Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Các ngươi hãy yêu nhau’

‘Các ngươi hãy yêu nhau’

Các ngươi hãy yêu nhau’

“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.—GIĂNG 13:35.

1. Chúa Giê-su nhấn mạnh đức tính nào ít lâu trước khi chết?

“HỠI các con trẻ ta”. (Giăng 13:33) Chúa Giê-su đã gọi các sứ đồ bằng những lời dịu dàng đó vào đêm trước khi chết. Theo lời tường thuật của các sách Phúc Âm, trước đó ngài không hề dùng cách xưng hô nồng ấm này để nói chuyện với họ. Tuy nhiên, vào đêm đặc biệt đó, ngài muốn dùng cách xưng hô mật thiết này để thể hiện tất cả lòng yêu thương sâu xa mà ngài dành cho môn đồ. Thật vậy, Chúa Giê-su đã nhắc đến tình yêu thương khoảng 30 lần vào đêm đó. Tại sao ngài nhấn mạnh đức tính này đến thế?

2. Tại sao bày tỏ tình yêu thương rất quan trọng đối với tín đồ Đấng Christ?

2 Chúa Giê-su giải thích tại sao tình yêu thương quan trọng. Ngài nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35; 15:12, 17) Làm môn đồ Đấng Christ gắn liền với việc bày tỏ tình yêu thương anh em. Tín đồ thật Đấng Christ không được nhận diện bằng trang phục đặc biệt, hay một tập quán khác thường nào đó, mà là bởi tình yêu thương nồng ấm và dịu dàng giữa họ với nhau. Tình yêu thương nổi bật này là điều kiện thứ hai trong ba điều kiện của việc làm môn đồ Đấng Christ được nói đến ở đầu bài trước. Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục thỏa mãn điều kiện này?

“Tỏ lòng yêu-thương đó thêm mãi”

3. Sứ đồ Phao-lô cho lời khuyên nào về tình yêu thương?

3 Như các môn đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, các môn đồ thật của Đấng Christ ngày nay cũng thể hiện rõ tình yêu thương nổi bật này. Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất: “Còn như sự anh em yêu-thương nhau, về điều đó, không cần viết cho anh em, vì chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu-thương nhau; và đối với mọi anh em khác,... [anh em] cũng làm như vậy”. Dù vậy, Phao-lô nói thêm: “[Hãy] tỏ lòng yêu-thương đó thêm mãi”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:12; 4:9, 10) Chúng ta cũng cần ghi khắc lời khuyên của Phao-lô và cố gắng bày tỏ “thêm” lòng yêu thương nhau.

4. Theo Phao-lô và Chúa Giê-su, chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến ai?

4 Trong cùng bức thư được soi dẫn đó, Phao-lô khuyến khích anh em đồng đức tin “yên-ủi những kẻ ngã lòng” và “nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Vào một dịp khác, ông lại nhắc nhở tín đồ Đấng Christ: “Kẻ mạnh, phải gánh-vác sự yếu-đuối cho những kẻ kém-sức”. (Rô-ma 15:1) Chúa Giê-su cũng dạy giúp đỡ người yếu đuối. Sau khi báo trước cho Phi-e-rơ là vào đêm ngài bị bắt, ông sẽ bỏ ngài, Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ: “Khi ngươi đã hối-cải, hãy làm cho vững chí anh em mình”. Tại sao? Bởi vì những người đó cũng sẽ bỏ rơi Chúa Giê-su, và vì thế cũng cần được giúp đỡ. (Lu-ca 22:32; Giăng 21:15-17) Vậy, Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta mở rộng lòng yêu thương với những người yếu đuối về thiêng liêng, và những người có thể đã ngưng kết hợp với hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 12:12) Tại sao nên làm thế? Hai minh họa sống động sau của Chúa Giê-su sẽ cho lời giải đáp.

Con chiên lạc và đồng tiền bị mất

5, 6. (a) Chúa Giê-su kể hai minh họa ngắn nào? (b) Những minh họa này cho biết gì về Đức Giê-hô-va?

5 Để dạy người nghe về quan điểm của Đức Giê-hô-va về những người bị trôi giạt, Chúa Giê-su nêu hai minh họa ngắn. Thứ nhất là về người chăn chiên. Ngài nói: “Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín-mươi-chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui-mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn-hữu và kẻ lân-cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui-mừng cho một kẻ có tội ăn-năn hơn là chín-mươi-chín kẻ công-bình không cần phải ăn-năn”.—Lu-ca 15:4-7.

6 Minh họa thứ hai là về một người đàn bà. Chúa Giê-su nói: “Có người đàn-bà nào có mười đồng bạc, mất một đồng, mà không thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ-càng cho kỳ được sao? Khi tìm được rồi, gọi bầu-bạn và người lân-cận mình, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được đồng bạc bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng-rỡ cho một kẻ có tội ăn-năn”.—Lu-ca 15:8-10.

7. Minh họa về con chiên lạc và đồng tiền bị mất cho chúng ta hai bài học nào?

7 Chúng ta học được gì từ những minh họa ngắn này? Hai minh họa này cho biết (1) chúng ta nên có cảm nghĩ nào về những người trở nên yếu đuối, và (2) chúng ta nên làm gì để giúp họ. Hãy cùng xem xét những điểm này.

Mất nhưng vẫn quý giá

8. (a) Người chăn chiên và người đàn bà phản ứng thế nào trước sự mất mát? (b) Phản ứng của họ cho thấy họ nghĩ thế nào về món đồ bị mất?

8 Trong cả hai minh họa đều có thứ mất, nhưng hãy lưu ý phản ứng của người chủ. Người chăn chiên không hề nói: ‘Xá gì một con chiên, ta vẫn còn đến 99 con cơ mà? Ta không cần có nó’. Người đàn bà không nói: ‘Sao phải lo lắng vì một đồng bạc? Chín đồng cũng đủ cho ta rồi’. Thay vì thế, người chăn chiên đi tìm con chiên lạc như thể đó là con chiên duy nhất mà ông có. Còn người đàn bà thì quý đồng tiền bị mất như thể bà không còn đồng nào khác. Trong cả hai trường hợp, món đồ bị mất vẫn quý giá đối với chủ của chúng. Điều đó nói lên gì?

9. Sự quan tâm của người chăn chiên và người đàn bà minh họa cho điều gì?

9 Hãy lưu ý kết luận của Chúa Giê-su trong cả hai trường hợp: “Trên trời cũng như vậy, sẽ vui-mừng cho một kẻ có tội ăn-năn”, và “ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng-rỡ cho một kẻ có tội ăn-năn”. Vậy, sự quan tâm của người chăn chiên và người đàn bà phản ánh phần nào cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va và các tạo vật trên trời của Ngài. Như món đồ bị mất vẫn quý giá đối với người chăn chiên và người đàn bà, cũng vậy những người đã trôi giạt và ngưng kết hợp với dân Đức Chúa Trời vẫn quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. (Giê-rê-mi 31:3) Những người đó có thể yếu đuối về thiêng liêng, nhưng không nhất thiết đã phản nghịch. Dù ở trong tình trạng yếu đuối, có thể họ vẫn vâng giữ phần nào các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 119:176; Công-vụ 15:29) Vì thế, như trong quá khứ, Đức Giê-hô-va không hấp tấp ‘từ-bỏ họ khỏi trước mặt Ngài’.—2 Các Vua 13:23.

10, 11. (a) Chúng ta muốn nghĩ thế nào về những người đã trôi giạt khỏi hội thánh? (b) Theo hai minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta có thể biểu lộ sự quan tâm bằng cách nào?

10 Giống như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chúng ta cũng quan tâm sâu sắc đến những người yếu đuối đã ngưng kết hợp với hội thánh. (Ê-xê-chi-ên 34:16; Lu-ca 19:10) Chúng ta xem người yếu về thiêng liêng như một con chiên lạc—chứ không phải như một người hết thuốc chữa. Chúng ta không lý luận rằng: ‘Sao phải lo lắng về một người yếu đuối? Không có anh ta, hội thánh vẫn phát triển tốt’. Thay vì thế, giống như Đức Giê-hô-va, chúng ta xem những người đã trôi giạt nhưng muốn quay trở lại là quý giá.

11 Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ sự quan tâm? Hai minh họa của Chúa Giê-su cho thấy chúng ta có thể làm điều đó bằng cách (1) chủ động, (2) dịu dàng, và (3) nhiệt thành. Chúng ta hãy xem xét từng khía cạnh một.

Hãy chủ động

12. Câu “đi tìm con đã mất” cho chúng ta biết gì về thái độ của người chăn chiên?

12 Trong minh họa thứ nhất, Chúa Giê-su nói người chăn chiên “đi tìm con đã mất”. Người chăn chiên chủ động và nỗ lực hết mình để tìm con chiên lạc. Khó khăn, nguy hiểm và đường xa không khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông kiên trì tìm kiếm “cho kỳ được”.—Lu-ca 15:4.

13. Những người trung thành thời xưa đã đáp ứng nhu cầu của những người yếu đuối như thế nào, và làm thế nào chúng ta noi theo các gương trong Kinh Thánh?

13 Cũng thế, muốn giúp đỡ những người cần được khuyến khích, người mạnh thường phải chủ động. Những người trung thành thời xưa hiểu rõ điều này. Chẳng hạn, khi Giô-na-than, con trai Vua Sau-lơ, biết người bạn thiết nghĩa của ông là Đa-vít cần sự khích lệ, ông đã “đứng dậy, đi đến cùng Đa-vít ở trong rừng, làm cho người vững lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời”. (1 Sa-mu-ên 23:15, 16) Vài thế kỷ sau, khi thấy một số anh em người Do Thái của ông trở nên yếu đuối, Tổng Đốc Nê-hê-mi cũng đã “chỗi dậy” và khuyến khích họ ‘nhớ đến Đức Giê-hô-va’. (Nê-hê-mi 4:14) Ngày nay, chúng ta cũng muốn ‘chỗi dậy’—tức chủ động—tiếp sức cho những người yếu. Nhưng trong hội thánh, ai nên làm việc này?

14. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, ai nên giúp đỡ những người yếu?

14 Các trưởng lão tín đồ Đấng Christ đặc biệt có trách nhiệm “làm cho mạnh những tay yếu-đuối, làm cho vững những gối run-en”, và “bảo những kẻ có lòng sợ-hãi rằng: Khá vững lòng, đừng sợ nữa!” (Ê-sai 35:3, 4; 1 Phi-e-rơ 5:1, 2) Tuy nhiên, hãy lưu ý Phao-lô không chỉ gửi lời khuyên “yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối” đến cho các trưởng lão, mà đúng hơn là cho toàn thể “Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; 5:14) Vì vậy, giúp đỡ người yếu đuối là trách nhiệm của tất cả tín đồ Đấng Christ. Như người chăn chiên trong minh họa, mỗi tín đồ Đấng Christ nên có ước muốn “đi tìm con đã mất”. Dĩ nhiên, việc này sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác với các trưởng lão. Bạn có thể làm điều gì đó để giúp một người yếu trong hội thánh không?

Hãy dịu dàng

15. Hành động của người chăn chiên có thể là do đâu?

15 Người chăn chiên đã làm gì khi cuối cùng tìm thấy con chiên lạc? Ông “vác nó lên vai”. (Lu-ca 15:5) Thật là một chi tiết xúc động và gợi tả! Con chiên có thể đã lang thang trong vùng đất lạ suốt mấy ngày đêm, có khi còn bị sư tử rình rập rượt đuổi. (Gióp 39:1, 2) Và chắc chắn nó đã yếu đi vì đói. Nó không còn đủ sức nữa để tự vượt qua những chướng ngại trên đường quay về bầy. Vì thế, người chăn chiên cúi xuống, dịu dàng ẵm nó lên, và đưa nó vượt qua mọi trở ngại để quay về bầy. Làm sao chúng ta thể hiện sự chăm sóc như người chăn chiên?

16. Tại sao chúng ta nên thể hiện sự dịu dàng như cách người chăn chiên đối xử với con chiên lạc?

16 Một người ngưng kết hợp với hội thánh có thể bị kiệt sức về thiêng liêng. Giống như chiên xa người chăn dắt, họ có thể đã lang thang vô định trong thế giới đầy thù nghịch này. Không được che chở trong chuồng, tức hội thánh, họ càng dễ bị tấn công bởi Ma-quỉ, “như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Ngoài ra, họ cũng bị yếu đi vì thiếu thức ăn thiêng liêng. Vì thế, một mình họ có lẽ không đủ sức để vượt qua những chướng ngại gặp phải trên đường quay lại hội thánh. Do đó, nói một cách ví von, chúng ta cần cúi xuống, dịu dàng đỡ người yếu dậy, và đưa họ trở lại. (Ga-la-ti 6:2) Làm sao chúng ta có thể thực hiện điều đó?

17. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo gương sứ đồ Phao-lô khi viếng thăm người yếu đuối?

17 Sứ đồ Phao-lô nói: “Nào có ai yếu-đuối mà tôi chẳng yếu-đuối ư?” (2 Cô-rinh-tô 11:29; 1 Cô-rinh-tô 9:22) Phao-lô đồng cảm với người khác, kể cả người yếu đuối. Chúng ta cũng muốn biểu lộ sự đồng cảm như thế với anh em yếu đuối. Khi đến thăm một tín đồ yếu về thiêng liêng, hãy trấn an họ rằng họ rất quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va và anh em Nhân Chứng rất nhớ họ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17) Hãy cho họ biết anh em sẵn sàng giúp đỡ họ, và xem họ như “anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. (Châm-ngôn 17:17; Thi-thiên 34:18) Lời lẽ chân thành của chúng ta có thể dịu dàng đỡ họ lên từ từ đến mức có thể trở lại bầy. Tiếp theo chúng ta nên làm gì? Minh họa về người đàn bà và đồng tiền bị mất cho chúng ta sự hướng dẫn.

Hãy nhiệt thành

18. (a) Tại sao người đàn bà trong minh họa không cảm thấy vô vọng? (b) Bà đã nỗ lực nhiệt thành thế nào, và kết quả ra sao?

18 Người đàn bà bị mất đồng tiền biết rằng việc tìm lại sẽ khó khăn, nhưng không hẳn vô vọng. Nếu đồng tiền bị rơi nhằm khu cây cối rậm rạp hoặc rớt xuống hồ bùn sâu, hẳn bà đã bỏ cuộc vì không tài nào tìm được. Nhưng vì biết rằng đồng tiền chỉ rơi đâu đó trong nhà, tức trong phạm vi có thể kiếm được, bà dốc sức tìm thật kỹ càng. (Lu-ca 15:8) Trước hết, bà châm đèn thắp sáng căn nhà tù mù, sau đó dùng chổi quét khắp nhà, mong nghe có tiếng leng keng. Cuối cùng, bà cẩn thận tìm kiếm mọi ngóc ngách trong nhà cho đến khi bắt gặp đồng tiền lấp lánh. Nỗ lực nhiệt thành của bà đã được tưởng thưởng!

19. Qua hành động của người đàn bà trong minh họa về đồng tiền mất, ta có thể rút ra bài học nào về việc giúp đỡ người yếu?

19 Chi tiết này trong minh họa nhắc nhở chúng ta rằng việc giúp đỡ người yếu mà Kinh Thánh đòi hỏi không vượt quá khả năng chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng ý thức rằng công việc đó đòi hỏi sự nỗ lực. Thật thế, sứ đồ Phao-lô đã nói với các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô: “Phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp-đỡ người yếu-đuối”. (Công-vụ 20:35a) Hãy nhớ rằng không phải do ngẫu nhiên hay chỉ nhờ tìm kiếm qua loa quanh nhà mà người đàn bà đã tìm thấy đồng tiền. Không, bà thành công là nhờ tìm kiếm một cách có hệ thống “cho kỳ được” mới thôi. Tương tự thế, khi cố gắng tìm lại người yếu về thiêng liêng, chúng ta cần nhiệt thành và làm việc có mục đích. Chúng ta có thể làm gì?

20. Có thể làm gì để giúp người yếu?

20 Làm thế nào giúp một người yếu vun đắp đức tin và lòng biết ơn? Có thể chỉ cần sắp xếp học Kinh Thánh riêng với người đó bằng một ấn phẩm thích hợp. Thật vậy, học Kinh Thánh với người yếu cho ta cơ hội để giúp họ một cách chu đáo và có hệ thống. Có lẽ tốt nhất nên để giám thị công tác chọn người giúp họ. Anh có thể gợi ý những chủ đề để học và ấn phẩm nào là tốt nhất. Như người đàn bà trong minh họa đã thành công nhờ dùng những công cụ hữu ích, ngày nay chúng ta cũng có những công cụ giúp hoàn thành trách nhiệm nâng đỡ người yếu mà Đức Chúa Trời giao phó. Hai công cụ, hay ấn phẩm, mới của chúng ta sẽ đặc biệt hữu ích trong nỗ lực này, đó là sách Thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật Hãy đến gần Đức Giê-hô-va (Anh ngữ). *

21. Việc giúp đỡ người yếu mang lại ân phước cho tất cả mọi người như thế nào?

21 Giúp đỡ người yếu mang lại ân phước cho tất cả mọi người. Người được giúp cảm thấy hạnh phúc vì lại được sum họp với bạn bè thật. Chúng ta có niềm vui sâu xa mà chỉ sự ban cho mới đem lại. (Lu-ca 15:6, 9; Công-vụ 20:35b) Hội thánh thêm sự nồng ấm vì mỗi thành viên đều yêu thương quan tâm đến người khác. Và trên hết, hai Đấng Chăn Chiên đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, được tôn vinh khi các tôi tớ trên đất phản ánh lòng mong muốn của các Ngài trong việc nâng đỡ những người yếu. (Thi-thiên 72:12-14; Ma-thi-ơ 11:28-30; 1 Cô-rinh-tô 11:1; Ê-phê-sô 5:1) Vì thế, chúng ta có mọi lý do để tiếp tục ‘yêu thương nhau’!

[Chú thích]

^ đ. 20 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao thể hiện tình yêu thương là điều thiết yếu đối với mỗi người trong chúng ta?

• Tại sao chúng ta nên mở rộng lòng yêu thương với những người yếu?

• Minh họa về con chiên lạc và đồng tiền bị mất dạy ta những bài học nào?

• Chúng ta có thể thực hiện những bước thực tế nào để giúp người yếu?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 16, 17]

Khi giúp đỡ người yếu, chúng ta nên chủ động, dịu dàng và nhiệt thành

[Hình nơi trang 16, 17]

Giúp đỡ người yếu mang lại ân phước cho tất cả mọi người