Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao vun trồng quan điểm thăng bằng về việc làm

Làm sao vun trồng quan điểm thăng bằng về việc làm

Làm sao vun trồng quan điểm thăng bằng về việc làm

TRÊN thị trường thế giới nhiều áp lực hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt, và sản xuất hàng loạt, khiến nhiều người hàng ngày không trông mong đến sở làm. Tuy nhiên, chúng ta nên vui thích công việc của mình. Tại sao? Bởi vì chúng ta được tạo nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời—và Đức Chúa Trời lấy làm vui thích công việc của Ngài. Chẳng hạn, khi duyệt lại những gì Ngài đã thực hiện vào cuối sáu “ngày” sáng tạo, tức những thời kỳ lâu dài, “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành”.—Sáng-thế Ký 1:31.

Sự kiện Đức Giê-hô-va thích làm việc chắc chắn là một lý do để xưng Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Vậy thì chẳng phải khi càng bắt chước Ngài chúng ta càng hạnh phúc hơn sao? Về phương diện này, Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa, một nhà xây dựng và tổ chức xuất chúng, đã viết: “Ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 3:13.

Việc vun trồng một quan điểm thăng bằng, lành mạnh về việc làm trong môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng ngày nay có thể là một thách thức. Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban phước cho những ai nghe theo sự hướng dẫn đầy yêu thương của Ngài. (Thi-thiên 119:99, 100) Những người như thế trở thành những nhân viên đáng quý và được tin cậy, do đó càng ít có nguy cơ bị mất việc làm. Họ cũng tập xem đời sống và việc làm của họ không chỉ theo khía cạnh vật chất mà cũng từ góc cạnh thiêng liêng. Điều này giúp họ đi đến những quyết định có trách nhiệm trong đời sống và thấy rằng hạnh phúc và sự ổn định không bị ràng buộc với công việc mình làm hoặc vào thị trường lao động thường bấp bênh. (Ma-thi-ơ 6:31-33; 1 Cô-rinh-tô 2:14, 15) Điều này giúp họ vun trồng một lương tâm nghề nghiệp thật sự thăng bằng.

Vun trồng lương tâm nghề nghiệp theo ý Đức Chúa Trời

Một số người say mê làm việc, đặt công việc của họ lên hàng ưu tiên. Những người khác chỉ trông cho mau hết giờ làm việc để có thể về nhà. Quan điểm thăng bằng là gì? Kinh Thánh trả lời: “Tốt hơn là một nắm tay nhàn hạ, hơn là cả hai vốc tay lao nhọc và là mộng hão”. (Truyền-đạo 4:6, Nguyễn Thế Thuấn) Trên thực tế, làm việc nhiều quá hoặc lâu quá lại phản tác dụng—vô ích, “mộng hão”. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta có thể làm tổn thương những điều chính yếu mang lại nhiều hạnh phúc nhất: mối liên lạc của chúng ta đối với gia đình và bạn bè, tình trạng thiêng liêng, sức khỏe và ngay cả tuổi thọ của chúng ta. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Quan điểm thăng bằng là hài lòng với ít lợi nhuận vật chất hơn mà được tương đối bình an còn hơn là phải gánh vác công việc gấp đôi kèm thêm nỗi bất hòa và đau khổ.

Khi khuyến khích chúng ta có một quan điểm thăng bằng như thế, Kinh Thánh không tán thành thói lười biếng. (Châm-ngôn 20:4) Thói lười biếng hủy hoại tính tự trọng và sự tôn trọng mà người khác dành cho chúng ta. Thậm chí thói này còn làm thiệt hại mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh thẳng thắn tuyên bố rằng người nào không làm việc không xứng đáng sống nhờ vào người khác. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10) Trái lại, người đó nên thay đổi đường lối và chăm chỉ làm việc, nhờ đó tự nuôi thân và gia đình đàng hoàng. Qua việc làm chăm chỉ người đó thậm chí có thể giúp những người thật sự thiếu thốn—một thực hành mà Lời Đức Chúa Trời khuyến khích.—Châm-ngôn 21:25, 26; Ê-phê-sô 4:28.

Được dạy từ thơ ấu để quý trọng việc làm

Những thói quen làm việc tốt không do ngẫu nhiên mà có nhưng được luyện tập ngay từ lúc còn nhỏ. Do đó, Kinh Thánh khuyên các bậc cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”. (Châm-ngôn 22:6) Ngoài việc nêu gương tốt với tư cách người thích làm việc, cha mẹ khôn ngoan khởi sự dạy con nhỏ của mình bằng cách giao cho chúng những phận sự trong nhà phù hợp với lứa tuổi của chúng. Cho dù chúng có thể bực dọc phải làm một số việc vặt trong nhà, nhưng rồi chúng sẽ hiểu ra mình là những thành viên hữu dụng trong gia đình—nhất là khi cha mẹ khen chúng về một việc đã làm tốt. Buồn thay, một số cha mẹ hầu như làm hết mọi việc cho con cái, có lẽ vì lòng tử tế đặt sai chỗ. Những bậc cha mẹ như thế nên suy ngẫm lời Châm-ngôn 29:21 (NTT): “Nếu cưng chiều kẻ nô lệ [hoặc con cái] ngay từ thuở nhỏ, cuối cùng nó sẽ trở nên bạc nghĩa”.

Những bậc cha mẹ tận tâm cũng chú ý nhiệt tình đến việc học hành của con cái, khuyến khích chúng ham học và chăm chỉ ở trường. Điều này có thể giúp ích cho người trẻ sau này khi đi làm việc.

Hãy khôn ngoan trong việc chọn nghề

Dù không nói chúng ta phải theo nghề nào nhưng Kinh Thánh cho chúng ta những lời hướng dẫn tốt lành hầu cho không nguy hại đến sự tiến bộ về thiêng liêng, việc phụng sự Đức Chúa Trời và những trách nhiệm quan trọng khác. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô viết: “Thì giờ ngắn ngủi. Từ nay... kẻ hưởng của cải thế gian như người không tận hưởng, vì thế giới trong hình trạng này sẽ qua đi”. (1 Cô-rinh-tô 7:29-31, Bản Dịch Mới) Chẳng có gì lâu dài hoặc hoàn toàn ổn định trong hệ thống mọi sự hiện nay. Dành trọn thời gian và năng lực của chúng ta cho hệ thống này giống như đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm vào một ngôi nhà xây trong vùng thường bị lũ lụt. Thật là một sự đầu tư dại dột biết bao!

Những bản dịch Kinh Thánh khác dịch cụm từ “không tận hưởng” là “không mải mê với nó” và “không hoàn toàn bận bịu với chúng”. (The Jerusalem Bible; Today’s English Version) Người khôn ngoan không bao giờ quên rằng thời gian của hệ thống hiện nay còn “ngắn ngủi” và khi “mải mê với nó” hoặc “hoàn toàn bận bịu” vì nó chắc chắn sẽ dẫn đến thất vọng và hối tiếc.—1 Giăng 2:15-17.

‘Đức Chúa Trời sẽ chẳng bỏ ngươi đâu’

Đức Giê-hô-va biết nhu cầu của chúng ta còn rõ hơn chúng ta biết. Ngài cũng biết chúng ta đang ở giai đoạn nào trong việc thực thi ý định Ngài. Do đó, Ngài nhắc nhở chúng ta: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Những lời đó thật là an ủi biết bao! Noi theo lòng quan tâm đầy yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài, Chúa Giê-su đã dành phần lớn Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài để dạy môn đồ quan điểm đúng về việc làm và của cải vật chất.—Ma-thi-ơ 6:19-33.

Nhân Chứng Giê-hô-va cố nghe theo những dạy dỗ đó. Chẳng hạn, khi ông chủ mời một Nhân Chứng là thợ điện thường xuyên làm thêm giờ, trong trường hợp này người nhân viên từ chối lời mời. Tại sao? Bởi vì anh không muốn việc làm ngoài đời xâm chiếm thì giờ anh dành cho gia đình mình và những điều thiêng liêng. Vì anh là một công nhân ưu tú và đáng tin cậy, ông chủ tôn trọng nguyện vọng của anh. Dĩ nhiên, không phải mọi sự đều luôn luôn đi đến kết cuộc ấy, và một người có thể phải tìm việc làm khác để duy trì một lối sống thăng bằng. Tuy nhiên, những ai hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va thường nhận thấy rằng hạnh kiểm tốt và lương tâm nghề nghiệp của họ làm chủ hài lòng.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Khi tất cả việc làm đều sẽ bổ ích

Trong hệ thống mọi sự bất toàn hiện nay, việc làm và những triển vọng có việc làm sẽ không khỏi gặp phải vấn đề và sự bấp bênh. Trên thực tế, sự việc còn có thể tồi tệ hơn khi thế gian ngày càng bất ổn và các nền kinh tế ba chìm bảy nổi hoặc thậm chí sụp đổ hẳn. Nhưng tình hình này chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu nữa, sẽ không ai bị thất nghiệp. Hơn nữa, tất cả các việc làm đều sẽ thật sự hấp dẫn và bổ ích. Làm sao điều đó có thể được? Điều gì sẽ mang lại sự thay đổi như thế?

Qua nhà tiên tri của Ngài, Đức Giê-hô-va báo trước thời kỳ đó. Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa”. (Ê-sai 65:17) Ngài nói đến một chính phủ mới do Ngài thành lập, dưới sự cai trị của nước đó một xã hội loài người hoàn toàn mới và khác biệt sẽ trở thành hiện thực.—Đa-ni-ên 2:44.

Nhà tiên tri ghi tiếp về cách người ta sẽ sống và làm việc vào lúc đó: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn; vì tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm. Họ sẽ không nhọc mình vô-ích nữa, không đẻ con ra để gặp sự họa, vì họ là dòng-dõi của kẻ được ban phước bởi Đức Giê-hô-va, con cháu họ cùng với họ nữa”.—Ê-sai 65:21-23.

Thế giới mới ấy do Đức Chúa Trời thiết kế sẽ khác biệt biết bao! Lẽ nào bạn không muốn sống trong một thế giới như vậy, nơi mà bạn “sẽ không nhọc mình vô-ích nữa” nhưng sẽ hưởng trọn “trái” của công sức bạn sao? Tuy nhiên, hãy lưu ý những ai sẽ hưởng được ân phước đó: “Họ là dòng-dõi của kẻ được ban phước bởi Đức Giê-hô-va”. Bạn có thể nằm trong số những “kẻ được ban phước” bằng cách học biết về Đức Giê-hô-va và đáp ứng những đòi hỏi của Ngài. Chúa Giê-su nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui mừng giúp bạn đạt được sự hiểu biết dẫn đến sự sống đó qua chương trình học hỏi Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh.

[Khung nơi trang 6]

“RẤT ĐƯỢC ƯA CHUỘNG”

Kinh Thánh nói: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”. (Cô-lô-se 3:23) Hiển nhiên, một nhân viên có lương tâm nghề nghiệp được hướng dẫn bởi nguyên tắc tốt đẹp này hẳn là được nhiều chủ nhân ưa chuộng. Do đó, trong cuốn sách của ông, How to Be Invisible, J. J. Luna khuyên các chủ nhân tuyển chọn nhân viên từ những thành viên tích cực của một vài nhóm tôn giáo nào đó, nhưng ông thêm: “Trên thực tế, rốt cuộc chúng tôi thường chọn Nhân Chứng [Giê-hô-va]”. Trong những lý do mà ông đưa ra là họ nổi tiếng về tính lương thiện, và điều đó khiến họ “rất được ưa chuộng” trong nhiều ngành nghề khác nhau.

[Các hình nơi trang 5]

Giữ thăng bằng giữa việc làm với các hoạt động thiêng liêng và giải trí mang lại sự thỏa lòng