Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va

Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va

Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va

“Phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin-cậy nơi Ngài”.—THI-THIÊN 9:10.

1, 2. Người ta đặt tin cậy sai lầm vào một số điều nào để được an toàn?

NGÀY NAY, khi hạnh phúc của chúng ta bị đe dọa bởi quá nhiều thứ, việc tìm kiếm sự an toàn nơi một người hay một điều gì đó là chuyện bình thường. Một số người cho rằng nếu có thêm tiền bạc tương lai họ sẽ được bảo đảm, nhưng thực tế đó chẳng qua là một sự che chở rất tạm bợ. Kinh Thánh nói: “Kẻ nào tin-cậy nơi của-cải mình sẽ bị xiêu-ngã”. (Châm-ngôn 11:28) Số khác đặt hy vọng nơi các nhà lãnh đạo loài người, nhưng ngay cả những người giỏi nhất trong vòng họ vẫn mắc sai lầm. Và cuối cùng, tất cả họ đều phải chết. Kinh Thánh quả khôn ngoan khi nói: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ”. (Thi-thiên 146:3) Những lời được soi dẫn đó cũng cảnh giác chúng ta chớ tin cậy vào khả năng riêng của chính mình, vì chúng ta cũng chỉ là “con loài người”.

2 Nhà tiên tri Ê-sai đã chỉ trích giới lãnh đạo Y-sơ-ra-ên vào thời ông vì họ “lấy sự nói dối làm nơi nương-náu”. (Ê-sai 28:15-17) Để tìm sự an toàn, họ đã liên minh chính trị với các nước lân bang. Những liên minh đó không đáng tin cậy—chỉ là sự nói dối. Tương tự thế, ngày nay nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo cũng xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo chính trị. Những liên minh này cuối cùng cũng sẽ lộ ra là “sự nói dối”. (Khải-huyền 17:16, 17) Chúng sẽ không mang lại sự an toàn lâu dài.

Gương tốt của Giô-suê và Ca-lép

3, 4. Giô-suê và Ca-lép báo cáo khác với mười người do thám khác ra sao?

3 Vậy, chúng ta nên tìm sự an toàn ở đâu? Ở nơi mà Giô-suê và Ca-lép vào thời Môi-se đã tìm. Không bao lâu sau khi được giải thoát khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên đã chuẩn bị để vào xứ Ca-na-an, Đất Hứa. Mười hai người nam được sai đi do thám xứ, và sau 40 ngày, họ trở về báo cáo. Chỉ có hai người, là Giô-suê và Ca-lép, đã báo cáo khả quan về khả năng thành công của dân Y-sơ-ra-ên khi vào xứ Ca-na-an. Mười người kia cũng xác nhận xứ rất tốt tươi, nhưng lại nói: “Dân-sự ở trong xứ nầy vốn mạnh-dạn, thành-trì thật vững-vàng và rất lớn... Chúng ta không đi lên cự dân nầy được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta”.—Dân-số Ký 13:27, 28, 31.

4 Dân Y-sơ-ra-ên nghe theo mười người do thám và trở nên sợ hãi đến độ lằm bằm chống lại Môi-se. Cuối cùng, Giô-suê và Ca-lép nhiệt thành lên tiếng: “Xứ mà chúng tôi đã đi khắp đặng do-thám thật là một xứ rất tốt; nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ các ngươi chớ dấy loạn cùng Đức Giê-hô-va, và đừng sợ dân của xứ”. (Dân-số Ký 14:3-9) Nhưng dân Y-sơ-ra-ên vẫn không chịu nghe, và kết quả là Đức Chúa Trời đã không cho họ vào Đất Hứa lúc đó.

5. Tại sao Giô-suê và Ca-lép báo cáo khả quan?

5 Tại sao Giô-suê và Ca-lép báo cáo khả quan, trong khi mười người do thám kia lại báo cáo tiêu cực? Cả 12 người đều nhìn thấy những thành quách kiên cố và những quốc gia có tổ chức. Và mười người này nói đúng khi cho rằng dân Y-sơ-ra-ên không đủ sức chinh phục xứ. Giô-suê và Ca-lép cũng biết điều đó. Tuy nhiên, mười người do thám đã nhìn sự việc theo quan điểm của loài người. Trái lại, Giô-suê và Ca-lép tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Họ đã nhìn thấy những việc đầy quyền năng Ngài làm tại Ai Cập, Biển Đỏ và nơi chân Núi Si-nai. Quả vậy, vài thập kỷ sau, dù chỉ được nghe kể lại những sự kiện đó thôi, Ra-háp ở thành Giê-ri-cô cũng đã sẵn sàng liều mạng vì dân Đức Giê-hô-va! (Giô-suê 2:1-24; 6:22-25) Vì tận mắt chứng kiến các hành động của Đức Chúa Trời, Giô-suê và Ca-lép hoàn toàn tin chắc Ngài sẽ tiếp tục chiến đấu cho dân Ngài. Sự tin cậy của họ đã tỏ ra đúng khi 40 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, một thế hệ dân Y-sơ-ra-ên mới đã đặt chân vào đất Ca-na-an và chinh phục xứ.

Tại sao chúng ta nên hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va

6. Tại sao tín đồ Đấng Christ ngày nay chịu nhiều áp lực, và họ nên tin cậy nơi đâu?

6 Trong “thời-kỳ khó-khăn” này, chúng ta, giống như dân Y-sơ-ra-ên, phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn mình. (2 Ti-mô-thê 3:1) Chúng ta bị áp lực về phương diện đạo đức, thiêng liêng, và trong một số trường hợp, cả về thể chất. Chỉ với sức riêng mình, chúng ta không thể nào cưỡng lại được những áp lực đó, vì chúng đến từ một nguồn siêu nhiên là Sa-tan Ma-quỉ. (Ê-phê-sô 6:12; 1 Giăng 5:19) Vậy, chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ ở đâu? Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, một người trung thành thuở xưa nói: “Phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin-cậy nơi Ngài”. (Thi-thiên 9:10) Nếu thật sự biết Đức Giê-hô-va và hiểu ý nghĩa danh Ngài, chúng ta cũng sẽ tin tưởng chắc chắn nơi Ngài như Giô-suê và Ca-lép.—Giăng 17:3.

7, 8. (a) Sự sáng tạo cho chúng ta những lý do nào để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? (b) Kinh Thánh cho chúng ta những lý do nào vì tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

7 Tại sao chúng ta nên tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? Giô-suê và Ca-lép đã bày tỏ sự tin cậy này một phần vì họ đã chứng kiến quyền năng Ngài. Chúng ta cũng vậy. Chẳng hạn, hãy xem xét công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va, trong đó có cả vũ trụ, với hàng tỉ thiên hà. Những lực vật lý cực mạnh mà Đức Giê-hô-va điều khiển cho thấy Ngài quả là Đấng Toàn Năng. Khi chiêm ngưỡng những kỳ quan sáng tạo, chúng ta không thể không đồng tình với Gióp, người đã nói về Đức Giê-hô-va: “Ai ngăn-trở Ngài được? Ai sẽ nói với Ngài rằng: Chúa làm chi vậy?” (Gióp 9:12) Thật thế, nếu Đức Giê-hô-va yểm trợ chúng ta, chúng ta không cần phải sợ bất cứ ai trong khắp vũ trụ.—Rô-ma 8:31.

8 Cũng hãy lưu ý đến Lời Đức Giê-hô-va, là Kinh Thánh. Nguồn khôn ngoan vô tận được Đức Chúa Trời soi dẫn này có uy lực giúp chúng ta từ bỏ các thói xấu và sống phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va. (Hê-bơ-rơ 4:12) Chính nhờ Kinh Thánh mà chúng ta biết được danh Đức Giê-hô-va và ý nghĩa sâu xa của danh Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14) Chúng ta hiểu rằng để hoàn thành ý định Ngài, Đức Giê-hô-va có thể trở nên bất kỳ ai Ngài muốn—một người Cha yêu thương, một Đấng Phán Xét công bình, hay một Chiến Binh toàn thắng. Chúng ta cũng thấy cách lời Ngài luôn trở thành hiện thực. Khi học hỏi Lời Đức Chúa Trời, chúng ta muốn thốt lên như người viết Thi-thiên: “Tôi tin-cậy nơi lời Chúa”.—Thi-thiên 119:42; Ê-sai 40:8.

9. Giá chuộc và sự sống lại của Chúa Giê-su củng cố niềm tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Giá chuộc là một lý do khác để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 20:28) Thật tuyệt diệu làm sao khi Đức Chúa Trời sai chính Con Ngài đến chịu chết để làm giá chuộc cho chúng ta! Và giá chuộc có hiệu lực thật mạnh mẽ. Nhờ nó, tội lỗi của tất cả nhân loại biết ăn năn và thành tâm trở lại cùng Đức Giê-hô-va đều được xóa bỏ. (Giăng 3:16; Hê-bơ-rơ 6:10; 1 Giăng 4:16, 19) Một phần trong việc trả giá chuộc là sự sống lại của Chúa Giê-su. Phép lạ đó, được hàng trăm người chứng kiến xác nhận, là một lý do nữa để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Nó bảo đảm niềm hy vọng của chúng ta sẽ không đưa đến thất vọng.—Công-vụ 17:31; Rô-ma 5:5; 1 Cô-rinh-tô 15:3-8.

10. Chúng ta có những lý do cá nhân nào để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

10 Trên đây chỉ mới là một vài lý do vì sao chúng ta có thể và nên hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, còn có nhiều lý do khác nữa, trong đó có cả những lý do cá nhân. Chẳng hạn, thỉnh thoảng tất cả chúng ta đều gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trong đời sống. Khi tìm cầu sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va để đối phó với những vấn đề đó, chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Ngài thiết thực biết bao. (Gia-cơ 1:5-8) Càng nương cậy nơi Đức Giê-hô-va bao nhiêu trong đời sống hàng ngày và thấy được kết quả tốt của việc đó, chúng ta sẽ càng tin cậy nơi Ngài bấy nhiêu.

Đa-vít tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

11. Đa-vít đã tin cậy Đức Giê-hô-va bất kể những hoàn cảnh nào?

11 Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa là một người tin cậy Đức Giê-hô-va. Ông bị đe dọa bởi Vua Sau-lơ, người muốn giết ông, và bởi đạo quân Phi-li-tin hùng mạnh đang tìm cách chinh phục Y-sơ-ra-ên. Thế nhưng ông vẫn sống sót và thậm chí chiến thắng. Tại sao? Chính Đa-vít giải thích: “Đức Giê-hô-va là ánh-sáng và là sự cứu-rỗi tôi: Tôi sẽ sợ ai? Đức Giê-hô-va là đồn-lũy của mạng-sống tôi: Tôi sẽ hãi-hùng ai?” (Thi-thiên 27:1) Chúng ta cũng sẽ chiến thắng nếu có lòng tin cậy tương tự nơi Đức Giê-hô-va.

12, 13. Làm thế nào Đa-vít cho thấy chúng ta nên tin cậy nơi Đức Giê-hô-va ngay cả khi những kẻ chống đối dùng lời lẽ để hại chúng ta?

12 Có lần Đa-vít cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy nghe tiếng than-thở tôi, gìn-giữ mạng-sống tôi khỏi sợ kẻ thù-nghịch. Xin Chúa giấu tôi khỏi mưu nhiệm của kẻ dữ, khỏi lũ ồn-ào của những kẻ làm ác, chúng nó đã mài lưỡi mình như thanh gươm, nhắm mũi tên mình, tức là lời cay-đắng, đặng từ nơi kín-giấu bắn vào kẻ trọn-vẹn”. (Thi-thiên 64:1-4) Không rõ điều gì đã khiến Đa-vít viết ra những lời này, nhưng chúng ta biết rằng ngày nay những kẻ chống đối cũng ‘mài lưỡi họ’ khi dùng lời lẽ như một vũ khí. Chúng dùng những lời nói hoặc bài viết xuyên tạc như “mũi tên” để “bắn” vào các tín đồ Đấng Christ vô tội. Nếu chúng ta có lòng tin cậy không lay chuyển nơi Đức Giê-hô-va, kết quả sẽ ra sao?

13 Đa-vít nói tiếp: “Đức Chúa Trời sẽ bắn chúng nó: thình-lình chúng nó bị tên thương-tích. Như vậy chúng nó sẽ vấp-ngã, lưỡi chúng nó nghịch lại chúng nó... Người công-bình sẽ vui-vẻ nơi Đức Giê-hô-va, và nương-náu mình nơi Ngài”. (Thi-thiên 64:7-10) Đúng vậy, dù kẻ thù mài lưỡi để hại chúng ta, nhưng rốt cuộc ‘lưỡi chúng sẽ nghịch lại chúng’. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho mọi sự việc đi đến kết quả tốt để những người tin cậy Ngài có thể vui vẻ nơi Ngài.

Sự tin cậy đúng chỗ của Ê-xê-chia

14. (a) Ê-xê-chia tin cậy nơi Đức Giê-hô-va trong hoàn cảnh nguy hiểm nào? (b) Làm thế nào Ê-xê-chia cho thấy ông không tin nơi những lời dối trá của người A-si-ri?

14 Một người khác nữa là Vua Ê-xê-chia đã quyết định đúng khi tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Trong triều đại của Vua Ê-xê-chia, đạo quân A-si-ri hùng hậu đe dọa Giê-ru-sa-lem. Đạo quân đó đã đánh bại nhiều nước. Chúng thậm chí đã đánh chiếm các thành của Giu-đa đến độ chỉ còn mỗi Giê-ru-sa-lem còn được tự do, và San-chê-ríp huênh hoang là ông cũng sẽ chinh phục thành này. Qua Ráp-sa-kê, ông tuyên bố—rất đúng—rằng tin nơi sự giúp đỡ của Ai Cập là vô ích. Nhưng sau đó ông nói: “Vua chớ để cho mình bị lừa bởi Đức Chúa Trời mà mình tin-cậy, nói rằng: Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng phó vào tay vua A-si-ri đâu”. (Ê-sai 37:10) Tuy nhiên, Ê-xê-chia biết Đức Giê-hô-va không lừa dối ông. Vì thế, ông cầu nguyện: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, vậy, bây giờ, xin Ngài cứu chúng tôi khỏi tay San-chê-ríp, hầu cho mọi nước trên đất đều biết chỉ một mình Ngài là Đức Giê-hô-va!” (Ê-sai 37:20) Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện của Ê-xê-chia. Trong một đêm, một thiên sứ đã giết 185.000 quân A-si-ri. Giê-ru-sa-lem được giải cứu, và San-chê-ríp vĩnh viễn rời khỏi đất Giu-đa. Tất cả những người đã nghe nói về sự kiện này đều nhận biết sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va.

15. Chỉ điều gì mới giúp chúng ta sẵn sàng đối phó với bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào có thể xảy ra trong thế giới bất ổn này?

15 Ngày nay, giống như Ê-xê-chia, chúng ta cũng đang ở giữa một cuộc chiến. Trận chiến của chúng ta là trận chiến theo nghĩa thiêng liêng. Dù là chiến binh về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng cần rèn luyện những kỹ năng cần thiết để sống sót. Chúng ta cần đoán trước các đòn tấn công và sẵn sàng chống trả. (Ê-phê-sô 6:11, 12, 17) Trong thế giới bất ổn ngày nay, tình hình có thể đột nhiên thay đổi. Nội chiến có thể thình lình nổ ra. Những nước có lịch sử ôn hòa về tôn giáo nay có thể trở nên quá khích. Chỉ khi có sự chuẩn bị cá nhân, như Ê-xê-chia, bằng cách vun trồng lòng tin cậy vững chắc nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta mới sẵn sàng đối phó với bất kỳ điều gì xảy ra.

Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có nghĩa gì?

16, 17. Làm thế nào chứng tỏ chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

16 Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va không chỉ là nói suông. Điều này bao hàm cả tấm lòng của chúng ta và được thể hiện qua hành động. Nếu tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ hoàn toàn tin Lời Ngài, Kinh Thánh. Chúng ta sẽ đọc Lời Ngài mỗi ngày, suy ngẫm và để nó hướng dẫn đời sống mình. (Thi-thiên 119:105) Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va cũng bao hàm việc tin chắc nơi quyền lực của thánh linh. Với sự giúp đỡ của thánh linh, chúng ta có thể vun trồng bông trái làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va đồng thời từ bỏ những thói xấu đã ăn sâu vào đời sống chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 6:11; Ga-la-ti 5:22-24) Thật thế, nhờ sự trợ giúp của thánh linh, nhiều người đã bỏ được thuốc lá hoặc ma túy. Số khác thì từ bỏ nếp sống vô luân. Đúng vậy, nếu tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta hành động với sức Ngài, chứ không bằng sức riêng mình.—Ê-phê-sô 3:14-18.

17 Ngoài ra, tin cậy nơi Đức Giê-hô-va cũng có nghĩa là tin nơi những người được Ngài tín nhiệm. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để chăm nom cho quyền lợi trên đất của Nước Trời. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Chúng ta không cố hoạt động độc lập và làm ngơ sự bổ nhiệm này, vì chúng ta tin cậy nơi sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, theo Phao-lô, thánh linh cũng bổ nhiệm các trưởng lão phục vụ trong hội thánh địa phương. (Công-vụ 20:28) Bằng cách hợp tác với sự sắp đặt về trưởng lão trong hội thánh, chúng ta cũng chứng tỏ mình tin cậy nơi Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 13:17.

Noi gương Phao-lô

18. Làm thế nào tín đồ Đấng Christ ngày nay noi gương Phao-lô, nhưng họ không tin cậy nơi đâu?

18 Sứ đồ Phao-lô phải đương đầu với nhiều áp lực trong thánh chức như chúng ta ngày nay. Vào thời ông, đạo Đấng Christ bị vu cáo trước nhà cầm quyền, và nhiều lúc ông đã nỗ lực bẻ bác những lời cáo gian đó, hoặc dùng pháp lý bênh vực công việc rao giảng. (Công-vụ 28:19-22; Phi-líp 1:7) Ngày nay, tín đồ Đấng Christ noi gương ông. Tại bất cứ nơi nào có thể làm được và bằng mọi phương tiện, chúng ta giúp người khác hiểu rõ hơn về công việc của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng cố gắng dùng pháp lý để bảo vệ và củng cố tin mừng. Tuy nhiên, chúng ta không hoàn toàn đặt sự trông cậy nơi những nỗ lực đó, vì chúng ta không nghĩ rằng sự thành công hay thất bại tùy thuộc vào việc thắng các phiên tòa, hay được nhận xét tốt. Thay vì thế, chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta ghi nhớ lời Ngài khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Các ngươi sẽ được sức-mạnh, là tại yên-lặng và trông-cậy”.—Ê-sai 30:15.

19. Khi bị bắt bớ, sự tin cậy của anh em chúng ta nơi Đức Giê-hô-va được đặt đúng chỗ như thế nào?

19 Trong lịch sử hiện đại, có lúc công việc của chúng ta bị ngăn cấm hoặc hạn chế ở Đông và Tây Âu, tại một số nơi ở Châu Á và Châu Phi, và ở một số nước Nam và Bắc Mỹ. Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta đã sai lầm khi tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? Không. Mặc dù đôi khi cho phép sự bắt bớ dữ dội xảy ra vì một lý do chính đáng nào đó, Đức Giê-hô-va yêu thương thêm sức cho những người chịu những bắt bớ đó. Qua đó, nhiều tín đồ Đấng Christ đã xây dựng được danh tiếng tuyệt vời về đức tin và lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời.

20. Mặc dù có thể được ích nếu có tự do về mặt pháp lý, chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ trong những phương diện nào?

20 Mặt khác, ở đa số các nước chúng ta đều được công nhận về mặt pháp lý, và đôi khi còn được giới truyền thông nhận xét tốt. Chúng ta biết ơn về điều này và công nhận rằng nó giúp phục vụ ý định Đức Giê-hô-va. Với sự chuẩn chấp của Ngài, chúng ta dùng sự tự do này không phải để nâng cao đời sống cá nhân, mà để hầu việc Đức Giê-hô-va nhiều hơn và rộng rãi hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ nhượng bộ trong việc giữ vị thế trung lập, giảm hoạt động rao giảng, hay hạn chế việc phụng sự Đức Giê-hô-va trong bất cứ phương diện nào chỉ để tạo cảm tình với nhà cầm quyền. Chúng ta là công dân của Nước Đấng Mê-si và hoàn toàn ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Niềm hy vọng của chúng ta không nằm nơi hệ thống mọi sự này mà là nơi thế giới mới, khi Nước Trời của Đấng Mê-si sẽ là chính phủ duy nhất cai trị khắp trái đất. Không có bom đạn, hỏa tiễn, hay vũ khí hạt nhân nào có thể làm lay chuyển hoặc lật đổ chính phủ đó khỏi trời. Đó là một nước bất khả chiến bại và sẽ hoàn thành ý định của Đức Giê-hô-va.—Đa-ni-ên 2:44; Hê-bơ-rơ 12:28; Khải-huyền 6:2.

21. Chúng ta quyết tâm theo đuổi đường lối nào?

21 Phao-lô nói: “Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư-mất đâu, bèn là kẻ giữ đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi”. (Hê-bơ-rơ 10:39) Vậy, mong sao tất cả chúng ta đều trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến cuối cùng. Chúng ta có mọi lý do để hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va bây giờ và cho đến mãi mãi.—Thi-thiên 37:3; 125:1.

Bạn học được gì?

• Tại sao Giô-suê và Ca-lép báo cáo khả quan?

• Vì những lý do nào chúng ta nên hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va?

• Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có nghĩa gì?

• Vì tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm theo lập trường nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Tại sao Giô-suê và Ca-lép báo cáo khả quan?

[Các hình nơi trang 16]

Sự sáng tạo cho chúng ta lý do vững chắc để tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

[Nguồn tư liệu]

Cả ba hình: Courtesy of Anglo-Australian Observatory, photograph by David Malin

[Hình nơi trang 18]

Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có nghĩa là tin nơi những người được Ngài tín nhiệm