-sai 40:28) “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 11:33) Rõ ràng chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu hết về Đức Giê-hô-va. (Truyền-đạo 3:11) Ngài đã dạy chúng ta nhiều điều tuyệt diệu, song trước mắt chúng ta luôn có cả một kho tàng kiến thức vô tận để tiếp tục học hỏi. Chúng ta không thấy phấn khích và phải khiêm nhường trước triển vọng đó sao? Nếu thế, trong khi học, hãy luôn dùng sự hiểu biết làm cơ sở để đến gần Đức Giê-hô-va và giúp người khác làm thế—chớ bao giờ dùng nó để tự đề cao mình.—Ma-thi-ơ 23:12; Lu-ca 9:48.

Hãy thể hiện tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va

11, 12. (a) Sự hiểu biết chúng ta tiếp thu về Đức Giê-hô-va nên có ảnh hưởng nào trên chúng ta? (b) Điều gì cho biết tình yêu thương của một người đối với Đức Giê-hô-va có chân thật hay không?

11 Sứ đồ Phao-lô đã liên kết một cách thích hợp sự hiểu biết với tình yêu thương. Ông viết: “Điều tôi xin trong khi cầu-nguyện, ấy là lòng thương-yêu của anh em càng ngày càng chan-chứa hơn, trong sự thông-biết và sự suy-hiểu”. (Phi-líp 1:9) Thay vì trở nên tự kiêu, mỗi lẽ thật quý báu mà chúng ta học được về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài nên khiến chúng ta yêu mến Cha trên trời nhiều hơn.

12 Dĩ nhiên, nhiều người nói họ yêu mến Đức Chúa Trời nhưng thật ra không hề yêu mến Ngài. Những cảm xúc mạnh mẽ trào dâng trong lòng họ có thể chân thật. Những cảm xúc đó là tốt, thậm chí còn đáng khen khi chúng hòa hợp với sự hiểu biết chính xác. Nhưng đó chưa hẳn là lòng yêu mến thật sự đối với Đức Chúa Trời. Tại sao không? Hãy lưu ý định nghĩa tình yêu thương đó trong Lời Đức Chúa Trời: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”. (1 Giăng 5:3) Như vậy, tình yêu thương thật đối với Đức Giê-hô-va phải thể hiện qua hành động vâng lời.

13. Làm thế nào lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với Ngài?

13 Lòng kính sợ Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta vâng lời Ngài. Sự kính sợ sâu xa đối với Đức Giê-hô-va bắt nguồn từ việc tiếp thu sự hiểu biết về Ngài, học biết về sự thánh khiết, vinh hiển, quyền năng, công bình, khôn ngoan và tình yêu thương vô biên của Ngài. Sự kính sợ đó rất cần thiết để đến gần Ngài. Thật thế, hãy lưu ý điều được nói đến nơi Thi-thiên 25:14: “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài”. Như vậy, nếu có một sự kính sợ lành mạnh—sợ làm buồn lòng Cha yêu dấu trên trời—chúng ta có thể đến gần Ngài. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyên khôn ngoan nơi Châm-ngôn 3:6: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Điều đó có nghĩa gì?

14, 15. (a) Chúng ta phải đối diện với một số quyết định nào trong đời sống hàng ngày? (b) Làm thế nào chúng ta có thể có những quyết định phản ánh lòng kính sợ Đức Chúa Trời?

14 Mỗi ngày bạn phải quyết định nhiều việc lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn, bạn sẽ nói gì với đồng nghiệp, bạn học, láng giềng? (Lu-ca 6:45) Bạn sẽ cố gắng thực hiện các nhiệm vụ đặt trước mắt, hay sẽ tìm cách làm qua loa cho xong việc? (Cô-lô-se 3:23) Bạn sẽ thân thiết với những người ít hoặc thậm chí không yêu mến Đức Giê-hô-va, hay sẽ cố gắng xây dựng quan hệ với những người có thiêng liêng tính? (Châm-ngôn 13:20) Bạn sẽ làm gì, dù nhỏ nhặt, để đẩy mạnh quyền lợi Nước Đức Chúa Trời? (Ma-thi-ơ 6:33) Nếu để những nguyên tắc Kinh Thánh như được trích dẫn ở đây hướng dẫn các quyết định hàng ngày, bạn quả thật đã nhận biết Đức Giê-hô-va “trong các việc làm” của mình.

15 Thực tế, trong mỗi quyết định, chúng ta nên để suy nghĩ này dẫn dắt: ‘Đức Giê-hô-va muốn tôi làm gì? Hành động nào sẽ làm hài lòng Ngài nhất?’ (Châm-ngôn 27:11) Thể hiện lòng kính sợ như thế là cách tuyệt hảo để biểu lộ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va. Sự kính sợ Đức Chúa Trời cũng sẽ thúc đẩy chúng ta giữ mình trong sạch về thiêng liêng, đạo đức và thể chất. Hãy nhớ rằng trong cùng câu khuyến giục tín đồ Đấng Christ “đến gần Đức Chúa Trời”, Gia-cơ cũng khuyên: “Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi”.—Gia-cơ 4:8.

16. Khi hiến dâng cho Đức Giê-hô-va, chúng ta không bao giờ làm được điều gì, nhưng có thể luôn thành công trong việc gì?

16 Dĩ nhiên, bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va không chỉ bao hàm việc tránh điều ác. Tình yêu thương cũng thúc đẩy chúng ta làm điều thiện. Chẳng hạn, chúng ta đáp lại thế nào trước lòng độ lượng bao la của Đức Giê-hô-va? Gia-cơ viết: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống”. (Gia-cơ 1:17) Thật vậy, khi dâng tài sản cho Đức Giê-hô-va, chúng ta không làm cho Ngài trở nên giàu có. Tất cả của cải và tài sản đều đã thuộc về Ngài. (Thi-thiên 50:12) Và khi dâng cho Đức Giê-hô-va thời gian và năng lực, không phải chúng ta đang thỏa mãn một nhu cầu mà Ngài không thể đáp ứng bằng cách nào khác. Dù chúng ta có từ chối rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, Ngài cũng có thể khiến đá kêu lên được! Nếu vậy, tại sao phải dâng tài vật, thời gian và năng lực cho Đức Giê-hô-va? Lý do chính là vì qua đó chúng ta biểu lộ tình yêu thương hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức với Ngài.—Mác 12:29, 30.

17. Điều gì có thể thúc đẩy chúng ta vui mừng hiến dâng cho Đức Giê-hô-va?

17 Khi hiến dâng cho Đức Giê-hô-va, chúng ta nên làm cách vui vẻ “vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”. (2 Cô-rinh-tô 9:7) Nguyên tắc nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:17 có thể giúp chúng ta vui mừng dâng hiến: “Mỗi người sẽ dâng tùy theo của mình có, tùy theo phước mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi”. Khi suy ngẫm về sự rộng rãi của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta, chúng ta sẽ mong muốn dâng cho Ngài một cách rộng rãi. Sự hiến dâng như thế khiến Ngài vui lòng, cũng như món quà nhỏ của đứa con yêu dấu làm vui lòng cha mẹ. Biểu lộ tình yêu thương thể ấy sẽ giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va.

Tạo sự gần gũi qua lời cầu nguyện

18. Tại sao nên xem xét cách cải thiện phẩm chất của lời cầu nguyện?

18 Những giây phút cầu nguyện riêng là cơ hội vô giá để tâm sự với Cha trên trời. (Phi-líp 4:6) Vì cầu nguyện là cách thiết yếu để đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta nên dành thời gian xem xét phẩm chất lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của chúng ta không nhất thiết phải văn hoa bóng bẩy, nhưng nên là những lời chân thành, xuất phát từ tấm lòng. Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện phẩm chất của lời cầu nguyện?

19, 20. Tại sao nên suy ngẫm trước khi cầu nguyện, và một số chủ đề thích hợp để suy ngẫm là gì?

19 Có thể thử suy ngẫm trước khi cầu nguyện. Nếu suy ngẫm trước, chúng ta có thể cầu nguyện cách cụ thể và ý nghĩa, nhờ vậy tránh thói quen lặp lại những câu quen thuộc nằm sẵn trong trí. (Châm-ngôn 15:28, 29) Một cách có thể giúp ích là suy ngẫm một số chủ đề mà Chúa Giê-su đã nêu trong lời cầu nguyện mẫu, rồi xem những điều này liên hệ thế nào đến hoàn cảnh riêng của chúng ta. (Ma-thi-ơ 6:9-13) Thí dụ, chúng ta có thể tự hỏi mình hy vọng đóng góp phần nhỏ bé nào vào việc thực thi ý định của Đức Giê-hô-va trên đất. Chúng ta có cho Đức Giê-hô-va thấy lòng mong muốn trở nên thật hữu ích đối với Ngài, và xin Ngài giúp thực hiện mọi công việc Ngài giao phó không? Chúng ta có đang bị những lo toan vật chất đè nặng không? Chúng ta cần được tha thứ những lỗi lầm nào, và cần độ lượng hơn với ai? Chúng ta đang gặp phải những cám dỗ nào, và có nhận thấy mình cần gấp rút được Đức Giê-hô-va che chở về phương diện đó không?

20 Ngoài ra, chúng ta có thể nghĩ đến những người mình biết đang cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 1:11) Nhưng cũng không nên quên dâng lời cảm tạ. Nếu dành thời gian suy nghĩ về điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy nhiều lý do để cảm tạ và ngợi khen Đức Giê-hô-va mỗi ngày vì sự tốt lành dư dật của Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:10; Lu-ca 10:21) Làm thế còn mang lại một lợi ích khác, đó là giúp chúng ta có thái độ biết ơn và tích cực hơn trong đời sống.

21. Học hỏi những gương nào trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta khi đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện?

21 Việc học hỏi cũng có thể giúp trau dồi lời cầu nguyện. Một số lời cầu nguyện xuất sắc của những người đàn ông và đàn bà trung thành đã được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nếu sắp phải đương đầu với một vấn đề khó khăn, khiến chúng ta lo lắng và lo sợ cho sự an toàn của mình hoặc của những người thân yêu, chúng ta có thể đọc lại lời cầu nguyện của Gia-cốp khi ông sắp phải gặp lại người anh đầy thù hận là Ê-sau. (Sáng-thế Ký 32:9-12) Hay chúng ta có thể nghiên cứu lời khẩn cầu mà Vua A-sa đã thốt lên khi đạo quân Ê-thi-ô-bi, gần cả triệu người, đang đe dọa dân Đức Chúa Trời. (2 Sử-ký 14:11, 12) Còn nếu chúng ta đang lo lắng về một vấn đề có nguy cơ làm ô danh Đức Giê-hô-va, lời cầu nguyện của Ê-li trước những kẻ thờ phượng Ba-anh trên Núi Cạt-mên, cũng như lời cầu nguyện của Nê-hê-mi về tình trạng tồi tệ của Giê-ru-sa-lem đáng để chúng ta xem xét. (1 Các Vua 18:36, 37; Nê-hê-mi 1:4-11) Đọc và suy ngẫm những lời cầu nguyện đó có thể củng cố đức tin chúng ta và giúp chúng ta biết cách tốt nhất để đến gần Đức Giê-hô-va với những mối bận tâm đang đè nặng trên chúng ta.

22. Câu Kinh Thánh cho năm 2003 là gì, và trong suốt năm thỉnh thoảng chúng ta có thể tự hỏi điều gì?

22 Rõ ràng, không có vinh dự nào lớn hơn, hay mục tiêu nào cao quý hơn là làm theo lời khuyên của Gia-cơ “hãy đến gần Đức Chúa Trời”. (Gia-cơ 4:8) Mong sao chúng ta làm thế bằng cách tấn tới trong sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, cố gắng ngày càng biểu lộ tình yêu thương nhiều hơn đối với Ngài, và phát triển mối quan hệ mật thiết với Ngài qua lời cầu nguyện. Trong suốt năm 2003, trong khi luôn ghi nhớ câu Kinh Thánh cho năm, Gia-cơ 4:8, chúng ta hãy tiếp tục tự xét xem mình có đang thật sự đến gần Đức Giê-hô-va không. Còn về vế sau của câu này thì sao? Đức Giê-hô-va sẽ “đến gần anh em” theo nghĩa nào, và điều đó sẽ mang lại những ân phước nào? Bài tiếp theo sẽ xem xét vấn đề này.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao nên xem việc đến gần Đức Giê-hô-va là điều hệ trọng?

• Chúng ta có thể đề ra một số mục tiêu nào trong việc tiếp thu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va?

• Làm thế nào để chứng tỏ chúng ta thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va?

• Bằng cách nào chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 12]

Câu Kinh Thánh cho năm 2003 sẽ là: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

[Hình nơi trang 8, 9]

Càng lớn, Sa-mu-ên càng quen biết Đức Giê-hô-va một cách mật thiết

[Hình nơi trang 12]

Lời cầu nguyện của Ê-li trên Núi Cạt-mên là một gương tốt cho chúng ta