Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thật sự tin nơi tin mừng không?

Bạn có thật sự tin nơi tin mừng không?

Bạn có thật sự tin nơi tin mừng không?

“Nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn-năn và tin đạo Tin-lành [“tin theo TIN MỪNG”, “An Sơn Vị”]”.—MÁC 1:15.

1, 2. Bạn giải thích Mác 1:14, 15 thế nào?

BẤY GIỜ là vào năm 30 CN. Chúa Giê-su Christ đã bắt đầu thánh chức trọng đại của ngài ở Ga-li-lê. Ngài đang rao giảng “tin-lành của Đức Chúa Trời”, và những lời này của ngài đã khiến nhiều người Ga-li-lê xúc động: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn-năn và tin đạo Tin-lành [“tin theo TIN MỪNG”, ASV]”.—Mác 1:14, 15.

2 “Kỳ” Chúa Giê-su bắt đầu thánh chức đã đến, và dân chúng cần có quyết định đúng đắn để được Đức Chúa Trời chấp nhận. (Lu-ca 12:54-56) “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần” vì Chúa Giê-su, với tư cách Vị Vua được chỉ định, đã hiện diện. Công việc rao giảng của ngài đã khiến những người có lòng thành ăn năn. Nhưng họ đã chứng tỏ “tin theo TIN MỪNG” như thế nào, và ngày nay làm sao chúng ta thực hiện điều này?

3 Giống như Chúa Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ cũng khuyên người ta ăn năn. Ông nói với người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban-cho Đức Thánh-Linh”. Hàng ngàn người đã ăn năn, làm báp têm và trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. (Công-vụ 2:38, 41; 4:4) Vào năm 36 CN, những người ngoại biết ăn năn cũng thực hiện những bước như thế. (Công-vụ 10:1-48) Vào thời chúng ta, đức tin nơi tin mừng đang thúc đẩy hàng ngàn người ăn năn lỗi lầm của họ, dâng mình cho Đức Chúa Trời, và làm báp têm. Họ đã chấp nhận tin mừng cứu rỗi và đang thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Hơn thế nữa, họ sống theo sự công bình và đứng về phía Nước Đức Chúa Trời.

4 Nhưng đức tin là gì? Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức-tin là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Đức tin khiến chúng ta tin chắc nơi mọi điều Đức Chúa Trời hứa trong Lời Ngài như thể chúng đã xảy ra. Không khác gì chúng ta đã nắm trong tay văn bản pháp lý chứng tỏ chúng ta được quyền sở hữu một tài sản nào đó. Đức tin cũng là “bằng-cớ”, hay bằng chứng để tin những điều không thấy được. Nhận thức và lòng cảm kích khiến chúng ta tin chắc rằng những điều đó có thật dù chưa hề nhìn thấy.—2 Cô-rinh-tô 5:7; Ê-phê-sô 1:18.

Chúng ta cần có đức tin!

5 Chúng ta sinh ra có nhu cầu thiêng liêng, chứ chưa có đức tin. Thật thế, “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2) Tuy nhiên, muốn hưởng các lời hứa của Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ phải có đức tin. (Hê-bơ-rơ 6:12) Sau khi nêu lên nhiều gương mẫu về đức tin, Phao-lô viết: “Vì chúng ta được nhiều người chứng-kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội-lỗi dễ vấn-vương ta, lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin”. (Hê-bơ-rơ 12:1, 2) “Tội-lỗi dễ vấn-vương ta” là gì? Đó là sự thiếu đức tin, hoặc đánh mất đức tin mình từng có trước đây. Muốn giữ đức tin mạnh mẽ, chúng ta phải chăm chú “nhìn xem Đức Chúa Jêsus” và noi theo gương ngài. Chúng ta cũng cần khước từ sự vô luân, chiến đấu chống lại các việc làm của xác thịt, và tránh chủ nghĩa vật chất, triết học thế gian, cùng các phong tục trái Kinh Thánh. (Ga-la-ti 5:19-21; Cô-lô-se 2:8; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10; Giu-đe 3, 4) Ngoài ra, chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta và lời khuyên trong Lời Ngài thật sự linh nghiệm.

6 Chúng ta không thể dùng ý chí để tự tạo đức tin. Đức tin là một trong các trái của thánh linh, hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:22, 23, NW) Vậy, nếu đức tin của chúng ta cần được củng cố thì sao? Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi... còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13) Đúng vậy, hãy cầu xin được ban thánh linh, vì thánh linh giúp chúng ta có đức tin cần thiết để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất.—Ê-phê-sô 3:20.

7 Cầu xin thêm đức tin là điều thích đáng. Khi Chúa Giê-su sắp đuổi quỉ ra khỏi một cậu bé, cha cậu bé đã nài xin: “Tôi tin; xin Chúa giúp-đỡ trong sự không tin của tôi!” (Mác 9:24) Môn đồ Chúa Giê-su cũng nói: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi!” (Lu-ca 17:5) Vì thế, hãy cầu xin cho có đức tin, và tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lại những lời cầu nguyện như thế.—1 Giăng 5:14.

Đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời là tối quan trọng

8 Ít lâu trước khi hy sinh, Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Lòng các ngươi chớ hề bối-rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa”. (Giăng 14:1) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời và Con Ngài. Thế còn đối với Lời Ngài thì sao? Lời Ngài có thể ảnh hưởng mạnh mẽ và tích cực đến đời sống chúng ta, nếu chúng ta học và áp dụng lời đó với trọn lòng tin rằng đó là những lời khuyên và hướng dẫn tốt nhất có thể tìm được.—Hê-bơ-rơ 4:12.

9 Đời sống con người bất toàn đầy khó khăn bất trắc. Tuy nhiên, đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời có thể thật sự giúp chúng ta. (Gióp 14:1) Chẳng hạn, giả sử chúng ta không biết cách đương đầu với một thử thách nào đó. Lời Đức Chúa Trời cho ta lời khuyên này: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ; vì kẻ hay nghi-ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa: ấy là một người phân-tâm, phàm làm việc gì đều không định”.—Gia-cơ 1:5-8.

10 Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ không trách móc chúng ta về việc thiếu khôn ngoan và cầu xin sự khôn ngoan. Thay vì thế, Ngài sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về thử thách đó. Có thể qua anh em đồng đức tin, hay trong khi học Kinh Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy những câu Kinh Thánh hữu ích. Hoặc chúng ta có thể được thánh linh Đức Giê-hô-va hướng dẫn qua một cách khác. Cha trên trời sẽ cho chúng ta sự khôn ngoan để đương đầu với thử thách nếu ta “lấy đức-tin mà cầu-xin, chớ nghi-ngờ”. Nếu chúng ta giống như sóng biển bị gió xô động, thì không thể hy vọng nhận được gì từ nơi Đức Chúa Trời. Tại sao? Bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta phân tâm và bất định trong lời cầu nguyện hay trong những việc khác—thật vậy, cả trong việc thực hành đức tin. Do đó, chúng ta cần có đức tin vững chắc nơi Lời Đức Chúa Trời và nơi sự hướng dẫn của Lời này. Hãy xem một số ví dụ về cách Lời Ngài giúp đỡ và hướng dẫn.

Đức tin và việc sinh sống

11 Nếu chúng ta đang ở trong cảnh túng thiếu hoặc nghèo khổ thì sao? Đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của chúng ta, và cuối cùng sẽ ban dư dật mọi thứ cho những ai yêu mến Ngài. (Thi-thiên 72:16; Lu-ca 11:2, 3) Chúng ta có thể sẽ cảm thấy khích lệ nếu suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va đã chu cấp thức ăn cho nhà tiên tri Ê-li trong suốt một nạn đói. Sau đó, Đức Chúa Trời còn làm phép lạ duy trì bột và dầu để nuôi sống một phụ nữ, con trai bà và nhà tiên tri Ê-li. (1 Các Vua 17:2-16) Tương tự như thế, Đức Giê-hô-va cũng đã chu cấp cho nhà tiên tri Giê-rê-mi trong suốt thời gian Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn bao vây. (Giê-rê-mi 37:21) Mặc dù Giê-rê-mi và Ê-li đều chỉ có ít thức ăn, nhưng Đức Giê-hô-va đã luôn chăm sóc họ. Ngài cũng làm thế cho những ai đặt đức tin nơi Ngài ngày nay.—Ma-thi-ơ 6:11, 25-34.

12 Đức tin kèm với việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh sẽ không khiến chúng ta trở nên giàu có, nhưng sẽ giúp ta luôn có cơm áo. Để minh họa: Kinh Thánh khuyên chúng ta nên là người lương thiện, siêng năng và có kỹ năng. (Châm-ngôn 22:29, NW; Truyền-đạo 5:18, 19; Ê-phê-sô 4:28) Chúng ta chớ bao giờ nên xem nhẹ giá trị của việc có tiếng tốt trong công việc. Ngay cả ở những nơi khó kiếm việc tốt, nhân viên lương thiện, siêng năng và có kỹ năng cũng có nhiều cơ hội hơn. Mặc dù những nhân viên như thế có thể không kiếm được nhiều tiền, nhưng họ thường có đủ mọi nhu cầu căn bản và được thỏa lòng khi hưởng những gì do chính tay mình làm ra.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:11, 12.

Đức tin giúp chịu đựng sự đau buồn

13 Lời Đức Chúa Trời cho thấy một cách thực tế rằng đau khổ khi mất người thân yêu là điều tự nhiên. Tộc trưởng trung thành Áp-ra-ham đã than khóc trước cái chết của người vợ yêu dấu là Sa-ra. (Sáng-thế Ký 23:2) Đa-vít đã đau đớn khi hay tin con trai ông là Áp-sa-lôm bị chết. (2 Sa-mu-ên 18:33) Ngay cả người hoàn toàn Giê-su cũng rơi lệ trước cái chết của bạn ngài, La-xa-rơ. (Giăng 11:35, 36) Khi một người thân yêu mất đi, chúng ta có thể cảm thấy đau đớn tột cùng, nhưng đức tin nơi các lời hứa trong Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta chịu đựng nỗi đau đó.

14 Sứ đồ Phao-lô nói: ‘Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời, là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình’. (Công-vụ 24:15) Chúng ta cần có đức tin nơi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời cho nhiều người sống lại. (Giăng 5:28, 29) Trong số đó sẽ có Áp-ra-ham và Sa-ra, Y-sác và Rê-bê-ca, Gia-cốp và Lê-a—thảy đều đã ngủ, chờ đợi sự sống lại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 49:29-32) Sẽ vui mừng biết bao khi những người thân yêu được đánh thức khỏi giấc ngủ dài trong sự chết để sống ngay trên đất này! (Khải-huyền 20:11-15) Từ đây cho đến lúc đó, đức tin không thể xóa hết mọi nỗi đau, nhưng nó sẽ giữ chúng ta gần bên Đức Chúa Trời, là Đấng giúp ta chịu đựng sự mất mát.—Thi-thiên 121:1-3; 2 Cô-rinh-tô 1:3.

Đức tin thêm sức cho người nản lòng

15 Lời Đức Chúa Trời cũng cho thấy ngay cả những người sống theo đức tin cũng có thể trở thành nạn nhân của sự buồn nản. Khi bị thử thách khắc nghiệt, Gióp đã cảm thấy bị Đức Chúa Trời bỏ rơi. (Gióp 29:2-5) Tình trạng hoang tàn của Giê-ru-sa-lem và các tường thành đã khiến Nê-hê-mi buồn rầu. (Nê-hê-mi 2:1-3) Sau khi chối Chúa Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ đã đau khổ đến nỗi “khóc-lóc thảm-thiết”. (Lu-ca 22:62) Còn Phao-lô đã khuyến khích anh em đồng đức tin ở hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca hãy “yên-ủi những kẻ ngã lòng”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Vì thế, nếu những người sống theo đức tin ngày nay cảm thấy buồn nản, họ không phải là những người đầu tiên và duy nhất. Vậy, chúng ta có thể làm gì để đối phó với tình trạng này?

16 Chúng ta có thể buồn nản vì phải đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thay vì gộp chúng lại thành một vấn đề lớn, chúng ta có thể giải quyết từng vấn đề một dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Điều đó có thể giúp ta bớt buồn nản. Thăng bằng trong sinh hoạt và nghỉ ngơi đầy đủ cũng có thể giúp ích. Có một điều chắc chắn: Đức tin nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài mang lại sự thư thái trong lòng vì nó củng cố lòng tin của chúng ta nơi sự quan tâm chăm sóc của Đức Chúa Trời.

17 Sứ đồ Phi-e-rơ cho chúng ta lời bảo đảm đầy an ủi: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va nâng-đỡ mọi người sa-ngã, và sửa ngay lại mọi người cong-khom”. (Thi-thiên 145:14) Chúng ta nên tin những lời bảo đảm này vì chúng được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời. Mặc dù sự buồn nản có thể kéo dài, nhưng đức tin chúng ta được củng cố biết bao khi biết rằng chúng ta có thể trao mọi lo lắng cho Cha đầy yêu thương trên trời!

Đức tin và những thử thách khác

18 Đức tin chúng ta có thể bị thử thách nghiêm trọng khi bản thân hay người thân bị bệnh nặng. Mặc dù Kinh Thánh không ghi lại một sự chữa lành mầu nhiệm nào cho những tín đồ Đấng Christ như Ép-ba-phô-đích, Ti-mô-thê và Trô-phim, nhưng chắc chắn Đức Giê-hô-va đã giúp họ chịu đựng. (Phi-líp 2:25-30; 1 Ti-mô-thê 5:23; 2 Ti-mô-thê 4:20) Hơn nữa, về những người “đoái đến kẻ khốn-cùng”, người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va sẽ nâng-đỡ người tại trên giường rũ-liệt; trong khi người đau bịnh, Chúa sẽ cải-dọn cả giường người”. (Thi-thiên 41:1-3) Làm thế nào lời của người viết Thi-thiên giúp chúng ta an ủi anh em đau ốm?

19 Một cách để giúp đỡ về tinh thần là cầu nguyện chung và cho người bệnh. Mặc dù không còn cầu xin sự chữa lành bằng phép lạ vào thời nay, chúng ta có thể xin Đức Chúa Trời ban cho họ nghị lực để đương đầu với bệnh tật, và sức mạnh tinh thần cần thiết để nhịn nhục chịu đựng trong thời gian đau ốm. Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ họ, và đức tin họ sẽ được củng cố khi nghĩ đến thời kỳ mà “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. (Ê-sai 33:24) Thật an ủi biết bao khi biết rằng qua Chúa Giê-su Christ đã sống lại và Nước Đức Chúa Trời, nhân loại biết vâng lời sẽ mãi mãi được giải thoát khỏi tội lỗi, bệnh tật và sự chết! Vì những triển vọng lớn lao này, chúng ta tạ ơn Đức Giê-hô-va, Đấng ‘sẽ chữa lành mọi bệnh-tật chúng ta’.—Thi-thiên 103:1-3; Khải-huyền 21:1-5.

20 Đức tin cũng giúp chúng ta trong “những ngày gian-nan” của tuổi già, khi sức lực ngày một yếu đi. (Truyền-đạo 12:1-7) Vì thế, những người lớn tuổi trong vòng chúng ta có thể cầu nguyện như người viết Thi-thiên lúc về già đã hát: “Chúa Giê-hô-va ôi, Chúa là sự trông-đợi tôi... Xin Chúa chớ từ-bỏ tôi trong thì già-cả; cũng đừng lìa-khỏi tôi khi sức tôi hao-mòn”. (Thi-thiên 71:5, 9) Cũng như người viết Thi-thiên, nhiều anh chị đã phụng sự Đức Chúa Trời đến già cũng cảm thấy cần sự nâng đỡ của Ngài. Vì có đức tin, họ có thể chắc chắn rằng cánh tay đời đời của Đức Giê-hô-va luôn nâng đỡ họ.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:27.

Giữ vững đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời

21 Đức tin nơi tin mừng và toàn bộ Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta ngày càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn. (Gia-cơ 4:8) Đúng, Ngài là Chúa Tối Thượng, nhưng cũng là Đấng Tạo Hóa và Cha chúng ta. (Ê-sai 64:8; Ma-thi-ơ 6:9; Công-vụ 4:24) Người viết Thi-thiên hát: “Chúa là Cha tôi, là Đức Chúa Trời tôi, và là hòn đá về sự cứu-rỗi tôi”. (Thi-thiên 89:26) Nếu thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va và Lời soi dẫn của Ngài, chúng ta cũng có thể xem Ngài là ‘hòn đá về sự cứu-rỗi chúng ta’. Quả là một đặc ân thật ấm lòng!

22 Đức Giê-hô-va là Cha của các tín đồ được thọ sinh bởi thánh linh, và của các bạn đồng hành họ, là những người có hy vọng sống trên đất. (Rô-ma 8:15) Đức tin nơi Cha trên trời không bao giờ khiến chúng ta phải thất vọng. Đa-vít nói: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”. (Thi-thiên 27:10) Hơn thế nữa, chúng ta được bảo đảm: “Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân-sự Ngài”.—1 Sa-mu-ên 12:22.

23 Dĩ nhiên, muốn vui hưởng mối quan hệ lâu dài với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải có đức tin nơi tin mừng và chấp nhận Kinh Thánh thật sự là Lời Đức Chúa Trời. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Chúng ta phải có đức tin trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va và để Lời Ngài soi sáng đường chúng ta. (Thi-thiên 119:105; Châm-ngôn 3:5, 6) Đức tin chúng ta sẽ gia tăng khi cầu xin Ngài với lòng tin chắc vào sự thương xót và nâng đỡ của Ngài.

24 Đức tin thúc đẩy chúng ta dâng mình mãi mãi cho Đức Chúa Trời. Với đức tin vững chắc, ngay cả nếu chết, chúng ta vẫn là tôi tớ đã dâng mình cho Ngài, với hy vọng sống lại. Thật vậy, “chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả”. (Rô-ma 14:8) Hãy giữ ý tưởng đầy an ủi đó trong lòng trong khi tiếp tục có đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời và tin mừng.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức tin là gì, và tại sao là cần thiết?

• Tại sao có đức tin nơi tin mừng và toàn bộ Lời Đức Chúa Trời là điều tối quan trọng?

• Làm thế nào đức tin giúp chúng ta đương đầu với nhiều thử thách khác nhau?

• Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ vững đức tin?

[Câu hỏi thảo luận]

3. Qua những hành động nào nhiều người đã cho thấy họ tin nơi tin mừng?

4. Đức tin là gì?

5. Tại sao đức tin lại rất quan trọng?

6, 7. Tại sao cầu xin cho có đức tin là điều thích đáng?

8. Đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta như thế nào?

9, 10. Bạn giải thích thế nào về những gì Gia-cơ 1:5-8 nói về đức tin?

11. Đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta sự bảo đảm nào liên quan đến nhu cầu hàng ngày?

12. Làm thế nào đức tin giúp ta luôn có cơm áo?

13, 14. Làm thế nào đức tin giúp chúng ta chịu đựng sự đau buồn?

15, 16. (a) Tại sao có thể nói chứng buồn nản nơi những người sống theo đức tin không phải là điều mới lạ? (b) Có thể làm gì để đối phó với sự buồn nản?

17. Làm sao chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến chúng ta?

18, 19. Làm sao đức tin giúp chúng ta đương đầu với bệnh tật, và an ủi những anh em đau ốm?

20. Tại sao có thể nói rằng đức tin giúp chúng ta trong “những ngày gian-nan” của tuổi già?

21, 22. Đức tin ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời?

23. Muốn vui hưởng mối quan hệ lâu dài với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải làm gì?

24. Ý tưởng đầy an ủi nào được nêu nơi Rô-ma 14:8?

[Các hình nơi trang 12]

Đức Giê-hô-va đã chu cấp cho Giê-rê-mi và Ê-li vì họ có đức tin

[Các hình nơi trang 13]

Gióp, Phi-e-rơ và Nê-hê-mi đã có đức tin mạnh mẽ

[Các hình nơi trang 15]

Muốn vui hưởng mối quan hệ lâu dài với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải có đức tin nơi tin mừng