Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy kết nhiều quả’

‘Hãy kết nhiều quả’

‘Hãy kết nhiều quả’

“Các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta”.—GIĂNG 15:8.

1. (a) Điều kiện làm môn đồ nào được Chúa Giê-su nhắc nhở các sứ đồ? (b) Chúng ta nên tự đặt những câu hỏi nào?

ĐÓ LÀ đêm trước khi ngài chịu chết. Chúa Giê-su đã ân cần nói chuyện hàng giờ với các sứ đồ để khuyến khích họ. Bấy giờ hẳn đã quá nửa đêm, nhưng ngài vẫn còn nói vì yêu mến những người bạn thiết của mình. Rồi trong cuộc trò chuyện, ngài nhắc đến một điều kiện khác mà họ cần hội đủ để tiếp tục làm môn đồ ngài. Ngài nói: “Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy”. (Giăng 15:8) Ngày nay, chúng ta có hội đủ điều kiện này không? “Kết nhiều quả” có nghĩa gì? Để tìm ra câu trả lời, chúng ta hãy xem lại cuộc trò chuyện tối hôm đó.

2. Chúa Giê-su kể minh họa nào về cây trái vào buổi tối trước khi chết?

2 Lời khuyên ‘hãy kết quả’ nằm trong một minh họa mà Chúa Giê-su đã kể cho các sứ đồ trước đó. Ngài nói: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa-sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong-sạch, vì lời ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh... Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy. Như Cha đã yêu-thương ta thể nào, ta cũng yêu-thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta. Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta”.—Giăng 15:1-10.

3. Môn đồ Chúa Giê-su phải làm gì để kết quả?

3 Trong minh họa này, Đức Giê-hô-va là Người Trồng, Chúa Giê-su là gốc nho, và các sứ đồ mà ngài đang nói chuyện là nhánh nho. Nếu các sứ đồ cố gắng “cứ ở trong” Chúa Giê-su, họ sẽ tiếp tục kết quả. Sau đó, ngài giải thích làm sao họ có thể giữ được sự hợp nhất tối quan trọng này: “Nếu các ngươi vâng-giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta”. Về sau, sứ đồ Giăng cũng viết những lời tương tự cho anh em tín đồ Đấng Christ. * (1 Giăng 2:24) Như vậy, bằng cách vâng giữ các điều răn của Đấng Christ, môn đồ ngài tiếp tục ở trong ngài, và sự hợp nhất này giúp họ kết quả. Chúng ta cần sinh những quả nào?

Tìm cách tiến bộ hơn

4. Chúng ta học được gì từ việc Đức Giê-hô-va “chặt hết” những nhánh không sinh trái?

4 Trong minh họa về gốc nho, Đức Giê-hô-va “chặt hết” những nhánh không sinh trái. Điều đó nói lên gì? Điều đó cho thấy tất cả tín đồ Đấng Christ không những phải kết quả, mà còn có khả năng làm thế, bất kể hoàn cảnh và hạn chế của họ. Suy cho cùng, việc “chặt”, hoặc loại bỏ, một môn đồ Đấng Christ vì người đó không thực hiện được một điều quá sức mình hẳn sẽ trái với đường lối yêu thương của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 103:14; Cô-lô-se 3:23; 1 Giăng 5:3.

5. (a) Làm thế nào minh họa của Chúa Giê-su cho thấy chúng ta có thể tiến bộ trong việc kết quả? (b) Chúng ta sẽ xem xét hai loại quả nào?

5 Minh họa của Chúa Giê-su về gốc nho cũng cho thấy trong hoàn cảnh giới hạn của mình, chúng ta phải tìm cách tiến bộ trong hoạt động môn đồ. Hãy lưu ý lời ngài nói: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa-sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn”. (Giăng 15:2, chúng tôi viết nghiêng). Đến cuối minh họa, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ kết “nhiều quả”. (Câu 8) Điều này có nghĩa gì? Là môn đồ, chúng ta chớ bao giờ tự mãn. (Khải-huyền 3:14, 15, 19) Thay vì thế, chúng ta nên tìm cách tiến bộ trong việc kết quả. Chúng ta nên cố gắng sinh nhiều hơn loại quả nào? Đó là: (1) “trái của Thánh-Linh”, và (2) bông trái Nước Trời.—Ga-la-ti 5:22, 23; Ma-thi-ơ 24:14.

Bông trái đức tính của tín đồ Đấng Christ

6. Chúa Giê-su đã nhấn mạnh thế nào về giá trị của trái thánh linh được nhắc đến đầu tiên?

6 ‘Trái Thánh-Linh” được nêu lên đầu tiên là yêu thương. Thánh linh Đức Chúa Trời khiến tình yêu thương nảy nở nơi tín đồ Đấng Christ vì họ vâng giữ điều răn mà Chúa Giê-su đã ban trước khi kể minh họa về gốc nho sinh trái. Ngài bảo môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau”. (Giăng 13:34) Thật thế, trong suốt buổi nói chuyện vào đêm cuối cùng sống trên đất, Chúa Giê-su đã nhắc đi nhắc lại với các sứ đồ là họ cần phải biểu lộ tính yêu thương.—Giăng 14:15, 21, 23, 24; 15:12, 13, 17.

7. Làm thế nào sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy việc kết quả liên quan đến việc thể hiện những đức tính giống như của Đấng Christ?

7 Có mặt trong đêm đó, Phi-e-rơ hiểu rằng tình yêu thương giống như của Đấng Christ và các đức tính liên hệ khác phải được thể hiện giữa những môn đồ thật của ngài. Nhiều năm sau, ông khuyến khích tín đồ Đấng Christ vun trồng những đức tính như sự tự chủ, lòng yêu thương anh em, và sự yêu mến. Và ông nói thêm làm thế sẽ giúp chúng ta tránh “ở dưng hoặc không kết quả”. (2 Phi-e-rơ 1:5-8) Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể biểu lộ bông trái của thánh linh. Vì thế, mong sao chúng ta cố gắng bày tỏ nhiều hơn sự yêu thương, nhân từ, mềm mại, và các đức tính khác như của Đấng Christ, vì “không có luật-pháp nào cấm các sự đó”. (Ga-la-ti 5:23) Thật thế, chúng ta hãy sai trái hơn”.

Sinh bông trái Nước Trời

8. (a) Có mối tương quan nào giữa trái thánh linh và bông trái Nước Trời? (b) Câu hỏi nào đáng để chúng ta xem xét?

8 Trái cây chín mọng với màu sắc tươi tắn tô điểm cho cây. Tuy nhiên, giá trị của trái cây đó còn hơn thế nhiều. Vì có mang hạt, trái rất quan trọng trong việc nhân giống cây. Cũng vậy, trái thánh linh không chỉ làm đẹp nhân cách của tín đồ Đấng Christ. Những đức tính như tình yêu thương và đức tin còn thúc đẩy chúng ta rải hạt giống thông điệp Nước Trời chứa trong Lời Đức Chúa Trời. Hãy lưu ý cách sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh mối tương quan hết sức quan trọng này. Ông nói: “Chúng tôi thực hành đức tin [đức tin là một trái của thánh linh], cho nên mới nói”. (2 Cô-rinh-tô 4:13, NW; Ga-la-ti 5:22, NW) Trong cùng ý tưởng đó, Phao-lô giải thích thêm, chúng ta “dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng”—đó là loại trái thứ hai mà chúng ta cần thể hiện. (Hê-bơ-rơ 13:15) Là người công bố về Nước Đức Chúa Trời, đời sống chúng ta còn có thể sinh thêm trái, thật vậy kết “nhiều quả” hơn không?

9. Phải chăng việc sinh bông trái có nghĩa là đào tạo được môn đồ? Hãy giải thích.

9 Để trả lời đúng đắn, trước hết chúng ta cần hiểu bông trái Nước Trời là gì. Một số người cho rằng việc sinh bông trái có nghĩa là đào tạo được môn đồ. Kết luận đó có đúng không? (Ma-thi-ơ 28:19) Phải chăng quả mà chúng ta sinh chủ yếu ám chỉ những người đã được chúng ta giúp để trở thành người làm báp têm và thờ phượng Đức Giê-hô-va? Không. Nếu thế, điều này sẽ khiến tất cả những anh em Nhân Chứng đáng quý, đã trung thành công bố thông điệp Nước Trời trong nhiều năm ở những khu vực ít kết quả nản lòng biết bao. Thật vậy, nếu bông trái Nước Trời chỉ được tiêu biểu bằng những môn đồ mới, thì những Nhân Chứng cần cù đó hẳn sẽ như những nhánh không sinh trái trong minh họa của Chúa Giê-su! Dĩ nhiên, không phải thế. Vậy, trong thánh chức chúng ta, bông trái Nước Trời chủ yếu là gì?

Kết quả bằng cách rải hạt giống Nước Trời

10. Minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống và những loại đất khác nhau cho thấy bông trái Nước Trời là gì, và không phải là gì?

10 Minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống và các loại đất khác nhau cho lời giải đáp—một lời giải đáp đầy khích lệ cho các người làm chứng ở những khu vực có hiệu quả thấp. Chúa Giê-su nói hạt giống là thông điệp Nước Trời chứa trong Lời Đức Chúa Trời, còn đất tượng trưng cho lòng người. Một số hạt “rơi xuống nơi đất tốt, thì mọc lên, và kết-quả”. (Lu-ca 8:8) Quả gì? Sau khi đâm chồi và lớn lên, cây lúa sẽ kết quả, nhưng quả đó không phải là một cây con, mà là hạt mới. Tương tự thế, tín đồ Đấng Christ không nhất thiết phải sinh trái là môn đồ mới, mà là hạt giống Nước Trời mới.

11. Có thể nói quả hay bông trái Nước Trời là gì?

11 Vì thế, quả ở đây không phải là môn đồ mới, cũng không phải là những đức tính của tín đồ Đấng Christ. Vì hạt giống được gieo là thông điệp Nước Trời, nên quả hay bông trái Nước Trời phải là sự sinh sôi nảy nở của hạt giống đó. Việc kết quả ở đây ám chỉ việc rao truyền về Nước Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Dù hoàn cảnh thế nào, phải chăng việc sinh ra bông trái Nước Trời, tức công bố tin mừng về Nước Trời, hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta? Đúng vậy! Trong cùng minh họa đó, Chúa Giê-su giải thích tại sao.

Cố gắng hết sức vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời

12. Việc kết bông trái Nước Trời có nằm trong khả năng của tất cả tín đồ Đấng Christ không? Hãy giải thích.

12 Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi đất tốt,... kết-quả đến nỗi một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục”. (Ma-thi-ơ 13:23) Tùy điều kiện, hạt giống gieo trong ruộng có thể cho năng suất khác nhau. Tương tự thế, tùy hoàn cảnh mỗi người, những gì chúng ta làm được trong việc công bố tin mừng có thể khác nhau, và Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu điều đó. Một số người có thể có nhiều cơ hội hơn, số khác có sức khỏe tốt hơn và năng động hơn. Vì thế, những gì chúng ta làm được có thể nhiều hơn hay ít hơn so với người khác, nhưng miễn chúng ta làm hết sức mình, tất được Đức Giê-hô-va đẹp lòng. (Ga-la-ti 6:4) Ngay dù việc rao giảng bị hạn chế do tuổi già hay bệnh tật, chắc chắn Cha Giê-hô-va đầy thương xót vẫn xem chúng ta là một trong những người “kết nhiều quả”. Tại sao? Vì chúng ta dâng cho Ngài “hết của mình có”—tức phụng sự Ngài hết linh hồn. *Mác 12:43, 44; Lu-ca 10:27.

13. (a) Lý do đầu tiên chúng ta tiếp tục sinh bông trái Nước Trời là gì? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta tiếp tục kết quả trong những khu vực ít người hưởng ứng? (Xem khung ở trang 21).

13 Dù có thể sinh bông trái Nước Trời đến mức nào, chúng ta sẽ vẫn muốn “đi và kết quả” nếu luôn ghi nhớ vì sao mình làm việc đó. (Giăng 15:16) Chúa Giê-su nêu bật lý do đầu tiên: “Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả”. (Giăng 15:8) Thật vậy, hoạt động rao giảng của chúng ta làm thánh danh Đức Giê-hô-va trước toàn nhân loại. (Thi-thiên 109:30) Chị Honor, một Nhân Chứng trung thành hơn 70 tuổi, nhận xét: “Ngay cả ở những khu vực ít người hưởng ứng, được đại diện Đấng Chí Cao vẫn là một đặc ân”. Khi được hỏi tại sao anh vẫn tiếp tục rao giảng dù rất ít người trong khu vực hưởng ứng, anh Claudio, một Nhân Chứng đã hoạt động sốt sắng từ năm 1974, trích dẫn lời Chúa Giê-su nơi Giăng 4:34: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”. Rồi anh thêm: “Giống như Chúa Giê-su, tôi không chỉ muốn bắt đầu mà còn muốn làm xong việc của người công bố Nước Trời”. (Giăng 17:4) Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đều có đồng quan điểm đó.—Xem khung “Làm thế nào để ‘kết-quả một cách bền lòng’ ”, trang 21.

Rao giảng và dạy dỗ

14. (a) Công việc của Giăng Báp-tít và của Chúa Giê-su có hai mục đích nào? (b) Bạn mô tả thế nào về hoạt động của tín đồ Đấng Christ ngày nay?

14 Người công bố Nước Trời đầu tiên được nói đến trong Phúc Âm là Giăng Báp-tít. (Ma-thi-ơ 3:1, 2; Lu-ca 3:18) Mục đích chính của ông là “làm chứng”, và ông đã làm việc đó với đức tin chân thành, hy vọng rằng “ai nấy đều tin”. (Giăng 1:6, 7) Quả thật, một số người được Giăng rao giảng sau đó đã trở thành môn đồ Đấng Christ. (Giăng 1:35-37) Như vậy, Giăng vừa là người rao giảng, vừa là người đào tạo môn đồ. Chúa Giê-su cũng vừa là người rao giảng vừa là thầy dạy. (Ma-thi-ơ 4:23; 11:1) Vì thế, không lạ gì khi ngài ra lệnh cho môn đồ không chỉ rao truyền thông điệp Nước Trời, mà còn giúp những người chấp nhận thông điệp đó trở thành môn đồ ngài. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Do đó, công việc của chúng ta ngày nay bao gồm cả việc rao giảng và dạy dỗ.

15. Phản ứng của người ta đối với công việc rao giảng vào thế kỷ thứ nhất và ngày nay có điểm gì giống nhau?

15 Trong số những người đã nghe Phao-lô rao giảng và dạy dỗ vào thế kỷ thứ nhất, “có người chịu tin lời người nói, có kẻ chẳng tin”. (Công-vụ 28:24) Ngày nay, phản ứng của người ta cũng vậy. Đáng buồn là phần lớn hạt giống Nước Trời đều rơi trên đất cằn cỗi. Dù vậy, một số hạt giống vẫn rơi trên đất tốt, đâm rễ và mọc lên như Chúa Giê-su tiên báo. Thật vậy, trên khắp thế giới mỗi tuần trong năm, trung bình có đến hơn 5.000 người trở thành môn đồ thật của Đấng Christ! Những môn đồ mới này “chịu tin lời”, dù đa số người khác đều không tin. Điều gì đã góp phần khiến lòng họ đón nhận thông điệp Nước Trời? Thường chính sự quan tâm của các Nhân Chứng—tức việc tưới hạt giống mới gieo theo nghĩa bóng—đã tác động đến họ. (1 Cô-rinh-tô 3:6) Hãy xem hai kinh nghiệm sau.

Sự quan tâm có sức tác động

16, 17. Tại sao tỏ sự quan tâm đến những người mình gặp trong thánh chức là quan trọng?

16 Karolien, một Nhân Chứng trẻ ở Bỉ, đến rao giảng cho một phụ nữ lớn tuổi, nhưng bà không chú ý đến thông điệp Nước Trời. Vì thấy tay bà bị băng nên Karolien và một chị cùng đi đã đề nghị được giúp, song bà từ chối. Hai ngày sau, hai chị Nhân Chứng đó quay trở lại nhà người đàn bà, và hỏi thăm tình trạng sức khỏe bà. Karolien nói: “Việc đó đã tác động đến bà. Bà ngạc nhiên khi thấy chúng tôi thật sự quan tâm đến cá nhân bà. Bà mời chúng tôi vào nhà và thế là một cuộc học hỏi Kinh Thánh bắt đầu”.

17 Sandi, một Nhân Chứng ở Hoa Kỳ, cũng tỏ ra quan tâm đến những người chị rao giảng. Chị xem thông báo về những đứa bé mới sinh trên tờ báo địa phương, và đến thăm cha mẹ chúng với sách Kể chuyện Kinh Thánh. * Vì các bà mẹ này thường có ở nhà và thích khoe con mình, nên thường dễ bắt chuyện. Sandi giải thích: “Tôi nói với các bậc cha mẹ này về tầm quan trọng của việc tạo quan hệ gần gũi với trẻ sơ sinh bằng cách đọc. Sau đó, tôi nói về những khó khăn của việc nuôi dạy con trong xã hội ngày nay”. Gần đây, nhờ cách rao giảng trên, một người mẹ và sáu đứa con đã bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va. Tỏ ra chủ động và quan tâm đến người khác có thể mang lại kết quả đáng vui mừng trong thánh chức chúng ta.

18. (a) Tại sao việc “kết nhiều quả” là một điều kiện chúng ta có thể đáp ứng? (b) Đâu là ba điều kiện để làm môn đồ được nói đến trong sách Phúc Âm theo Giăng mà bạn quyết tâm hội đủ?

18 Thật khích lệ làm sao khi biết rằng việc “kết nhiều quả” là một điều kiện chúng ta có thể đáp ứng! Dù trẻ hay già, có sức khỏe tốt hay xấu, rao giảng trong những khu vực người ta hưởng ứng nhiều hay ít, tất cả chúng ta đều có thể kết nhiều quả. Bằng cách nào? Bằng cách biểu lộ trái của thánh linh nhiều hơn nữa, và cố gắng hết sức rao truyền thông điệp về Nước Đức Chúa Trời. Đồng thời, chúng ta cũng gắng ‘tiếp tục ở trong lời Chúa Giê-su’ và ‘yêu nhau’. Vâng, bằng cách hội đủ ba điều kiện quan trọng để làm môn đồ được nói đến trong sách Phúc Âm theo Giăng, chúng ta chứng tỏ mình “thật là môn-đồ [Đấng Christ]”.—Giăng 8:31; 13:35.

[Chú thích]

^ đ. 3 Mặc dù các nhánh nho trong minh họa ám chỉ các sứ đồ của Chúa Giê-su và những tín đồ được thừa kế Nước Đức Chúa Trời, nhưng tất cả môn đồ Đấng Christ ngày nay đều có thể được lợi ích từ những lẽ thật chứa đựng trong minh họa.—Giăng 3:16; 10:16.

^ đ. 12 Những người không thể đi ra ngoài vì tuổi già và bệnh tật có thể làm chứng bằng thư từ, hoặc điện thoại nếu điều kiện cho phép, hay chia sẻ tin mừng với những người đến thăm.

^ đ. 17 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Câu hỏi ôn

• Chúng ta cần phải sinh nhiều hơn loại quả nào?

• Tại sao việc “kết nhiều quả” là mục tiêu nằm trong khả năng của chúng ta?

• Chúng ta vừa xem xét ba điều kiện quan trọng nào để làm môn đồ được nói đến trong sách Phúc Âm theo Giăng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 21]

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “KẾT-QUẢ MỘT CÁCH BỀN LÒNG”

ĐIỀU gì giúp bạn kiên trì rao giảng thông điệp Nước Trời ở những khu vực có ít người hưởng ứng? Sau đây là những câu trả lời thiết thực cho câu hỏi này.

“Khi biết mình được Chúa Giê-su hỗ trợ hết lòng, chúng ta cảm thấy lạc quan và kiên nhẫn, cho dù những người trong khu vực rao giảng có phản ứng thế nào chăng nữa”.—Harry, 72 tuổi; báp têm năm 1946.

“Câu Kinh Thánh 2 Cô-rinh-tô 2:17 luôn khích lệ tôi khi nói rằng chúng ta tham gia vào thánh chức ‘trước mặt Đức Chúa Trời, cùng với Đấng Christ’. Khi đi rao giảng, tôi vui mừng được đi cùng với những ‘người bạn’ quý nhất của tôi”.—Claudio, 43 tuổi; báp têm năm 1974.

“Thực lòng mà nói, công việc rao giảng là một thử thách lớn đối với tôi. Tuy nhiên, tôi nghiệm thấy lời Thi-thiên 18:29 nói rất đúng: ‘Cậy Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ vượt khỏi tường-thành’ ”.—Gerard, 79 tuổi; báp têm năm 1955.

“Khi đi rao giảng, chỉ cần mời được người ta xem một câu Kinh Thánh là tôi cảm thấy thỏa lòng vì như thế đã có người được Kinh Thánh dò xét lòng”.—Eleanor, 26 tuổi; báp têm năm 1989.

“Tôi luôn thử nhiều cách bắt chuyện khác nhau. Có nhiều cách nhập đề đến nỗi tôi sẽ không thể nào sử dụng hết trong những năm còn lại của đời mình”.—Paul, 79 tuổi; báp têm năm 1940.

“Khi người ta không hưởng ứng, tôi không cảm thấy cá nhân mình bị xúc phạm. Tôi cố tiếp cận cách thân thiện, trò chuyện và lắng nghe quan điểm của họ”.—Daniel, 75 tuổi; báp têm năm 1946.

“Có những người mới báp têm nói với tôi rằng sự rao giảng của tôi đã góp phần giúp họ trở thành Nhân Chứng. Tôi chẳng hề biết rằng sau khi mình rao giảng đã có người giúp họ học Kinh Thánh và tiến bộ. Điều này mang lại cho tôi niềm vui khi biết rằng thánh chức của chúng ta là một công việc tập thể”.—Joan, 66 tuổi; báp têm năm 1954.

Điều gì giúp bạn “kết-quả một cách bền lòng”?—Lu-ca 8:15.

[Các hình nơi trang 20]

Chúng ta kết nhiều quả bằng cách thể hiện trái của thánh linh và công bố thông điệp Nước Trời

[Hình nơi trang 23]

Chúa Giê-su muốn nói gì khi bảo các sứ đồ: ‘Hãy kết nhiều quả’?