Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bây giờ hơn bao giờ hết, hãy tỉnh thức!

Bây giờ hơn bao giờ hết, hãy tỉnh thức!

Bây giờ hơn bao giờ hết, hãy tỉnh thức!

“Chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh-thức và dè-giữ”.​—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:6.

1, 2. (a) Pompeii và Herculaneum là những thành phố thế nào? (b) Dân cư Pompeii và Herculaneum đã bỏ qua dấu hiệu cảnh báo nào, và hậu quả là gì?

VÀO thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, Pompeii và Herculaneum là hai thành phố thịnh vượng của La Mã, núp dưới bóng ngọn Núi Vesuvius. Đối với dân La Mã giàu có, đây là những nơi nghỉ mát nổi tiếng. Nhà hát ở những nơi đó có đủ chỗ cho hơn cả ngàn khán giả, ở Pompeii còn có một đấu trường lớn có thể chứa gần như cả thành phố. Những người khai quật thành phố Pompeii đã đếm được đến 118 quán rượu, trong đó nhiều chỗ là sòng bài hoặc ổ mại dâm. Sự vô luân và chủ nghĩa duy vật lan tràn, như được minh chứng qua các bức tranh vẽ trên tường và các xác ướp.

2 Ngày 24 tháng 8 năm 79 CN, Núi Vesuvius bắt đầu phun lửa. Các nhà nghiên cứu núi lửa tin rằng vụ nổ thứ nhất tuy làm nham thạch và tro đổ xuống như mưa trên hai thành phố, nhưng không đến nỗi khiến dân chúng không thể thoát ra được. Thật vậy, dường như nhiều người đã chạy thoát. Tuy nhiên, những người khác, do xem thường mối nguy hiểm hoặc bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo, vẫn quyết định ở lại. Thế là vào khoảng nửa đêm, một dung lượng khổng lồ khí cực nóng, cộng với nham thạch và đá trút xuống Herculaneum, khiến toàn bộ dân cư còn lại trong thành phố đều chết ngộp. Sáng sớm hôm sau, một trận tương tự cũng cướp đi sinh mạng của tất cả những người ở Pompeii. Thật là một hậu quả thảm khốc do không chú ý đến dấu hiệu cảnh báo!

Sự kết liễu của hệ thống Do Thái

3 Kết cuộc đáng sợ của thành Pompeii và Herculaneum còn thua xa sự hủy diệt đầy kinh hoàng của thành Giê-ru-sa-lem chín năm trước đó, dù đó là một thảm họa do con người gây ra. Được mô tả là “một trong những cuộc bao vây khủng khiếp nhất lịch sử”, theo báo cáo, biến cố đó đã khiến hơn một triệu người Do Thái thiệt mạng. Tuy nhiên, giống như thảm họa ở Pompeii và Herculaneum, sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem cũng đã được báo trước.

4 Chúa Giê-su Christ đã báo trước sự hủy diệt thành cùng những biến cố sẽ xảy ra trước đó—gồm những biến động như chiến tranh, đói kém, động đất và nạn vô luật pháp. Tiên tri giả sẽ lộng hành, nhưng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời sẽ được rao truyền trên khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 24:4-7, 11-14) Mặc dù được ứng nghiệm chủ yếu vào thời nay, nhưng lời Chúa Giê-su thật sự cũng đã ứng nghiệm ở quy mô nhỏ hơn vào thời đó. Lịch sử đã ghi lại một nạn đói trầm trọng ở xứ Giu-đê. (Công-vụ 11:28) Sử gia Do Thái Josephus đã tường thuật về một trận động đất xảy ra ở khu vực Giê-ru-sa-lem không bao lâu trước khi thành bị hủy phá. Khi thành Giê-ru-sa-lem sắp đi đến chỗ kết liễu, trong nước liên tục nổ ra các cuộc nổi dậy, nội chiến giữa các đảng phái chính trị Do Thái, và các cuộc thảm sát tại nhiều thành phố có người Do Thái và Dân Ngoại cùng sinh sống. Thế nhưng lúc đó tin mừng về Nước Trời vẫn được giảng ra cho “mọi vật dựng nên ở dưới trời”.—Cô-lô-se 1:23.

5 Cuối cùng vào năm 66 CN, người Do Thái nổi dậy chống lại La Mã. Khi Cestius Gallus dẫn một đạo quân đến bao vây thành Giê-ru-sa-lem, môn đồ Chúa Giê-su nhớ lại lời ngài nói: “Khi các ngươi sẽ thấy quân-lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn-phá thành ấy gần đến. Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành”. (Lu-ca 21:20, 21) Đã đến lúc phải rời thành Giê-ru-sa-lem, nhưng bằng cách nào? Bất ngờ, Gallus rút quân, khiến cho tín đồ Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê có cơ hội vâng theo lời Chúa Giê-su và trốn lên núi.—Ma-thi-ơ 24:15, 16.

6 Bốn năm sau, khoảng gần Lễ Vượt Qua, quân đội La Mã trở lại, lần này dưới quyền chỉ huy của Tướng Titus, người quyết tâm dập tắt cuộc nổi loạn của người Do Thái. Quân đội ông bao vây thành Giê-ru-sa-lem và “đóng cừ đắp lũy” khiến không ai có thể thoát được. (Lu-ca 19:43, 44, Nguyễn Thế Thuấn) Trước đó, bất kể nguy cơ chiến tranh, người Do Thái từ khắp nơi trên toàn Đế Quốc La Mã vẫn đổ xô về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua. Giờ đây họ đã bị kẹt. Theo Josephus, những du khách không may này chiếm phần lớn số thương vong trong cuộc bao vây của quân La Mã. * Khi Giê-ru-sa-lem cuối cùng sụp đổ, khoảng một phần bảy tổng số dân Do Thái trong Đế Quốc La Mã bị thiệt mạng. Sự hủy phá Giê-ru-sa-lem và đền thờ cũng chính là sự cáo chung của nhà nước Do Thái, cùng hệ thống tôn giáo dựa trên Luật Pháp Môi-se. *Mác 13:1, 2.

7 Vào năm 70 CN, tín đồ Đấng Christ người Do Thái cũng có thể bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ như mọi người khác trong thành Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, các bằng chứng lịch sử cho thấy họ đã nghe theo lời Chúa Giê-su cảnh báo 37 năm trước. Họ đã rời bỏ thành và không quay lại.

Lời cảnh tỉnh đúng lúc của các sứ đồ

8 Ngày nay, một sự hủy diệt có tầm mức lớn hơn nhiều đang đến gần, và sẽ kết liễu toàn bộ hệ thống mọi sự này. Sáu năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, sứ đồ Phi-e-rơ đã cho lời khuyên khẩn cấp và đúng lúc, đặc biệt thích hợp cho tín đồ Đấng Christ ngày nay: Hãy cảnh giác! Phi-e-rơ nhận thấy tín đồ Đấng Christ cần đánh thức “lòng lành”, tức khả năng suy luận sáng suốt, của họ hầu họ không bỏ quên “mạng-lịnh của Chúa”, Giê-su Christ. (2 Phi-e-rơ 3:1, 2) Khi thúc giục tín đồ Đấng Christ cảnh giác, có lẽ Phi-e-rơ nghĩ đến những điều ông đã nghe Chúa Giê-su dặn bảo các sứ đồ vài ngày trước khi ngài chết: “Hãy giữ mình, tỉnh-thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào”.—Mác 13:33.

9 Ngày nay, một số người chế giễu hỏi: “Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?” (2 Phi-e-rơ 3:3, 4) Hiển nhiên, những người đó cảm thấy mọi sự thật ra chẳng hề thay đổi, mà vẫn luôn như vậy từ buổi sáng thế. Thái độ hoài nghi đó rất nguy hiểm. Sự nghi ngờ có thể khiến chúng ta giảm tinh thần khẩn trương, và dần dần có xu hướng sống theo tư dục. (Lu-ca 21:34) Bên cạnh đó, Phi-e-rơ cho thấy những kẻ chế giễu này đã quên trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê, khiến cả một hệ thống thế giới bị tiêu diệt. Thế giới thời đó quả đã thay đổi!—Sáng-thế Ký 6:13, 17; 2 Phi-e-rơ 3:5, 6.

10 Phi-e-rơ giúp những người đọc thư ông vun trồng tính kiên nhẫn bằng cách nhắc họ nhớ vì sao Đức Chúa Trời thường không hành động ngay. Trước hết, Phi-e-rơ nói: “Trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”. (2 Phi-e-rơ 3:8) Vì Đức Giê-hô-va hằng hữu nên Ngài có thể cân nhắc mọi yếu tố và chọn thời điểm tốt nhất để hành động. Tiếp theo, Phi-e-rơ nhắc đến ước muốn của Đức Giê-hô-va là người ta ở khắp mọi nơi đều ăn năn. Sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời đã giúp nhiều người có cơ hội được cứu rỗi, trong khi lẽ ra họ đã chết nếu Ngài hành động vội vã. (1 Ti-mô-thê 2:3, 4; 2 Phi-e-rơ 3:9) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va kiên nhẫn không có nghĩa là Ngài không bao giờ hành động. Phi-e-rơ nói: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”.—2 Phi-e-rơ 3:10, chúng tôi viết nghiêng.

11 Sự so sánh của Phi-e-rơ thật đáng chú ý. Không dễ gì bắt được trộm, nhưng một người gác thức canh suốt đêm thì có nhiều cơ may phát hiện tên trộm hơn là một người thỉnh thoảng ngủ gục. Làm thế nào người gác có thể tỉnh thức? Thường xuyên đi rảo khiến một người dễ cảnh giác hơn là cứ ngồi một chỗ suốt đêm. Tương tự như thế, tích cực hoạt động thiêng liêng sẽ giúp tín đồ Đấng Christ chúng ta tỉnh thức. Vì thế, Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta luôn bận rộn trong lối sống thánh sạch và các hoạt động tin kính. (2 Phi-e-rơ 3:11) Những sinh hoạt đó sẽ giúp ta tiếp tục ‘trông-mong ngày Đức Chúa Trời’. Từ Hy Lạp được dịch là “trông-mong” ở đây còn có thể được dịch theo nghĩa đen là “đẩy nhanh”. (2 Phi-e-rơ 3:12; cước chú NW) Đúng là chúng ta không thể thay đổi thời gian biểu của Đức Giê-hô-va. Ngày của Ngài sẽ đến vào lúc Ngài định. Nhưng thời gian từ đây cho đến lúc đó sẽ có vẻ trôi qua nhanh hơn nếu chúng ta bận rộn trong việc phụng sự Ngài.—1 Cô-rinh-tô 15:58.

12 Vì vậy, những ai cảm thấy ngày của Đức Giê-hô-va lâu đến được khuyến khích nghe theo lời khuyên của Phi-e-rơ, kiên nhẫn chờ đợi kỳ định của Đức Chúa Trời. Thật thế, chúng ta có thể sử dụng khôn ngoan khoảng thời gian có thêm nhờ sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, chúng ta có thể tiếp tục vun trồng những đức tính thiết yếu của người tín đồ Đấng Christ, đồng thời chia sẻ tin mừng với thêm nhiều người khác nữa, mà hẳn chúng ta đã không có cơ hội nếu ngày Đức Giê-hô-va đến sớm hơn. Nếu chúng ta luôn tỉnh thức, Đức Giê-hô-va sẽ thấy chúng ta “ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”. (2 Phi-e-rơ 3:14, 15) Đó sẽ là một ân phước lớn biết bao!

13 Trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô cũng nói đến sự cần thiết phải tỉnh thức. Ông khuyên: “Chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh-thức và dè-giữ”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 6) Ngày nay, khi sự hủy diệt toàn bộ hệ thống thế gian này gần kề, điều đó càng cần thiết biết bao! Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đang sống trong một thế giới hoàn toàn lãnh đạm về thiêng liêng, và điều đó có thể khiến họ bị ảnh hưởng. Vì thế, Phao-lô khuyên: “Hãy dè-giữ [“tỉnh táo”, NTT], mặc áo-giáp bằng đức-tin và lòng yêu-thương, lấy sự trông-cậy về sự cứu-rỗi làm mão-trụ”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8) Đều đặn học Lời Đức Chúa Trời và đều đặn kết hợp với anh em tại các buổi họp sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyên của Phao-lô và giữ tinh thần khẩn trương.—Ma-thi-ơ 16:1-3.

Hàng triệu người tiếp tục tỉnh thức

14 Ngày nay có nhiều người nghe theo lời khuyến khích cảnh giác được soi dẫn không? Có. Trong năm công tác 2002, số người công bố cao nhất là 6.304.645 người, tăng 3,1 phần trăm so với năm 2001. Những người này đã chứng tỏ cảnh giác về thiêng liêng qua việc dành 1.202.381.302 giờ nói chuyện với người khác về Nước Đức Chúa Trời. Đối với họ, đó không phải là một hoạt động phụ. Đó là trọng tâm trong đời sống họ. Eduardo và Noemi ở El Salvador là hai điển hình về thái độ của nhiều người trong số họ.

15 Cách đây vài năm, Eduardo và Noemi lưu ý đến lời của Phao-lô: “Tình trạng thế gian này đang thay đổi”. (1 Cô-rinh-tô 7:31, NW) Họ đơn giản hóa đời sống và bắt đầu thánh chức tiên phong trọn thời gian. Thời gian trôi qua, họ được ban phước qua nhiều cách và thậm chí được tham gia vào công việc vòng quanh và địa hạt. Mặc dù gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, Eduardo và Noemi vẫn tin chắc rằng họ đã quyết định đúng khi hy sinh tiện nghi vật chất để phụng sự trọn thời gian. Nhiều người trong số 29.269 người công bố ở El Salvador, kể cả 2.454 người tiên phong, cũng thể hiện tinh thần hy sinh tương tự, đó là lý do tại sao số người công bố ở nước này đã gia tăng 2 phần trăm trong năm ngoái.

16 Ở Côte d’Ivoire, một nam tín đồ trẻ đã thể hiện thái độ tương tự, và viết cho văn phòng chi nhánh như sau: “Tôi hiện phụng sự với tư cách tôi tớ thánh chức. Nhưng tôi không thể khuyến khích các anh chị làm tiên phong khi tôi không làm gương. Vì thế tôi đã bỏ công việc được trả lương cao và làm tư để có nhiều thời gian đi rao giảng”. Anh trẻ này đã trở thành một trong 983 người tiên phong đang phụng sự tại Côte d’Ivoire, một nước báo cáo có 6.701 người công bố vào năm ngoái, tăng 5 phần trăm.

17 Sự quá khích, định kiến, kỳ thị hiện vẫn tiếp tục gây khó khăn cho 24.961 người công bố Nước Trời ở Bỉ. Dù vậy, họ vẫn sốt sắng và không sợ hãi. Khi một Nhân Chứng 16 tuổi nghe Nhân Chứng Giê-hô-va bị mô tả như một giáo phái trong tiết học đạo đức ở trường, em đã xin phép được trình bày quan điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Dùng băng video Nhân Chứng Giê-hô-va—Tổ chức nằm sau danh hiệu và sách mỏng Nhân Chứng Giê-hô-va—Họ là ai?, em đã có thể giải thích Nhân Chứng thực chất là những người như thế nào. Những điều em trình bày được nồng nhiệt đón nhận, và tuần lễ sau cả lớp được cho làm bài kiểm, trong đó tất cả câu hỏi đều xoay quanh đạo Đấng Christ Nhân Chứng Giê-hô-va.

18 Trong những ngày cuối cùng này, đa số tín đồ Đấng Christ đều phải đương đầu với các vấn đề nghiêm trọng. Tuy thế, họ vẫn cố gắng để không bị phân tâm. Mặc dù có nhiều vấn đề kinh tế thường được tin tức nhắc đến, nhưng năm ngoái Argentina vẫn có báo cáo mới về số người công bố cao nhất, 126.709 người. Sự nghèo đói vẫn lan tràn ở Mozambique. Thế nhưng theo báo cáo, có đến 37.563 người đã tham gia vào công việc làm chứng, tăng 4 phần trăm. Đời sống của nhiều người ở Albania rất khó khăn, tuy nhiên, đất nước này vẫn có một sự gia tăng rất tốt là 12 phần trăm, nâng số người công bố cao nhất lên 2.708 người. Rõ ràng, thánh linh Đức Giê-hô-va không bị cản trở bởi những hoàn cảnh khó khăn khi tôi tớ Ngài đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu.—Ma-thi-ơ 6:33.

19 Con số 5.309.289 học hỏi Kinh Thánh trung bình mỗi tháng trên khắp thế giới trong năm ngoái cho thấy vẫn còn có nhiều người như chiên khao khát lẽ thật Kinh Thánh. Trong số 15.597.746 người tham dự Lễ Tưởng Niệm, cao nhất từ trước đến nay, phần đông vẫn chưa tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va. Mong sao họ tiếp tục gia tăng sự hiểu biết và tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va cùng đoàn thể anh em. Thật phấn khích khi thấy đám đông “vô-số” các “chiên khác” vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả trong việc phụng sự Đấng Tạo Hóa ‘ngày đêm trong đền Ngài’ cùng với những anh em được xức dầu bằng thánh linh.—Khải-huyền 7:9, 15; Giăng 10:16.

Bài học từ Lót

20 Dĩ nhiên, ngay cả những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cũng có khi mất ý thức về sự khẩn cấp. Hãy suy nghĩ về cháu của Áp-ra-ham là Lót. Qua hai thiên sứ ghé thăm, ông biết Đức Chúa Trời sắp sửa hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Tin đó hẳn đã không khiến Lót ngạc nhiên, vì ông từng “quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà kia”. (2 Phi-e-rơ 2:7) Thế nhưng, khi hai thiên sứ đến để đưa ông ra khỏi Sô-đôm, ông vẫn “lần-lữa”. Hai thiên sứ gần như phải kéo ông và gia đình ra khỏi thành. Rồi sau đó, vợ Lót đã bỏ qua lời thiên sứ cảnh cáo không được ngó lại đằng sau. Thái độ dể ngươi đã khiến bà phải trả giá đắt. (Sáng-thế Ký 19:14-17, 26) Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy nhớ lại vợ của Lót”.—Lu-ca 17:32.

21 Thảm kịch ở hai thành phố Pompeii và Herculaneum, cùng những sự kiện xoay quanh sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, trận Đại Hồng Thủy thời Nô-ê, và kinh nghiệm của Lót, tất cả đều cho thấy tầm quan trọng của việc nghiêm túc chú ý đến lời cảnh báo. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận ra được dấu hiệu của kỳ cuối cùng. (Ma-thi-ơ 24:3) Chúng ta đã tách mình khỏi tôn giáo giả. (Khải-huyền 18:4) Giống như tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta cần ‘trông-mong ngày Đức Chúa Trời’. (2 Phi-e-rơ 3:12) Đúng vậy, bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta phải tỉnh thức! Chúng ta có thể làm những bước nào, và vun trồng những đức tính nào để giữ mình tỉnh thức? Bài tiếp theo sẽ xem xét những vấn đề đó.

[Chú thích]

^ đ. 9 Vào thế kỷ thứ nhất, thành Giê-ru-sa-lem không thể có quá 120.000 cư dân. Theo ước tính của ông Eusebius, khoảng 300.000 cư dân tỉnh Giu-đê đã lên thành Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua vào năm 70 CN. Những nạn nhân còn lại hẳn phải đến từ những vùng khác trong đế quốc.

^ đ. 9 Dĩ nhiên, theo quan điểm Đức Giê-hô-va, Luật Pháp Môi-se đã được thay thế bằng giao ước mới vào năm 33 CN.—Ê-phê-sô 2:15.

Bạn trả lời thế nào?

• Diễn biến nào đã giúp tín đồ Đấng Christ người Do Thái có cơ hội thoát khỏi sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem?

• Lời khuyên trong các bức thư của sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô giúp chúng ta thế nào trong việc tỉnh thức?

• Ngày nay, những ai tỏ ra hoàn toàn tỉnh thức?

• Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về Lót và vợ ông?

[Câu hỏi thảo luận]

3. Có sự tương đồng nào giữa sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và thảm họa xảy ra ở Pompeii và Herculaneum?

4. Chúa Giê-su đã cho điềm tiên tri nào để cảnh báo môn đồ về sự kết liễu gần kề của một hệ thống, và điềm đó đã ứng nghiệm lần đầu thế nào vào thế kỷ thứ nhất?

5, 6. (a) Những lời tiên tri nào của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm vào năm 66 CN? (b) Tại sao quá nhiều người thiệt mạng khi thành Giê-ru-sa-lem cuối cùng sụp đổ vào năm 70 CN?

7. Vì sao các tín đồ Đấng Christ trung thành được sống sót qua sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem?

8. Phi-e-rơ đã nhận thấy nhu cầu nào, và có lẽ ông đã nghĩ đến những lời nào của Chúa Giê-su?

9. (a) Một số người đã phát triển thái độ nguy hiểm nào? (b) Tại sao thái độ hoài nghi đặc biệt nguy hiểm?

10. Phi-e-rơ dùng những lời nào để khuyến khích những người có thể thiếu kiên nhẫn?

11. Điều gì sẽ giúp chúng ta tỉnh thức về thiêng liêng, và làm thế nào điều này có vẻ “đẩy nhanh” ngày của Đức Giê-hô-va?

12. Làm thế nào mỗi cá nhân chúng ta có thể tận dụng sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va?

13. Những lời nào của Phao-lô gửi cho tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca đặc biệt thích hợp ngày nay?

14. Con số thống kê nào cho thấy nhiều người ngày nay đang làm theo lời khuyên tỉnh thức của Phi-e-rơ?

15. Kinh nghiệm nào ở El Salvador cho thấy nhiều người đang cảnh giác về thiêng liêng?

16. Một anh trẻ ở Côte d’Ivoire đã biểu lộ thái độ nào?

17. Qua hành động nào một Nhân Chứng trẻ ở Bỉ đã cho thấy em không sợ định kiến?

18. Bằng chứng nào cho thấy những người công bố ở Argentina và Mozambique không bị những khó khăn kinh tế làm phân tâm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

19. (a) Điều gì chứng tỏ vẫn còn có nhiều người như chiên khao khát lẽ thật Kinh Thánh? (b) Một số chi tiết nào khác trong bảng báo cáo thường niên cho thấy tôi tớ Đức Giê-hô-va vẫn tỉnh thức về thiêng liêng? (Xem bảng báo cáo trang 12-15).

20. Chúng ta học được gì từ chuyện của Lót và vợ ông?

21. Tại sao hơn bao giờ hết, sự tỉnh thức lúc này là tối cần thiết?

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 12-15]

BÁO CÁO NĂM CÔNG TÁC 2002 CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

(Xin xem ấn phẩm)

[Hình nơi trang 9]

Vào năm 66 CN, cộng đồng tín đồ Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem đã làm theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su

[Các hình nơi trang 10]

Tích cực hoạt động giúp tín đồ Đấng Christ tỉnh thức