Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

Tại sao cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

Tại sao cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

“Tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em”.—1 CÔ-RINH-TÔ 11:23.

1, 2. Chúa Giê-su đã làm gì vào đêm Lễ Vượt Qua năm 33 CN?

NGƯỜI CON độc sanh của Đức Giê-hô-va có mặt tại đó. Và 11 người khác ‘đã bền lòng theo ngài trong mọi sự thử-thách’ cũng hiện diện. (Lu-ca 22:28) Đó là buổi tối Thứ Năm, ngày 31 tháng 3 năm 33 CN, và rất có thể ánh trăng tròn chiếu sáng trên bầu trời Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su Christ và các sứ đồ vừa cử hành xong Lễ Vượt Qua. Kẻ phản bội Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã bị cho ra ngoài, nhưng chưa đến lúc để những người khác ra về. Tại sao? Vì Chúa Giê-su sắp làm một điều rất quan trọng. Điều gì vậy?

2 Vì người viết Phúc Âm Ma-thi-ơ có mặt ở đó, chúng ta hãy nhờ ông giải đáp. Ông viết: “Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn-đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân-thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn-đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”. (Ma-thi-ơ 26:26-28) Phải chăng sự kiện này chỉ diễn ra một lần mà thôi? Ý nghĩa sự kiện đó là gì? Có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay không?

“Hãy làm điều nầy”

3. Tại sao những gì Chúa Giê-su đã làm vào đêm 14 tháng Ni-san năm 33 CN là quan trọng?

3 Điều Chúa Giê-su Christ làm vào đêm 14 tháng Ni-san năm 33 CN không phải là một hành động nhất thời trong đời ngài. Sứ đồ Phao-lô thảo luận về điều này khi viết cho tín đồ được xức dầu của Đấng Christ ở Cô-rinh-tô, nơi mà nghi thức đó vẫn còn được theo sát hơn 20 năm sau. Dù Phao-lô không có mặt cùng với Chúa Giê-su và 11 sứ đồ vào năm 33 CN, chắc chắn qua một số sứ đồ ông biết được những gì diễn ra vào dịp ấy. Hơn nữa, dường như một số khía cạnh của sự kiện ấy được khẳng định với Phao-lô qua sự mặc khải của Chúa. Phao-lô nói: “Tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân-thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao-ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta”.—1 Cô-rinh-tô 11:23-25.

4. Tại sao tín đồ Đấng Christ cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

4 Người viết Phúc Âm Lu-ca xác nhận Chúa Giê-su truyền lệnh này: “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta”. (Lu-ca 22:19) Những lời này cũng đã được dịch như sau: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Tòa Tổng Giám Mục). Hoặc là: “Các con hãy ăn để tưởng niệm ta” (Bản Diễn Ý). Thật thế, sự cử hành này thường được gọi là Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Phao-lô cũng gọi đó là Bữa Tiệc Thánh của Chúa. (1 Cô-rinh-tô 11:20) Tín đồ Đấng Christ được lệnh phải cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa. Nhưng tại sao lễ này được thiết lập?

Tại sao thiết lập lễ này?

5, 6. (a) Một lý do để Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm là gì? (b) Hãy nêu một lý do khác để thiết lập Bữa Tiệc Thánh của Chúa.

5 Một lý do để thiết lập Lễ Tưởng Niệm có liên quan đến một mục đích được thực hiện qua cái chết của Chúa Giê-su. Ngài chết với tư cách người biện minh cho quyền thống trị của Cha ngài trên trời. Như vậy Đấng Christ đã chứng tỏ Sa-tan Ma-quỉ, kẻ vu cáo rằng người ta chỉ phụng sự Đức Chúa Trời với động lực ích kỷ, là kẻ nói dối. (Gióp 2:1-5) Nhờ trung thành cho đến chết, Chúa Giê-su chứng tỏ lời vu cáo đó là sai và làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Châm-ngôn 27:11.

6 Một lý do khác nữa để thiết lập Bữa Tiệc Thánh của Chúa là để nhắc nhở chúng ta rằng nhờ cái chết với tư cách con người hoàn toàn và vô tội, Chúa Giê-su đã “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Khi người đầu tiên phạm tội với Đức Chúa Trời, ông đánh mất sự sống người hoàn toàn và mọi triển vọng tương lai. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Thật thế, “tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. (Rô-ma 6:23) Việc cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu thương cao cả mà Đức Giê-hô-va lẫn Con Ngài đã biểu lộ qua cái chết làm của-lễ của Chúa Giê-su. Chúng ta nên biết ơn về tình yêu thương ấy xiết bao!

Cử hành khi nào?

7. “Mỗi lần” các tín đồ Đấng Christ được xức dầu ăn bánh uống chén, họ rao cái chết của Chúa theo nghĩa nào?

7 Phao-lô nói về Bữa Tiệc Thánh của Chúa: “Mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”. (1 Cô-rinh-tô 11:26) Mỗi tín đồ Đấng Christ được xức dầu đều ăn bánh uống chén trong Lễ Tưởng Niệm cho đến khi họ chết. Như vậy, trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời và loài người, họ không ngừng công bố đức tin nơi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su.

8. Nhóm người được xức dầu còn cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa cho đến khi nào?

8 Nhóm người được xức dầu còn cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ cho tới khi nào? Phao-lô nói: “Cho tới lúc Ngài đến”. Hiển nhiên ông có ý nói những sự cử hành này sẽ tiếp tục cho đến khi Chúa Giê-su đến rước các môn đồ được xức dầu của ngài lên trời qua sự sống lại trong kỳ ngài “hiện diện”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-17, NW) Điều này phù hợp với những lời Chúa Giê-su nói với 11 sứ đồ trung thành: “Khi ta đã đi, và đã sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó”.—Giăng 14:3.

9. Những lời của Chúa Giê-su ghi nơi Mác 14:25 ngụ ý nói gì?

9 Khi Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm, ngài chỉ chén rượu và nói với các sứ đồ trung thành: “Ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày ta sẽ uống trái nho mới trong nước Đức Chúa Trời”. (Mác 14:25) Vì Chúa Giê-su sẽ không uống rượu theo nghĩa đen ở trên trời, hiển nhiên ngài nghĩ đến niềm vui đôi khi được tượng trưng bởi rượu. (Thi-thiên 104:15; Truyền-đạo 10:19) Cùng nhau sum họp trong Nước Trời là một niềm vui mà ngài cùng các môn đồ nóng lòng mong đợi.—Rô-ma 8:23; 2 Cô-rinh-tô 5:2.

10. Lễ Tưởng Niệm nên được cử hành bao lâu một lần?

10 Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su có nên được cử hành hàng tháng, hàng tuần, hoặc thậm chí hàng ngày không? Không. Chúa Giê-su thiết lập Bữa Tiệc Thánh và bị giết vào ngày Lễ Vượt Qua được xem là “kỷ-niệm” của sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi cảnh phu tù nơi xứ Ê-díp-tô vào năm 1513 TCN. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:14) Lễ Vượt Qua chỉ được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 14 tháng Ni-san theo lịch Do Thái. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-6, TTGM; Lê-vi Ký 23:5, TTGM) Điều này cho thấy ngày chết của Chúa Giê-su chỉ được cử hành như dịp Lễ Vượt Qua—hàng năm—chứ không phải hàng tháng, hàng tuần, hay hàng ngày.

11, 12. Lịch sử cho biết gì về việc cử hành Lễ Tưởng Niệm thời ban đầu?

11 Vì vậy, điều thích hợp là cử hành Lễ Tưởng Niệm vào ngày 14 tháng Ni-san hàng năm. Một tài liệu tham khảo cho biết: “Tín đồ Đấng Christ ở vùng Tiểu Á được gọi là Quartodecimans [những người giữ ngày thứ mười bốn] vì phong tục ăn mừng Lễ pascha [Bữa Tiệc Thánh của Chúa] luôn luôn vào ngày 14 tháng Ni-san... Ngày đó có thể rơi vào Thứ Sáu hoặc bất cứ ngày nào trong tuần”.—The New Schaff-Herzog Encyclopedia of Religious Knowledge (Tân bách khoa tự điển của Schaff-Herzog về kiến thức tôn giáo), Tập IV, trang 44.

12 Nói về sự thực hành này vào thế kỷ thứ hai CN, sử gia J. L. von Mosheim nói rằng “những người giữ ngày thứ mười bốn” cử hành Lễ Tưởng Niệm vào ngày 14 tháng Ni-san vì “họ xem gương của Đấng Christ có quyền như một luật pháp”. Một sử gia khác nói: “Thực hành của nhà thờ những người giữ ngày thứ mười bốn ở Tiểu Á giống với giáo hội ở Giê-ru-sa-lem. Vào thế kỷ thứ hai, những người này cử hành Lễ Pascha vào ngày 14 tháng Ni-san để tưởng niệm sự chuộc tội nhờ cái chết của Đấng Christ”.—Studia Patristica, Tập V, năm 1962, trang 8.

Ý nghĩa của bánh

13. Loại bánh nào Chúa Giê-su đã dùng khi thiết lập Bữa Tiệc Thánh?

13 Khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm, “Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn-đồ”. (Mác 14:22) Bánh dùng trong dịp đó giống như loại bánh vừa được dùng trong Lễ Vượt Qua. Vì đó là bánh nướng không men, nên vừa mỏng, vừa giòn và cần được bẻ ra để phân phát. Khi Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn, bánh đó cũng giòn nên ngài bẻ ra để có thể phân phát. (Ma-thi-ơ 14:19; 15:36) Vì vậy, hành động bẻ bánh trong Lễ Tưởng Niệm dường như không có ý nghĩa gì về thiêng liêng.

14. (a) Tại sao dùng bánh không men trong Lễ Tưởng Niệm là điều thích hợp? (b) Có thể dùng hoặc làm loại bánh nào trong Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

14 Liên quan đến bánh được sử dụng khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm, Chúa Giê-su nói: “Nầy là thân-thể ta, vì các ngươi mà phó cho”. (1 Cô-rinh-tô 11:24; Mác 14:22) Điều này cho thấy dùng bánh không men là thích hợp. Tại sao? Vì men biểu trưng cho điều gian ác, độc dữ hay tội lỗi. (1 Cô-rinh-tô 5:6-8) Bánh tượng trưng cho thân thể hoàn toàn, vô tội của Chúa Giê-su, thân thể xứng đáng làm của-lễ chuộc tội. (Hê-bơ-rơ 7:26; 10:5-10) Nhân Chứng Giê-hô-va luôn nhớ điều này và theo gương Chúa Giê-su dùng bánh không men khi cử hành Lễ Tưởng Niệm. Đôi khi họ dùng bánh không men của người Do Thái không thêm bất cứ thành phần nào khác như hành hoặc trứng. Cách khác là có thể tự làm bánh không men bằng một ít bột nguyên chất (nếu có thể, bột mì) trộn với một chút nước, sau đó được cán mỏng, đặt trên vĩ quết một lớp mỏng dầu ăn và nướng cho đến khi thấy bánh khô giòn.

Ý nghĩa của rượu

15. Có gì trong chén khi Đấng Christ thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài?

15 Sau khi chuyền bánh không men, Chúa Giê-su cầm lấy chén “tạ ơn, rồi trao cho các môn-đồ, và ai nấy đều uống”. Chúa Giê-su giải thích: “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đổ ra cho nhiều người”. (Mác 14:23, 24) Có gì trong chén đó? Rượu lên men, chứ không phải nước nho chưa lên men. Khi Kinh Thánh nhắc đến rượu, không có ý nói về nước nho chưa lên men. Chẳng hạn như Chúa Giê-su nói chỉ có rượu mới có thể làm nứt “bầu da cũ”, chứ không phải nước nho. Và kẻ thù của Đấng Christ vu cáo ngài là “mê uống”. Điều đó hẳn là lời buộc tội vô nghĩa nếu rượu chỉ là nước nho ép. (Ma-thi-ơ 9:17; 11:19) Rượu được uống trong lúc cử hành Lễ Vượt Qua, và Đấng Christ cũng dùng rượu khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài.

16, 17. Loại rượu nào thích hợp cho Lễ Tưởng Niệm, và tại sao?

16 Chỉ có rượu nho đỏ—chất đựng trong chén—là biểu tượng thích hợp cho huyết được đổ ra của Chúa Giê-su. Chính ngài nói: “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đổ ra cho nhiều người”. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng viết: “[Anh em tín đồ Đấng Christ được xức dầu] biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư-nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn-ở không ra chi của tổ-tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít”.—1 Phi-e-rơ 1:18, 19.

17 Chắc chắn rượu nho đỏ chính là loại rượu Chúa Giê-su dùng khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm. Tuy nhiên, một số rượu nho đỏ ngày nay không thích hợp vì có pha thêm cồn, rượu mạnh hoặc có ngâm những loại dược thảo và gia vị khác. Huyết của Chúa Giê-su đủ để làm giá chuộc, không cần thêm bất cứ chất gì vào. Vì thế, những loại rượu có pha tạp với chất cồn và dược thảo thì không thích hợp. Chén rượu trong buổi Lễ Tưởng Niệm chỉ nên chứa rượu nho đỏ nguyên chất không thêm chất ngọt. Có thể dùng rượu nho đỏ không đường làm tại nhà, cũng như rượu vang đỏ Burgundy và Bordeaux.

18. Tại sao Chúa Giê-su không làm phép lạ liên quan đến bánh và rượu?

18 Khi thiết lập bữa tiệc này, Chúa Giê-su không làm phép lạ, biến những món biểu hiệu này thành thân thể và máu thật của ngài. Vì việc ăn thịt và uống máu người là vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Lê-vi Ký 17:10) Lúc đó, thân thể Chúa Giê-su vẫn toàn vẹn và đầy đủ máu huyết. Thân thể ngài được dâng lên làm của-lễ hoàn hảo, và máu đổ ra vào buổi chiều sau, vẫn trong ngày 14 tháng Ni-san đó theo cách tính ngày của người Do Thái. Vì vậy, bánh và rượu dùng trong Lễ Tưởng Niệm đều mang tính cách tượng trưng, biểu hiện cho thịt và huyết của Đấng Christ. *

Lễ Tưởng Niệm​—Một bữa tiệc thù ân

19. Tại sao có thể dùng nhiều đĩa và ly khi cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa?

19 Khi Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm, ngài mời các sứ đồ trung thành uống chung chén. Sách Phúc Âm Lu-ca nói rằng: “Ngài cầm một cái chén, tạ ơn và bảo: ‘Hãy cầm chén này, chia nhau uống’ ”. (Lu-ca 22:17, Bản Dịch Mới) Việc dùng chỉ “một cái chén”, chứ không phải nhiều chén, điều này không có gì trở ngại, vì trong dịp đó chỉ có 11 người tham dự ngồi quanh một cái bàn và dễ dàng chuyền chén sang từng người. Năm nay, hàng triệu người cùng tham dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa trong hơn 94.000 hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Vì có nhiều người đến dự lễ cùng buổi tối đó, chỉ một chén hay ly thì không thể nào dùng cho tất cả được. Nhưng những hội thánh lớn vẫn theo nguyên tắc khi dùng nhiều ly để món biểu hiệu có thể được chuyền hết số người tham dự trong một thời hạn vừa phải. Tương tự thế, cũng dùng nhiều đĩa để chuyền bánh. Kinh Thánh không tường thuật về kiểu chén hoặc ly đặc biệt nào cả. Tuy nhiên, kiểu ly và đĩa nên phản ánh tính chất trang trọng của buổi lễ. Nên khôn ngoan đừng rót rượu quá đầy ly sẽ làm đổ rượu trong lúc chuyền ly.

20, 21. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Lễ Tưởng Niệm là một bữa tiệc thù ân?

20 Dù dùng nhiều đĩa bánh và ly rượu, Lễ Tưởng Niệm cũng là một bữa tiệc thù ân. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, một người có thể làm bữa tiệc thù ân bằng cách mang một con thú vào đền thánh của Đức Chúa Trời để sát tế. Một phần con vật bị thiêu nơi bàn thờ, một phần dành cho thầy tế lễ và một phần cho các con trai thuộc dòng tế lễ A-rôn; người đem của-lễ cùng người nhà mình dùng chung bữa ăn đó. (Lê-vi Ký 3:1-16; 7:28-36) Lễ Tưởng Niệm cũng là bữa tiệc thù ân vì có liên hệ đến việc cùng nhau dự phần.

21 Đức Giê-hô-va cũng dự bữa tiệc này với tư cách là Đấng đã lập ra sự sắp đặt này. Chúa Giê-su là của-lễ, và tín đồ Đấng Christ được xức dầu cùng dùng chung các món biểu hiệu với tư cách là những người dự tiệc. Việc ăn chung bàn với Đức Giê-hô-va biểu trưng cho việc những người cùng dự phần được hòa thuận với Ngài. Phù hợp với điều đó, Phao-lô viết: “Cái chén phước-lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân-thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân-thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh”.—1 Cô-rinh-tô 10:16, 17.

22. Câu hỏi nào về buổi Lễ Tưởng Niệm chúng ta còn phải xem xét?

22 Bữa Tiệc Thánh của Chúa là lễ tôn giáo duy nhất hằng năm của Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều này thích hợp vì Chúa Giê-su đã truyền cho những người theo ngài: “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta”. Tại buổi Lễ Tưởng Niệm, chúng ta tưởng nhớ đến cái chết của Chúa Giê-su, cái chết để ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Như chúng ta đã biết, tại bữa tiệc này, bánh biểu trưng cho thân thể của Đấng Christ đã dâng làm của-lễ và rượu tượng trưng cho huyết của ngài đổ ra. Tuy nhiên có rất ít người được dùng món biểu hiệu bánh và rượu. Tại sao thế? Lễ Tưởng Niệm có ý nghĩa thực sự không đối với nhiều triệu người không phải là những người được dự phần ăn bánh uống chén? Thật vậy, Bữa Tiệc Thánh của Chúa có ý nghĩa nào đối với bạn?

[Chú thích]

^ đ. 18 Xin xem Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 271, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao Chúa Giê-su thiết lập Bữa Tiệc Thánh?

• Lễ Tưởng Niệm nên được cử hành bao lâu một lần?

• Bánh không men dùng trong Lễ Tưởng Niệm tượng trưng cho điều gì?

• Rượu của Lễ Tưởng Niệm tượng trưng cho điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su thiết lập Bữa Tiệc Thánh của Chúa