‘Hằng ở trong lời ta’
‘Hằng ở trong lời ta’
“Nếu các ngươi hằng ở trong đạo [‘lời’, “Tòa Tổng Giám Mục”] ta, thì thật là môn-đồ ta”.—GIĂNG 8:31.
1. (a) Khi trở về trời, Chúa Giê-su để lại gì trên đất? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
KHI trở về trời, Chúa Giê-su, người sáng lập đạo Đấng Christ, không để lại trên đất những kinh sách do ngài viết, tượng đài do ngài xây, hay những tài sản ngài đã thu góp. Song ngài để lại các môn đồ, cùng những điều kiện cụ thể của việc làm môn đồ. Thật thế, trong sách Phúc Âm theo Giăng, ta thấy Chúa Giê-su nhắc đến ba điều kiện quan trọng mà bất cứ ai muốn theo ngài phải hội đủ. Những điều kiện đó là gì? Chúng ta cần làm gì để hội đủ những điều kiện đó? Và làm thế nào để biết chắc rằng chính cá nhân chúng ta hội đủ điều kiện làm môn đồ Đấng Christ ngày nay? *
2. Một điều kiện quan trọng để làm môn đồ được sứ đồ Giăng ghi lại là gì?
2 Khoảng sáu tháng trước khi chết, Chúa Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem và rao giảng cho đám đông đã tụ họp về đó để mừng Lễ Lều Tạm, kéo dài trong một tuần. Kết quả là đến giữa kỳ lễ, “trong vòng dân-chúng nhiều kẻ tin Ngài”. Chúa Giê-su tiếp tục rao giảng, và thế là vào ngày cuối của kỳ lễ, lại một lần nữa “có nhiều kẻ tin Ngài”. (Giăng 7:10, 14, 31, 37; 8:30) Lúc đó, Chúa Giê-su lưu ý đến những người mới tin đạo, và nêu một điều kiện quan trọng để làm môn đồ, được sứ đồ Giăng ghi lại: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo [‘lời’, TTGM] ta, thì thật là môn-đồ ta”.—Giăng 8:31.
3. Một người cần có đức tính nào để ‘hằng ở trong lời [Chúa Giê-su]’?
3 Qua những lời đó, Chúa Giê-su không có ý nói những người mới tin đạo đang còn thiếu đức tin. Thay vì thế, ngài muốn nói rằng họ đang có cơ hội trở thành môn đồ thật của ngài—nếu tiếp tục ở trong lời ngài và biểu lộ sự bền đỗ. Họ đã tiếp nhận lời ngài, nhưng giờ đây họ cần phải tiếp tục tuân giữ lời đó. (Giăng 4:34; Hê-bơ-rơ 3:14) Thật thế, Chúa Giê-su xem sự bền đỗ của các môn đồ là đức tính quan trọng đến nỗi vào buổi nói chuyện cuối cùng với các sứ đồ, được ghi lại trong Phúc Âm theo Giăng, ngài đã hai lần thúc giục họ: “Hãy [“tiếp tục”, NW] theo ta”. (Giăng 21:19, 22) Nhiều tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã làm đúng như thế. (2 Giăng 4) Điều gì đã giúp họ bền đỗ?
4. Điều gì đã giúp tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bền đỗ?
4 Sứ đồ Giăng, một môn đồ đã trung thành theo Đấng Christ suốt khoảng bảy thập niên, đã nêu bật một yếu tố quan trọng. Ông khen các tín đồ trung thành như sau: “Các ngươi là mạnh-mẽ, lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi, và các ngươi đã thắng được ma-quỉ”. Những môn đồ đó đã bền đỗ, tiếp tục ở trong lời Đức Chúa Trời, vì lời Đức Chúa Trời luôn ở trong họ. Họ thành tâm quý trọng lời Ngài. (1 Giăng 2:14, 24) Ngày nay cũng vậy, muốn “bền chí cho đến cuối cùng”, chúng ta cần đảm bảo rằng lời Đức Chúa Trời luôn ở trong chúng ta. (Ma-thi-ơ 24:13) Làm thế nào để thực hiện điều đó? Một minh họa của Chúa Giê-su cho chúng ta lời giải đáp.
‘Nghe lời’
5. (a) Những loại đất khác nhau nào được Chúa Giê-su nhắc đến trong một minh họa của ngài? (b) Hạt giống và đất trong minh họa của Chúa Giê-su tượng trưng cho gì?
5 Chúa Giê-su kể một minh họa về người gieo giống, được ghi lại trong các sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca. (Ma-thi-ơ 13: 1-9, 18-23; Mác 4:1-9, 14-20; Lu-ca 8:4-8, 11-15) Khi đọc những lời tường thuật này, bạn sẽ thấy phần cốt lõi của câu chuyện là cùng một loại hạt giống rơi trên nhiều loại đất khác nhau, sản sinh những kết quả khác nhau. Loại đất thứ nhất thì cứng, loại thứ hai thì cạn, còn loại thứ ba thì mọc đầy gai góc. Loại thứ tư, khác với ba loại trước, là “đất tốt”. Theo lời giải thích của chính Chúa Giê-su, hạt giống là thông điệp Nước Trời nằm trong Lời Đức Chúa Trời, còn đất tượng trưng cho con người với những tấm lòng khác nhau. Mặc dù giữa những người được tượng trưng bằng những loại đất khác nhau có một số điểm tương đồng, nhưng số người được tượng trưng bởi đất tốt có một đặc tính khiến họ khác biệt với những người còn lại.
6. (a) Loại đất thứ tư trong minh họa của Chúa Giê-su khác với ba loại kia như thế nào, và điều đó có nghĩa gì? (b) Điều gì là thiết yếu để bền đỗ làm môn đồ Đấng Christ?
6 Lời tường thuật nơi Lu-ca 8:12-15 cho thấy trong cả bốn trường hợp, người ta đều ‘nghe lời’ (TTGM). Tuy nhiên, những người có “lòng thật-thà” không chỉ dừng lại ở chỗ ‘nghe lời’. Họ còn “gìn-giữ, và kết-quả một cách bền lòng”. Đất tốt, vì tơi xốp và dày, cho phép hạt giống bén rễ sâu xuống đất, và từ đó đâm chồi kết trái. (Lu-ca 8:8) Tương tự như thế, những người có lòng thật thà cũng hiểu, quý trọng, và chuyên chú vào lời Đức Chúa Trời. (Rô-ma 10:10; 2 Ti-mô-thê 2:7) Lời Đức Chúa Trời luôn ở trong họ. Kết quả là họ sinh trái một cách bền đỗ. Như vậy, sự quý trọng sâu xa, chân thành đối với Lời Đức Chúa Trời là thiết yếu để bền đỗ làm môn đồ Đấng Christ. (1 Ti-mô-thê 4:15) Nhưng làm thế nào để vun đắp một lòng quý trọng chân thành như thế đối với Lời Đức Chúa Trời?
Tình trạng lòng và sự suy ngẫm sâu xa
7. Hoạt động nào được gắn liền với lòng thật thà?
7 Hãy lưu ý đến hoạt động thường được Kinh Thánh gắn liền với lòng thật thà. “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”. (Châm-ngôn 15:28*) “Hỡi Đức Giê-hô-va... nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy-gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi-thiên 19:14*) “Sự suy-gẫm lòng tôi sẽ là sự thông-sáng”.—Thi-thiên 49:3 *.
8. (a) Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nên tránh điều gì, nhưng nên làm điều gì? (b) Chúng ta được những lợi ích nào khi suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời với sự cầu nguyện? (Cũng xem khung ‘Vững chắc trong lẽ thật’).
8 Như những người viết Kinh Thánh trên, chúng ta cũng cần suy ngẫm về Lời Đức Chúa Trời và công việc Ngài với lòng biết ơn và trong sự cầu nguyện. Khi đọc Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chúng ta chớ làm như những du khách vội vã, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, chụp hình thì nhiều nhưng ngắm cảnh thì chẳng bao nhiêu. Thay vì thế, khi học Kinh Thánh, nói một cách ví von, chúng ta muốn dành thời gian để dừng chân và chiêm ngưỡng Lời Đức Chúa Trời. * Khi im lặng suy ngẫm về những điều mình đọc, lời Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến lòng chúng ta. Những lời đó tác động đến cảm xúc chúng ta, uốn nắn suy nghĩ chúng ta, và thúc đẩy chúng ta tâm sự với Ngài qua lời cầu nguyện. Cứ như thế, chúng ta ngày càng gắn bó với Đức Giê-hô-va hơn, và tình yêu thương đối với Ngài thúc đẩy chúng ta tiếp tục theo Chúa Giê-su, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Ma-thi-ơ 10:22) Vậy thật rõ ràng, suy ngẫm những điều Đức Chúa Trời dạy là điều thiết yếu nếu muốn giữ trung thành cho đến cuối cùng.—Lu-ca 21:19.
9. Làm thế nào chúng ta chắc chắn rằng lòng mình luôn là mảnh đất sẵn sàng đón nhận lời Đức Chúa Trời?
9 Minh họa của Chúa Giê-su cũng cho thấy có những chướng ngại cản trở sự phát triển của hạt giống, tức lời Đức Chúa Trời. Vì thế, muốn tiếp tục là những môn đồ trung thành, chúng ta nên (1) xác định các chướng ngại được tượng trưng bởi những điều kiện đất không tốt trong minh họa, và (2) tiến hành những bước cần thiết để khắc phục hoặc tránh những điều đó. Bằng cách đó, chúng ta mới chắc chắn rằng lòng mình luôn là mảnh đất sẵn sàng đón nhận hạt giống Nước Trời, và tiếp tục sinh trái.
“Dọc đường”—Quá bận rộn
10. Hãy mô tả loại đất thứ nhất trong minh họa của Chúa Giê-su, và giải thích ý nghĩa.
10 Loại đất thứ nhất mà hạt giống rơi trúng nằm ở “dọc đường”, vì thế hạt giống bị “giày-đạp”. (Lu-ca 8:5) Đất nằm trên lối đi qua cánh đồng thường bị nện cứng bởi bước chân của người qua lại. (Mác 2:23) Cũng vậy, những người để cho các sinh hoạt tất bật náo nhiệt của thế gian chiếm quá nhiều thời gian và năng lực có thể cảm thấy họ quá bận rộn, không còn thời gian vun đắp lòng quý trọng sâu xa đối với lời Đức Chúa Trời. Họ nghe lời Ngài, nhưng không suy ngẫm. Vì thế lòng họ vẫn chai cứng. Trước khi họ vun đắp được lòng yêu mến đối với lời Đức Chúa Trời, ‘ma-quỉ đã đến, cướp lấy đạo [‘lời’, TTGM] từ trong lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng’. (Lu-ca 8:12) Có thể ngăn ngừa tình trạng này không?
11. Làm thế nào để lòng chúng ta không trở nên như đất cứng?
11 Có thể làm nhiều điều để lòng không bị trở nên như đất cằn cỗi dọc đường. Đất bị nén cứng có thể trở nên tơi xốp và màu mỡ nếu được cày xới và không còn bị dùng làm lối đi. Tương tự thế, dành thời gian học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời có thể giúp lòng trở nên như đất tốt, màu mỡ. Điều then chốt là đừng quá bận rộn với những chuyện thường ngày của đời sống. (Lu-ca 12:13-15) Thay vì thế, hãy làm sao để mình luôn có thời gian suy ngẫm về “những điều quan trọng hơn” trong đời sống.—Phi-líp 1:9-11, NW.
“Đất đá-sỏi”—Sợ hãi
12. Trong trường hợp loại đất thứ hai trong minh họa của Chúa Giê-su, lý do thật sự khiến cây héo là gì?
12 Khi hạt giống rơi xuống loại đất thứ hai, nó không chỉ nằm yên đó, như trong trường hợp trước, nó đâm rễ và mọc lên. Nhưng đến khi mặt trời mọc, cây non bị sức nóng mặt trời đốt và khô héo. Tuy nhiên, hãy lưu ý chi tiết quan trọng này. Lý do thật sự khiến cây bị khô héo không phải là sức nóng. Suy cho cùng, cây mọc trên đất tốt cũng ở ngoài nắng nhưng không hề tàn héo, mà còn lớn lên. Điều gì tạo nên sự khác biệt đó? Chúa Giê-su giải thích: Cây héo vì “bị lấp không sâu” và “không có hơi ẩm”. (Ma-thi-ơ 13:5, 6; Lu-ca 8:6) “Đá-sỏi” nằm ngay dưới lớp đất bề mặt khiến hạt không thể đâm rễ đủ sâu để tìm hơi ẩm và đứng vững. Cây héo do đất cạn.
13. Những người nào giống như đất cạn, và nguyên nhân sâu xa hơn khiến họ phản ứng như thế là gì?
13 Phần minh họa này ám chỉ những người “vui-mừng chịu lấy” lời và ‘chỉ tạm’ sốt sắng theo Chúa Giê-su. (Lu-ca 8:13) Khi gặp phải ánh nắng gay gắt của “sự cực-khổ, sự bắt-bớ”, họ sợ hãi đến độ mất đi niềm vui, sức mạnh, và từ bỏ việc theo Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 13:21) Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn khiến họ sợ hãi không phải là sự chống đối. Suy cho cùng, hàng triệu môn đồ Đấng Christ đã chịu nhiều hoạn nạn khác nhau nhưng vẫn trung thành. (2 Cô-rinh-tô 2:4; 7:5) Nguyên nhân thật sự khiến một số người trở nên sợ hãi và từ bỏ lẽ thật là do lòng họ có phần nào như đá cứng, khiến họ không suy ngẫm đủ sâu về những điều tích cực và những điều thiêng liêng. Hậu quả là lòng quý trọng của họ đối với Đức Giê-hô-va và lời Ngài, quá hời hợt và quá nông cạn, không đủ để vượt qua sự chống đối. Làm thế nào để phòng ngừa hậu quả đó?
14. Mỗi cá nhân nên thực hiện những bước nào để phòng ngừa không để lòng trở nên như đất cạn?
14 Mỗi cá nhân cần tự kiểm điểm để chắc rằng lòng không mắc phải những chướng ngại cứng như đá, chẳng hạn như mang nặng tâm trạng cay cú, tính ích kỷ tiềm ẩn, hay những uất ẩn khác tương tự. Nếu đã lỡ mắc phải một chướng ngại như thế, quyền lực của lời Đức Chúa Trời vẫn có thể đập tan nó. (Giê-rê-mi 23:29; Ê-phê-sô 4:22; Hê-bơ-rơ 4:12) Sau đó, việc suy ngẫm trong sự cầu nguyện sẽ giúp ‘trồng lời’ sâu trong lòng mình. (Gia-cơ 1:21) Điều đó sẽ giúp họ đủ sức vượt qua những lúc nản lòng và đủ can đảm để giữ trung thành bất kể thử thách.
“Vào bụi gai”—Bị phân tâm
15. (a) Tại sao loại đất thứ ba mà Chúa Giê-su nhắc đến đặc biệt đáng chú ý? (b) Cuối cùng điều gì xảy ra với loại đất thứ ba, và tại sao?
15 Loại đất thứ ba, loại có gai, đặc biệt đáng chú ý vì nó rất giống đất tốt trong nhiều phương diện. Giống như đất tốt, đất có gai để hạt giống đâm rễ và mọc lên. Lúc đầu, không có gì khác biệt trong sự phát triển của cây con trên cả hai loại đất. Tuy nhiên, với thời gian một tình trạng phát sinh khiến cây cuối cùng bị nghẹt ngòi. Không giống như đất tốt, trên loại đất này gai góc lại mọc rậm rạp. Cây con đang mọc lên trên đất này phải cạnh tranh với ‘gai cùng mọc lên với nó’. Hai loại cây tranh nhau chất dinh dưỡng, ánh sáng và không gian trong một thời gian, nhưng cuối cùng gai lấn át cây con và “làm cho nghẹt-ngòi”.—Lu-ca 8:7.
16. (a) Những người nào giống như đất đầy gai? (b) Theo lời tường thuật trong ba sách Phúc Âm, gai tượng trưng cho điều gì?—Xem cước chú.
16 Những người nào giống như loại đất đầy gai góc này? Chúa Giê-su giải thích: “[Đó] là những kẻ đã nghe đạo [‘lời’, TTGM], nhưng rồi đi, để cho sự lo-lắng, giàu-sang, sung-sướng đời nầy làm cho đạo [‘lời’] phải nghẹt-ngòi, đến nỗi không sanh trái nào được chín”. (Lu-ca 8:14) Giống như hạt giống và gai góc mọc lên cùng một lúc trên mảnh đất, một số người vừa cố theo lời Đức Chúa Trời, vừa cố theo đuổi sự “sung-sướng đời nầy”. Lẽ thật của lời Đức Chúa Trời được gieo vào lòng họ, nhưng phải cạnh tranh với những mối quan tâm khác của họ. Họ bị phân tâm. (Lu-ca 9:57-62) Điều đó khiến họ không còn đủ thời gian để suy ngẫm sâu xa trong sự cầu nguyện về lời Đức Chúa Trời. Họ không chuyên chú trọn vẹn vào lời Đức Chúa Trời và do đó, thiếu lòng quý trọng chân thành cần thiết để bền đỗ. Dần dần, sự quan tâm của họ đối với những điều thiêng liêng bị những mục tiêu khác lấn át đến độ bị “nghẹt-ngòi” hoàn toàn. * Thật là một kết cuộc đáng buồn cho những ai không hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va!—Ma-thi-ơ 6:24; 22:37.
17. Chúng ta cần có những lựa chọn nào trong đời sống để không bị làm cho nghẹt ngòi bởi những gai góc theo nghĩa bóng, được nói đến trong minh họa của Chúa Giê-su?
17 Bằng cách đặt những việc thiêng liêng lên trên những mối bận tâm vật chất, chúng ta tránh bị ‘nghẹt ngòi’ bởi những lo lắng và thú vui trong thế gian. (Ma-thi-ơ 6:31-33; Lu-ca 21:34-36) Chớ bao giờ quên lãng việc đọc Kinh Thánh và suy ngẫm những gì mình đọc. Chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm chuyên sâu trong sự cầu nguyện nếu đơn giản hóa tối đa đời sống. (1 Ti-mô-thê 6:6-8) Những tôi tớ Đức Chúa Trời đã làm thế—tức nhổ tận gốc rễ mọi gai góc ra khỏi mảnh đất để dành thêm chất dinh dưỡng, ánh sáng và không gian cho cây sinh quả—đang được cảm nhận sự ban phước của Đức Giê-hô-va. Chị Sandra, 26 tuổi, nói: “Khi suy ngẫm về những ân phước mình nhận được trong lẽ thật, tôi nhận thấy không điều gì trong thế gian có thể sánh bằng!”—Thi-thiên 84:11.
18. Làm thế nào để hằng ở trong lời Đức Chúa Trời và bền đỗ làm môn đồ Đấng Christ?
18 Vậy thật rõ ràng, tất cả chúng ta, cả trẻ lẫn già, đều sẽ hằng ở trong lời Đức Chúa Trời và bền đỗ làm môn đồ Đấng Christ nếu lời Đức Chúa Trời luôn ở trong chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy làm sao để bảo đảm rằng “đất” của lòng mình không bao giờ trở nên cứng, cạn, hay mọc đầy gai, nhưng luôn tơi xốp và sâu. Bằng cách đó, chúng ta mới có thể hấp thu trọn vẹn lời Đức Chúa Trời và “kết-quả một cách bền lòng”.—Lu-ca 8:15.
[Chú thích]
^ đ. 1 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét điều kiện thứ nhất. Hai điều kiện kia sẽ được thảo luận trong các bài tiếp theo.
^ đ. 7 Chúng tôi viết nghiêng.
^ đ. 8 Muốn suy ngẫm trong sự cầu nguyện về một phần Kinh Thánh đã đọc, chẳng hạn bạn có thể tự hỏi: ‘Phần này có cho biết về một hay nhiều đức tính của Đức Giê-hô-va không? Nó liên quan thế nào với chủ đề của Kinh Thánh? Làm thế nào tôi có thể áp dụng điều này vào đời sống, hoặc dùng nó để giúp người khác?’
^ đ. 16 Theo sự tường thuật của ba sách Phúc Âm về dụ ngôn của Chúa Giê-su, hạt giống bị làm cho nghẹt ngòi bởi những lo lắng và thú vui trong thế gian: “Sự lo-lắng về đời nầy”, “sự mê-đắm về giàu-sang”, “các sự tham-muốn khác”, và sự “sung-sướng đời nầy”.—Mác 4:19; Ma-thi-ơ 13:22; Lu-ca 8:14; Giê-rê-mi 4:3, 4.
Câu trả lời của bạn là gì?
• Tại sao chúng ta cần ‘hằng ở trong lời Chúa Giê-su’?
• Làm thế nào để lời Đức Chúa Trời luôn ở trong chúng ta?
• Chúa Giê-su nhắc đến những hạng người nào được tượng trưng bởi bốn loại đất khác nhau?
• Làm thế nào để có thời gian suy ngẫm lời Đức Chúa Trời?
[Câu hỏi thảo luận]
[Khung/Hình nơi trang 10]
‘VỮNG CHẮC TRONG LẼ THẬT’
NHIỀU môn đồ lâu năm của Đấng Christ chứng tỏ họ ‘vững chắc trong lẽ thật’ năm này qua năm khác. (2 Phi-e-rơ 1:12) Điều gì giúp họ bền đỗ? Chúng ta hãy xem một số ý kiến sau đây của họ.
“Tôi kết thúc mỗi ngày bằng việc đọc một phần Kinh Thánh và cầu nguyện. Sau đó tôi suy ngẫm những điều đã đọc”.—Jean, báp têm năm 1939.
“Suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va, Đấng thật cao cả, yêu thương chúng ta sâu sắc mang lại cho tôi cảm giác an toàn và sức mạnh để tiếp tục trung thành”.—Patricia, báp têm năm 1946.
“Bằng cách luôn giữ thói quen học hỏi Kinh Thánh tốt và chuyên chú vào ‘sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời’, tôi đã có thể tiếp tục phụng sự Ngài”.—1 Cô-rinh-tô 2:10; Anna, báp têm năm 1939.
“Tôi đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh của Hội với mục đích tự kiểm tấm lòng và động lực của mình”.—Zelda, báp têm năm 1943.
“Thời gian quý nhất của tôi là lúc tôi có thể đi dạo và nói chuyện với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, chỉ để tỏ cho Ngài biết cảm nghĩ chân thực của tôi”.—Ralph, báp têm năm 1947.
“Tôi bắt đầu một ngày bằng việc tra xem đoạn Kinh Thánh mỗi ngày và đọc một phần Kinh Thánh. Điều này cho tôi những ý tưởng mới mẻ để suy ngẫm trong ngày”.—Marie, báp têm năm 1935.
“Đối với tôi, việc thảo luận Kinh Thánh từng câu là nguồn phấn khích thực sự”.—Daniel, báp têm năm 1946.
Bạn dùng thời gian nào để suy ngẫm lời Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện?—Đa-ni-ên 6:10b; Mác 1:35; Công-vụ 10:9.
[Hình nơi trang 13]
Bằng cách đặt những việc thiêng liêng lên hàng ưu tiên, chúng ta có thể “kết-quả một cách bền lòng”