Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự an ủi cho những ai đau khổ

Sự an ủi cho những ai đau khổ

Sự an ủi cho những ai đau khổ

QUA nhiều thế kỷ, câu hỏi tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự đau khổ xảy ra đã thách thức nhiều triết gia và các nhà thần học. Một số người cho rằng vì Đức Chúa Trời là toàn năng, cuối cùng Ngài hẳn phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ. Tác giả quyển The Clementine Homilies, một tác phẩm ngụy tác thế kỷ thứ hai, cho rằng Đức Chúa Trời cai trị thế gian bằng hai bàn tay. Với “tay trái” của Ngài, Ma-quỉ, Ngài gây ra sự đau khổ và tai họa, và với “tay phải” của Ngài, Chúa Giê-su, Ngài cứu chuộc và ban phước.

Những người khác, không thể chấp nhận rằng Đức Chúa Trời có thể cho phép sự đau khổ, dù là Ngài không tạo ra sự đau khổ, đã quyết định phủ nhận sự đau khổ tồn tại. Mary Baker Eddy viết: “Điều ác chỉ là một ảo tưởng, không có căn cứ thật sự. Nếu tội lỗi, bệnh tật, và sự chết được hiểu là tình trạng hư không, chúng sẽ biến mất”.—Science and Health With Key to the Scriptures.

Căn cứ theo những sự kiện bi thảm của lịch sử, nhất là từ thế chiến thứ nhất cho đến thời chúng ta, nhiều người đi đến kết luận rằng đơn giản là Đức Chúa Trời không thể ngăn ngừa được sự đau khổ. David Wolf Silverman, một học giả người Do Thái, viết: “Tôi nghĩ rằng cuộc tàn sát tập thể người Do Thái vào thời Hitler đã làm cho khó tin rằng Đức Chúa Trời là toàn năng”. Ông thêm: “Nếu chúng ta muốn hiểu Đức Chúa Trời theo cách nào đó, sự nhân từ của Ngài hẳn phải xứng hợp với sự hiện hữu của điều ác, và trường hợp này chỉ đúng nếu Ngài không phải là toàn năng”.

Tuy nhiên, những sự hô hào rằng theo cách nào đó Đức Chúa Trời tiếp tay tạo ra sự đau khổ, rằng Ngài không thể ngăn ngừa được sự đau khổ, hoặc rằng sự đau khổ chỉ là điều tưởng tượng của chúng ta không đủ để an ủi những ai đau khổ. Quan trọng hơn nữa, những niềm tin như thế hoàn toàn không hợp với Đức Chúa Trời công chính, năng động, và hay quan tâm như những trang Kinh Thánh cho chúng ta biết. (Gióp 34:10, 12; Giê-rê-mi 32:17; 1 Giăng 4:8) Vậy Kinh Thánh nói gì về lý do tại sao sự đau khổ được phép xảy ra?

Sự đau khổ đã bắt đầu như thế nào?

Đức Chúa Trời không tạo nên loài người để họ đau khổ. Trái lại, Ngài ban cho cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, có tâm trí và thân thể hoàn toàn, Ngài chuẩn bị cho họ một khu vườn xinh đẹp làm chỗ ở, và giao cho họ công việc đầy ý nghĩa, thỏa lòng. (Sáng-thế Ký 1:27, 28, 31; 2:8) Tuy nhiên, việc họ tiếp tục được hạnh phúc hay không tùy thuộc vào việc họ công nhận sự cai trị của Đức Chúa Trời và quyền của Ngài quyết định điều thiện và điều ác. Đặc quyền đó của Đức Chúa Trời được tượng trưng bởi “cây biết điều thiện và điều ác”. (Sáng-thế Ký 2:17) A-đam và Ê-va hẳn chứng tỏ họ phục tùng Đức Chúa Trời nếu họ vâng theo điều răn của Ngài không ăn trái của cây đó. *

Thật bi thảm, A-đam và Ê-va đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Một tạo vật thần linh phản loạn, sau đó được nhận ra là Sa-tan Ma-quỉ, đã thuyết phục Ê-va rằng vâng phục Đức Chúa Trời không phải là điều đem lại lợi ích tốt nhất cho bà. Trên thực tế, hắn cho là Đức Chúa Trời giấu bà điều gì rất đáng chuộng: sự độc lập, quyền tự chọn cho chính bà điều thiện và điều ác. Sa-tan hô hào rằng nếu bà ăn trái của cây đó, ‘mắt bà được mở ra và bà được giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác’. (Sáng-thế Ký 3:1-6; Khải-huyền 12:9) Bị quyến rũ bởi triển vọng được độc lập, Ê-va đã ăn trái cấm, và sau đó A-đam cũng ăn theo.

Chính trong ngày đó, A-đam và Ê-va bắt đầu lãnh nhận hậu quả do hành động phản loạn của họ. Vì bác bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời, họ không được sự che chở và những ân phước mà sự vâng phục Đức Chúa Trời đem lại cho họ. Đức Chúa Trời đuổi họ khỏi vườn Địa Đàng và phán với A-đam: “Đất sẽ bị rủa-sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó-nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Ngươi sẽ làm đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất”. (Sáng-thế Ký 3:17, 19) A-đam và Ê-va phải chịu bệnh tật, đau đớn, tuổi già và sự chết. Sự đau khổ trở thành một phần trong kinh nghiệm của loài người.—Sáng-thế Ký 5:29.

Giải quyết cuộc tranh chấp

Người ta có thể hỏi: ‘Chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại không thể dễ dàng bỏ qua tội lỗi của A-đam và Ê-va hay sao?’ Không, bởi vì làm thế là khiến họ suy giảm lòng tôn trọng đối với uy quyền của Ngài, có lẽ còn châm mồi cho những kẻ phản loạn tương lai và thậm chí còn gây ra sự đau khổ trầm trọng hơn nữa. (Truyền-đạo 8:11) Ngoài ra, dung túng sự bất tuân như thế hẳn sẽ khiến Đức Chúa Trời đồng lõa với những kẻ tội lỗi. Người viết Kinh Thánh Môi-se nhắc nhở chúng ta: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Trung thực với chính mình, Đức Chúa Trời phải để cho A-đam và Ê-va chịu đau khổ vì những hậu quả do sự bất tuân của họ gây ra.

Tại sao Đức Chúa Trời không hủy diệt ngay cặp vợ chồng đầu tiên cùng với Sa-tan, kẻ vô hình xúi giục họ phản loạn? Ngài có quyền năng để làm điều đó. A-đam và Ê-va hẳn sẽ không sinh con cái phải chịu đau khổ và sự chết di truyền. Tuy nhiên, nếu Đức Chúa Trời biểu dương quyền năng theo cách đó hẳn sẽ không chứng tỏ uy quyền chính đáng của Ngài đối với các tạo vật thông minh của Ngài. Hơn nữa, nếu A-đam và Ê-va chết tuyệt tự, điều đó hẳn là dấu hiệu Đức Chúa Trời thất bại trong ý định làm cho trái đất đầy dẫy con cháu hoàn toàn của họ. (Sáng-thế Ký 1:28) Và “Đức Chúa Trời chẳng phải là người... Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?”—Dân-số Ký 23:19.

Trong sự khôn ngoan toàn vẹn của Ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời quyết định cho phép sự phản loạn diễn ra trong một thời gian giới hạn. Những kẻ phản loạn hẳn có thừa cơ hội để gánh chịu những hậu quả do sống độc lập với Đức Chúa Trời. Lịch sử chứng minh rõ ràng là loài người cần đến sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và sự cai trị của Đức Chúa Trời có tính ưu việt vượt hẳn sự cai trị của loài người hoặc của Sa-tan. Đồng thời, Đức Chúa Trời đã có biện pháp để bảo đảm rằng ý định ban đầu của Ngài đối với trái đất sẽ được thực hiện. Ngài hứa rằng một “dòng-dõi” sẽ đến ‘giày-đạp đầu Sa-tan’, loại trừ dứt khoát sự phản loạn của Sa-tan và những hậu quả tai hại của nó.—Sáng-thế Ký 3:15.

Chúa Giê-su Christ là Dòng Dõi đã hứa đó. Nơi 1 Giăng 3:8, chúng ta đọc: “Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy-phá công-việc của ma-quỉ”. Ngài đã thực hiện điều này bằng cách hy sinh mạng sống làm người hoàn toàn của ngài và trả giá chuộc để cứu con cháu của A-đam thoát khỏi tội lỗi và sự chết di truyền. (Giăng 1:29; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6) Những ai thật sự thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su đều được điều đã hứa là khỏi đau khổ vĩnh viễn. (Giăng 3:16; Khải-huyền 7:17) Khi nào điều này sẽ xảy ra?

Chấm dứt sự đau khổ

Việc bác bỏ uy quyền của Đức Chúa Trời đã gây ra đau khổ không tả xiết. Do đó, thật thích hợp là Đức Chúa Trời phải thể hiện đặc biệt uy quyền của Ngài chấm dứt đau khổ của loài người và làm trọn ý định nguyên thủy của Ngài đối với trái đất. Chúa Giê-su đề cập sự sắp đặt này của Đức Chúa Trời khi ngài dạy môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời... Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”—Ma-thi-ơ 6:9, 10, chúng tôi viết nghiêng.

Thời gian mà Đức Chúa Trời cho phép loài người thí nghiệm sự tự trị sắp chấm dứt. Để làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh, Nước Trời đã được thành lập ở trên trời vào năm 1914 với Chúa Giê-su Christ là Vua. * Chẳng bao lâu nữa, Nước này sẽ đánh tan và hủy diệt hết các chính phủ loài người.—Đa-ni-ên 2:44.

Trong thời gian ngắn ngủi làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su cho biết trước một ít về những ân phước mà sự phục hồi quyền cai trị của Đức Chúa Trời sẽ đem lại cho nhân loại. Các sách Phúc Âm cung cấp bằng chứng là Chúa Giê-su bày tỏ lòng thương xót đối với những người nghèo và bị kỳ thị. Ngài chữa lành người bệnh, cho người đói ăn, và làm cho kẻ chết được sống lại. Ngài còn có quyền trên những sức mạnh thiên nhiên. (Ma-thi-ơ 11:5; Mác 4:37-39; Lu-ca 9:11-16) Hãy tưởng tượng điều Chúa Giê-su sẽ hoàn thành khi ngài dùng hiệu lực tẩy sạch đến từ của-lễ hy sinh làm giá chuộc của ngài để đem lại lợi ích cho toàn thể nhân loại biết vâng lời! Kinh Thánh hứa rằng dưới sự cai trị của Đấng Christ, Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”.—Khải-huyền 21:4.

An ủi những người đau khổ

Biết được rằng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời yêu thương và toàn năng, quan tâm đến chúng ta và Ngài sắp sửa giải thoát nhân loại thật là điều rất khích lệ! Thường thường, một bệnh nhân bị bệnh trầm trọng sẵn sàng chấp nhận cách điều trị để được chữa khỏi cho dù phải chịu nhiều đau đớn. Cũng vậy, nếu chúng ta biết cách Đức Chúa Trời giải quyết những vấn đề sẽ đem lại lợi ích vĩnh cửu, sự hiểu biết đó có thể nâng đỡ chúng ta bất chấp những khó khăn tạm thời chúng ta phải đối phó.

Ricardo, đã đề cập trong bài trước, là người đã học cách tìm nguồn an ủi qua những lời hứa của Kinh Thánh. Anh nhớ lại: “Sau khi vợ tôi chết, tôi rất muốn xa cách mọi người, nhưng tôi sớm nhận thấy rằng điều này sẽ chẳng đem vợ tôi trở về và chỉ làm tình trạng cảm xúc tôi suy sụp thêm”. Thay vì thế, Ricardo cứ giữ thói quen tham dự những buổi họp của tín đồ Đấng Christ và chia sẻ thông điệp Kinh Thánh với những người khác. Ricardo nói: “Khi tôi cảm nhận được sự trợ giúp đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va và để ý thấy Ngài đáp lại lời cầu nguyện của tôi trong những vấn đề có vẻ là không quan trọng, tôi đến gần Ngài hơn. Chính sự nhận biết này về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã giúp tôi chịu đựng điều mà chắc chắn là thử thách lớn nhất cho tôi”. Anh thú nhận: “Tôi vẫn còn thương nhớ vợ tôi lắm, nhưng bây giờ tôi tin chắc rằng chẳng có điều gì Đức Giê-hô-va cho phép xảy ra có thể khiến chúng ta bị thiệt thòi mãi mãi”.

Giống như Ricardo và hàng triệu người khác, bạn có khao khát mong mỏi thời kỳ mà những đau khổ hiện nay của nhân loại “sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” không? (Ê-sai 65:17) Hãy chắc chắn rằng những ân phước của Nước Đức Chúa Trời đang trong tầm tay bạn, nếu theo sát lời khuyên này của Kinh Thánh: “Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được; hãy kêu-cầu đang khi Ngài ở gần!”—Ê-sai 55:6.

Để giúp đỡ bạn làm được điều này, hãy để cho việc đọc Kinh Thánh và cẩn thận học Lời Đức Chúa Trời là điều ưu tiên trong đời sống bạn. Hãy học biết Đức Chúa Trời và Đấng mà Ngài sai đến, Chúa Giê-su Christ. Hãy nỗ lực sống phù hợp với những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và bằng cách đó bạn chứng tỏ mình sẵn sàng vâng phục uy quyền tối thượng của Ngài. Một đường lối như thế sẽ mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc hơn ngay bây giờ bất chấp những thử thách mà bạn có thể phải đương đầu. Trong tương lai, bạn sẽ được vui hưởng đời sống trong một thế giới không còn đau khổ.—Giăng 17:3.

[Chú thích]

^ đ. 7 Trong phần cước chú của Sáng-thế Ký 2:17, bản dịch The Jerusalem Bible giải thích “sự hiểu biết điều thiện và điều ác” là “khả năng quyết định... điều gì là thiện và điều gì là ác và hành động theo, một sự tuyên bố hoàn toàn độc lập về đạo đức, qua hành động đó con người từ chối chấp nhận tình trạng của mình là một vật thọ tạo”. Cước chú đó nói thêm: “Tội lỗi đầu tiên là sự tấn công quyền thống trị của Đức Chúa Trời”.

^ đ. 17 Muốn đọc lời thảo luận chi tiết về lời tiên tri trong Kinh Thánh liên quan đến năm 1914, xin xem chương 10 và 11 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 6, 7]

LÀM SAO CHÚNG TA CÓ THỂ ĐỐI PHÓ VỚI SỰ ĐAU KHỔ?

“Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Chúa Trời]”. (1 Phi-e-rơ 5:7) Những cảm giác bối rối, nóng giận và bị bỏ rơi chỉ là tự nhiên khi chúng ta chịu đựng đau khổ hoặc thấy người thân yêu đau khổ. Thế nhưng, hãy chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va hiểu được những cảm xúc của chúng ta. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7; Ê-sai 63:9) Giống như những người trung thành thời xưa, chúng ta có thể mở lòng chúng ta cho Ngài và giãi bày những nghi ngờ và lo lắng của chúng ta. (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:22; Gióp 10:1-3; Giê-rê-mi 14:19; Ha-ba-cúc 1:13) Có thể Ngài không dùng phép lạ để cất khỏi chúng ta những thử thách, nhưng để đáp lại lời cầu nguyện chân thành của chúng ta, Ngài có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sức mạnh để đối phó với những thử thách đó.—Gia-cơ 1:5, 6.

“Khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường”. (1 Phi-e-rơ 4:12) Ở đây Phi-e-rơ đang nói đến sự bắt bớ, nhưng những lời của ông cũng áp dụng rất thích hợp cho bất cứ sự đau khổ nào mà một tín đồ có thể phải chịu. Con người có thể gặp thiếu thốn, đau ốm, và mất người thân yêu. Kinh Thánh nói rằng “thời thế và sự bất trắc” xảy đến cho mọi người. (Truyền-đạo 9:11, NW) Những điều như thế là một phần trong hiện trạng của loài người. Nhận thức được điều đó sẽ giúp chúng ta đối phó với sự đau khổ và sự không may khi chúng xảy đến. (1 Phi-e-rơ 5:9) Trên hết mọi sự, việc nhớ lại lời cam kết rằng “mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ”, sẽ đặc biệt là một nguồn an ủi.—Thi-thiên 34:15; Châm-ngôn 15:3; 1 Phi-e-rơ 3:12.

“Hãy vui-mừng trong sự trông-cậy”. (Rô-ma 12:12) Thay vì cứ mãi nghĩ đến hạnh phúc đã qua, chúng ta có thể suy ngẫm về lời Đức Chúa Trời hứa chấm dứt mọi đau khổ. (Truyền-đạo 7:10) Sự trông cậy hay niềm hy vọng có cơ sở vững chắc này sẽ che chở chúng ta như chiếc nón bảo hộ che chở đầu chúng ta. Niềm hy vọng chắn đỡ những trắc trở trong cuộc sống và giúp bảo đảm rằng những điều đó không mãi mãi làm hại sức khỏe tinh thần, cảm xúc hoặc thiêng liêng của chúng ta.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8.

[Hình nơi trang 5]

A-đam và Ê-va bác bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 7]

Đức Chúa Trời hứa sẽ có một thế giới không còn đau khổ