Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bữa Tiệc Thánh của Chúa có nghĩa gì đối với bạn?

Bữa Tiệc Thánh của Chúa có nghĩa gì đối với bạn?

Bữa Tiệc Thánh của Chúa có nghĩa gì đối với bạn?

“Ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng-đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa”.—1 CÔ-RINH-TÔ 11:27.

1. Sự kiện quan trọng nhất nào được dự kiến trong năm 2003, và được bắt nguồn từ đâu?

SỰ KIỆN quan trọng nhất được dự kiến trong năm 2003 sẽ diễn ra sau khi mặt trời lặn vào ngày 16 tháng 4. Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ nhóm lại để cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su Christ. Như trong bài trước cho thấy, Chúa Giê-su đã thiết lập lễ này, cũng được gọi là Bữa Tiệc Thánh của Chúa, sau khi ngài và các sứ đồ cử hành Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN. Các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm, bánh không men và rượu nho đỏ, tượng trưng cho thân thể vô tội và huyết đổ ra của Đấng Christ—một của-lễ duy nhất có thể chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết di truyền.—Rô-ma 5:12; 6:23.

2. Lời cảnh báo nào được ghi lại nơi 1 Cô-rinh-tô 11:27?

2 Những người dự phần trong Lễ Tưởng Niệm phải dùng các món biểu hiệu một cách xứng đáng. Sứ đồ Phao-lô nói rõ điều này khi ông viết cho các tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô xưa, nơi Bữa Tiệc Thánh của Chúa không được cử hành một cách đúng đắn. (1 Cô-rinh-tô 11:20-22) Ông viết: “Ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng-đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 11:27) Những lời này có nghĩa gì?

Một số người dự phần vào lễ cách không xứng đáng

3. Nhiều tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô cư xử thế nào trong Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

3 Nhiều tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô dự phần Lễ Tưởng Niệm cách không xứng đáng. Giữa họ có sự chia rẽ, và ít nhất là trong một thời gian, một số người đã đem theo phần ăn tối và ăn trước hoặc trong khi nhóm, thường là ăn uống quá độ. Họ không tỉnh táo về tinh thần lẫn thiêng liêng. Điều này khiến họ “mắc tội với thân và huyết của Chúa”. Những người không đem phần ăn tối theo thì bị đói và tâm trí bị sao lãng. Thật vậy, nhiều người dự phần mà không tỏ lòng tôn trọng và không nhận biết trọn vẹn tính nghiêm trang của buổi lễ này. Họ tự chuốc lấy sự đoán xét không có gì đáng ngạc nhiên cả!—1 Cô-rinh-tô 11:27-34.

4, 5. Tại sao tự kiểm là cần thiết đối với những người thường dùng các món biểu hiệu?

4 Mỗi năm, khi ngày Lễ Tưởng Niệm đến gần, những người thường dùng các món biểu hiệu cần phải tự kiểm chính mình. Để xứng đáng dự phần trong bữa tiệc thù ân này, họ phải ở trong tình trạng khỏe mạnh về thiêng liêng. Người nào bày tỏ thái độ thiếu tôn kính, thậm chí khinh thường, đối với sự hy sinh của Chúa Giê-su có nguy cơ bị ‘truất khỏi dân-sự của Đức Chúa Trời’, giống như một người Y-sơ-ra-ên dự tiệc thù ân mà không thanh sạch vậy.—Lê-vi Ký 7:20; Hê-bơ-rơ 10:28-31.

5 Phao-lô so sánh Lễ Tưởng Niệm với bữa tiệc thù ân trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Ông nói về những người cùng dự phần với nhau trong Đấng Christ, rồi khuyên: “Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa [Đức Giê-hô-va] và cũng uống chén của các quỉ; chẳng có thể dự tiệc của Chúa [Đức Giê-hô-va], lại dự tiệc của các quỉ”. (1 Cô-rinh-tô 10:16-21) Nếu một người thường xuyên dùng các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm phạm tội trọng, người đó phải thú tội với Đức Giê-hô-va và tìm kiếm sự giúp đỡ về thiêng liêng từ các trưởng lão hội thánh. (Châm-ngôn 28:13; Gia-cơ 5:13-16) Nếu thực sự ăn năn và sinh bông trái phù hợp với sự ăn năn, người đó sẽ xứng đáng dự phần trong buổi lễ.—Lu-ca 3:8.

Tham dự với tư cách người kính cẩn quan sát

6. Đức Chúa Trời dành đặc ân dùng các món biểu hiệu trong Bữa Tiệc Thánh cho ai?

6 Những người hiện nay đang làm điều tốt cho phần còn sót lại của 144.000 anh em Đấng Christ có nên dùng các món biểu hiệu trong Bữa Tiệc Thánh của Chúa không? (Ma-thi-ơ 25:31-40; Khải-huyền 14:1) Không. Đức Chúa Trời dành đặc ân đó cho những người được Ngài xức dầu bằng thánh linh để “đồng kế-tự với Đấng Christ”. (Rô-ma 8:14-18; 1 Giăng 2:20) Vậy thì những người có hy vọng sống đời đời trong địa đàng dưới sự cai trị của Nước Trời có vai trò nào? (Lu-ca 23:43; Khải-huyền 21:3, 4) Vì họ không đồng kế tự với Chúa Giê-su với niềm hy vọng lên trời, họ tham dự Lễ Tưởng Niệm với tư cách là những người kính cẩn quan sát.—Rô-ma 6:3-5.

7. Tại sao các tín đồ Đấng Christ thời thế kỷ thứ nhất biết họ nên dùng các món biểu hiệu?

7 Tín đồ thật của Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất được xức dầu bằng thánh linh. Nhiều người có thể sử dụng một hay nhiều ơn kỳ diệu của thánh linh, như nói những tiếng khác chẳng hạn. Vì vậy những người đó dễ dàng nhận biết rằng họ được xức dầu bằng thánh linh và sẽ dùng các món biểu hiệu trong buổi Lễ Tưởng Niệm. Tuy nhiên, trong thời chúng ta, điều này có thể được xác định dựa trên lời soi dẫn của Đức Chúa Trời như sau: “Hết thảy kẻ nào được Thánh-Linh của Đức Chúa Trời dắt-dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần-trí của tôi-mọi đặng còn ở trong sự sợ-hãi; nhưng đã nhận lấy thần-trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha!”—Rô-ma 8:14, 15.

8. “Lúa mì” và “cỏ lùng” được đề cập nơi Ma-thi-ơ chương 13 tượng trưng cho ai?

8 Trải qua nhiều thế kỷ, những người thật sự được xức dầu giống như “lúa mì” lớn lên trong đồng “cỏ lùng”, tức là các tín đồ Đấng Christ giả mạo. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43) Từ thập niên 1870, “lúa mì” trở nên ngày càng lộ rõ, và nhiều năm sau, các giám thị tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã được khuyên bảo: “Các trưởng lão... nên nêu ra những điều kiện như sau cho những người nhóm lại [để cử hành Lễ Tưởng Niệm]: (1) có đức tin nơi huyết [của Đấng Christ]; và (2) dâng mình cho Chúa và phụng sự ngài, thậm chí cho đến chết. Rồi họ nên mời tất cả những ai có niềm tin đó và đã dâng mình cùng giữ lễ tưởng niệm sự chết của Chúa”.—Studies in the Scriptures, Tập VI, The New Creation, trang 473. *

Tìm kiếm “chiên khác”

9. Đám đông “vô-số người” đã được nhận diện rõ ràng như thế nào vào năm 1935, và điều này ảnh hưởng thế nào đến một số người đã dự phần trong Lễ Tưởng Niệm?

9 Với thời gian, ngoài những môn đồ được xức dầu của Đấng Christ, tổ chức của Đức Giê-hô-va bắt đầu tập trung sự chú ý đến một nhóm khác. Một sự tiến triển đáng kể trong lĩnh vực này xảy ra vào giữa thập niên 1930. Trước đó, dân Đức Chúa Trời xem đám đông “vô-số người” nơi Khải-huyền 7:9 như là lớp người thiêng liêng phụ cùng kết hợp với 144.000 người được xức dầu và được sống lại trên trời—như phụ dâu hay bạn vợ mới cưới của Đấng Christ. (Thi-thiên 45:14, 15; Khải-huyền 7:4; 21:2, 9) Nhưng vào ngày 31 tháng 5 năm 1935, trong bài giảng tại một đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, có sự giải thích căn cứ theo Kinh Thánh cho biết đám đông “vô-số người” ám chỉ đến “chiên khác” tức là những người đang sống trong thời kỳ cuối cùng. (Giăng 10:16) Sau đại hội đó, một số người trước kia dùng món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm đã ngưng dùng vì họ nhận ra hy vọng của họ là sống trên đất chứ không phải trên trời.

10. Bạn miêu tả niềm hy vọng và các trách nhiệm của lớp “chiên khác” ngày nay như thế nào?

10 Đặc biệt kể từ năm 1935, có một cuộc tìm kiếm các “chiên khác”, những người đã đặt đức tin nơi giá chuộc, dâng mình cho Đức Chúa Trời, và ủng hộ “bầy nhỏ” được xức dầu qua hoạt động rao giảng về Nước Trời. (Lu-ca 12:32) Hy vọng của chiên khác là sống đời đời trên đất, nhưng trong mọi khía cạnh khác, họ cũng như số người thừa kế Nước Trời còn sót lại ngày nay. Như dân ngoại cư ngụ trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa cũng thờ phượng Đức Giê-hô-va và tuân theo Luật Pháp, lớp chiên khác ngày nay cũng chấp nhận trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ là cùng với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng rao giảng tin mừng. (Ga-la-ti 6:16) Tuy nhiên, không có người ngoại nào kiều ngụ trong xứ có thể trở thành vua hoặc thầy tế lễ, cũng thế, không có người nào trong số chiên khác có thể cai trị trong Nước Trời hoặc phụng sự với tư cách thầy tế lễ.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:15.

11. Tại sao ngày báp têm của một người có thể ảnh hưởng đến hy vọng của người ấy?

11 Rồi vào thập niên 1930, dần dần có thể thấy rõ là lớp người lên trời nói chung đã được chọn xong rồi. Trong những thập niên sau, cuộc tìm kiếm tập trung vào các chiên khác, tức những người có hy vọng sống trên đất. Nếu một người được xức dầu tỏ ra bất trung, rất có thể là một người thuộc lớp chiên khác vốn đã trung thành phụng sự Đức Chúa Trời lâu năm rồi sẽ được gọi lấp vào chỗ trống trong số 144.000 người.

Tại sao có sự tự nhận lầm

12. Hoàn cảnh nào nên khiến một người ngưng dùng các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm, và tại sao?

12 Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu tuyệt đối biết chắc rằng họ được ơn kêu gọi lên trời. Nhưng còn những người không có ơn kêu gọi này mà lại dùng các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm thì sao? Giờ đây, khi biết là họ chưa hề có hy vọng lên trời, chắc chắn lương tâm họ sẽ thúc đẩy họ ngưng dùng các món biểu hiệu. Đức Chúa Trời không tán thành bất cứ ai tự xưng là người được ơn kêu gọi làm vua và thầy tế lễ trên trời nhưng biết rằng mình thực sự không có ơn kêu gọi đó. (Rô-ma 9:16; Khải-huyền 20:6) Đức Giê-hô-va đã thi hành phán xét trên Cô-rê thuộc dòng Lê-vi vì ông đã kiêu căng muốn kiếm chức tế lễ dành cho dòng họ A-rôn. (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:1; Dân-số Ký 16:4-11, 31-35) Nếu một người tín đồ Đấng Christ nhận ra mình nhầm lẫn khi dùng các món biểu hiệu của Lễ Tưởng Niệm thì người ấy nên ngưng ăn bánh uống chén và khiêm nhường cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va tha thứ.—Thi-thiên 19:13.

13, 14. Tại sao một số người có thể lầm tưởng họ được ơn kêu gọi lên trời?

13 Tại sao một số người có thể lầm tưởng họ được ơn kêu gọi lên trời? Có lẽ cái chết của người hôn phối hay một tai họa khác khiến họ mất hứng thú với cuộc sống trên đất. Hoặc có lẽ là họ ước muốn được cùng lên trời với một bạn thân là người cho mình là tín đồ được xức dầu. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời không bổ nhiệm ai để tuyển mộ những người khác cho vào đặc ân này. Và Ngài cũng không xức dầu những người kế tự Nước Trời bằng cách cho họ nghe được tiếng nói khẳng định sự kêu gọi đó.

14 Ý tưởng tôn giáo sai lầm cho rằng tất cả những người tốt đều được lên trời có thể khiến một số người nghĩ rằng họ có ơn kêu gọi lên trời. Vì thế chúng ta cần đề phòng không để những quan điểm sai lầm trước kia hoặc các nhân tố khác ảnh hưởng. Chẳng hạn, một người có thể tự hỏi: ‘Tôi có dùng thuốc ảnh hưởng đến tinh thần mình không? Tôi thường có những cảm xúc mạnh khiến tôi có thể phán đoán sai lầm không?’

15, 16. Tại sao một số người có thể kết luận sai lầm rằng họ được xức dầu?

15 Một số người có thể tự hỏi: ‘Tôi có muốn trở nên nổi bật không? Tôi có tham vọng quyền hành ngay bây giờ hay trong tương lai với vai trò là người cùng kế tự với Đấng Christ không?’ Khi những người kế tự Nước Trời được kêu gọi vào thế kỷ thứ nhất, không phải tất cả mọi người đều có chức vụ trong hội thánh. Và những cá nhân có đặc ân được lên trời không tìm kiếm danh vọng hay khoe khoang về việc họ được xức dầu. Họ bày tỏ sự khiêm nhường, một điều mong đợi nơi những người có “ý của Đấng Christ”.—1 Cô-rinh-tô 2:16.

16 Một số người có thể cho rằng họ được ơn kêu gọi lên trời vì thu thập được một sự hiểu biết đáng kể về Kinh Thánh. Nhưng việc xức dầu bằng thánh linh không đem lại sự hiểu biết siêu phàm, vì Phao-lô đã phải hướng dẫn và khuyên bảo một số người được xức dầu. (1 Cô-rinh-tô 3:1-3; Hê-bơ-rơ 5:11-14) Đức Chúa Trời có sự sắp đặt để cung cấp đồ ăn thiêng liêng cho tất cả dân Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Vì thế không ai nên nghĩ rằng việc được xức dầu khiến một tín đồ Đấng Christ có sự khôn ngoan sâu sắc hơn những người có hy vọng sống trên đất. Việc thông thạo trả lời những câu hỏi về Kinh Thánh, làm chứng hoặc nói bài giảng không chứng tỏ là người đó được xức dầu bằng thánh linh. Những tín đồ Đấng Christ có hy vọng sống trên đất cũng làm tốt về những khía cạnh này.

17. Sự xức dầu bằng thánh linh tùy thuộc vào điều gì và theo ý ai?

17 Nếu anh em đồng đức tin thắc mắc về ơn kêu gọi lên trời, thì một trưởng lão hoặc một tín đồ Đấng Christ thành thục có thể thảo luận điều này với người đó. Tuy vậy, một người không thể quyết định cho người khác. Người thực sự có ơn kêu gọi lên trời không cần hỏi người khác để biết mình có hy vọng đó hay không. Những người được xức dầu “được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư-nát, nhưng bởi giống chẳng hư-nát, là bởi lời hằng sống và bền-vững của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 1:23) Bằng thánh linh và Lời Ngài, Đức Chúa Trời gieo “giống” làm cho người đó thành “người dựng nên mới” với hy vọng lên trời. (2 Cô-rinh-tô 5:17) Và Đức Giê-hô-va là người chọn lựa. Việc xức dầu “chẳng phải bởi người nào ao-ước hay người nào bôn-ba mà được, bèn là bởi Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 9:16) Vậy thì làm sao một người có thể chắc chắn là mình có ơn kêu gọi lên trời?

Tại sao họ biết chắc

18. Thánh linh làm chứng cho thần trí những người được xức dầu bằng cách nào?

18 Thánh linh của Đức Chúa Trời làm chứng cho các tín đồ Đấng Christ được xức dầu tin rằng họ có triển vọng lên trời. Phao-lô viết: “Anh em... đã nhận lấy thần-trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính Đức Thánh-Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là kẻ kế-tự: kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau-đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh-hiển với Ngài”. (Rô-ma 8:15-17) Dưới ảnh hưởng của thánh linh, lòng hoặc “thần trí” theo bản dịch Tòa Tổng Giám Mục tức là khuynh hướng mạnh mẽ trong tinh thần của những người được xức dầu khiến họ áp dụng những gì Kinh Thánh nói về con cái thiêng liêng của Đức Giê-hô-va cho chính họ. (1 Giăng 3:2) Thánh linh Đức Chúa Trời giúp họ cảm nhận được mối quan hệ của người con đối với Ngài và trong lòng họ sinh ra hy vọng chưa từng có. (Ga-la-ti 4:6, 7) Thật thế, sự sống đời đời với tư cách là người hoàn toàn trong địa đàng giữa những người thân và bạn bè là một đời sống tuyệt diệu, nhưng đó không phải là hy vọng Đức Chúa Trời ban cho họ. Qua thánh linh, Ngài khiến họ có niềm hy vọng lên trời mạnh mẽ đến nỗi họ sẵn sàng hy sinh tất cả triển vọng và quan hệ gắn bó trên đất.—2 Cô-rinh-tô 5:1-5, 8; 2 Phi-e-rơ 1:13, 14.

19. Giao ước mới đóng vai trò nào trong đời sống của những người được xức dầu?

19 Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu biết chắc về niềm hy vọng lên trời của họ, về việc họ được nhận vào giao ước mới. Chúa Giê-su đề cập đến điều này khi ngài thiết lập Lễ Tưởng Niệm và nói: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra”. (Lu-ca 22:20) Hai bên dự phần vào giao ước mới là Đức Chúa Trời và những người được xức dầu. (Giê-rê-mi 31:31-34; Hê-bơ-rơ 12:22-24) Chúa Giê-su là đấng trung bảo. Có hiệu lực nhờ huyết của Đấng Christ đổ ra, giao ước mới không chỉ lấy ra từ dân Do Thái nhưng trong mọi nước một dân để dâng cho danh Đức Giê-hô-va và khiến họ trở thành một phần của “dòng dõi” Áp-ra-ham. (Ga-la-ti 3:26-29; Công-vụ 15:14) Nhờ “giao-ước đời đời” này, tất cả những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng sẽ được sống lại hưởng sự bất tử trên trời.—Hê-bơ-rơ 13:20.

20. Những người được xức dầu dự phần vào giao ước nào với Đấng Christ?

20 Những người được xức dầu không nghi ngờ gì về hy vọng của họ. Họ cũng được dự phần vào một giao ước khác, giao ước Nước Trời. Về việc cùng tham gia với Đấng Christ, Chúa Giê-su nói: “Các ngươi đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử-thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy”. (Lu-ca 22:28-30) Giao ước này giữa Đấng Christ và các phó vua có hiệu lực mãi mãi.—Khải-huyền 22:5.

Mùa Lễ Tưởng Niệm—Một dịp vui mừng

21. Làm sao chúng ta hưởng được nhiều lợi ích vào mùa Lễ Tưởng Niệm?

21 Mùa Lễ Tưởng Niệm là một dịp đầy vui mừng. Chúng ta có thể hưởng được lợi ích từ chương trình đọc Kinh Thánh trong thời gian này. Đây cũng là dịp đặc biệt để cầu nguyện, suy ngẫm về đời sống trên đất và sự chết của Chúa Giê-su, và tham gia vào công việc rao giảng về Nước Trời. (Thi-thiên 77:12; Phi-líp 4:6, 7) Chính sự tưởng niệm sẽ nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương Đức Chúa Trời và Đấng Christ đã bày tỏ qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16) Sự cung cấp này ban cho chúng ta niềm hy vọng, an ủi và củng cố lòng cương quyết của chúng ta đi theo đường lối Đấng Christ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Hê-bơ-rơ 12:3) Lễ Tưởng Niệm cũng làm vững lòng chúng ta để làm trọn sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va với tư cách là những tôi tớ Ngài và là những người trung thành theo Con yêu dấu Ngài.

22. Món quà lớn nhất mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại là gì, và một cách để bày tỏ lòng biết ơn là làm gì?

22 Những món quà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta thật tốt biết bao! (Gia-cơ 1:17) Chúng ta có sự hướng dẫn của Lời Ngài, sự trợ giúp của thánh linh, và niềm hy vọng sống đời đời. Món quà lớn nhất của Đức Chúa Trời là sự hy sinh của Chúa Giê-su vì tội lỗi những người được xức dầu và tất cả những người khác chịu thực hành đức tin. (1 Giăng 2:1, 2) Vậy cái chết của Chúa Giê-su có ý nghĩa đối với chúng ta đến mức độ nào? Bạn sẽ là một trong những người bày tỏ lòng biết ơn về điều đó bằng cách cùng nhóm lại vào ngày 16 tháng 4 năm 2003 sau khi mặt trời lặn để cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa không?

[Chú thích]

^ đ. 8 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, nay không còn ấn hành nữa.

Bạn trả lời thế nào?

• Những ai nên dùng các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm?

• Tại sao các “chiên khác” tham dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa chỉ với tư cách những người kính cẩn quan sát?

• Làm sao các tín đồ Đấng Christ được xức dầu biết rằng họ nên dùng bánh và rượu tại Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ?

• Mùa Lễ Tưởng Niệm là dịp tốt để làm gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 18]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Số người có mặt vào Lễ Tưởng Niệm

TRIỆU NGƯỜI

15.597.746

15

14

13.147.201

13

12

11

10

9

8

7

6

5

4.925.643

4

3

2

1

878.303

63.146

1935 1955 1975 1995 2002

[Hình nơi trang 18]

Bạn sẽ có mặt trong Bữa Tiệc Thánh của Chúa năm nay không?

[Các hình nơi trang 21]

Mùa Lễ Tưởng Niệm là dịp tốt để gia tăng việc đọc Kinh Thánh và tham gia vào việc rao giảng Nước Trời