Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuộc sống ở một trại tị nạn

Cuộc sống ở một trại tị nạn

Cuộc sống ở một trại tị nạn

BẠN nghĩ gì khi nghe nói đến “trại tị nạn”? Bạn có bao giờ đến thăm một trại tị nạn chưa? Thực ra, một trại tị nạn trông như thế nào?

Vào thời điểm viết bài này, đã có 13 trại tị nạn khác nhau được thiết lập ở miền tây nước Tanzania. Chính phủ Tanzania hợp tác với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) giúp đỡ khoảng 500.000 người chạy lánh nạn khỏi những cuộc nội chiến từ các xứ khác thuộc Phi Châu. Cuộc sống ở một trại tị nạn như thế nào?

Đến trại

Một thiếu nữ tên Kandida cho biết điều gì xảy ra khi cô và gia đình đến đây vài năm trước: “Họ đưa chúng tôi một phiếu thực phẩm để dùng riêng cho gia đình, sau đó gia đình chúng tôi được đưa đến trại tị nạn Nyarugusu. Ở đó chúng tôi nhận được số của lô đất để ở và số của con đường. Chúng tôi được chỉ chỗ để đốn cây và lượm cỏ để cất một ngôi nhà nhỏ cho chính mình. Chúng tôi lấy bùn làm gạch. Tổ chức UNHCR cho chúng tôi một tấm nhựa để lợp mái. Công việc cực nhọc, nhưng chúng tôi vui sướng khi ngôi nhà đơn sơ được hoàn tất”.

Phiếu thực phẩm được dùng mỗi hai tuần một lần vào ngày Thứ Tư. Kandida nói tiếp: “Chúng tôi xếp hàng ở căn-tin để lãnh nhu yếu phẩm do UNHCR phân phát”.

Thức ăn hàng ngày cho một người gồm những gì?

“Mỗi người trong chúng tôi lãnh khoảng 3 tách bột bắp, một tách đậu Hà Lan, 20 gram đậu nành, 2 muỗng canh dầu ăn, và 10 gram muối. Đôi khi chúng tôi cũng nhận được một thanh xà phòng cho nguyên một tháng”.

Còn nước sạch thì sao? Có nước sạch không? Một phụ nữ trẻ tên Riziki nói: “Có. Nước được bơm từ những con sông ở gần vô những bồn chứa lớn qua các đường ống dẫn. Nước được khử trùng bằng clo trước khi bơm đến nhiều trạm cấp nước ở mỗi trại. Tuy nhiên, để ngừa bệnh, chúng tôi vẫn cố gắng nấu nước trước khi uống. Chúng tôi thường bận rộn từ sáng tới chiều để hứng nước và giặt đồ tại những trạm cấp nước này, mỗi ngày chúng tôi chỉ được cấp một thùng rưỡi nước mà thôi”.

Nếu lái xe xuyên qua một trong các trại này, bạn có thể thấy những ngôi trường mẫu giáo, tiểu học và trung học. Có thể có một số chương trình giáo dục cho người lớn trong trại nữa. Có một đồn cảnh sát và một văn phòng của chính phủ ngay phía ngoài trại để đảm bảo cho trại luôn được an ninh và an toàn. Bạn có thể thấy một ngôi chợ lớn có nhiều sạp nhỏ để người tị nạn mua rau cải, trái cây, cá, gà và các nhu yếu phẩm khác. Một số dân địa phương ra chợ để buôn bán. Nhưng những người tị nạn này lấy tiền đâu ra để mua đồ? Một số người trồng một ít rau trên mảnh vườn nhỏ và đem ra chợ bán. Một số khác có lẽ bán một phần bột và đậu mà họ lãnh được để mua thịt và trái cây. Thật ra thì nơi này có lẽ trông giống một ngôi làng lớn hơn là một cái trại. Người ta thường thấy một số người cười đùa vui vẻ ở chợ như thể họ đang ở tại quê hương mình.

Nếu bạn dừng chân tại một bệnh viện, có lẽ một bác sĩ sẽ cho bạn biết là có vài bệnh xá ngay trong trại để chữa trị những bệnh nhẹ; còn những trường hợp cấp cứu và bệnh nặng thì được đưa đến bệnh viện. Điều dễ hiểu là khoa sản và phòng sanh ở bệnh viện thật quan trọng, vì tính theo một trại có 48.000 người tị nạn thì mỗi tháng có thể có khoảng 250 ca sanh đẻ.

Được nuôi dưỡng đầy đủ về thiêng liêng

Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn cầu có lẽ muốn biết về tình trạng của các anh chị thiêng liêng tại các trại tị nạn ở Tanzania. Nói chung có khoảng 1.200 Nhân Chứng được tổ chức thành 14 hội thánh và ba nhóm. Tình trạng của họ ra sao?

Một trong những điều đầu tiên mà các tín đồ Đấng Christ tận tụy này làm khi đến trại là hỏi xin một khu đất để xây cất Phòng Nước Trời. Điều này giúp cho những người tị nạn biết chỗ nào có Nhân Chứng cũng như nơi để đến nhóm họp hàng tuần. Tại trại Lugufu, có 7 hội thánh với tổng cộng 659 tín đồ Đấng Christ đang hoạt động. Tổng số người tham dự các buổi nhóm Chủ Nhật tại 7 hội thánh thường thường là khoảng 1.700 người.

Nhân Chứng tại các trại cũng hưởng được nhiều lợi ích từ các hội nghị và đại hội của tín đồ Đấng Christ. Khi đại hội địa hạt đầu tiên được tổ chức tại trại Lugufu, có 2.363 người tham dự. Các Nhân Chứng đã làm một bể nước để báp têm ngay bên ngoài địa điểm đại hội. Bể nước này là một hố được đào xuống đất rồi lót một tấm nhựa để giữ nước. Các anh chở nước sông bằng xe đạp cách đó khoảng hai cây số. Mỗi chuyến chỉ chở được 20 lít cho nên cần phải đi nhiều chuyến. Các ứng viên báp têm ăn mặc khiêm tốn, đứng xếp hàng để báp têm. Tổng cộng có 56 người báp têm trầm hẳn mình dưới nước. Một người truyền giáo trọn thời gian được phỏng vấn tại đại hội cho biết anh đã hướng dẫn 40 người học hỏi Kinh Thánh và bốn học viên của anh báp têm tại đại hội này.

Trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va sắp đặt các giám thị lưu động viếng thăm họ thường xuyên. Một anh giám thị nói: “Anh chị của chúng ta rất sốt sắng trong thánh chức rao giảng. Họ có một cánh đồng lớn để rao giảng, và trong một hội thánh mỗi Nhân Chứng dành ra 34 giờ mỗi tháng để rao giảng. Nhiều người hướng dẫn năm cuộc học hỏi Kinh Thánh hoặc nhiều hơn nữa với những người chú ý. Một tiên phong [người truyền giáo trọn thời gian] nói chị không thể có bất kỳ khu vực nào khác tốt hơn. Những người ở trong trại rất ham thích các ấn phẩm của chúng ta”.

Làm thế nào sách báo dựa trên Kinh Thánh lại đến được các trại? Chi nhánh gửi sách báo bằng xe lửa đến Kigoma, một thị trấn ở phía đông của bờ Hồ Tanganyika. Các anh ở đó nhận và sắp đặt chuyển những sách báo này đến các hội thánh. Đôi khi họ thuê một xe chở hàng và tự giao sách báo cho tất cả các trại. Vì đường xá rất gồ ghề nên phải mất khoảng ba hoặc bốn ngày đường.

Sự giúp đỡ vật chất

Nhân Chứng Giê-hô-va ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ đã giúp đỡ một cách đặc biệt trong việc cứu trợ cho những người tị nạn tại các trại này. Một số người đã được Bộ Nội Vụ và UNHCR chấp thuận cho đến thăm các trại này. Các Nhân Chứng ở Âu Châu đã thu góp hàng tấn sữa đậu nành, quần áo, giày dép, sách vở và xà phòng. Những thứ này được đóng góp để phân phát cho tất cả người tị nạn, phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh: “Đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”.—Ga-la-ti 6:10.

Các nỗ lực nhân đạo này đã gặt hái được những kết quả rất tốt, và nhiều người tị nạn được giúp đỡ. Ủy Ban Cộng Đồng Người Tị Nạn tại một trại biểu lộ sự biết ơn qua những lời sau: “Thay mặt cho toàn thể cộng đồng, chúng tôi trân trọng bày tỏ lời cám ơn về nghĩa cử nhân đạo mà tổ chức của các bạn đã thể hiện trong ba lần qua... Quần áo đã được cấp cho 12.654 người trong hoàn cảnh thiếu thốn gồm đàn ông, đàn bà, và trẻ em, cũng như những bé sơ sinh... Trại tị nạn Muyovozi hiện nay có 37.000 cư dân. Tổng cộng có 12.654 người hay 34,2 phần trăm dân số đã được giúp đỡ”.

Tại một trại khác, mỗi một cá nhân trong số 12.382 người tị nạn nhận được ba món đồ để mặc, và một trại khác nhận được hàng ngàn sách vở dùng để học ở trường trung học, tiểu học và nhà trẻ. Nhân viên tiếp vận của UNHCR tại một trong các trại bình luận: “Chúng tôi rất biết ơn về đồ cứu trợ nhận được đã đáp ứng nhu cầu to lớn của dân chúng trong các trại tị nạn. Lô hàng nhận được gần đây nhất là 5 công-ten-nơ sách vở mà ban dịch vụ cộng đồng chúng tôi đã phân phát cho những người tị nạn... Xin đa tạ”.

Ngay cả báo chí địa phương cũng bình luận về việc cứu trợ này. Một hàng tít lớn trong tờ báo Sunday News ra ngày 20-5-2001 ghi: “Quần áo cho người tị nạn ở Tanzania sắp đến”. Một bài trong số ra ngày 10-2-2002 bình luận: “Cộng đồng người tị nạn rất biết ơn về tặng vật vì một số trẻ em trước đây bỏ học do thiếu quần áo nay đã đến lớp đều đặn”.

Bị ép dồn nhưng không bế tắc

Đa số người tị nạn cần khoảng một năm mới thích nghi được với cách sống mới ở trại. Họ sống một đời sống bình dị. Nhân Chứng Giê-hô-va trong các trại tị nạn dùng rất nhiều thì giờ để chia sẻ với những người lân cận tin mừng an ủi từ Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Họ nói về một thế giới mới, nơi mà tất cả “sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm; nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến-tranh nữa”. Sau đó tất cả “sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ; vì miệng Đức Giê-hô-va vạn-quân đã phán”. Chắc chắn, với sự ban phước của Đức Chúa Trời đây sẽ là một thế giới không có trại tị nạn.—Mi-chê 4:3, 4; Thi-thiên 46:9.

[Hình nơi trang 8]

Những căn nhà trong trại Nduta

[Các hình nơi trang 10]

Phòng Nước Trời Lukole (bên phải); Báp têm ở Lugufu (bên dưới)

[Hình nơi trang 10]

Đại hội địa hạt ở trại Lugufu