Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bàn thờ giữ vai trò nào trong sự thờ phượng?

Bàn thờ giữ vai trò nào trong sự thờ phượng?

Bàn thờ giữ vai trò nào trong sự thờ phượng?

BẠN có xem bàn thờ là phần trọng yếu trong sự thờ phượng không? Đối với nhiều người thuộc đạo xưng theo Đấng Christ, bàn thờ có lẽ là phần được chú ý nhiều nhất. Bạn có bao giờ xem xét những gì Kinh Thánh cho biết về việc dùng bàn thờ trong sự thờ phượng không?

Bàn thờ đầu tiên được đề cập trong Kinh Thánh do Nô-ê dựng lúc ra khỏi tàu để dâng của-lễ bằng thú vật sau khi ông được cứu thoát khỏi trận Đại Hồng Thủy. *Sáng-thế Ký 8:20.

Sau khi Đức Chúa Trời làm xáo trộn tiếng nói ở Ba-bên, loài người tản ra trên khắp mặt đất. (Sáng-thế Ký 11:1-9) Với khuynh hướng thờ phượng bẩm sinh, loài người tìm cách đến gần Đức Chúa Trời, Đấng mà họ ngày càng xa lạ, “rờ tìm” như người mù. (Công-vụ 17:27; Rô-ma 2:14, 15) Từ thời Nô-ê, nhiều dân tộc đã dựng bàn thờ cho thần của họ. Nhiều dân và tôn giáo đã dùng bàn thờ để thờ thần giả. Vì xa cách Đức Chúa Trời thật, một số người dùng bàn thờ trong những nghi thức kinh tởm kể cả dâng người và thậm chí trẻ em để tế thần. Khi từ bỏ Đức Giê-hô-va, một số vua Y-sơ-ra-ên đã lập bàn thờ cho các thần ngoại giáo, như Ba-anh chẳng hạn. (1 Các Vua 16:29-32) Nhưng còn việc dùng bàn thờ trong sự thờ phượng thật thì sao?

Bàn thờ và sự thờ phượng thật ở Y-sơ-ra-ên

Sau Nô-ê, những người trung thành khác dựng bàn thờ để thờ phượng Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật. Áp-ra-ham dựng bàn thờ ở những nơi như Si-chem, ở một nơi khác gần Bê-tên, ở Hếp-rôn, và trên Núi Mô-ri-a, nơi ông dâng của-lễ bằng chiên đực do Đức Chúa Trời cung ứng thế cho Y-sác. Về sau, Y-sác, Gia-cốp, và Môi-se tự động dựng bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 12:6-8; 13:3, 18; 22:9-13; 26:23-25; 33:18-20; 35:1, 3, 7; Xuất Ê-díp-tô Ký 17:15, 16; 24:4-8.

Khi Đức Chúa Trời ban Luật Pháp cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài truyền họ dựng đền tạm, một căn lều di động, cũng được gọi là “hội mạc”, là trọng tâm của sự sắp đặt để đến gần Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 39:32, 40) Đền tạm, tức lều tạm, có hai bàn thờ. Bàn thờ dâng của-lễ thiêu, làm bằng gỗ si-tim và bọc đồng, được đặt trước cửa đền và dùng để dâng thú vật. (Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8; 39:39; 40:6, 29) Bàn thờ xông hương cũng được làm bằng cây si-tim nhưng bọc vàng và đặt trong đền tạm trước bức màn Nơi Chí Thánh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:1-6; 39:38; 40:5, 26, 27) Một loại hương đặc biệt được xông một ngày hai lần, vào buổi sáng và chiều tối. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-9) Đền thờ cố định được Vua Sa-lô-môn xây theo kiểu đền tạm, cũng có hai bàn thờ.

“Đền-tạm thật” và bàn thờ tượng trưng

Khi ban Luật Pháp cho dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va không chỉ cung cấp những điều lệ nhằm quy định lối sống của dân Ngài và cách đến gần Ngài qua của-lễ và lời cầu nguyện. Nhiều sự sắp đặt đó được sứ đồ Phao-lô gọi là “hình”, “hình-bóng”, hay “bóng của những sự trên trời”. (Hê-bơ-rơ 8:3-5; 9:9; 10:1; Cô-lô-se 2:17) Nói cách khác, nhiều khía cạnh của Luật Pháp không chỉ dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên cho đến khi Đấng Christ xuất hiện, mà còn làm hình bóng cho những ý định của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện qua Chúa Giê-su Christ. (Ga-la-ti 3:24) Vậy, nhiều khía cạnh của Luật Pháp có giá trị tiên tri. Chẳng hạn như, chiên con trong ngày Lễ Vượt Qua, mà máu được dùng làm dấu chỉ sự cứu rỗi cho dân Y-sơ-ra-ên, là hình ảnh tiên tri về Chúa Giê-su Christ. Ngài là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”, bởi máu ngài đã đổ ra để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.—Giăng 1:29; Ê-phê-sô 1:7.

Nhiều điều liên quan đến đền tạm và công việc trong đền thờ là hình bóng cho thực tại thiêng thiêng. (Hê-bơ-rơ 8:5; 9:23) Thật vậy, Phao-lô viết về “đền-tạm thật, bởi Chúa dựng lên, không phải bởi một người nào”. Ông viết tiếp: “Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế-lễ thượng-phẩm của những sự tốt-lành sau nầy; Ngài đã vượt qua đền-tạm lớn hơn và trọn-vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy”. (Hê-bơ-rơ 8:2; 9:11) “Đền-tạm lớn hơn và trọn-vẹn hơn” là sự sắp đặt về đền thờ thiêng liêng lớn. Ngôn từ Kinh Thánh cho thấy đền thờ thiêng liêng lớn là sự sắp đặt để con người có thể đến gần Đức Giê-hô-va dựa trên căn bản sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ.—Hê-bơ-rơ 9:2-10, 23-28.

Khi học Lời Đức Chúa Trời và hiểu rằng một số điều khoản và quy tắc trong Luật Pháp là hình bóng của thực tại thiêng liêng lớn hơn, có ý nghĩa hơn, chắc chắn đức tin của chúng ta nơi sự soi dẫn của Kinh Thánh được củng cố. Nhờ thế chúng ta cũng gia tăng lòng cảm kích đối với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, biểu hiện một cách độc đáo trong Kinh Thánh.—Rô-ma 11:33; 2 Ti-mô-thê 3:16.

Bàn thờ dâng của-lễ thiêu cũng có giá trị tiên tri. Nó dường như tượng trưng cho “ý-muốn” của Đức Chúa Trời, tức việc Ngài sẵn lòng chấp nhận của-lễ hy sinh hoàn toàn của Chúa Giê-su.—Hê-bơ-rơ 10:1-10.

Sau đó trong sách Hê-bơ-rơ, Phao-lô đã có lời bình luận thú vị sau: “Chúng ta có một cái bàn-thờ, phàm kẻ hầu việc trong đền-tạm không có phép lấy gì tại đó mà ăn”. (Hê-bơ-rơ 13:10) Ông muốn nói đến bàn thờ nào?

Nhiều người giảng giải thuộc Công Giáo cho rằng bàn thờ được đề cập nơi Hê-bơ-rơ 13:10 là bàn thờ dùng trong Lễ Ban Thánh Thể, là phép “bí tích”, qua đó sự hy sinh của Đấng Christ được cho là tái diễn lại trong Lễ Mi-sa. Nhưng qua văn cảnh, bạn có thể thấy bàn thờ mà Phao-lô đang đề cập là tượng trưng. Một số học giả giải thích từ “bàn thờ” trong đoạn này theo nghĩa bóng. Theo ông Giuseppe Bonsirven, một thầy tu dòng Tên, “điều này hoàn toàn phù hợp với việc dùng biểu tượng trong thư [gửi cho người Hê-bơ-rơ]”. Ông lưu ý: “Theo ngôn từ của đạo Đấng Christ, từ ‘bàn thờ’ lúc đầu được sử dụng theo nghĩa bóng, chỉ sau thời Irenaeus, đặc biệt sau thời Tertullian và Thánh Cyprian, mới được áp dụng cho lễ ban thánh thể, và đặc biệt hơn cho bàn dâng thánh thể”.

Như tạp chí của Công Giáo nói, việc sử dụng bàn thờ được lan rộng trong “thời Constantine” với “việc xây cất nhà thờ”. Rivista di Archeologia Cristiana (Báo khảo cổ đạo Đấng Christ) ghi: “Chắc chắn trong hai thế kỷ đầu, không có bằng chứng về một nơi thờ phượng cố định nhưng có những buổi kinh lễ nhóm lại trong những phòng tại nhà riêng..., và ngay sau buổi lễ, phòng được sử dụng trở lại y như cũ”.

Việc dùng bàn thờ của các đạo xưng theo Đấng Christ

Báo Công Giáo La Civiltà Cattolica nói: “Bàn thờ không chỉ là trọng tâm của nhà thờ mà còn của giáo dân”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không hề lập nghi lễ tôn giáo nào phải được cử hành trên bàn thờ, và cũng không ra lệnh cho các môn đồ ngài cử hành nghi lễ dùng bàn thờ. Khi nói đến bàn thờ nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24 và ở những chỗ khác, Chúa Giê-su chỉ nhắc đến thực hành tôn giáo phổ biến trong dân Do Thái, chứ không tỏ ý là các môn đồ phải dùng bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời.

Sử gia người Mỹ George Foot Moore (1851-1931) viết: “Các đặc điểm thờ phượng chính trong đạo Đấng Christ luôn giống nhau, nhưng theo thời gian, các nghi thức đơn giản được Justin mô tả vào giữa thế kỷ thứ hai dần dần trở thành một cách thờ phượng trang trọng”. Các nghi thức và nghi lễ công cộng thì nhiều và phức tạp đến độ có nguyên một môn học về đề tài này—nghi thức lễ bái—trong các trường dòng Công Giáo. Ông Moore nói tiếp: “Khuynh hướng này, gắn liền với mọi nghi lễ, được đẩy mạnh do ảnh hưởng của Cựu Ước khi hàng giáo phẩm đạo Đấng Christ được xem là thừa kế chức thầy tế lễ của hệ thống tôn giáo trước kia. Trang phục lộng lẫy của thầy tế lễ cả, áo lễ của các thầy tế lễ khác, các lễ rước trọng thể, các ca đoàn Lê-vi ngâm những bài thánh thơ, làn khói nghi ngút từ những lư hương đong đưa—tất cả dường như là kiểu mẫu được Đức Chúa Trời soi dẫn về cách thờ phượng, biện hộ cho giáo hội trong việc tranh đua với sự lộng lẫy của các tôn giáo cổ xưa”.

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nhiều nghi thức, lễ nghi, áo lễ, và những vật dụng khác mà nhiều giáo hội dùng trong việc thờ phượng không phải theo sự dạy dỗ đạo Đấng Christ trong Phúc Âm, mà theo những phong tục và nghi lễ của người Do Thái và người ngoại giáo. Cuốn Enciclopedia Cattolica (Tự điển bách khoa Công Giáo) nói rằng Công Giáo “tiếp nhận việc dùng bàn thờ từ đạo Do Thái và phần nào từ ngoại giáo”. Minucius Felix, nhà biện giải tôn giáo của thế kỷ thứ ba CN, viết rằng tín đồ Đấng Christ ‘không có đền thờ và bàn thờ’. Cuốn tự điển bách khoa Religioni e Miti (Tôn giáo và truyền thuyết) cũng nói tương tự: “Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu loại bỏ việc dùng bàn thờ để phân biệt họ với sự thờ phượng của đạo Do Thái và ngoại giáo”.

Vì đạo Đấng Christ chủ yếu dựa trên những nguyên tắc được chấp nhận và áp dụng trong đời sống hàng ngày và trong mọi nước, nên không còn cần đến thành thánh trên đất, hoặc đền thờ có bàn thờ theo nghĩa đen, hoặc các thầy tế lễ loài người với chức vị đặc biệt, trong các y phục riêng biệt. Chúa Giê-su nói: “Giờ đến, khi các ngươi thờ-lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem... Những kẻ thờ-phượng thật [sẽ] lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha”. (Giăng 4:21, 23) Sự phức tạp của các nghi thức và việc dùng bàn thờ trong nhiều nhà thờ là do lờ đi những gì Chúa Giê-su nói về cách phải thờ phượng Đức Chúa Trời thật.

[Chú thích]

^ đ. 3 Trước đó, có lẽ Ca-in và A-bên đã dùng bàn thờ để dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế Ký 4:3, 4.