Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng bỏ mặc lòng con trẻ phát triển không định hướng!

Đừng bỏ mặc lòng con trẻ phát triển không định hướng!

Đừng bỏ mặc lòng con trẻ phát triển không định hướng!

TRONG tay người thợ gốm khéo léo, một nắm đất sét vô giá trị có thể trở thành một món đồ duyên dáng. Có một số ít thợ thủ công chế tạo thật nhiều vật dụng từ một chất thật tầm thường này. Hàng ngàn năm qua, xã hội đã nhờ vào người thợ gốm để có được ly tách, mâm dĩa, nồi niêu, lu khạp, và những bình lọ trang trí khác.

Các bậc cha mẹ cũng đóng góp vô giá cho xã hội qua việc uốn nắn tính tình và nhân cách của con cái. Mỗi cá nhân chúng ta được Kinh Thánh ví như đất sét, và Đức Chúa Trời đã giao cho cha mẹ trách nhiệm quan trọng uốn nắn ‘đất sét’, tức con cái họ. (Gióp 33:6; Sáng-thế Ký 18:19) Giống như việc tạo tác một món đồ gốm xinh đẹp, việc tạo dựng một đứa trẻ thành một người trưởng thành có tinh thần trách nhiệm và thăng bằng không phải là một công việc dễ dàng. Việc tạo dựng này không chỉ ngẫu nhiên mà có được.

Nhiều ảnh hưởng tác động đến việc uốn nắn lòng con của chúng ta. Đáng tiếc thay, một số những ảnh hưởng này lại có tính cách tiêu cực. Thế nên thay vì để lòng con trẻ phát triển không định hướng, bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ rèn luyện cho con mình “con đường nó phải theo”, tin tưởng rằng “khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.—Châm-ngôn 22:6.

Trong suốt quá trình dài, nhiều biến chuyển trong việc dạy dỗ con trẻ, các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ khôn ngoan sẽ phải dành thời giờ để loại trừ những ảnh hưởng có tác dụng tiêu cực đến lòng con trẻ. Tình yêu thương của họ sẽ chịu nhiều thử thách khi họ kiên nhẫn “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Dĩ nhiên, công việc của các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu dạy dỗ con cái khi còn thơ ấu.

Dạy dỗ khi còn thơ ấu

Những người thợ gốm thích dùng đất sét mềm dẻo vừa đủ để nắn, nhưng cũng vừa đủ chắc để giữ được hình dạng đã tạo thành. Sau khi tinh luyện đất sét, những người thợ gốm thích sử dụng loại đất sét này trong vòng sáu tháng. Tương tự, thời điểm tốt nhất cho các bậc cha mẹ bắt đầu uốn nắn lòng con cái là khi chúng còn đang dễ tiếp thu và dễ dạy nhất.

Những chuyên gia về trẻ em nói rằng khi được tám tháng, con trẻ đã biết phân biệt được các âm của tiếng mẹ đẻ, tạo được quan hệ mật thiết với cha mẹ, phát triển khả năng cảm nhận, và bắt đầu tìm tòi thế giới quanh mình. Thời điểm lý tưởng để bắt đầu uốn nắn lòng con trẻ là khi nó còn nhỏ. Con bạn sẽ được lợi ích biết bao nếu được như Ti-mô-thê, ‘đã biết Kinh-thánh từ khi còn thơ-ấu’!— 2 Ti-mô-thê 3:15. *

Các trẻ nhỏ vốn hay bắt chước cha mẹ. Ngoài việc bắt chước các âm, lời nói và cử chỉ, chúng còn tập yêu thương, ân cần, và thương xót khi thấy cha mẹ thể hiện những đức tính này. Nếu muốn rèn luyện con trẻ theo luật pháp của Đức Giê-hô-va, phải cho chúng thấy rằng trước hết lòng chúng ta luôn khắc ghi những điều răn dạy của Đức Chúa Trời. Lòng sốt sắng biết ơn luật pháp Đức Chúa Trời này sẽ thúc đẩy cha mẹ thường xuyên nói với con cái về Đức Giê-hô-va và về Lời Ngài. Kinh Thánh khuyên chúng ta ‘phải nói đến, hoặc khi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm, hay là khi chỗi dậy’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Francisco và Rosa giải thích cách họ áp dụng điều này với hai con nhỏ của họ. *

“Ngoài những câu chuyện hàng ngày, chúng tôi cố gắng nói chuyện riêng với các con ít nhất 15 phút mỗi ngày. Khi cảm thấy có vấn đề, chúng tôi dành ra nhiều thời gian hơn—và quả thật chúng tôi đã chạm trán với vấn đề. Chẳng hạn như cách đây không lâu con trai năm tuổi của chúng tôi đi học về, và bảo rằng cháu không tin nơi Đức Giê-hô-va. Dường như một bạn cùng lớp đã chế giễu cháu và nói rằng không có Đức Chúa Trời”.

Những bậc cha mẹ này nhận thức được rằng con trẻ cần phát triển đức tin nơi Đấng Tạo Hóa. Đức tin này có thể được xây dựng trên lòng say mê tự nhiên của chúng đối với sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Trẻ em rất thích vuốt ve thú vật, hái hoa dại, hoặc nghịch cát trên bãi biển! Cha mẹ có thể giúp chúng liên kết sự sáng tạo với Đấng Tạo Hóa. (Thi-thiên 100:3; 104:24, 25) Lòng kính sợ và quý trọng của chúng đối với sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va có thể tồn tại suốt cuộc đời chúng. (Thi-thiên 111:2, 10) Cùng với sự hiểu biết này, con trẻ có thể phát triển lòng mong muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và sợ làm buồn lòng Ngài. Điều này sẽ thúc đẩy con trẻ “xây-bỏ điều ác”.—Châm-ngôn 16:6.

Mặc dầu đa số trẻ nhỏ đều tò mò và học nhanh, nhưng chúng không dễ vâng phục. (Thi-thiên 51:5) Thỉnh thoảng chúng có thể khăng khăng đòi làm theo ý riêng hoặc đòi bằng được những gì chúng muốn. Cha mẹ cần cương quyết, kiên nhẫn và dạy bảo để ngăn ngừa thái độ đó ăn sâu. (Ê-phê-sô 6:4) Đây chính là kinh nghiệm của Phyllis và Paul, đã nuôi dạy năm người con của họ nên người.

Phyllis nhớ lại: “Mặc dù mỗi đứa mỗi tính, đứa nào cũng muốn theo ý riêng. Thật là khó, nhưng cuối cùng chúng biết khi chúng tôi nói ‘không có nghĩa là không’ ”. Paul, chồng chị, nhận xét: “Thông thường nếu chúng đủ khôn lớn để hiểu, chúng tôi giải thích tại sao chúng tôi lại quyết định như thế. Dù luôn cố gắng tỏ ra ân cần, nhưng chúng tôi cũng dạy con cái biết tôn trọng uy quyền cha mẹ mà Đức Chúa Trời đã đặt để”.

Những năm hình thành nhân cách của đứa trẻ có thể khiến trẻ gặp nhiều khó khăn, đa số các bậc cha mẹ nhận ra rằng vấn đề nghiêm trọng nhất xảy ra vào tuổi thiếu niên, khi tấm lòng non nớt của trẻ phải đương đầu với nhiều thử thách mới.

Động đến lòng trẻ trong tuổi thiếu niên

Người thợ gốm phải nắn đất sét trước khi đất khô cứng. Để đất lâu khô, người thợ có thể thêm nước để giữ đất mềm dẻo. Tương tự, cha mẹ phải cố gắng hết sức để chặn trước sự cứng đầu của con cái. Đương nhiên, Kinh Thánh là công cụ chính của họ, giúp họ ‘bẻ-trách, sửa-trị, và sắm sẵn con cái để làm mọi việc lành’.—2 Ti-mô-thê 3:15-17.

Dẫu vậy, một thiếu niên có thể sẽ không chấp nhận lời khuyên của cha mẹ như là lúc còn nhỏ. Những người trẻ này có thể bắt đầu chú tâm nhiều hơn đến các bạn đồng lứa, vì vậy không còn cởi mở và sẵn sàng nói chuyện với cha mẹ. Thời gian này đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và khéo léo, vì vai trò của cha mẹ và con cái bước qua một giai đoạn mới. Trẻ niên thiếu phải chấp nhận những biến đổi về thể chất và tình cảm. Nó phải bắt đầu quyết định và đặt những mục tiêu có thể ảnh hưởng đến cuộc đời nó sau này. (2 Ti-mô-thê 2:22) Trong suốt giai đoạn khó khăn này, trẻ phải đương đầu với một lực có thể tác động tai hại đến tấm lòng của nó—áp lực của bạn đồng lứa.

Áp lực này hiếm khi nào đến qua chỉ một sự việc dễ cho người ta nhận biết. Đúng hơn, áp lực này thường được thể hiện qua nhiều lời nói hoặc tình huống có tác động tiêu cực và tấn công ngay vào nhược điểm của đa số thanh thiếu niên: thâm tâm sợ bị các bạn trẻ khác tẩy chay. Phấn đấu với cảm giác sợ người khác nghĩ xấu về mình và mong ước được chấp nhận, người trẻ có thể bắt đầu ưa thích “các vật ở thế-gian” mà những thiếu niên khác đề xướng.—1 Giăng 2:15-17; Rô-ma 12:2.

Vấn đề lại càng tệ hại hơn khi những ước muốn tự nhiên của lòng người bất toàn có thể khiến mình càng dễ bị ảnh hưởng của bạn đồng lứa. Chẳng hạn như những lời xúi giục như “Chơi cho đã đi” và “Cứ làm tùy thích” nghe có vẻ thật hấp dẫn. Maria nhớ lại kinh nghiệm của mình: “Tôi nghe lời lũ bạn cùng tuổi nói rằng giới trẻ có quyền hưởng thụ tối đa, bất chấp hậu quả. Vì muốn làm giống các bạn cùng trường, thiếu chút nữa là tôi đã chịu hậu quả tai hại”. Là cha mẹ, các bạn muốn giúp con cái vị thành niên của mình vượt qua áp lực như thế, nhưng bằng cách nào đây?

Bằng lời nói và hành động, hãy quả quyết và trấn an con trẻ rằng bạn luôn quan tâm. Hãy cố gắng tìm hiểu xem con trẻ nghĩ thế nào về mọi việc, và ráng hiểu các vấn đề này, có thể là khó khăn hơn nhiều so với những vấn đề mà bạn đã phải đương đầu khi còn đi học. Đặc biệt vào thời kỳ này, con cái cần xem bạn như một người mà nó có thể giải bày tâm sự. (Châm-ngôn 20:5) Qua cử chỉ ngôn ngữ và tâm trạng của trẻ, bạn có thể biết được con đang lo lắng hay bối rối. Hãy tìm cách giúp khi nhận biết lời kêu cầu âm thầm của trẻ, và ‘yên-ủi lòng nó’.—Cô-lô-se 2:2.

Dĩ nhiên, điều quan trọng là cần tỏ ra cương quyết trong điều phải. Nhiều bậc cha mẹ nhận thấy rằng thỉnh thoảng họ phải đối đầu với con cái, nhưng họ không thể nhượng bộ chúng khi quyết định của họ có cơ sở vững chắc. Mặt khác, hãy chắc chắn là bạn nắm rõ tình huống trước khi quyết định trừng phạt với lòng yêu thương, và phương cách thực thi điều này nếu cần thiết.—Châm-ngôn 18:13.

Ngay cả từ trong hội thánh

Một bình đất có cái vẻ hoàn tất, nhưng nếu không được nung trong lò, có thể bị chất lỏng nó đựng làm cho hư. Kinh Thánh ví các thử thách và khó khăn với tiến trình nung lửa, vì tỏ ra cho thấy con người thật của chúng ta. Dĩ nhiên, Kinh Thánh đặc biệt nói đến những thử thách về đức tin của chúng ta, nhưng nói chung, lời này cũng có giá trị cho những thử thách khác. (Gia-cơ 1:2-4) Điều làm ngạc nhiên là một vài thử thách cam go mà người trẻ đương đầu có thể đến từ trong hội thánh.

Mặc dù con bạn trong tuổi thanh thiếu niên trông có vẻ lành mạnh về thiêng liêng, nhưng trong lòng có thể đang phấn đấu với sự giằng co. (1 Các Vua 18:21) Chẳng hạn như Megan đã phải đối đầu với những tư tưởng thế gian từ các bạn trẻ đến Phòng Nước Trời:

“Tôi chịu ảnh hưởng của một nhóm bạn trẻ, xem đạo Đấng Christ thật nhàm chán và chẳng khác nào một chướng ngại cho việc vui chơi. Họ tuyên bố những câu như sau: ‘Tới 18 tuổi là mình bỏ đạo ngay’, hoặc ‘Sao mà muốn bỏ đạo quá’. Họ tránh những người trẻ không đồng quan điểm với họ, và gọi những người này là thánh”.

Chỉ cần một hoặc hai người có thái độ xấu là đủ khuấy động những người còn lại. Mỗi người trong nhóm thường làm theo đa số. Tính dại dột và anh hùng rơm có thể làm một người khinh thường sự khôn ngoan và khuôn phép đúng đắn. Tại nhiều xứ, đã xảy ra nhiều trường hợp đáng buồn của những tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi chỉ vì đua đòi theo đám đông mà phải chuốc lấy phiền lụy.

Dĩ nhiên các thanh thiếu niên cũng cần đến một số các buổi họp mặt vui vẻ. Là cha mẹ, các bạn đáp ứng điều này ra sao? Hãy suy nghĩ kỹ đến các buổi giải trí này, và dự trù sẵn những sinh hoạt lý thú cho cả gia đình, hoặc chung với những người trẻ và người lớn khác. Hãy tìm hiểu bạn bè của con mình. Hãy mời chúng đến ăn, hoặc cùng sinh hoạt buổi tối với chúng. (Rô-ma 12:13) Hãy khuyến khích con trẻ theo đuổi một sinh hoạt lành mạnh, chẳng hạn như tập sử dụng một nhạc khí, hoặc học thêm một sinh ngữ hay nghề thủ công nào đó. Phần lớn, con trẻ có thể làm điều này trong phạm vi an toàn của gia đình.

Học hành có thể là sự che chở

Việc học hành của thanh thiếu niên có thể giúp nó giữ sự giải trí đúng chỗ. Loli, giám thị một trường lớn trong 20 năm, nói rằng: “Tôi đã thấy nhiều Nhân Chứng trẻ đi học. Nhiều em có hạnh kiểm đáng khen, tuy nhiên một số không khác gì các học sinh khác. Những gương mẫu tốt lúc nào cũng là những em quan tâm đến việc học hành. Tôi thiết tha khuyên các bậc phụ huynh quan tâm thiết thực đến sự học hành tiến bộ của con em mình, tiếp xúc với các thầy cô, và giúp con em ý thức được rằng một học bạ và hạnh kiểm tốt rất quan trọng. Một vài em có thể xuất sắc, nhưng tất cả đều có thể đạt tiêu chuẩn tốt và được thầy cô quý mến”.

Việc học hành này cũng có thể giúp người trẻ tiến bộ về thiêng liêng, rèn luyện cho các em thói quen học tập tốt, luyện tập trí tuệ, và ý thức trách nhiệm. Khả năng đọc giỏi và hiểu rõ những ý tưởng đọc được chắc chắn sẽ khích lệ các em trở thành những người học và dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời tốt hơn. (Nê-hê-mi 8:8) Những đòi hỏi của việc làm bài vở trong trường và học hỏi về thiêng liêng có thể giúp các em đặt sự giải trí đúng chỗ của nó.

Vinh dự cho bạn và cho Đức Giê-hô-va

Vào thời Hy Lạp cổ, nhiều bình lọ mang chữ ký của cả người thợ gốm lẫn người trang trí. Tương tự, trong gia đình thường là hai người cùng chia sẻ việc uốn nắn con cái. Cả cha lẫn mẹ cùng chia sẻ trong việc uốn nắn lòng con trẻ. Theo nghĩa tượng trưng, con cái bạn mang “chữ ký” của cha mẹ. Giống như người thợ gốm và/hoặc người thợ trang trí khéo léo, các bạn có thể tự hào về công trình hình thành một người trẻ có giá trị và đẹp đẽ.—Châm-ngôn 23:24, 25.

Sự thành công của nỗ lực lớn lao này sẽ tùy thuộc phần lớn vào mức độ cố gắng uốn nắn lòng con trẻ của bạn. Mong rằng bạn có thể nói: “Luật-pháp Đức Chúa Trời người ở trong lòng người: Bước người không hề xiêu-tó”. (Thi-thiên 37:31) Tình trạng lòng con của bạn quan trọng đến độ không thể để nó phát triển không định hướng.

[Chú thích]

^ đ. 8 Một số cha mẹ đọc Kinh Thánh cho con sơ sinh của họ. Giọng đọc êm dịu và kinh nghiệm hứng thú này có thể làm gia tăng thú đọc sách trong suốt quãng đời còn lại của con trẻ.

^ đ. 9 Một số tên đã được đổi.