Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tại sao Kinh Thánh nói một người phải la lên nếu bị đe dọa cưỡng dâm?

Người nào chưa trải qua nỗi kinh hoàng khi bị cưỡng dâm một cách tàn bạo thì không bao giờ có thể thực sự hiểu được điều đó hủy hoại cuộc đời một người như thế nào. Kinh nghiệm này thật kinh khủng đối với nạn nhân đến độ nó có thể làm khổ cả đời của người đó. * Một nữ tín đồ trẻ bị một kẻ cưỡng dâm tấn công cách nay vài năm kể lại: “Lời nói không thể tả hết nỗi sợ hãi tột cùng của tôi vào đêm đó cũng như sự khủng hoảng mà tôi phải vượt qua kể từ đó”. Nhiều người thậm chí không thích nghĩ tới vấn đề này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nạn đe dọa cưỡng dâm là một thực trạng trong thế gian hung ác ngày nay.

Kinh Thánh không ngại tường thuật một số trường hợp cưỡng dâm và toan cưỡng dâm trong quá khứ. (Sáng-thế Ký 19:4-11; 34:1-7; 2 Sa-mu-ên 13:1-14) Nhưng Kinh Thánh cũng khuyên một người phải làm gì khi bị đe dọa cưỡng dâm. Những gì Luật Pháp nói về vấn đề này được ghi lại nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:23-27. Đoạn này đề cập đến hai tình huống. Trong trường hợp thứ nhất, một người nam gặp một người nữ trẻ trong thành và nằm cùng nàng. Dù bị như vậy, người nữ đó đã không la lên hay kêu cứu. Vì vậy, nàng bị xem là có tội “bởi vì không có la lên trong thành”. Nếu la lên, những người gần đó ắt có thể đến cứu nàng. Trong trường hợp thứ hai, một người nam gặp một người nữ trẻ ở ngoài đồng, và “hành-hung nằm với nàng”. Để tự vệ, người nữ đó “la lên, mà không ai giải-cứu”. Khác với người nữ trong trường hợp trước, rõ ràng người nữ này không nhượng bộ trước hành động của kẻ tấn công. Nàng quyết liệt chống lại hắn, kêu cứu, nhưng bị khống chế. Tiếng la chứng tỏ nàng là một nạn nhân bất đắc dĩ, nên không bị kết tội.

Dù tín đồ Đấng Christ ngày nay không ở dưới Luật Pháp Môi-se, nhưng những nguyên tắc được đề cập trong đó cũng cho họ sự hướng dẫn. Sự tường thuật trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại và kêu cứu. La lên khi bị đe dọa cưỡng dâm vẫn được xem là một hành động thực tiễn. Một chuyên gia phòng chống tội phạm nói: “Nếu một người nữ bị tấn công, vũ khí tốt nhất vẫn là buồng phổi”. Tiếng la của một phụ nữ có thể làm người khác chú ý và chạy đến giúp đỡ, hoặc có thể làm kẻ tấn công hoảng hốt bỏ chạy. Một nữ tín đồ trẻ đã bị một kẻ cưỡng dâm tấn công kể lại: “Tôi cố hết sức la lên và hắn lùi bước. Khi hắn lại tiến tới lần nữa, tôi hét lên và bỏ chạy. Trước kia, tôi thường nghĩ: ‘Chỉ la lên thì làm sao có thể thoát khỏi bàn tay một gã đàn ông to lớn khi hắn chỉ có một ý đồ trong đầu?’ Nhưng tôi nhận thấy nó hữu hiệu!”

Ngay cả trong trường hợp đáng buồn là khi một người nữ bị khống chế và cưỡng dâm, việc nàng chống cự và kêu cứu vẫn không phải là vô ích. Ngược lại, điều đó cho thấy nàng đã làm hết sức mình để chống lại kẻ tấn công. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:26) Dù phải sống với kinh nghiệm đau đớn này, nàng vẫn có thể có một lương tâm trong sạch, lòng tự trọng, và tin chắc là nàng trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm khủng khiếp này có lẽ để lại những vết thương trong lòng, nhưng nhận biết rằng mình đã làm hết sức để chống lại kẻ tấn công sẽ giúp rất nhiều cho việc dần dần chữa lành vết thương này.

Để hiểu sự áp dụng của Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:23-27, chúng ta phải nhận biết rằng sự tường thuật ngắn gọn này không bao gồm tất cả mọi tình huống có thể xảy ra. Chẳng hạn, đoạn này không nói đến tình huống người phụ nữ bị tấn công không thể la lên vì nàng bị câm, ngất xỉu, hoặc đờ người ra vì sợ hãi, hoặc vì bị bịt miệng bằng tay hay băng keo. Tuy nhiên, vì Đức Giê-hô-va có khả năng cân nhắc mọi yếu tố, kể cả động lực, Ngài thông cảm và công bằng khi đối xử với những trường hợp đó, vì “các đường-lối Ngài là công-bình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Ngài biết điều gì đã thực sự xảy ra và những nỗ lực của nạn nhân để chống lại kẻ tấn công. Do đó, một nạn nhân, dù không thể la lên, nhưng đã làm mọi cách mình có thể làm trong hoàn cảnh đó và để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 55:22; 1 Phi-e-rơ 5:7.

Dù vậy, một số nữ tín đồ Đấng Christ đã bị tấn công và hãm hiếp không ngớt ray rứt vì cảm giác tội lỗi. Nhìn lại sự kiện, họ cảm thấy nếu như họ nỗ lực nhiều hơn thì đã ngăn chặn được sự việc xảy ra. Tuy nhiên, thay vì tự trách mình, những nạn nhân đó có thể cầu nguyện Đức Giê-hô-va, xin Ngài giúp đỡ, và tin cậy nơi lòng yêu thương nhân từ rộng lượng của Ngài.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Thi-thiên 86:5.

Vì vậy, những nữ tín đồ Đấng Christ hiện đang đương đầu với những vết thương trong lòng do sự tấn công của kẻ cưỡng dâm có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hoàn toàn thông cảm với nỗi đau khổ họ đang gánh chịu. Lời Đức Chúa Trời cam đoan với họ: “Đức Giê-hô-va ở gần những kẻ có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào nào có tâm-hồn thống-hối”. (Thi-thiên 34:18) Họ có thể được giúp đỡ thêm để đương đầu với nỗi đau khi chấp nhận sự giúp đỡ nhân từ và thông cảm thành thật của các anh em cùng đức tin trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Gióp 29:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Hơn nữa, những nỗ lực riêng của nạn nhân để tập trung vào những ý tưởng tích cực sẽ giúp họ cảm nghiệm được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết”.—Phi-líp 4:6-9.

[Chú thích]

^ đ. 3 Dù bài này nói về nạn nhân nữ, những nguyên tắc được thảo luận ở đây cũng áp dụng cho nam giới khi bị đe dọa cưỡng dâm.