Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thử thách trong lửa hoạn nạn

Thử thách trong lửa hoạn nạn

Tự Truyện

Thử thách trong lửa hoạn nạn

DO PERICLES YANNOURIS KỂ LẠI

Xà lim nhơ nhớp, ẩm mốc làm tôi lạnh buốt xương. Quấn một chiếc mền mỏng trên người, tôi ngồi một mình, hồi tưởng gương mặt lạnh như tiền của người vợ trẻ khi đội dân phòng lôi tôi ra khỏi nhà hai ngày trước đó, để lại nàng và hai con nhỏ đau bệnh. Sau đó, người vợ không cùng niềm tin đã gửi cho tôi một gói đồ với lời nhắn: “Gửi anh số bánh này, hy vọng anh cũng ngã bệnh như hai đứa con của anh”. Tôi có thể sống sót đến ngày trở về đoàn tụ với gia đình không?

ĐÓ MỚI chỉ là hồi một của cuộc chiến trường kỳ và gay go để bảo vệ niềm tin tín đồ Đấng Christ, cuộc phấn đấu trước sự chống đối của gia đình, ruồng bỏ của xã hội, những cuộc đấu tranh về pháp lý cũng như sự bắt bớ dữ dội. Nhưng tại sao và làm thế nào một người trầm lặng và kính sợ Đức Chúa Trời như tôi lại rơi vào một nơi thê thảm như thế? Xin được phép giải thích.

Cậu bé nghèo với ước mộng cao

Tôi sinh năm 1909 ở Stavromeno, đảo Crete, lúc đất nước đang vật vã với chiến tranh, nghèo nàn và đói kém. Sau này, tôi và bốn đứa em thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc sự hoành hành dữ dội của dịch cúm Tây Ban Nha. Tôi còn nhớ, lúc đó cha mẹ đã nhốt chúng tôi trong nhà nhiều tuần để khỏi bị lây bệnh.

Cha tôi là một nông dân nghèo, cực kỳ sùng đạo, nhưng tư tưởng cởi mở. Từng sống ở Pháp và Madagascar nên cha tôi biết qua những tư tưởng cấp tiến về tôn giáo. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi vẫn trung thành với Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, tham dự Lễ Mi-sa mỗi sáng Chủ Nhật và sẵn sàng tiếp đón giám mục địa phương đến nhà ở suốt cuộc viếng thăm hàng năm của ông. Tôi hát trong ca đoàn, và ước mơ trong đời là trở thành linh mục.

Vào năm 1929, tôi gia nhập lực lượng cảnh sát. Khi tôi đang làm nhiệm vụ ở Thessalonica, miền Bắc Hy Lạp, thì cha tôi mất. Vì muốn được khuây khỏa và soi sáng về thiêng liêng, tôi xin được chuyển đến lực lượng cảnh sát ở Núi Athos, gần Thessalonica, nơi có một cộng đồng tu sĩ được những tín đồ Chính Thống Giáo tôn sùng như là “núi thánh”. * Tôi phục vụ ở đó được bốn năm và có dịp quan sát kỹ đời sống tu sĩ. Thay vì được thu hút đến gần Đức Chúa Trời hơn thì tôi lại thấy kinh sợ trước sự vô luân và bại hoại trắng trợn của các thầy tu. Tôi ghê tởm khi bị tu viện trưởng mà tôi hằng kính trọng mời mọc làm chuyện vô luân. Mặc dù vỡ mộng, tôi vẫn thành tâm muốn được phụng sự Đức Chúa Trời và trở thành một linh mục. Thậm chí tôi còn mặc chiếc áo thụng của linh mục để chụp hình làm kỷ niệm nữa. Cuối cùng, tôi trở về đảo Crete.

“Ông ấy là một con quỉ!”

Năm 1942, tôi cưới Frosini, một cô gái đáng yêu, con nhà danh giá. Cuộc hôn nhân này càng củng cố quyết định trở thành linh mục của tôi, bởi vì gia đình bên vợ rất mộ đạo. * Tôi nhất quyết đi đến Athens học trong một chủng viện. Gần cuối năm 1943, tôi đã đến bến cảng Iráklion, đảo Crete, nhưng lại không đi Athens. Lý do có thể là vì trong lúc đó tôi đã tìm thấy được một nguồn tươi mát thiêng liêng khác. Chuyện gì đã xảy ra?

Đã vài năm rồi, Emmanuel Lionoudakis, một người truyền giáo trẻ, năng nổ, kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, dạy dỗ lẽ thật Kinh Thánh khai sáng trên toàn đảo Crete. * Được thu hút bởi sự hiểu biết rõ ràng về lời Đức Chúa Trời do các Nhân Chứng cung cấp, một số người từ bỏ tôn giáo sai lầm. Ở thành phố phụ cận Sitía, Nhân Chứng đầy nhiệt huyết được tổ chức thành một nhóm. Điều này khiến giám mục địa phương khó chịu. Vì từng sống ở Hoa Kỳ nên chính ông có thể hiểu được Nhân Chứng Giê-hô-va là những người truyền giáo hữu hiệu như thế nào. Ông kiên quyết dẹp sạch “dị giáo” này khỏi địa phận của ông. Do bị ông xúi giục, cảnh sát thường tống giam các Nhân Chứng và đưa họ ra tòa vì những lời vu cáo khác nhau.

Một trong số những Nhân Chứng này cố gắng giải thích lẽ thật Kinh Thánh cho tôi, nhưng anh cho rằng tôi không chú ý. Vì vậy anh nhờ một người có kinh nghiệm rao giảng hơn đến nói chuyện với tôi. Rõ ràng lời đáp sống sượng của tôi khiến anh Nhân Chứng thứ hai này quay trở về nhóm nhỏ của mình và tường thuật lại: “Pericles không thể trở thành một Nhân Chứng được. Ông ấy là một con quỉ!”

Lần đầu tiên nếm mùi chống đối

Tôi mừng là Đức Chúa Trời đã không xem tôi như vậy. Vào tháng 2 năm 1945 Demosthenes, em trai tôi, do tin Nhân Chứng Giê-hô-va dạy lẽ thật đã trao cho tôi sách nhỏ Comfort All That Mourn (An ủi cho tất cả những người đang than khóc). * Nội dung của sách làm tôi cảm kích. Chúng tôi lập tức ngưng theo Giáo Hội Chính Thống, kết hợp với nhóm nhỏ ở Sitía, và làm chứng cho các em chúng tôi về niềm tin mới này. Tất cả họ đều chấp nhận lẽ thật của Kinh Thánh. Đúng như dự đoán, quyết định từ bỏ tôn giáo sai lầm của tôi đã mang lại sự ghẻ lạnh và chống đối của vợ và gia đình nàng. Có một thời gian cha vợ tôi thậm chí không muốn nói chuyện với tôi nữa. Trong nhà lúc nào cũng có sự bất đồng và căng thẳng. Dù vậy, vào ngày 21-5-1945, tôi và Demosthenes cũng được anh Minos Kokkinakis báp têm. *

Cuối cùng tôi cũng đạt được ước mơ của mình và phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách một người truyền giáo thực thụ! Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Tôi mang theo 35 quyển sách nhỏ trong cặp, đi xe buýt một mình đến ngôi làng nọ. Tôi rụt rè bắt đầu đi từ nhà này sang nhà kia. Càng đi tôi càng thêm can đảm. Khi một linh mục giận dữ đến, tôi đã có thể can đảm đương đầu với ông ấy, mặc cho ông cứ khăng khăng yêu cầu tôi phải cùng ông đến đồn cảnh sát. Tôi bảo ông ta rằng tôi sẽ ra đi chỉ khi nào tôi đã thăm được toàn bộ ngôi làng, và tôi làm đúng như vậy. Tôi vui mừng đến nỗi thậm chí không đợi cho đến khi xe buýt đến mà đi bộ cả một đoạn đường dài 15 kilômét để về nhà.

Trong tay bọn ác ôn hiểm độc

Vào tháng 9 năm 1945, tôi được giao thêm trách nhiệm trong một hội thánh mới thành lập ở Sitía. Chẳng bao lâu sau, nội chiến nổ ra ở Hy Lạp. Các phe phái hận thù gay gắt, đấu đá nhau thật man rợ. Lợi dụng tình hình này, vị giám mục đã thuyết phục một nhóm du kích địa phương trục xuất các Nhân Chứng bằng mọi cách họ thấy tiện. (Giăng 16:2) Khi nhóm du kích này trên đường đến ngôi làng của chúng tôi bằng xe buýt, một phụ nữ tốt bụng trên xe đã nghe lóm được kế hoạch hành động “theo ý Chúa” của họ, và bà cho chúng tôi biết. Chúng tôi trốn, và một trong những người bà con đã can thiệp giúp chúng tôi. Chúng tôi được toàn mạng.

Điều này mở màn cho nhiều hoạn nạn khác. Đe dọa và đánh đập xảy ra như cơm bữa. Những kẻ chống đối cố bắt ép chúng tôi quay về với giáo hội, rửa tội con cái, và buộc làm dấu thánh giá. Một lần nọ, họ đánh em trai tôi cho đến khi họ tưởng chú ấy đã chết. Điều khiến tôi đau đớn là thấy hai cô em gái bị xé quần áo và bị đánh đập. Trong suốt thời gian đó, giáo hội đã dùng vũ lực rửa tội tám đứa con của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Vào năm 1949, mẹ tôi mất. Ông linh mục lại quấy nhiễu chúng tôi, tố cáo chúng tôi đã không tuân theo các thủ tục lễ tang mà luật pháp qui định. Tôi đã bị xét xử tại tòa và được trắng án. Điều này mang lại cơ hội làm chứng tuyệt vời, vì danh của Đức Giê-hô-va được nghe trong những lời phát biểu khai mạc phiên tòa. Cách duy nhất còn lại của kẻ thù nghịch để “làm chúng tôi tỉnh ngộ” là bắt và đưa chúng tôi đi đày. Họ đã làm điều này vào tháng 4 năm 1949.

Trong lò lửa hực

Tôi là một trong ba anh bị bắt. Vợ tôi thậm chí đã không đến thăm tôi tại đồn cảnh sát địa phương. Trạm dừng đầu tiên của chúng tôi là một nhà tù ở Iráklion. Như đã nói ở đầu bài, tôi thấy cô độc và buồn nản. Tôi đã bỏ lại sau lưng người vợ trẻ không cùng tín ngưỡng và hai con thơ. Tôi tha thiết cầu nguyện nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Những lời ghi nơi Hê-bơ-rơ 13:5 nảy ra trong trí tôi: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. Tôi hiểu rõ việc tuyệt đối tin cậy nơi Đức Giê-hô-va là khôn ngoan.—Châm-ngôn 3:5.

Chúng tôi biết mình sắp bị đày ra Makrónisos, một hòn đảo cằn cỗi cách xa bờ biển Attica, Hy Lạp. Chỉ nghe nói sơ qua về Makrónisos thôi cũng đủ khiến một người kinh hoàng vì trại giam ở đó gắn liền với tra tấn và lao động khổ sai. Trên đường đến trại giam, chúng tôi dừng lại ở Piraeus. Mặc dù vẫn bị còng tay, chúng tôi được khích lệ khi một số anh em đồng đức tin lên tàu và ôm chúng tôi.—Công-vụ 28:14, 15.

Cuộc sống ở Makrónisos là một cơn ác mộng. Lính tráng ngược đãi tù nhân từ sáng cho đến tối. Nhiều người không phải là Nhân Chứng đã hóa điên, số khác chết và phần lớn bị thương tật. Suốt đêm, chúng tôi nghe tiếng rên la, gào thét của những người bị tra tấn. Chiếc mền mỏng chỉ mang lại cho tôi chút hơi ấm suốt những đêm lạnh giá này.

Dần dần, Nhân Chứng Giê-hô-va được nhiều người biết đến trong trại do được đề cập đến khi điểm danh mỗi buổi sáng. Vì vậy, chúng tôi có nhiều cơ hội để làm chứng. Thậm chí tôi còn có đặc ân làm báp têm cho một tù nhân chính trị đã tiến bộ đến độ dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va.

Trong thời gian bị lưu đày, tôi vẫn tiếp tục viết thư cho người vợ yêu dấu của tôi dù nàng không một lần hồi âm. Điều này đã không làm tôi ngưng viết, tôi vẫn dịu dàng, an ủi, bảo đảm rằng đây chỉ là một trở lực tạm thời mà thôi và rằng chúng tôi sẽ hạnh phúc trở lại.

Trong khi đó, con số của chúng tôi ngày càng gia tăng khi có nhiều anh em đến. Khi làm việc trong văn phòng trại, tôi đã làm quen với vị đại tá chỉ huy trại. Bởi vì ông tôn trọng Nhân Chứng, nên tôi đã thu hết can đảm hỏi ông ấy có thể cho phép chúng tôi nhận một số ấn phẩm Kinh Thánh gửi từ văn phòng của chúng tôi ở Athens hay không. Ông ấy nói: “Điều đó không thể được, nhưng tại sao người của các anh không gửi những món ấy theo hành lý các anh, đề tên của tôi trên đó, và gửi đến cho tôi?” Tôi đứng ngây người không nói nên lời! Vài ngày sau khi chúng tôi đang bốc hàng từ một chiếc tàu mới đến, một cảnh sát đứng nghiêm chào vị đại tá và báo với ông: “Thưa ngài, hành lý của ngài đã đến rồi”. Ông hỏi: “Hành lý gì?” Tôi vừa tình cờ ở gần đó và nghe được cuộc nói chuyện, vì vậy tôi nói nhỏ với ông ấy: “Có lẽ của chúng tôi đó, được gửi bằng tên của ông theo như ông đã ra lệnh”. Đó là một trong những cách mà Đức Giê-hô-va lo sao cho chúng tôi được nuôi dưỡng về thiêng liêng.

Ân phước bất ngờ—Rồi hoạn nạn thêm lên

Cuối năm 1950, tôi được thả. Tôi trở về nhà—bệnh hoạn, xanh xao, hốc hác, và không chắc có được gia đình đón nhận không. Thật hạnh phúc biết bao khi được gặp lại vợ và các con! Và hơn thế nữa, tôi ngạc nhiên thấy ác cảm của Frosini đã giảm bớt. Những lá thư trong tù đã chứng tỏ hữu hiệu. Frosini cảm động vì sự chịu đựng và kiên trì của tôi. Chẳng bao lâu sau đó, tôi đã có một cuộc thảo luận dài và hòa giải với nàng. Nàng chấp nhận học Kinh Thánh và vun trồng đức tin nơi Đức Giê-hô-va và những lời hứa của Ngài. Một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi là vào năm 1952 khi tôi báp têm cho nàng trở thành một tôi tớ dâng mình cho Đức Giê-hô-va!

Vào năm 1955 chúng tôi khởi động một đợt phân phát cho mỗi linh mục một cuốn sách nhỏ Christendom or Christianity—Which One Is “the Light of the World”? (Kitô Giáo hay Đạo Đấng Christ—Đạo nào là “Sự sáng của thế gian”) Tôi bị bắt và bị xét xử cùng với một số anh em Nhân Chứng. Có quá nhiều vụ kiện chống lại Nhân Chứng Giê-hô-va đến nỗi tòa án phải lập ra một phiên tòa đặc biệt để thẩm vấn. Vào ngày hôm đó, toàn bộ quan chức pháp lý cấp tỉnh đều có mặt, và phòng xử án chật cứng tu sĩ. Vị giám mục đi đi lại lại trên lối đi giữa hai hàng ghế. Một trong số những linh mục đã đưa đơn kiện tôi về việc kết nạp môn đồ. Vị quan tòa hỏi ông ấy: “Chẳng lẽ đức tin của ông lại yếu đến nỗi đọc một cuốn sách mỏng cũng có thể khiến cải đạo?” Ông ta nói chẳng nên lời. Tôi được trắng án, nhưng vài anh bị kết án sáu tháng tù giam.

Trong những năm kế tiếp, chúng tôi bị bắt nhiều lần, và các vụ kiện gia tăng. Lo giải quyết các vụ xét xử khiến các luật sư của chúng tôi chạy ngược chạy xuôi liên miên. Tôi hầu tòa tổng cộng 17 lần. Mặc dù bị chống đối, chúng tôi vẫn đều đặn rao giảng. Chúng tôi vui mừng đón nhận thách thức này, và những vụ xét xử gay go luyện lọc đức tin của chúng tôi.—Gia-cơ 1:2, 3.

Đặc ân và thách thức mới

Vào năm 1957, chúng tôi dọn đi Athens. Chẳng bao lâu tôi được bổ nhiệm phục vụ tại một hội thánh mới thành lập. Được vợ hết lòng ủng hộ, chúng tôi giữ đời sống mình đơn giản và ưu tiên tập trung vào các hoạt động thiêng liêng. Vì vậy chúng tôi có thể dành hầu hết thời gian của mình trong công việc rao giảng. Nhiều năm trôi qua, chúng tôi được yêu cầu dọn đến những hội thánh khác nhau ở những nơi có nhu cầu.

Vào năm 1963 con trai tôi được 21 tuổi và phải trình diện nhập ngũ. Bởi vì lập trường trung lập, tất cả các Nhân Chứng ở tuổi trưng binh đều bị đánh đập, chế nhạo và làm nhục. Đó cũng là kinh nghiệm của con trai tôi. Vì vậy, tôi cho cháu chiếc mền ở Makrónisos của tôi như một hình ảnh tượng trưng khuyến khích theo gương của người đi trước đã giữ sự trung kiên. Những anh được lệnh trình diện bị đưa ra tòa án quân sự và thường bị kết án từ hai đến bốn năm tù giam. Khi được thả ra họ lại bị gọi nhập ngũ và lại bị kết án. Với tư cách là một người truyền giáo, tôi đã có thể viếng thăm nhiều nhà tù khác nhau và được tiếp xúc một chút với con trai tôi và những Nhân Chứng trung thành khác. Con trai tôi bị ở tù hơn sáu năm.

Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng tôi

Sau khi Hy Lạp khôi phục quyền tự do tôn giáo, tôi đã có đặc ân phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt tạm thời trên đảo Rhodes. Sau đó vào năm 1986 có nhu cầu ở Sitía, đảo Crete, nơi tôi khởi đầu sự nghiệp tín đồ Đấng Christ của mình. Tôi vui thích đón nhận nhiệm sở này để được phục vụ một lần nữa các anh em thân yêu đồng đức tin mà tôi đã được biết từ lúc trẻ.

Là trưởng tộc, tôi vui mừng khi thấy tổng cộng gần 70 người trong vòng họ hàng trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Và con số đó tiếp tục gia tăng. Một số là trưởng lão, tôi tớ thánh chức, tiên phong, thành viên Bê-tên và giám thị lưu động. Hơn 58 năm qua, đức tin của tôi đã bị thử thách trong lửa hoạn nạn. Bây giờ tôi 93 tuổi, và khi nhìn lại đời mình, tôi không chút hối tiếc về việc phụng sự Đức Chúa Trời. Ngài đã ban sức mạnh để tôi đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Ngài: “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, và mắt con khá ưng đẹp đường-lối của cha”.—Châm-ngôn 23:26.

[Chú thích]

^ đ. 9 Xem Tháp Canh ngày 1-12-1999, trang 30, 31.

^ đ. 11 Các linh mục Chính Thống Giáo Hy Lạp được phép cưới vợ.

^ đ. 12 Tự truyện của Emmanuel Lionoudakis được đăng trong Tháp Canh ngày 1-9-1999, trang 25-29.

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành nữa.

^ đ. 15 Một vụ thắng kiện có liên quan đến Minos Kokkinakis được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-9-1993, trang 27-31.

[Khung nơi trang 27]

Makrónisos—Hòn đảo kinh hoàng

Trong mười năm, kể từ năm 1947-1957, hòn đảo khô cằn, hoang tàn Makrónisos đã nghênh tiếp hơn 100.000 tù nhân. Trong số này có rất nhiều Nhân Chứng trung thành bị đày đến đó vì lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. Kẻ giật dây gây ra sự đày ải này thường là giới tăng lữ Chính Thống Giáo Hy Lạp; họ đã vu cáo Nhân Chứng là Cộng Sản.

Sách Bách khoa Hy Lạp Papyros Larousse Britannica nhận xét về quá trình “cải tạo” được áp dụng ở Makrónisos như sau: “Những hình thức tra tấn dã man... điều kiện sống không thể chấp nhận được trong một quốc gia văn minh, và cách đối xử đê hèn của những người cai tù đối với tù nhân... là nỗi ô nhục của lịch sử Hy Lạp”.

Một số Nhân Chứng được bảo rằng họ sẽ không bao giờ được thả ra trừ khi họ chối bỏ tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, các Nhân Chứng đã giữ vững sự trung kiên. Ngoài ra, một số tù nhân chính trị đã đón nhận lẽ thật Kinh Thánh, do việc tiếp cận với các Nhân Chứng.

[Hình nơi trang 27]

Minos Kokkinakis (thứ ba từ bên phải) và tôi (thứ tư từ bên trái) trên đảo ngục hình Makrónisos

[Hình nơi trang 29]

Làm việc cùng với một anh Nhân Chứng ở Sitía, đảo Crete, nơi tôi đã phụng sự lúc còn trẻ