Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức tin bạn mạnh mẽ đến độ nào?

Đức tin bạn mạnh mẽ đến độ nào?

Đức tin bạn mạnh mẽ đến độ nào?

“Anh em đứng vững nhờ đức tin”.—2 CÔ-RINH-TÔ 1:24, BẢN DIỄN Ý.

TÔI TỚ Đức Giê-hô-va đều biết họ phải có đức tin. Thật vậy, ‘không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Đức Chúa Trời’. (Hê-bơ-rơ 11:6) Vì thế, chúng ta nên khôn ngoan cầu xin được ban thánh linh và đức tin, một trong những bông trái tốt lành của thánh linh. (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:22, 23, NW) Noi gương đức tin của anh em đồng đạo cũng giúp củng cố lòng tin của chúng ta.—2 Ti-mô-thê 1:5; Hê-bơ-rơ 13:7.

2 Đức tin chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu biết kiên trì đeo đuổi lề lối mà Lời Đức Chúa Trời đề ra cho tất cả tín đồ Đấng Christ. Có thể gia tăng đức tin bằng cách đọc Kinh Thánh mỗi ngày và siêng năng học hỏi Kinh Thánh, với sự trợ giúp của các ấn phẩm được cung cấp qua lớp “người quản-gia ngay-thật”. (Lu-ca 12:42-44; Giô-suê 1:7, 8) Chúng ta được khuyến khích bởi đức tin của nhau khi đều đặn có mặt tại các buổi họp, hội nghị và đại hội. (Rô-ma 1:11, 12; Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Đồng thời, đức tin chúng ta cũng được củng cố khi làm chứng cho người khác.—Thi-thiên 145:10-13; Rô-ma 10:11-15.

3 Khi cho lời khuyên và khích lệ dựa trên Kinh Thánh, các trưởng lão đầy lòng yêu thương cũng giúp xây dựng đức tin chúng ta. Họ có đồng tinh thần như sứ đồ Phao-lô, người đã viết cho anh em ở Cô-rinh-tô: “Vì anh em đứng vững nhờ đức tin—nhưng chúng tôi muốn đem lại cho anh em niềm hoan hỉ”. (2 Cô-rinh-tô 1:23, 24, BDY) Một bản dịch khác viết: “Chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em, bởi vì đức tin của anh em đã vững rồi”. (Tòa Tổng Giám Mục) Người công bình sống bởi đức tin. Dĩ nhiên, không ai khác có thể thực hành đức tin thế cho chúng ta hay khiến chúng ta giữ vẹn lòng trung kiên. Về phương diện này, ‘chúng ta phải gánh riêng phần mình’.—Ga-la-ti 3:11; 6:5.

4 Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời tường thuật về những người có đức tin. Hẳn chúng ta cũng biết khá nhiều về những hành động xuất sắc của họ, nhưng còn đức tin mà họ đã thể hiện từ ngày này sang ngày khác, có lẽ trong suốt cả quãng đời dài thì sao? Bây giờ để củng cố đức tin, chúng ta hãy cùng xem xét cách họ đã thể hiện như thế nào trong những hoàn cảnh tương tự như của chúng ta ngày nay.

Đức tin cho ta sự can đảm

5 Đức tin tiếp sức để chúng ta can đảm công bố lời Đức Chúa Trời. Hê-nóc đã can đảm báo trước việc thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Nầy, Chúa ngự đến với muôn-vàn thánh, đặng phán-xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin-kính về mọi việc không tin-kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ-hổ mà những kẻ có tội không tin-kính đó đã nói nghịch cùng Ngài”. (Giu-đe 15) Khi nghe những lời đó, những kẻ thù không tin kính của Hê-nóc hẳn muốn giết ông. Nhưng với đức tin, ông vẫn dạn dĩ rao truyền thông điệp, và Đức Chúa Trời đã ‘tiếp ông đi’ vào giấc ngủ thiên thu, dường như không để ông phải chịu chết cách đau đớn. (Sáng-thế Ký 5:24; Hê-bơ-rơ 11:5) Chúng ta không được cảm nghiệm những phép lạ như thế, nhưng Đức Giê-hô-va luôn đáp lời cầu nguyện để chúng ta công bố lời Ngài với đức tin và sự can đảm.—Công-vụ 4:24-31.

6 Bởi đức tin, Nô-ê “đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. (Hê-bơ-rơ 11:7; Sáng-thế Ký 6:13-22) Ông cũng là “thầy giảng đạo công-bình”, can đảm rao báo lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời cho những người đương thời. (2 Phi-e-rơ 2:5) Họ hẳn đã chế giễu thông điệp của ông về trận Đại Hồng Thủy sắp đến, như một số người chế giễu khi chúng ta trình bày bằng chứng dựa trên Kinh Thánh về sự hủy diệt sắp tới của hệ thống mọi sự này. (2 Phi-e-rơ 3:3-12) Tuy nhiên, giống như Hê-nóc và Nô-ê, chúng ta có thể rao truyền một thông điệp như thế nhờ đức tin và sự can đảm mà Đức Chúa Trời ban cho.

Đức tin giúp ta kiên nhẫn

7 Chúng ta cần có đức tin và sự kiên nhẫn, đặc biệt là trong khi chờ đợi sự kết liễu của hệ thống gian ác này. Một trong ‘những người bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục sẽ được hưởng lời hứa’ là tộc trưởng Áp-ra-ham, một người kính sợ Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 6:11, 12) Bởi đức tin, ông rời thành U-rơ và tất cả tiện nghi thuận lợi để đến kiều ngụ trong một xứ lạ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông. Y-sác và Gia-cốp là những người đồng kế tự cùng lời hứa đó. Tuy nhiên, “hết thảy những người đó đều chết trong đức-tin, chưa nhận-lãnh những điều hứa cho mình”. Bởi đức tin, “họ ham-mến một quê-hương tốt hơn, tức là quê-hương ở trên trời”. Chính vì thế, Đức Chúa Trời “đã sắm sẵn cho họ một thành”. (Hê-bơ-rơ 11:8-16) Đúng vậy, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp—cùng những người vợ tin kính của họ—đã kiên nhẫn chờ đợi Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Dưới sự cai trị của Nước đó, họ sẽ được sống lại trên đất.

8 Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã không mất đức tin. Họ chưa được làm chủ Đất Hứa, và cũng chưa thấy mọi dân được phước nhờ dòng dõi Áp-ra-ham. (Sáng-thế Ký 15:5-7; 22:15-18) Mặc dù phải nhiều thế kỷ sau ‘thành mà Đức Chúa Trời xây-cất’ mới thành hiện thực, nhưng những người này vẫn tiếp tục thể hiện đức tin và sự kiên nhẫn trong suốt đời họ. Chắc chắn chúng ta càng nên làm thế vì Nước Đấng Mê-si nay đã thành hiện thực trên trời.—Thi-thiên 42:5, 11; 43:5.

Đức tin giúp ta có những mục tiêu cao quý nhất

9 Các tộc trưởng trung thành đã không bao giờ bắt chước lối sống suy đồi của dân Ca-na-an vì họ có những mục tiêu cao quý hơn. Tương tự như thế, đức tin giúp chúng ta có những mục tiêu thiêng liêng hầu tránh bị đồng hóa với thế gian nằm dưới quyền kẻ dữ, Sa-tan Ma-quỉ.—1 Giăng 2:15-17; 5:19.

10 Nhờ sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, con trai Gia-cốp là Giô-sép trở thành người cai quản lương thực tại Ai Cập, nhưng danh vọng thế gian không phải là mục tiêu của ông. Với đức tin nơi sự ứng nghiệm các lời hứa của Đức Giê-hô-va, lúc 110 tuổi Giô-sép nói với các anh mình: “Em sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp”. Giô-sép yêu cầu được chôn trong đất hứa. Khi chết, ông được ướp xác và đặt trong một quan tài ở Ai Cập. Nhưng đến khi dân Y-sơ-ra-ên được thoát khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập, nhà tiên tri Môi-se đã cho đưa hài cốt của Giô-sép về an táng tại Đất Hứa. (Sáng-thế Ký 50:22-26; Xuất Ê-díp-tô Ký 13:19) Đức tin như của Giô-sép nên thúc đẩy chúng ta theo đuổi những mục tiêu cao quý hơn là danh vọng thế gian.—1 Cô-rinh-tô 7:29-31.

11 Là một thành viên có trình độ học thức trong hoàng gia Ai Cập, nhưng Môi-se đã chọn “cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”. (Hê-bơ-rơ 11:23-26; Công-vụ 7:20-22) Điều đó khiến ông phải từ bỏ thanh thế, và có lẽ cả đặc quyền được an táng trọng thể trong một quan tài lộng lẫy tại một địa danh nổi tiếng nào đó ở Ai Cập. Nhưng những thứ đó có giá trị gì so với đặc ân được làm “người của Đức Chúa Trời”, người trung bảo của giao ước Luật Pháp, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va, và người viết Kinh Thánh? (E-xơ-ra 3:2) Phải chăng việc thăng quan tiến chức là mơ ước của bạn, hay đức tin đã giúp bạn có những mục tiêu thiêng liêng cao quý hơn?

Đức tin mang lại đời sống thỏa nguyện

12 Đức tin không chỉ giúp người ta có những mục tiêu cao quý nhất, mà còn mang lại một đời sống thỏa nguyện. Khi còn là kỹ nữ, Ra-háp ở thành Giê-ri-cô hẳn cảm thấy đời sống thật vô nghĩa. Thế nhưng, mọi sự đã thay đổi biết bao khi bà sống theo đức tin! Bà ‘được xưng công-bình bởi việc làm [của đức tin], sau khi tiếp-rước các sứ-giả [Y-sơ-ra-ên] và khiến họ noi đường khác mà đi’ hầu tránh kẻ thù Ca-na-an. (Gia-cơ 2:24-26) Thừa nhận Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, Ra-háp cũng biểu lộ đức tin qua việc từ bỏ đời sống kỹ nữ. (Giô-suê 2:9-11; Hê-bơ-rơ 11:30, 31) Bà kết hôn với một tôi tớ của Đức Giê-hô-va, thay vì với một người Ca-na-an ngoại đạo. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4; 1 Cô-rinh-tô 7:39) Ra-háp đã có đặc ân lớn trở thành tổ mẫu của Đấng Mê-si. (1 Sử-ký 2:3-15; Ru-tơ 4:20-22; Ma-thi-ơ 1:5, 6) Nhưng chưa hết, như những người khác, trong đó có những người đã từ bỏ nếp sống vô luân, bà sẽ nhận được một phần thưởng khác nữa—sự sống lại trong địa đàng.

13 Sau khi từ bỏ đời sống tội lỗi, Ra-háp hẳn đã giữ lối sống ngay thẳng. Tuy nhiên, một số người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời lâu năm lại phạm tội trọng. Vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba, âm mưu cho chồng bà bị giết ngoài mặt trận, rồi lấy bà làm vợ. (2 Sa-mu-ên 11:1-27) Vô cùng ăn năn đau khổ về những tội lỗi mình đã phạm, ông nài xin Đức Giê-hô-va: “[Xin] đừng cất khỏi tôi Thánh-Linh Chúa”. Đa-vít đã không mất thánh linh Đức Chúa Trời. Ông tin rằng Đức Giê-hô-va, với lòng thương xót của Ngài, sẽ không khinh dể “lòng đau-thương thống-hối” của người đã trót lầm lỗi. (Thi-thiên 51:11, 17; 103:10-14) Vì có đức tin, Đa-vít và Bát-Sê-ba đã được đặc ân đứng trong hàng tổ tiên Đấng Mê-si.—1 Sử-ký 3:5; Ma-thi-ơ 1:6, 16; Lu-ca 3:23, 31.

Đức tin được vững mạnh hơn nhờ sự bảo đảm

14 Mặc dù sống theo đức tin, nhưng đôi khi chúng ta cũng cần được bảo đảm về sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Đó là trường hợp của Quan Xét Ghê-đê-ôn, một trong những người “bởi đức-tin đã thắng được các nước”. (Hê-bơ-rơ 11:32, 33) Khi quân Ma-đi-an và đồng minh của chúng xâm lược Y-sơ-ra-ên, thánh linh Đức Chúa Trời đã đổ xuống trên Ghê-đê-ôn. Vì muốn được bảo đảm rằng Đức Giê-hô-va ở cùng ông, Ghê-đê-ôn xin thử bằng cách để một lốt chiên trong sân đạp lúa qua đêm. Trong lần thử đầu, sương chỉ đọng trên lốt chiên, còn mặt đất xung quanh vẫn khô. Lần thứ hai thì ngược lại. Vững lòng hơn nhờ những sự bảo đảm này, Ghê-đê-ôn, vốn thận trọng, đã hành động với đức tin và đánh bại kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. (Các Quan Xét 6:33-40; 7:19-25) Tìm kiếm sự bảo đảm khi phải quyết định một vấn đề không phải là thiếu đức tin. Thật ra chúng ta biểu lộ đức tin khi tham khảo Kinh Thánh, các ấn phẩm của đạo Đấng Christ, và cầu xin sự hướng dẫn của thánh linh trước khi quyết định.—Rô-ma 8:26, 27.

15 Đức tin của Quan Xét Ba-rác đã vững mạnh hơn nhờ được trấn an bằng lời khích lệ. Nữ tiên tri Đê-bô-ra đã khuyến khích ông đứng lên giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp bức của Vua Gia-bin, xứ Ca-na-an. Với đức tin và một lần nữa được bảo đảm về sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, Ba-rác đã dẫn 10.000 quân thiếu trang bị ra trận và chiến thắng đạo quân hùng hậu hơn hẳn của Gia-bin, dưới quyền chỉ huy của Si-sê-ra. Chiến thắng đó đã được ca ngợi trong bài hát đầy phấn khích của Đê-bô-ra và Ba-rác. (Các Quan Xét 4:1—5:31) Đê-bô-ra đã khuyến khích Ba-rác hành động như một người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời bổ nhiệm, và ông là một trong những tôi tớ Đức Giê-hô-va bởi đức tin “khiến đạo binh nước thù chạy trốn”. (Hê-bơ-rơ 11:33, 34) Suy ngẫm về cách Đức Chúa Trời ban phước cho hành động theo đức tin của Ba-rác có thể thúc đẩy chúng ta hành động nếu còn ngần ngại trong việc thực hiện một nhiệm vụ khó khăn nào đó trong công tác phụng sự Đức Giê-hô-va.

Đức tin tạo sự hòa thuận

16 Bên cạnh việc giúp chúng ta thực hiện những nhiệm vụ khó khăn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, đức tin còn tạo sự hòa thuận và thanh thản. Mặc dù lớn tuổi hơn, Áp-ra-ham đã để người cháu là Lót chọn lấy vùng đồng cỏ tốt nhất, khi những người chăn chiên của họ cãi vã nhau và hai gia đình cần tách ra sống riêng. (Sáng-thế Ký 13:7-12) Áp-ra-ham hẳn đã cầu nguyện với đức tin xin Đức Chúa Trời giúp giải quyết vấn đề đó. Thay vì nghĩ đến quyền lợi của mình trước hết, ông đã giải quyết sự việc cách ôn hòa. Nếu có tranh chấp với anh em tín đồ Đấng Christ, chúng ta hãy cầu nguyện với đức tin và “tìm sự hòa-bình”, ghi nhớ gương của Áp-ra-ham về lòng quan tâm yêu thương.—1 Phi-e-rơ 3:10-12.

17 Hãy xem làm thế nào việc áp dụng với đức tin các nguyên tắc đạo Đấng Christ có thể giúp tạo sự hòa thuận. Khi Phao-lô sắp khởi hành chuyến hành trình giáo sĩ thứ hai, Ba-na-ba đã đồng ý với đề nghị của ông là trở lại thăm các hội thánh ở Chíp-rơ và vùng Tiểu Á. Tuy nhiên, Ba-na-ba muốn mang theo Mác, anh em chú bác của ông. Phao-lô không đồng ý vì trước đó Mác đã bỏ rơi họ tại Bam-phi-ly. Một cuộc ‘cãi-lẫy dữ-dội’ nổ ra khiến hai người tách ra đi riêng. Ba-na-ba đưa Mác đi cùng đến Chíp-rơ, còn Phao-lô thì chọn Si-la làm bạn đồng hành và “trải qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, làm cho các Hội-thánh được vững-bền”. (Công-vụ 15:36-41) Với thời gian, mối bất hòa đó hẳn đã được giải quyết vì sau đó Mác đã ở cùng Phao-lô tại Rô-ma, và sứ đồ đã nói tốt về ông. (Cô-lô-se 4:10; Phi-lê-môn 23, 24) Khi bị tù ở Rô-ma vào khoảng năm 65 CN, Phao-lô bảo Ti-mô-thê: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm”. (2 Ti-mô-thê 4:11) Phao-lô hẳn đã cầu nguyện với đức tin về mối quan hệ của ông với Ba-na-ba và Mác, và điều đó đã mang lại sự thanh thản, vốn gắn liền với “sự bình-an của Đức Chúa Trời”.—Phi-líp 4:6, 7.

18 Dĩ nhiên, vì bất toàn, “chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm”. (Gia-cơ 3:2) Về hai nữ tín đồ đã có sự va chạm với nhau, Phao-lô viết những lời này: “Tôi khuyên Ê-vô-đi và khuyên Sin-ty-cơ phải hiệp một ý trong Chúa... Xin... giúp hai người đàn-bà ấy, nhân hai bà ấy cùng tôi đã vì đạo Tin-lành mà chiến-đấu”. (Phi-líp 4:1-3) Chắc hẳn hai phụ nữ tin kính này đã giải quyết vấn đề của họ một cách ôn hòa theo lời khuyên nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24. Áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh với đức tin cũng sẽ giúp tạo sự hòa thuận ngày nay.

Đức tin giúp ta chịu đựng

19 Đức tin cũng giúp chúng ta chịu đựng nghịch cảnh. Có thể chúng ta đang đau buồn vì một thành viên đã báp têm trong gia đình lại bất vâng phục, kết hôn với người ngoại. (1 Cô-rinh-tô 7:39) Y-sác và Rê-bê-ca đã đau khổ vì con trai họ, Ê-sau, cưới những phụ nữ không tin kính. Các cô vợ người Hê-tít của ông là “sự cay-đắng lòng” cho họ đến độ Rê-bê-ca than thở: “Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các đứa đó; thôi, tôi còn sống mà chi?” (Sáng-thế Ký 26:34, 35; 27:46) Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn đó không bao giờ hủy hoại được đức tin của Y-sác và Rê-bê-ca. Mong sao chúng ta cũng giữ vững đức tin khi gặp những hoàn cảnh cam go khó giải quyết.

20 Là người Giu-đa, góa phụ Na-ô-mi luống tuổi biết rằng một số phụ nữ Giu-đa sẽ được ơn sanh ra cha ông của Đấng Mê-si. Nhưng vì các con trai bà đều đã chết khi chưa có con, và bản thân đã quá tuổi sinh nở, nên khả năng gia đình bà được có phần trong dòng dõi Đấng Mê-si thật mỏng manh. Tuy nhiên, người con dâu góa của bà là Ru-tơ đã tái hôn với một người lớn tuổi tên Bô-ô, sinh cho ông một con trai, và trở thành tổ mẫu của Chúa Giê-su, tức Đấng Mê-si! (Sáng-thế Ký 49:10, 33; Ru-tơ 1:3-5; 4:13-22; Ma-thi-ơ 1:1, 5) Đức tin của Na-ô-mi và Ru-tơ đã chiến thắng nghịch cảnh và mang lại vui mừng cho họ. Chúng ta cũng sẽ được niềm vui mừng lớn nếu giữ vững đức tin trước nghịch cảnh.

21 Mặc dù không biết ngày mai điều gì sẽ xảy đến cho mỗi người trong chúng ta, nhưng với đức tin, chúng ta có thể đương đầu với mọi thử thách. Đức tin cho chúng ta sự can đảm và kiên nhẫn. Đức tin giúp chúng ta có những mục tiêu cao quý nhất và một đời sống thỏa nguyện. Đức tin cũng ảnh hưởng tích cực trên mối quan hệ của chúng ta với người khác, và giúp chúng ta chiến thắng nghịch cảnh. Do đó, mong sao chúng ta là những người “giữ đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi”. (Hê-bơ-rơ 10:39) Với sức mạnh của Đức Chúa Trời đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va, và để tôn vinh Ngài, chúng ta hãy tiếp tục sống theo đức tin mạnh mẽ.

Bạn trả lời thế nào?

• Bằng chứng nào dựa trên Kinh Thánh cho thấy đức tin có thể khiến chúng ta can đảm?

• Tại sao có thể nói đức tin cho chúng ta một đời sống thỏa nguyện?

• Làm thế nào đức tin tạo sự hòa thuận?

• Bằng chứng nào cho thấy đức tin giúp ta chịu đựng nghịch cảnh?

[Câu hỏi thảo luận]

1, 2. Tại sao chúng ta phải có đức tin, và làm thế nào để đức tin mạnh mẽ hơn?

3. Về phương diện đức tin, chúng ta nhận được sự giúp đỡ nào từ các trưởng lão đầy lòng yêu thương?

4. Những lời tường thuật về những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời giúp củng cố lòng tin như thế nào?

5. Bằng chứng nào dựa trên Kinh Thánh cho thấy đức tin tiếp sức để chúng ta can đảm công bố lời Đức Chúa Trời?

6. Làm thế nào đức tin và sự can đảm mà Đức Chúa Trời ban cho đã giúp Nô-ê?

7. Áp-ra-ham và những người khác đã thể hiện đức tin và sự kiên nhẫn như thế nào?

8. Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã biểu lộ đức tin và sự kiên nhẫn bất kể điều gì?

9. Đức tin ảnh hưởng thế nào đến các mục tiêu trong đời sống?

10. Làm thế nào chúng ta biết Giô-sép đã theo đuổi một mục tiêu cao quý hơn là danh vọng thế gian?

11. Qua việc gì Môi-se cho thấy ông có mục tiêu thiêng liêng?

12. Đức tin đã có ảnh hưởng nào trên đời sống Ra-háp?

13. Đa-vít đã phạm những tội gì liên quan đến Bát-Sê-ba, nhưng ông đã bày tỏ thái độ nào?

14. Ghê-đê-ôn đã nhận được những sự bảo đảm nào, và lời tường thuật này có thể ảnh hưởng thế nào trên đức tin chúng ta?

15. Chúng ta được giúp đỡ thế nào khi suy ngẫm về đức tin của Ba-rác?

16. Áp-ra-ham đã nêu gương mẫu tốt nào trong việc giữ hòa hảo với Lót?

17. Tại sao có thể nói mối bất hòa giữa Phao-lô, Ba-na-ba và Mác đã được giải quyết ổn thỏa?

18. Điều gì chắc hẳn đã xảy ra trong trường hợp của Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ?

19. Hoàn cảnh khó khăn nào không bao giờ hủy hoại được đức tin của Y-sác và Rê-bê-ca?

20. Na-ô-mi và Ru-tơ là những gương mẫu đức tin như thế nào?

21. Đức tin mang lại những lợi ích nào cho chúng ta, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?

[Các hình nơi trang 16]

Đức tin giúp Nô-ê và Hê-nóc can đảm công bố thông điệp của Đức Giê-hô-va

[Các hình nơi trang 17]

Đức tin như của Môi-se thúc đẩy chúng ta theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng

[Các hình nơi trang 18]

Đức tin của Ba-rác, Đê-bô-ra và Ghê-đê-ôn được củng cố nhờ sự bảo đảm về sự trợ giúp của Đức Chúa Trời