Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một mảnh giấy đã thay đổi cuộc đời tôi

Một mảnh giấy đã thay đổi cuộc đời tôi

Tự Truyện

Một mảnh giấy đã thay đổi cuộc đời tôi

DO IRENE HOCHSTENBACH KỂ LẠI

Chuyện xảy ra vào một buổi tối Thứ Ba năm 1972. Lúc đó tôi 16 tuổi, theo cha mẹ đến một buổi họp tôn giáo ở Eindhoven, một thành phố thuộc tỉnh Brabant, Hà Lan. Tôi cảm thấy bất an và ước gì mình ở nơi khác. Sau đó, hai phụ nữ trẻ trao cho tôi một mảnh giấy có ghi: “Irene thân mến, chúng tôi rất muốn giúp em”. Tôi không ngờ mảnh giấy đó lại thay đổi cuộc đời tôi. Nhưng trước khi kể tiếp, hãy để tôi giới thiệu sơ qua về mình.

TÔI sinh ra trên đảo Belitung, Indonesia. Tôi nhớ những âm thanh trên hải đảo nhiệt đới đó—tiếng những cây cọ xào xạc trong gió, tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng của con sông gần đó, tiếng trẻ em nô đùa quanh nhà cũng như tiếng nhạc vang khắp căn nhà chúng tôi. Năm 1960, gia đình tôi rời Indonesia dọn đến Hà Lan khi tôi lên bốn. Chúng tôi phải đi tàu rất lâu, tôi nhớ nhất âm thanh của món đồ chơi mà tôi rất thích và đã mang theo—một chú hề nhỏ bé cùng với dàn trống. Lên bảy tuổi, tôi không còn nghe được nữa sau một căn bệnh, và kể từ đó tôi không còn nghe được bất cứ âm thanh nào xung quanh. Mọi âm thanh đối với tôi chỉ còn là kỷ niệm.

Lớn lên với bệnh điếc

Nhờ sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ, lúc đầu tôi không hoàn toàn hiểu hết hậu quả của bệnh điếc. Lúc còn nhỏ, thậm chí tôi nghĩ rằng cái máy trợ thính cồng kềnh là một món đồ chơi, dù nó không giúp ích cho tôi được mấy. Để nói chuyện với tôi, những đứa trẻ cùng xóm phải dùng phấn viết dài dòng xuống lề đường, và tôi trả lời chúng, dù không nghe được chính giọng nói của mình.

Khi lớn lên, tôi dần dần ý thức được sự khác biệt giữa mình với những người xung quanh. Tôi cũng bắt đầu để ý thấy một số người chế nhạo tật điếc của tôi, những người khác thì từ chối làm bạn với tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy bị cô lập và đơn độc. Tôi bắt đầu hiểu được người bị điếc là thế nào, và càng lớn lên tôi càng sợ tiếp xúc với môi trường của những người nghe được.

Để tôi có thể được học ở một trường đặc biệt dành cho người khiếm thính, cha mẹ tôi chuyển cả gia đình từ một ngôi làng ở tỉnh Limburg đến thành phố Eindhoven. Ở đó, cha tôi kiếm việc làm, em trai và hai chị tôi nhập học ở trường mới. Tôi rất cảm kích về tất cả những sự điều chỉnh này vì lợi ích của tôi. Ở trường, tôi được dạy điều chỉnh âm lượng giọng nói của mình và phát âm rõ ràng hơn. Tuy giáo viên không sử dụng ngôn ngữ ra dấu, nhưng các bạn cùng lớp dạy tôi cách ra dấu.

Sống trong thế giới riêng của mình

Khi tôi lớn lên, cha mẹ cố hết sức nói chuyện với tôi, nhưng có nhiều điều tôi không hiểu hết. Chẳng hạn, tôi không hiểu cha mẹ tôi đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng tôi nhớ có lần gia đình tôi đến một nơi có nhiều người ngồi trên ghế. Tất cả đều nhìn về phía trước, thỉnh thoảng họ vỗ tay, lâu lâu lại đứng lên—nhưng tại sao họ làm như vậy thì tôi không rõ. Về sau này, tôi mới biết mình đã tham dự một đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha mẹ tôi cũng thường dắt tôi đến một phòng họp nhỏ ở thành phố Eindhoven. Ở đó tôi cảm thấy dễ chịu vì mọi người đều tử tế và gia đình tôi có vẻ hạnh phúc, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi luôn đến đó. Giờ đây tôi biết phòng họp nhỏ đó là Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Thật không may, không ai trong những buổi họp đó diễn giải lại chương trình cho tôi. Sau này tôi biết họ rất muốn giúp tôi nhưng không biết cách giao tiếp với người khiếm thính. Tôi cảm thấy lẻ loi trong những buổi họp này và nghĩ thầm: ‘Ước gì mình được đi học thay vì ở đây’. Nhưng khi những ý nghĩ đó vừa thoáng qua trong đầu thì có hai phụ nữ trẻ viết điều gì đó trên một mảnh giấy và trao cho tôi. Đó là mảnh giấy tôi đề cập ở phần nhập đề. Tôi không ngờ rằng mảnh giấy này sẽ là khởi đầu của một tình bạn đáng quý giúp tôi thoát khỏi thế giới biệt lập của mình.

Phát triển một tình bạn đáng quý

Hai người đưa giấy cho tôi là Colette và Hermine, khoảng hơn 20 tuổi. Sau đó tôi biết được họ từ nơi khác đến làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian, trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va mà tôi thường tham dự. Dù họ thật sự không biết ngôn ngữ ra dấu, tôi cố gắng hiểu những gì họ nói bằng cách nhìn môi họ cử động, chúng tôi giao tiếp với nhau bằng cách này khá hiệu quả.

Cha mẹ tôi hài lòng khi Colette và Hermine xin phép học Kinh Thánh với tôi, nhưng hai phụ nữ trẻ này làm nhiều điều hơn là hướng dẫn tôi học Kinh Thánh. Họ hết sức cố gắng diễn giải lại những buổi họp ở Phòng Nước Trời cũng như giúp tôi hòa nhập với những người khác trong hội thánh. Họ cùng tôi tập những bài trình diễn rao giảng, họ cũng giúp tôi soạn những bài giảng của học viên trong Trường Thánh Chức Thần Quyền. Hãy thử tưởng tượng, bây giờ thậm chí tôi còn có can đảm nói bài giảng trước một nhóm người không bị điếc!

Hơn nữa, Colette và Hermine tạo cho tôi cảm giác tin cậy nơi họ. Họ kiên nhẫn và lắng nghe. Tuy chúng tôi thường bật cười vì những sơ xuất của tôi, nhưng họ không bao giờ chế giễu tôi; hay ngượng ngùng vì sự hiện diện của tôi. Họ cố hiểu những cảm xúc của tôi và đối xử với tôi không hề phân biệt. Những cô gái tốt bụng này đã tặng tôi một món quà tuyệt vời—lòng yêu thương và tình bạn của họ.

Quan trọng nhất, Colette và Hermine còn dạy tôi rằng tôi phải nhận biết Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va, như là người bạn đáng tin cậy. Họ giải thích rằng Đức Giê-hô-va đã thấy tôi ngồi trong Phòng Nước Trời và hiểu sự khó khăn của tôi khi bị điếc. Tôi thật biết ơn xiết bao vì lòng yêu mến chung của chúng tôi đối với Đức Giê-hô-va khiến bộ ba chúng tôi kết bạn với nhau! Sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va đã làm tôi cảm động, và để tỏ lòng yêu mến Ngài, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua phép báp têm trong nước vào tháng 7 năm 1975.

Đi theo một người bạn đặc biệt

Những năm sau đó, càng ngày tôi càng quen biết nhiều anh chị em tín đồ Đấng Christ hơn. Một anh đã trở thành người bạn rất đặc biệt với tôi, và chúng tôi kết hôn vào năm 1980. Không lâu sau đó, tôi bắt đầu làm tiên phong, năm 1994 tôi và chồng là anh Harry được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt trong khu vực sử dụng tiếng Hà Lan ra dấu. Năm sau đó, tôi lại đối diện với một nhiệm vụ đầy thách đố. Tôi phải đi theo chồng tôi, người nghe được, thăm viếng những hội thánh khác nhau vì anh là giám thị vòng quanh dự khuyết.

Đây là cách tôi xoay xở. Khi chúng tôi đến thăm một hội thánh nào đó lần đầu tiên, tôi nhanh chóng chủ động tiếp cận với càng nhiều anh chị em càng tốt và tự giới thiệu. Tôi nói với họ rằng tôi bị điếc, và yêu cầu họ nói chuyện chậm rãi với tôi và nhìn thẳng vào tôi. Tôi cũng cố gắng trả lời ngay trong các buổi họp hội thánh. Và tôi cũng hỏi xem có ai sẵn lòng dịch lại cho tôi những buổi họp và lúc rao giảng trong tuần hay không.

Phương pháp làm việc này có hiệu quả đến nỗi đôi khi anh chị em quên rằng tôi không nghe được, dẫn đến nhiều tình huống khôi hài. Chẳng hạn, họ nói đã nhấn còi xe hơi để chào tôi khi thấy tôi đi ngoài đường, nhưng dĩ nhiên, tôi không phản ứng lại. Thỉnh thoảng tôi cũng quên đi giới hạn của mình—như khi tôi cố thì thầm những điều kín đáo vào tai chồng tôi. Khi thấy chồng tôi bỗng dưng ngượng đỏ mặt, tôi mới nhận ra mình “thì thầm” quá lớn tiếng.

Trẻ em cũng giúp đỡ tôi cách bất ngờ. Lần đầu tiên chúng tôi đến thăm hội thánh nọ, một cậu bé chín tuổi nhận thấy một số người trong Phòng Nước Trời hơi ngần ngại nói chuyện với tôi, em quyết định làm điều gì đó cho tôi. Cậu bé tiến đến gần tôi, nắm tay tôi, dẫn vào Phòng Nước Trời, và cất tiếng nói lớn: “Cháu xin giới thiệu với mọi người bác Irene—bác bị điếc!” Mọi người có mặt ở đó đều đến với tôi và giới thiệu về họ.

Vì theo chồng trong công việc vòng quanh, số những người bạn của tôi ngày càng gia tăng. Đời sống của tôi bây giờ khác biệt biết bao so với những năm tôi cảm thấy mình bị ruồng bỏ và cô lập! Từ buổi tối mà Colette và Hermine đặt vào tay tôi mảnh giấy nhỏ đó, tôi cảm nhận được sức mạnh của tình bạn và gặp được những người nay đã trở nên rất đặc biệt với mình. Trên hết, tôi đã nhận biết Đức Giê-hô-va, Người Bạn đáng quý nhất. (Rô-ma 8:38, 39) Mảnh giấy nhỏ đó thật sự đã thay đổi cuộc đời tôi!

[Hình nơi trang 24]

Tôi nhớ âm thanh của món đồ chơi tôi thích nhất

[Các hình nơi trang 25]

Trong công việc rao giảng; và với Harry, chồng tôi